TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bớt nghe, bớt thấy sẽ bớt nói và lòng sẽ bình an

Thứ tư - 13/03/2024 10:03 | Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR |   496
Đang trong mùa Chay Thánh, tưởng nghĩ chúng ta càn phải giữ lỗ tai, con mắt của mình hơn để tâm mình bớt xao động. Khi tâm không xao động thì lòng bình an và khi lòng bình an thì chắc chắn sẽ thốt ra những lời an bình. Như thế, ta cũng sẽ bình an và người nghe ta nói cũng hài lòng với những lời nói của ta.
Bớt nghe, bớt thấy sẽ bớt nói và lòng sẽ bình an

BỚT NGHE, BỚT THẤY SẼ BỚT NÓI VÀ LÒNG SẼ BÌNH AN
 
Trước đây trên mạng xã hội có những phát ngôn sốc thì những ngày gần đây có những phát ngôn cực sốc. Những phát ngôn ấy lại do những người có ăn có học có chức có quyền và thậm chí là người thuộc giới tu hành nữa.

Chính vì lẽ đó, đứng trước những phát ngôn sốc làm cho nhiều người bức xúc và tìm đủ mọi cách để gọi là phản pháo lại những phát ngôn ấy. Điều mà mọi người thấy đó là loạn những thông tin để rồi không còn biết ai là đúng ai là sai, ai là thật và ai là giả.

Đứng trước trào lưu phát ngôn sốc và những lời qua tiếng lại đó, tôi ngẫm nghĩ con người cũng lạ. Nhiều khi kiếm sống và vất vả kiếp phù sinh cũng đủ làm cho con người mệt rồi nên rồi cần có cái tâm tịnh để được bình an. Lao vào những phát ngôn sốc cũng như những bình luận trái chiều xem chừng ra nó làm cho con người ta bất an.

Cũng thế, dựa vào tâm lý yếu bóng vía của nhiều người, những người đánh mất lương tâm đã xào nấu những thông tin hết sức bình thường thành những tin cực hot và cực nóng. Chính vì đi với những tiêu đề tin nóng lúc này, tin cực nóng lúc này... để rồi nhiều người tò mò vào xem. Và rồi hậu quả của khi xem là bối rối và hoang mang chả biết tin vào đâu hay nghe vào ai nữa.

Để gọi là xử lý hay giải quyết cho những vấn nạn này, xem chừng ra không khó. Khi tham gia mạng xã hội, khi mở bất cứ điều gì nghe và xem thì ta nên thận trọng và hết sức thận trọng. Cơ bản nhất để ta nhận ra rằng những trang chính thống không bao giờ có những cái tin giật tít câu like hay câu view như những trang xào nấu. Cũng khổ! Từ cái tò mò và phải nói là rảnh rỗi nên người ta lại cứ lao vào những trang đó để xem. Không chỉ xem mà còn đi chia sẻ và đăng tải cho người khác xem. Lợi dụng tâm thế đó nên những trang xào nấu cứ thế mà nấu thông tin và trục lợi.

Trước những vấn nạn của cuộc đời, nên chăng ta bớt nhìn, bớt nghe để rồi ta bớt nói vì lẽ khi nói ra có khi ta làm tổn thương cho ta hay người thân cận. Thánh Vịnh đã nói chúng ta về chuyện giữ mồm giữ miệng.

Và chúng ta thấy trong cuộc sống thường ngày, có thể ở đâu đó chúng ta đã nhìn thấy hình ảnh 3 chú khỉ che mắt, che tai, che miệng. Thoạt đầu, ai không hiểu sâu kỹ sẽ nghĩ bộ tượng này “đại khái” khuyên chúng ta “không nhìn, không nghe, không nói” những điều xấu xa trong cuộc sống, rằng chúng ta hãy sống cuộc sống của mình, đừng quan tâm đến chuyện người khác.

Thậm chí, có thể ai đó còn tưởng rằng bộ tượng này khuyên con người sống “yếm thế”, “không nhìn, không nghe, không nói”, mặc kệ những gì “chướng tai, gai mắt” đang xảy ra xung quanh, sống bàng quan, “thây kệ” tất cả.

Tuy vậy, ý nghĩa của hình tượng 3 chú khỉ “không nhìn, không nghe, không nói” này quả thực rất uyên thâm và sâu sắc, là một lẽ sống đẹp trong cuộc đời.

Trong cuộc sống mỗi người, nhiều khi chúng ta phải chứng kiến những điều sai trái, thị phi, nhiễu nhương, nếu ai cũng chỉ an phận “không nhìn, không nghe, không nói”, thì xã hội, cộng đồng, gia đình và bản thân cuộc đời mỗi người rồi sẽ đi về đâu? Và nếu cứ tự “bịt tai, bịt mắt, bịt miệng” mình như thế cả cuộc đời, thì cuộc sống liệu có còn ý nghĩa?

Và nếu để ý, ta thấy khi tâm ở trạng thái tĩnh, không bị rối loạn bởi những điều xấu do mắt nhìn thấy, tai nghe thấy, miệng nói ra, thì tự khắc tâm phát sinh điều thiện và người ta sẽ sống “có tâm”, sẽ nhìn - nghe - nói và làm những điều “có tâm”.

Tư tưởng “tam không” này cũng mang nhiều sự đồng điệu với tư tưởng của Khổng Tử, khi học trò Nhan Uyên hỏi thầy về đức nhân, Khổng Tử đã trả lời rằng: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (nghĩa là “không nhìn điều sai, không nghe điều bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy”).

Mỗi chúng ta cứ thử nghĩ xem có đúng không? Cũng do nghe nhìn nhiều quá mà chúng ta lại mệt mỏi. Chính vì thế, bớt nghe bớt nhìn thì tâm sẽ bình an và cũng sẽ không ngứa miệng để phát ra những lời cay đắng.

Đôi khi chúng ta cứ phải chấp điều này điều kia và người này người kia trong cuộc đời. Chính vì chúng ta quá chấp để rồi lòng chúng ta nặng trĩu. Chúng ta buông bỏ chắc chắn chúng ta sẽ bình an.

Kinh nghiệm này có lẽ đã và đang đến với người viết những dòng tâm sự này. Khi không quan tâm, không nghe không nhìn những cái gọi là xàm nữa bỗng dưng lòng mình nó bình an lắm. Tất cả cũng tại bởi mình mà thôi. Vì mình thích nghe, thích nhìn và tò mò lời của người khác để rồi mình mệt mỏi và bất an.

Đang trong mùa Chay Thánh, tưởng nghĩ chúng ta càn phải giữ lỗ tai, con mắt của mình hơn để tâm mình bớt xao động. Khi tâm không xao động thì lòng bình an và khi lòng bình an thì chắc chắn sẽ thốt ra những lời an bình. Như thế, ta cũng sẽ bình an và người nghe ta nói cũng hài lòng với những lời nói của ta.
Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây