TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ngày Lễ Vu Lan – NVMN 22.8.2021

Thứ năm - 19/08/2021 21:27 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   1423
Tháng bảy Vu Lan lại về / Lòng con thương nhớ khôn nguôiBông hồng ai đặt mộ mẹ / Nén hương ai thắp mộ cha?
Ngày Lễ Vu Lan – NVMN 22.8.2021
Ngày Lễ Vu Lan – NVMN 22.8.2021
 
Niềm Vui Mỗi Ngày

“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4
 
NVMN 22.8.2021

Ngày Lễ Vu Lan

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

          Tháng 7 mưa ngâu
          Như giọt lệ sầu
          Lăn dài trên má
         Thương nhớ mẹ cha.

Lễ Vu Lan, còn gọi là lễ báo hiếu là một trong các ngày lễ của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành của cha mẹ, tổ tiên của kiếp này và cả những kiếp trước.

Ngày lễ Vu Lan, nhằm ngày rằm tháng 7 âm lịch hằng năm, trùng với ngày Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Năm 2021, nhằm ngày Chúa Nhật 22 tháng 8.

Ngày lễ Vu Lan ra đời theo sự tích Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.

Theo kinh Vu Lan, Mục Kiền Liên sau khi tu luyện thành công, ông nhớ mẹ là bà Thanh Đề đã qua đời nên dùng mắt phép để tìm bà khắp thế gian, ông thấy bà bị đày thành Ngạ quỷ (quỷ đói), bị đói khát hành hạ, vì những việc ác trong các kiếp luân hồi của bà. Đau lòng vì mẹ bị đày đọa, ông hóa phép thành thức ăn dâng lên mẹ nhưng tất cả thức ăn đều biến thành lửa đỏ trước miệng mẹ.

Mục Kiền Liên cầu cứu lên Phật Tổ, Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu, chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Phật cũng dạy thêm rằng: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Theo lời Phật dạy Mục Kiền Liên đã cứu được mẹ mình và từ đó ngày lễ Vu Lan báo hiếu ra đời.

Ở Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức bông hồng cài áo. Đây là nghi thức khởi xướng bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh trong cuốn sách “Bông Hồng Cài Áo” viết năm 1962. Những ai may mắn còn cha mẹ sẽ được cài bông hồng đỏ và một bông hồng trắng cho những ai cha mẹ đã đi vào cõi luân hồi. Các tu sĩ mượn thân cha mẹ để phổ độ chúng sinh, họ cài bông hồng màu vàng để thể hiện lý tưởng cao quý này. 

Bông hồng được xem là vua các loại hoa, là biểu tượng của tình yêu, sự cao quí, ngát hương. Bông hồng cài trên ngực áo thể hiện những tình cảm tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất của người con dành cho cha mẹ mình. (1)

         Bông hồng trắng tặng cha
         Bông hồng đỏ tặng mẹ
         Cây nến vàng dâng Chúa
         Lệ sa một kiếp người.

Ngày lễ Vu Lan tôi nhớ đến những lời của thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Êphêxô: “Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa, vì đó là điều phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi. Lệnh truyền ấy là lệnh truyền thứ nhất”.(Ep 6,1-2).

Thảo kính cha mẹ là lệnh truyền thứ nhất trong đạo yêu người. Trong  Mười Điều Răn, được Thiên Chúa ban cho dân Ítraen qua trung gian ngôn sứ Môsê, chia làm hai phần: Mến Chúa và yêu người. Phần đầu gồm 3 điều dạy ta phải kính thờ Thiên Chúa cách tuyệt đối. Phần sau nói về bổn phận đối với tha nhân và đối với chính mình, gồm 7 điều, trong đó điều đầu tiên là: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi” (Xh 5,16).

“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi”. (Xh 20,12)

Điều này được nhấn mạnh một lần nữa trong sách Đệ Nhị Luât:

“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi”. (Đnl 5,16)
 
Hay như ở sách Huấn ca:

“Hỡi các con, hãy nghe luật nghiêm phụ,
hãy xử sao để được độ sinh.
Vì Chúa đặt vinh quang người cha ở trên con cái
và để quyền người mẹ vững chãi lướt hẳn đàn con.
Kẻ tôn kính cha thì được xoá lỗi lầm,
và trọng kính mẹ thì khác gì tích trữ bảo tàng.
Kẻ kính sợ Chúa sẽ tôn kính cha,
nó sẽ làm tôi các bậc sinh thành nó như chủ của nó.
Nơi việc làm và nơi lời nói, con hãy tôn kính cha con,
ngõ hầu mọi chúc lành đổ xuống trên con.
...
Hỡi con, hãy chăm sóc cha con lúc tuổi già.
Lúc người sinh thời, chớ làm người sầu tủi.
Trí khôn người có suy giảm, con cũng nể vì.
Đừng nhục mạ người, thời con đang sức.
Vì việc nghĩa con làm cho cha sẽ không bị xoá,
nó sẽ đắp điếm các lỗi lầm.
Vào ngày bĩ cực, công việc của con sẽ được nhớ đến,
như băng giá khi trời tối, tội con sẽ tan đi.
Kẻ bỏ bê cha là lộng ngôn phạm đến Chúa,
Kẻ khinh bỉ mẹ là chọc giận Đấng tạo thành ra nó”.
                                                                     (Hc 3,1-16)

Hoặc sách Cách Ngôn:

“Con ơi giữ lấy lời cha,
Chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm.
Đèn soi trong chốn tối tăm,
Ấy là chính những lời răn lệnh truyền.
Và lời dạy dỗ nhủ khuyên,
Ví như ánh sáng dịu hiền toả lan.
Còn lời khiển trách can ngăn,
Chính là sự sống là đàng con đi.”
                                               (Cn 6,20-2)

Và hôm nay, ngày rằm tháng bảy lại đến:

           Tháng bảy Vu Lan lại về
           Lòng con thương nhớ khôn nguôi
           Bông hồng ai đặt mộ mẹ
           Nén hương ai thắp mộ cha?
           Con nơi viễn xứ xa nhà
           Chuông lòng vọng tiếng thiết tha.
           Mẹ ơi tháng ngày thương nhớ
           Cha ơi năm tháng mõi mòn!
                          (Tháng Bảy Vu Lan)


Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...

                                                                                   Nguyễn Thái Hùng

+++++++++++++++

https://vi.wikipedia.org/wiki/Vu-lan
   https://www.dienmayxanh.com/kinh-nghiem-hay/le-vu-lan-bao-hieu-la-ngay-nao-trong-nam-1185804

 

 
 Tags: nvmn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây