TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phải thật sự sám hối…

Thứ tư - 01/12/2021 06:21 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1225
“Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-dan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (x.Lc 3, 3).
Phải thật sự sám hối…

Chúa Nhật – II – MV – C
Phải thật sự sám hối…

“Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời. Người hẹn cùng tôi, ngày về khi đất nước yên vui. Quỳ lạy Mẹ Maria, lòng Mẹ từ bi bao la. Tấu khúc nhạc lên, xin ơn trên ban cho nhà Nam”. Đây là lời bài ca “Mùa sao sáng”, tác giả: Nguyễn Văn Đông.

Vâng, bài ca đã làm say mê hàng triệu triệu khán thính giả trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Và, hôm nay, lại hàng triệu triệu người đang vui mừng đón chào một “mùa sao sáng” mới.

Với người đời thì, mùa-sao-sáng chỉ như một mùa lễ hội, và cũng chỉ đến 25/12 là coi như đi vào lãng quên. Nhưng, với người Ki-tô hữu thì không. “Mùa sao sáng” của người Ki-tô hữu kéo dài suốt cả cuộc đời mình.

Vì sao? Thưa, là bởi, mùa-sao-sáng không chỉ là mùa “kỷ niệm ngày Chúa Giê-su xuống thế làm người, để chuộc tội cho thiên hạ”, nhưng còn là mùa nhắc nhở người tín hữu nhớ đến ngày Đức Giê-su sẽ đến thế gian lần thứ hai, ngày “Người lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Và, đó là lý do chúng ta nói “kéo dài suốt cả đời mình”.

Chúng ta có bốn tuần của mùa sao sáng, nói theo ngôn ngữ phụng vụ, đó là bốn tuần của Mùa Vọng. Với bốn tuần để người tín hữu nhìn lại hành trình cuộc sống đức tin của mình. Vâng, nhìn lại để còn kịp thời gian “sám hối”, nếu cần. Mà, có ai trong chúng ta lại không cần sám hối nhỉ!

Giáo Hội, suốt chiều dài lịch sử, luôn kêu gọi người tín hữu sám hối. Và, sự sám hối mà Giáo Hội muốn mời gọi người tín hữu hôm nay thực thi, không có gì xa lạ, đó chính là những lời ông Gio-an đã mời gọi, xưa kia.

**
Ông Gio-an là ai? Và, ông đã mời gọi mọi người sám hối như thế nào? Vâng, trước hết chúng ta cùng lược sơ về thân thế của ông. Theo truyền thống, ông còn được gọi là Gio-an Tiền Hô. Còn theo Kinh Thánh cho biết, ông là con của ông Dacaria, một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, và bà Elisabeth cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon. Mẹ của ông “tuy là người hiếm hoi… và đã cao niên”, nhưng Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của cha ông là Dacaria, đã cho ông ra đời cách đặc biệt.

Sau khi sinh được tám ngày, lúc ông Gioan chịu phép cắt bì và đặt tên, thì Dacaria, cha của ông, được tràn đầy Thánh Thần và nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).

Lời tiên báo của Dacaria, quả đúng như thế. Ba mươi năm sau đó, trong khi ông Gio-an đang sống trong hoang địa, và khi có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gio-an: “Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-dan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (x.Lc 3, 3).

Lời Thiên Chúa kêu gọi ông, gợi nhớ lời tiên tri được chép trong sách ngôn sứ Isaia, rằng : “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Theo thánh sử Mát-thêu, lời tiên tri này chính là nói về ông. (x.Mt 3, 3).

Tất cả lời rao giảng của ông, Gio-an đều quy hướng về một Đấng Mê-si-a, Đấng… ông nói: “…mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân; thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.

Vâng, ông, Gio-an “còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ” (x.Lc 3, 18).

Hồi ấy, theo thánh sử Luca cho biết: “đám đông lũ lượt kéo đến xin ông Gio-an làm phép rửa”. Dân chúng đã đến với ông, và ông đã nói với họ rằng: “Hãy sinh những hoa quả xứng đáng với lòng sám hối” (x.Lc 3, 8).

Những hoa quả mà ông Gio-an yêu cầu “hãy sinh”, đó là hoa quả yêu thương: “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy” Những điều ông Gio-an đòi hỏi, chỉ là những yêu cầu rất đời thường: “chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”

Vâng, đó là mùa-sao-sáng đầu tiên, nếu được phép gọi như thế. Chỉ với một lời mời gọi: “tỏ lòng sám hối”. Không áp đặt, không bắt buộc, nhưng ông Gio-an cảnh báo rằng: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (x.Lc 3, 9).

***
Như đã nói ở trên, với mùa sao sáng năm nay, Giáo Hội tiếp tục mời gọi mọi người tín hữu: “tỏ lòng sám hối”. Đừng… đừng coi nhẹ lời mời gọi này. Đừng coi nhẹ là bởi, hôm nay, tuy chúng ta chuẩn bị cho việc mừng lễ kỷ niệm ngày Đức Giê-su đến thế gian lần thứ nhất. Thế nhưng, với căn bản của đức tin, chúng ta còn phải chờ đón ngày Người đến thế gian lần thứ hai, đến “để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

Thế nên, hãy để một vài giây phút hồi tâm và hãy tự hỏi lòng mình rằng: “Đã có bao nhiêu Mùa Vọng đi qua đời ta, đã bao nhiêu lần chúng ta thực thi lời kêu gọi của ông Gioan tiền hô “Hãy tỏ lòng sám hối”?

Đã có bao nhiêu lần Mùa Vọng đi qua đời ta, đã bao nhiêu lần chúng ta thật lòng “Thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng, cùng tất cả anh chị em. Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng lời nói, việc làm và những điều thiếu sót?”

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, mệnh lệnh của ông Gio-an Tiền Hô còn đó. Và, đó là những mệnh lệnh đem đến cho chúng ta “ơn cứu độ của Thiên Chúa.” Mà, lẽ nào chúng ta lại không cần “ơn cứu độ”, nhỉ!

Thế thì hãy tỏ lòng sám hối qua việc thi hành mệnh lệnh của ông Gio-an Tiền Hô, đó là: Hãy dọn sẵn con đường tâm hồn của mình, dọn sạch sẽ… sạch sẽ những rác rưởi của tội lỗi, tội dâm ô, tội phóng đãng, tội thờ quấy, tội phù phép… trong tâm hồn ta.

Đừng quên, hãy “uốn” con đường tâm hồn mình khỏi những quanh co dối trá. Hãy “san cho phẳng” con đường tâm hồn mình khỏi những hố sâu hận thù, chia rẽ, bè phái, những lồi lõm của kiêu căng, của ngạo mạn v.v…

Như vậy quá rõ, mọi sự quá rõ. Chúng ta phải tỏ-lòng-sám-hối. Chúng ta phài “sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối”. (x.Lc 3, 8).

Vâng, thực thi mệnh lệnh của ông Gio-an Tiền Hô, “mùa sao sáng” của chúng ta sẽ không là một mùa-sao-lạc-loài, sẽ không là một mùa-sao-lẻ-loi, nhưng sẽ là “một trời đầy sao nghìn hào quang chiếu sáng ngôi sao”.

Thật vậy, mùa-sao-sáng của chúng ta sẽ là một trời đầy sao: sao-yêu-thương, sao-hoan-lạc, sao-hiền-hòa, sao-nhân-hậu, sao-bình-an, sao-từ-tâm, sao-trung-tín v.v…

Với một “dàn sao” như thế, chẳng phải là “Người Việt (chúng ta) càng thương nhau hơn. Đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao”!

Tại sao lại không được như thế! Chỉ cần một cử động của tâm hồn và thật sự sám hối. Vâng, phải thật sự tỏ lòng sám hối.

Petrus.tran

 Tags: sự sám hối

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây