TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ngày Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm - NVMN 

Chủ nhật - 11/04/2021 04:02 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   1362
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Ngày Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm - NVMN 

 

 

Niềm Vui Mỗi Ngày
 
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4


Mùng 3 Tết Tân Sửu

 

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.

Ngày Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm.

 
Trong thánh lễ ngày 01.5.2020, lễ Thánh Giuse Thợ, Ngày Quốc tế Lao động, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Từ ‘công việc’ là từ Kinh Thánh dùng để diễn tả hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm và giao hoạt động này cho con người. Chính con người phải làm việc để cùng với Thiên Chúa sáng tạo cho thế giới này” (1).
 
Hội Thánh Công Giáo Việt Nam dành ngày mùng Ba Tết để “thánh hoá công ăn việc làm”, muốn nói lên một mối tương quan đầy tràn yêu thương giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo. Sau khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa đã trao trách nhiệm cho con người cai quản và làm cho vũ trụ ngày càng xinh đẹp hơn (x. St 1-2).
 
Và ngày hôm nay, trước nhan Thiên Chúa đầy lòng yêu thương, con người trình lên Ngài mọi công ăn việc làm trong năm, xin Ngài ban phúc lành và soi sáng giúp đỡ, để mọi công việc được phù hợp với thánh ý Ngài.
 
Công việc của mỗi người, có thể là tay chân, trí óc hay tâm linh (Kết hiệp với Chúa, và từ đó, ân sủng được triển nở). Công việc nào cũng mang ý nghĩa quan trọng như Thánh Công đồng Vatican II nói: “Trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình họ tiếp nối công trình của Tạo hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao của mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử” (Hiến chế Gaudium et Spes, số 34).
 
Một mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta trong công việc đó là Chúa Giêsu và thánh Giuse.
 
Chúa Giêsu và thánh Giuse đã làm gì?
 
Tại Nadarét, thánh Giuse làm nghề tektôn (x. Mt 13,55). Thánh sử Mátthêu gọi Chúa 
Giêsu là con của một tekton (τέκτων) (Mt 13,55), còn Máccô thì gọi Chúa Giêsu chính là một tekton (Mc 6,3). 
 
Từ Hy-lạp tekton thường được dịch theo nghĩa hẹp là “thợ mộc”, nhưng nghĩa rộng hơn (tek là nguồn gốc các từ technical, technology chỉ kỹ thuật công nghệ) có thể bao gồm những người chế tạo vật dụng từ nhiều vật liệu khác nhau không chỉ là 
gỗ; có thể bao gồm cả thợ xây, nhà điêu khắc, kiến trúc sư... (2).
 
Giáo sư James D. Tabor, một học giả Kinh Thánh, gợi ý rằng “người xây dựng” hay ‘thợ xây đá” sẽ là một cách dịch tốt hơn cho từ téktōn của Hy Lạp trong trường hợp của Chúa Giêsu, vì những lý do rất cụ thể. Một mặt, lời rao giảng của Chúa Giêsu thường sử dụng các phép ẩn dụ được truyền cảm hứng từ việc xây dựng: Ngài thường nói đến “đá góc tường” (Mt 21,24) và “nền móng vững chắc” (Lc 6,48). Ngoài ra, với thực tế là khu vực nơi Chúa Giêsu sống và chết không thực sự phong phú về cây cối, và hầu hết các ngôi nhà trong thời của Ngài đều được xây bằng đá, vì vậy nghĩ rằng Chúa Giêsu và Thánh Giuse có thể đã làm việc trong ngành xây dựng thì có lý hơn (3).
 
Còn học giả Kinh Thánh Géza Vermes, người Hungary, cho rằng có thể téktōn của Hy Lạp tương đương với naggara trong tiếng Aram. Vermes lập luận, trên thực tế khi Kinh Talmud gọi ai đó là “thợ mộc”, thì đó có thể ám chỉ một người đàn ông rất uyên bác. Thế thì, điều này có nghĩa là các tác giả của các sách Tin Mừng muốn chỉ ra rằng Thánh Giuse (và cả Chúa Giêsu) là một người đàn ông thông thái, người không chỉ khôn ngoan mà còn là người giỏi chữ nghĩa Kinh Torah, chứ không có ý nói đến công việc làm ăn của Ngài (4).
 
Ba mươi năm, Chúa Giêsu âm thầm làm việc tại làng Nadarét. Nhất là sau khi thánh Giuse qua đời, Chúa Giêsu phải là trụ cột chính của gia đình. Ngài phải bảo đảm cuộc sống cho mình và Mẹ Maria. Chính tại Nadarét, “Chúa Giêsu đã học nơi Thánh Giuse được giá trị, phẩm giá và niềm vui của việc ăn miếng bánh là thành quả lao động của chính mình” (5). Ngài trở nên gương mẫu cho con người khi lao động.
 
Lạy Chúa, xin cho chúng con có được công việc để có thể lo cho cuộc sống xứng đáng phẩm giá làm con Chúa.
 
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...
 
                                                                                   Nguyễn Thái Hùng

 
 
+++++++++++++

 
(1) https://www.vaticannews.va/vi/pope-francis/mass-casa-santa-marta/2020-05/dtc-phanxio-01-5-lao-dong-on-goi-dau-tien.html.
(2) https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1nh_Giuse
(3) http://gpbanmethuot.com/giao-duc-kito-giao/chua-giesu-va-thanh-giuse-co-thuc-su-la-tho-moc-khong-57544.html
(4) http://gpbanmethuot.com/giao-duc-kito-giao/chua-giesu-va-thanh-giuse-co-thuc-su-la-tho-moc-khong-57544.html
(5) https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-thu-patris-corde-nhan-ky-niem-150-nam-ton-vinh-thanh-giuse-la-bon-mang-hoi-thanh-41101
 
 Tags: nvmn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây