Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 15/04/2021 10:42 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
628
Chúng con xin tạ ơn Chúa vì “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1).
Nhật Ký 21 Ngày Đêm Cách Ly Trong Bệnh Viện (Hết)
Ngày thứ 21
Thứ Hai, ngày 24 tháng 8
Một tuần mới bắt đầu với bao hy vọng mới.
Trông Nó hớn hở và vui sướng vì ngày về đang tới gần. Lòng tôi cũng hân hoan.
Cùng với Chúa Giêsu, một ngày mới chúng ta sẽ làm gì?
Đọc Tin Mừng, trước những sự kiện quan trọng, Chúa dành thời gian để cầu nguyện, như trước khi ra mắt con cái Ítraen, Chúa vào hoang địa ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày (Mt 4,1-11), trước khi chọn các tông đồ (Mc 3,13-19), trước cuộc khổ nạn thương đau (Lc 22,41-46)...
Khi tai nạn xảy đến, hoặc trước cuộc phẫu thuật, gia đình cũng chạy đến cầu khẩn cùng Chúa, cũng như xin lời cầu nguyện của nhiều người.
Nhưng cầu nguyện là gì?
Cầu nguyện là hiện diện trong tình yêu của Thiên Chúa.
Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa.
Cầu nguyện là hiệp thông với Chúa...
Với những tâm tư nào?
Với tâm tình thờ lạy.
Với tâm tình chúc tụng.
Với tâm tình tạ ơn.
Với tâm tình sám hối.
Với tâm tình cầu xin.
Nhưng thế nào?
Đọc những lời kinh quen thuộc. Hát thánh ca. Suy niệm. Chiêm niệm.
Đó là học lý.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta được bao bọc bởi ân sủng của Thiên Chúa, mọi sự diễn ra dưới ánh mắt thương yêu của ngài. Lời cầu nguyện rất dễ dàng.
Còn trong đau thương, chúng ta cầu nguyện thế nào?
Bao học lý chẳng còn hiện hữu. Đau thương xảy đến chỉ còn biết bám víu vào Chúa từ nhân và Mẹ hay thương xót. Những tâm tình chẳng còn gì ngoài tâm tình phó thác. Chỉ còn lại những lời kinh quen thuộc. Tôi chỉ nhớ có lời kinh Mân Côi dâng lên Mẹ, xin Mẹ gìn giữ, che chở và nâng đỡ chúng con.
Không có thánh lễ cộng đồng. Chỉ có thánh lễ online. Không Thánh Thể. Chỉ có hiệp lễ thiêng liêng. Đây là điều mất mát lớn cho những người đang đau khổ. Đang cần sự đỡ nâng.
Như ông Gióp, bám chặt vào Thiên Chúa dẫu không biết gì hơn.
Trong bệnh viện, không tìm đâu được biểu tượng của đức tin. Chỉ có đức ái biểu hiện nơi mọi người, nói lên sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Khi có thời gian rảnh rỗi, tôi tìm một chỗ có không khí để thở. Trong mùa Covid này, ngoài giờ qui định: Sáng từ 6 đến 7 giờ, trưa từ 10g30 đến 12 giờ, chiều từ 17g đến 19giờ cửa được mở để mọi người chăm sóc đi lại. Ngoài giờ này cửa khóa từ bên trong.
Tôi thường ra phía sau tầng 3 tòa nhà, nhìn về phía siêu thị Metro, có những ô cửa sổ bị phá tấm lưới chắn để các “con nghiện” thuốc lá nhả khói khi thèm thuốc.
Nhìn về phía nam, cột quảng cáo của Metro trở thành một cây thánh giá. Biểu tượng đức tin của những người tin theo Chúa.
Tìm ra biểu tượng “thánh giá” này cũng là niềm an ủi trong đau thương.
Khi thấy Nó đau đớn, mẹ Nó như đứt từng khúc ruột. Và nàng nhớ đến Mẹ Maria. Còn tôi, lại nhớ đến hình ảnh tổ phụ Ápraham trong trình thuật hiến tế con mình (St 22,1-18) đầu tiên.
Khi Thiên Chúa đòi tổ phụ Ápraham biểu lộ tình yêu với Ngài bằng cách hiến tế con mình. Ông một mực vâng theo. Không chất vấn tương lai lời hứa thế nào. Ixaác, đứa con duy nhất, đứa con thừa tự, đứa con của tuổi già mà ông bao thương mến. Lòng ông đau như cắt khi thấy Ixaác vác củi lên núi để đốt của lễ. Mỗi bước chân lên núi là vạn mũi kim đâm thấu lòng cha. Ông vẫn hiên ngang bước đi với niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa. Mọi sự đều tốt đẹp dưới ánh mắt yêu thương của Ngài.
Ixaác là hình ảnh tiên trưng của Chúa Giêsu.
Đức Giêsu, Con Một yêu dấu của Thiên Chúa, được Thiên Chúa ban cho trần gian. Nhưng con người không muốn đón nhận. Họ bắt Chúa Giêsu. Họ đánh đập Ngài. Họ kết án Chúa. Họ bắt Ngài vác thập giá lên Đồi Sọ. Và cuối cùng họ đóng đinh Ngài vào thập giá.
Thử hỏi Chúa Cha có đau không?
Ngài có thấy thảm cảnh Con Duy Nhất yêu dấu của mình bị con người hành hạ cách bất công không?
Ngài có cảm thấy từng khúc ruột đứt ra khi Con mình chịu đau đớn không?
Tôi nghĩ, chí ít, Chúa Cha cũng đau khổ như Mẹ Maria và như chúng ta. Ngài cũng đau đớn vật vã như Mẹ Maria ôm xác Con. Ngài cũng khóc khi thấy Con bị đối xử cách tàn bạo. Nhưng vì yêu con người, Ngài chấp nhận tất cả.
Đó là cái giá của việc con người không nghe lời Chúa, con người xúc phạm đến Ngài. Cái giá Con Thiên Chúa phải chịu khổ hình thập giá để trả lại địa vị làm con của Thiên Chúa mà nguyên tổ đã đánh mất.
Ôi Thiên Chúa tình yêu, xin thương xót chúng con.
Được thông báo ngày mai sẽ trở về, lòng Nó tràn ngập niềm vui.
Chỉ còn đêm nay nữa thôi. Một đêm trắng với bao mộng đẹp.
Với Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Ngài.
Ngày thứ 22
Thứ Ba, ngày 25 tháng 8
Ngày mới với những tia nắng bình minh làm cho tâm hồn ấm áp và đầy niềm vui.
Hôm nay, được về nhà, Nó vui mừng hớn hở.
Thế là 21 ngày đêm đã qua.
Một ngày mới cùng với Chúa Giêsu.
Khi đau thương con đã kêu cầu Chúa như lời Thánh vịnh:
“Lạy Chúa, xin nghe lời con cầu khẩn,
tiếng con kêu, mong được thấu tới Ngài.
Buổi con gặp gian truân, xin Ngài đừng ẩn mặt,
trong ngày con cầu cứu, xin Ngài lắng tai nghe
và mau mau đáp lời.” (Tv 102,2-3)
Và xin Ngài thương cứu chữa:
“Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.” (Tv 103,2-3)
Bởi vì: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103,8)
Và hôm nay chúng con:
“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118,1)
Trong 21 ngày đêm, tôi luôn tự hỏi: Thời gian là gì?
Thời gian không là quá khứ. Thời gian chẳng là tương lai. Thời gian là vĩnh cửu. Thời gian là của Chúa. Vậy, thời gian là gì?
Thời gian là hiện tại.
Dấu chỉ hiện tại với tôi/bạn là gì?
Mỗi biến cố xảy ra có ý nghĩa gì với tôi/bạn trong lúc này?
Mẹ Nó luôn nói: “Chúa ôm Nó vào lòng, Chúa ôm Nó vào lòng”.
Chúng con xin tạ ơn Chúa vì “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1).