TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Công Bố Trên Mái Nhà

Thứ ba - 12/10/2021 19:10 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   917
“Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra. Không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết” (Lc 12,1-2).
Công Bố Trên Mái Nhà

CÔNG BỐ TRÊN MÁI NHÀ

“Cây kim giấu trong bọc lâu ngày cũng sẽ lộ ra”. Ngẫm lời cha ông chúng ta xưa để nhớ lời Chúa Giêsu: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra. Không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết” (Lc 12,1-2). Người ta có thể qua mặt một người nhiều lần, qua mặt nhiều người một vài lần, nhưng khó có thể qua mặt nhiều người nhiều lần. Và chắc chắn không một ai có thể qua mặt được Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn tâm can (x.Mt 6).

Tin Mừng ngày thứ Sáu sau Chúa Nhật XXVIII TN tường thuật lời cảnh báo của Chúa Giêsu trước lối sống giả hình, gian dối. Nhưng rồi tiếp liền sau đó Người dạy chúng ta rằng để giúp nhau tránh được thứ “men gian dối, giả hình” ấy thì hãy can đảm rao truyền sự thật. Hãy công khai loan báo lời chân lý. Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không làm gì được linh hồn. Hãy vững tin vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng chăm sóc chúng ta đến cả từng sợi tóc trên đầu (x.Lc 12,4-7).

Mục sư Martin Luther King, nhà hoạt động cho nhân quyền, đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964 đã từng nói: “Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của những người xấu mà còn cả vì sự im lặng của những người tốt”. Qua miệng ngôn sứ Isaia Thiên Chúa đã gọi các mục tử không biết mở miệng nói lời chân lý là “lũ chó câm, không biết sủa” (Is 56,10). Ngôn sứ Êdêkiel đã minh nhiên lời dạy của Thiên Chúa: “Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta nói cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, thì Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,8).

Quả thật đã là người thì ai cũng ngại ngần khi phải nói lời sự thật. Sự thật thì dễ mất lòng. Và thật khó tránh được sự khiếp hãi khi phải công khai những sự thật xấu xa của những người quyền cao chức trọng ngoài xã hội và cả trong Giáo hội. Tuy nhiên nếu biết sống tình liên đới thì nhờ ơn Chúa giúp chúng ta có thể dần dần vượt qua. Trước hết khi biết rằng chính dân chúng, nhất là những người nghèo, người kém phận là những người gánh lấy hậu quả của sự gian dối do tha nhân, đặc biệt là giới giàu có, đủ đầy quyền chức gây ra. Và khi biết liên đới với những thân phận thấp hèn ấy thì Thiên Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta can đảm công bố sự thật.

Ngoài ra chúng ta cũng phải biết xót thương cả những người đang gieo rắc “men dối gian, giả hình”. Vì chính họ cũng phải gánh lấy hậu quả có thể ngay ở đời này khi mà “cái kim trong bọc” lộ ra, và nhất là họ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa, Đấng đầy lòng xót thương nhưng cũng công bình vô cùng. “Điều anh em nghe rỉ tai thì hãy lên mái nhà mà rao giảng” (Mt 10,26). Và Chúa Giêsu cũng đã khẳng định với chúng ta rằng hãy xem cách thế mà anh em nghe biết sự thật. Nếu chúng ta có chút tấm lòng với tha nhân trong tình liên đới thì “ai có sẽ cho thêm và ai không có thì ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy mất” (Mt 13,12).

Vấn đề đặt ra là bằng phương thế nào chúng ta có thể chu toàn nhiệm vụ sứ ngôn đã lãnh nhận từ khi chịu bí tích Thánh Tẩy. Bên cạnh nhiều phương pháp đáng áp dụng, thiển nghĩ rằng không gì hơn hãy tập luyện cách tiệm tiến. Nghĩa là tập công bố sự thật từ việc nhỏ đến việc lớn, từ chuyện có va chạm ít đến chuyện có va chạm nhiều. Phương pháp tiệm tiến là phương pháp khá hữu hiệu trong nhiều lãnh vực nhất là việc vượt qua các nỗi sợ hãi. Tiếp đến khi công bố sự thật thì cần có thái độ khiêm nhu nhìn nhận cả khiếm khuyết và lầm lỗi của chính mình, của tập thể mình. Khi biết “trách kỷ” thì chúng ta sẽ mạnh dạn hơn để biết “trách nhân”. “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Kinh nghiệm của cha ông mãi vẫn hữu dụng cho con cháu.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây