Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 15/04/2021 10:54 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
632
Tiếng chuông thức tỉnh con người. Tiếng chuông thức tỉnh tâm linh. Tiếng chuông mời gọi con người từ bỏ những mê đắm trần gian.
Những Tiếng Chuông... Trưa
Mỗi lần đi ngang qua Tòa Giám Mục Banmêthuột, vào khoảng trưa, tôi thường nghe những tiếng chuông vang lên. Tiếng chuông trưa này làm cho ký ức tôi trở lại những kỷ niệm tuổi thơ.
Ngay từ khi bước chân vào lớp Đệ Thất (bây giờ là lớp 6) của mái trường Lê Bảo Tịnh thân yêu, tôi đã được nghe những tiếng chuông này rồi.
Từng hồi chuông mời gọi con người hướng lên trời cao.
Tiếng chuông thức tỉnh con người. Tiếng chuông thức tỉnh tâm linh. Tiếng chuông mời gọi con người từ bỏ những mê đắm trần gian. Tiếng chuông mời gọi mọi người buông bỏ những tham - sân - si. Ôi! Tiếng chuông ngọt ngào của một thời mơ ước.
Tôi đã nghe tiếng chuông đó suốt 12 năm trường, từ năm 1972 đến 1983. Tiếng chuông như thấm vào da thịt. Tiếng chuông như một phần của thân thể. Và nhiều lúc, ngay trong những giấc mơ, cả những lúc đêm tối đang tới, tôi vẫn nghe bên tai tôi tiếng chuông trưa dội lại. Ôi! Tiếng chuông của đời tôi.
Tiếng chuông lan xa nhưng thời gian đọng lại. Tiếng chuông tan đều trong máu thịt tôi. Tếng chuông vang dội đủ bốn mùa: Xuân Hạ Thu Đông. Dù nắng gắt, tiếng chuông vẫn vang lên. Dù mưa bão, tiếng chuông vẫn vang xa. Xa cho mãi tới cuối chân trời mới. Xa cho mãi tới cuối... cuộc đời. Ôi! Tiếng chuông của đời người.
Có lẽ hôm nay, chúng ta chẳng còn nghe được tiếng chuông trưa này nhiều nữa. Có chăng, chỉ còn lại trong các Chủng viện, Dòng tu?
Nhưng tiếng chuông trưa là gì?
“Hằng ngày, xưa nay nơi các nhà Dòng, Tu viện, nơi các họ đạo có tập tục đạo đức đọc Kinh Truyền Tin vào lúc 12.00 giờ trưa.
Vào lúc 12.00 giờ trưa ngày Chúa nhật hằng tuần, Đức Giáo Hoàng từ cửa sổ phòng làm việc tại Vatican, đọc Kinh Truyền Tin với toàn thể khách hành hương tụ tập nơi quảng trường đền thờ Thánh Phêrô.
Vậy đâu là ý nghĩa đạo đức thần học cùng lịch sử truyền thống Kinh Truyền Tin?
Theo truyền thuyết thuật lại, ngay từ thế kỷ thứ nhất, sau khi Chúa Giêsu về trời, các tín hữu Chúa đầu tiên đã cầu nguyện nhiều lần trong một ngày. Rồi các Tu sĩ Dòng cũng có tập tục đọc kinh cầu nguyện. Những tập tục đạo đức này mở đường dẫn đến tập tục đọc Kinh Truyền Tin.
Năm 1274, Thánh Bonaventura, dòng Phanxicô, đã cùng với các Tu sĩ nhà Dòng lập ra tập tục đọc Kinh Truyền Tin vào buổi chiều với ba kinh Kính mừng Maria, đang khi kéo chuông báo tin vui.
Đức Giáo Hoàng Gioan XXII, năm 1318, đã truyền khi đọc Kinh Truyền Tin chào kính mừng Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, phải qùi gối lúc đọc kinh Kính mừng Maria cùng đổ những hồi chuông.
Đức Giáo Hoàng Calixtus, năm 1456, đã truyền đọc Kinh Truyền Tin hằng ngày, vào buổi trưa, với ba lời Kinh Kính Mừng cùng Kinh Lạy Cha, để cầu xin Thiên Chúa gìn giữ, che chở cho đạo Kitô giáo thời lúc đó đang trong hoàn cảnh bị hoàng đế Mohamed II đe dọa xâm chiếm tiêu diệt.
Năm 1545, Thánh Ignatius, Dòng Tên, đã thành lập tập tục cầu nguyện đọc kinh Kính Mừng ba lần, có đổ chuông ba lần trong ngày sáng, trưa và chiều tối.
Năm 1571, Đức Giáo Hoàng Pius V đã quyết định công thức Kinh Truyền Tin như hiện đang có trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.
Ngày 22.10.1978, Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, lần đầu tiên đã cầu nguyện đọc Kinh Truyền Tin công khai với giáo dân ở quảng trường đền thờ Thánh Phêrô.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, và đức đương kim giáo hoàng Phanxicô, tiếp tục truyền thống này vào các ngày Chúa nhật cùng lễ trọng trong Giáo hội.
Kinh Truyền Tin diễn tả mầu nhiệm Nhập Thể của Thiên Chúa từ trời cao xuống trần gian làm người.
Kinh Truyền Tin chứa đựng nội dung chính những lời Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel hiện đến báo tin với Đức Mẹ Maria, như Thánh sử Luca viết thuật lại (Lc 1, 26-38), và cao điểm lời kinh, “chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người, và ở cùng chúng ta” như Thánh sử Gioan viết trong phúc âm (Ga 1,4).
Ba lần trong ngày, Giáo hội Chúa cầu nguyện đọc Kinh Truyền Tin, muốn tuyên xưng nói lên ý nghĩa về căn bản đức tin Công Giáo:
Kinh Truyền Tin với những hồi chuông vào buổi sáng lúc 06.00 hay 07.00 giờ, nhắc nhớ đến sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô mang ơn cứu chuộc cho trần gian.
Kinh Truyền Tin lúc 12.00 giờ trưa, với những hồi chuông đổ, nhắc nhớ đến Sự Thương Khó Đau Khổ của Chúa Giêsu Kitô đã gánh chịu vì tội lỗi con người.
Kinh Truyền Tin vào buổi chiều tối, với những hồi chuông để nhắc nhớ đến biến cố Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xuống trần gian làm người trong cung lòng Đức Mẹ Maria bởi quyền năng Đức Chúa Thánh Thần.
Từ thế kỷ 17, kinh Truyền Tin đọc lúc buổi chiều tối, còn có thêm ý chỉ tưởng nhớ cầu cho những người đã qua đời.
Kinh Truyền Tin kết thúc bằng lời khẩn cầu tràn đầy lòng tin tưởng:
“Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời thánh thiên thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là Con Chúa đã xuống thế làm Người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.”
Con người ngày hôm nay sống trong xã hội văn minh tiến bộ với những thành qủa phát minh mới đầy ngạc nhiên về khoa học kỹ thuật trong các phương diện, mang lại những tiện nghi cho đời sống. Nhưng dẫu vậy, con người cũng luôn luôn chạm tới biên giới của khả năng, cảm thấy sự bất lực không vượt qua được sự hạn hẹp của mình.
Là con người có lòng tin tưởng vào quyền năng thiêng liêng cao cả trong thâm tâm sâu thẳm nhận ra mình vẫn luôn hằng lệ thuộc vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và gìn giữ che chờ đời sống mình.
Với lòng cậy trông trong mọi hoàn cảnh con đường đời sống, họ dâng lên Thiên Chúa tình yêu, qua lời cầu nguyện, những lo âu buồn phiền của mình, cùng cả những khó khăn của nhân loại. (http://www.vietcatholic.com/News/Html/258937.htm)
Để nhớ lại những ký ức tuổi thơ tươi đẹp, chúng ta có thể dừng lại đôi phút, vào lúc 12 giờ trưa hằng ngày, trên con đường Trần Hưng Đạo bên cạnh Tòa Giám Mục, dưới những bóng cây, trong làn gió thu về lành lạnh, lắng nghe bao kỷ niệm ước mơ ùa về trong tiếng chuông ngân vang. Tiếng chuông của ước mơ. Tiếng chuông của hoài niệm. Tiếng chuông của con người. Tiếng chuông của mỗi người. Tiếng chuông của chúng ta, những con người yêu mến thánh tổ phụ Phaolô Lê Bảo Tịnh.