TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sự Ô Nhục hay Điên Rồ

Thứ hai - 13/09/2021 09:29 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1999
Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại coi là điên rồ” (1Cr 1,22).
Sự Ô Nhục hay Điên Rồ

SỰ Ô NHỤC HAY ĐIÊN RỒ

Có thể nói Thánh Giá gắn liền cách mật thiết với cuộc đời Kitô hữu từ dấu Thánh Giá cho đến các ảnh tượng. Chúng ta được nghe giảng dạy nhiều về mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ. Tuy nhiên cần thú nhận rằng qua những thước phim ảnh, chẳng hạn bộ phim “Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô” do đạo diễn Mel Gibson thực hiện năm 2004 đã gây một hiệu ứng khá sâu đậm nơi tâm hồn người xem và qua đó họ cảm nhận thế nào là nỗi khổ mà Chúa Giêsu đã phải chịu.

Thánh tông đồ dân ngoại đã từng khẳng định:Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm  thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng về một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại coi là điên rồ” (1Cr 1,22). Thiết tưởng rằng khi tìm hiểu vì sao thập giá là điều ô nhục đối với người Do Thái lúc bấy giờ và vì sao anh em lương dân xem là sự điên rồ có lẽ sẽ giúp Kitô hữu chúng thấu cảm hơn tình yêu của Chúa Kitô đã dành cho nhân loại chúng ta.

Việc hành hình thập tự giá bắt nguồn từ thời đế chế Assyria, vào khoảng năm 8.000 trước Công nguyên.  Án hình này được chính quyền La Mã áp dụng khoảng năm 100 TCN. Đây là hình phạt được sử dụng để sỉ nhục công khai người nô lệ và phạm nhân mắc trọng tội. Đây cũng là biện pháp hành hình áp dụng cho những cá nhân có địa vị xã hội thấp hoặc phạm tội chống lại thể chế La Mã. Thời Chúa Giêsu, quan Philatô cho áp dụng hình phạt này rất nhiều để nghiêm trị các chí sĩ Do Thái muốn làm cách mạng đánh đuổi ngoại xâm Rôma.

Hình phạt đóng đinh trên thập giá nhằm gây ra nỗi đau thể xác cùng cực. Nhưng hình phạt đóng đinh trên thập giá còn ác độc hơn, đó là nhằm sỉ nhục tội nhân. Ngoài những chuyện hành khổ khác, tội nhân còn bị lột trần truồng trước khi bị treo lên thập giá trước đám đông dân chúng. Vào giây phút lìa đời, ruột gan của tử tội sẽ bung ra, quả thật không gì nhục nhã bằng. Với người Do Thái lúc bấy giờ thì nỗi ô nhục như tăng gấp đôi vì thập giá là án hình kìm kẹp, giam hãm dân tộc họ trong cảnh kiếp đời nô lệ cho ngoại bang Rôma.

Còn với anh em lương dân thì án hình này là một sự điên rồ cả về phía tử tội lẫn phía nhà cầm quyền. Mặc dù người La Mã thường xuyên sử dụng hình phạt thập giá, nhưng việc đóng đinh đã được một số sử gia, văn sĩ mô tả thật sự là kinh hoàng. Ông Cicero đã từng nói sự đóng đinh trên thập giá là “một sự trừng phạt tàn nhẫn và ghê tởm nhất”.

Chúng ta đừng quên dẫu rằng đã ba lần tiên báo án hình thập giá mà mình sẽ phải chịu đồng thời mời gọi những ai muốn theo mình phải can đảm vác thập giá, thế mà khi đối diện trước án hình ấy Chúa Giêsu cũng đã bồi hồi xao xuyến và nài xin Chúa Cha cất cho Người khỏi chén đắng ấy. Tin Mừng Luca còn tường thuật Người đã phải nhỏ mồ hôi pha lẫn máu trong vườn cây dầu (x.Lc 22,41-44).

Để cho nhân loại thoát khỏi cảnh kiếp đời nô lệ của thần dữ và của nhiều vị lãnh đạo cao cấp trong Do Thái giáo thời bấy giờ Chúa Giêsu đã nhận lấy thập giá, không chỉ là những nỗi khổ đau rùng rợn về phần xác mà nhất là nỗi ô nhục đáng ghê sợ. Để cho nhân loại được thoát khỏi cảnh kiếp người với người như loài lang sói tàn ác thì Chúa Giêsu đã đón nhận thập giá, một sự điên rồ trưởc mắt anh em lương dân.

Để hiểu tình Chúa yêu thương chúng ta dường nào xin hãy nhớ lại những lúc nào đó, những biến cố nào đó trong cuộc đời mà chúng ta bị khốn khổ tột cùng, nhất là bị sỉ nhục tồi tệ. Gánh chịu những sự ấy rất có thể vì lỗi chúng ta hay vì lý do nào đó khách quan. Nhưng xin đừng quên Chúa Kitô đã gánh lấy thập giá vì chúng ta và cho chúng ta được tự do và hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau. Hiểu được điều này thì chúng ta sẽ mạnh mẽ tuyên xưng cùng với thánh Phaolô: “Ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Kitô… Vinh quang của ta là thánh giá Chúa Kitô… (x.Gl 6,14).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây