TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Dám chết như Chúa, Chúa sẽ quý trọng...

Thứ sáu - 15/03/2024 20:03 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   735
“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12, 24).

Chúa Nhật V – MC – B
Dám chết như Chúa, Chúa sẽ quý trọng...

tbd 160324a

 

Như chúng ta được biết, sau ba mươi năm sống ẩn dật tại Na-da-rét, Đức Giê-su bắt đầu ra đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Và, kể từ đây, Ngài bắt đầu sống một cuộc sống mới, một cuộc sống dẫn đến “Giờ chết và Sự Phục Sinh” của mình, ngõ hầu đem đến ơn cứu độ cho mọi người.

Ba lần… đã ba lần Đức Giê-su công bố về “Giờ chết và Sự Phục Sinh” của mình cho các môn đệ.

Với lần công bố thứ nhất, ông Phê-rô “kéo riêng Người ra và trách Người: Xin Thiên Chúa thương đứng để Thầy gặp phải chuyện đó. Nhưng Đức Giê-su (đã) quay lại bảo ông Phê-rô: Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Với lần công bố thứ hai, thì: “Các môn đệ buồn phiền lắm.” (x.Mt 17, …23) Tới lần thứ ba, thánh sử Luca cho biết: Các ông không hiểu gì cả, đối với các ông, lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những điều Người nói.” (Lc 18, 34).

Các-ông-không-hiểu ư! Lời ấy còn bí ẩn, nên các-ông-không-rõ ư! Thưa đúng vậy. Nhớ! Hôm ba người môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an cùng Đức Giê-su “tới một ngọn núi cao”, chẳng phải khi xuống núi các ông đã “bàn hỏi nhau xem câu ‘từ cõi chết sống lại’ nghĩa là gì”, đó sao!

Thế nên, Đức Giê-su, khi biết “Giờ chết và sự Phục Sinh” của mình sắp đến, Ngài đã có lời giải thích rất rõ ràng cho các ông, rằng: tại sao Ngài phải chết và cái chết của Ngài sẽ đem lại cho mọi người điều gì. Vâng, lời giải thích của Ngài đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an với tiêu đề: “Đức Giê-su loan báo Người sẽ được tôn vinh nhờ cái chết của Người.” (Ga 12, 20-33).

**
Theo Tin Mừng thánh Gio-an, bấy giờ là “sắp đến lễ Vượt Qua của người Do Thái”. Nhiều người từ khắp làng quê lên Giê-ru-sa-lem “để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ.”

Hôm ấy, có một số người tìm Đức Giê-su. Một số người khác đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau, rằng: “Có thể ông ấy (Đức Giê-su) sẽ không lên dự lễ…” Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh: “Ai biết được ông ấy (Đức Giê-su) ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt” (Ga 11, 55-57).

Trước đó vài tuần, một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha đã bàn mưu giết Đức Giê-su. Biết được âm mưu này, có lẽ qua sự thông báo của ông Ni-cô-đi-mô, cũng là một thành viên Thượng Hội Đồng, Đức Giê-su rời Giê-ru-sa-lem băng qua Sông Gio-đan, đi về “một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.” (Ga 12, …54).

Nhưng rồi, sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Đức Giê-su trở lại ngoại thành Giê-ru-sa-lem. Ngài đến Bê-tha-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. “Anh này đã được Ngài cho sống lại từ cõi chết”. Hôm đó, “người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su, cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Ngài.”

Thế còn cô Ma-ri-a! Vâng, cô ta “lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau.”

Thấy vậy, một người môn đệ phản đối. Đức Giê-su đáp: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có, còn Thầy, anh em không có đâu.”

Vâng, ngày-mai-táng-Thầy chính là ngày Đức Giê-su “lên Giê-ru-sa-lem”.

***
Rồi, Đức Giê-su đã lên Giê-ru-sa-lem. Hôm ấy, “Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy Lạp.”

Mấy người Hy Lạp này đến gặp Phi-líp-phê và xin rằng: “Chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” Phi-líp-phê đi hỏi An-rê.

Thế rồi, hai ông đến nói điều này với Đức Giê-su. Thế nhưng, hai ông Phi-líp-phê và An-rê không nhận được câu trả lời của Đức Giê-su. Thế có nghĩa là, Đức Giê-su không gặp nhóm người Hy Lạp.

Không gặp, phải chăng vì Đức Giê-su không muốn phí phạm thời gian để làm thỏa mãn sự tò mò của mấy người Hy Lạp? Phải chăng, vì Ngài không muốn tìm kiếm những lời “Hoan hô! Chúc tụng!”, những lời mà trước đó “dân chúng lũ lượt… cầm nhành lá thiên tuế ra đón Ngài và reo hò: Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vua Israel!”

Thưa, đúng vậy. Đức Giê-su, của ngày hôm ấy, rất khác so với ngày Ngài đến dự Lễ Lều Tạm ở Giê-ru-sa-lem. Hôm dự Lễ Lều Tạm, Ngài lên Giê-ru-sa-lem “không công khai và hầu như bí mật” (x.Ga 7, 10). Và, Ngài luôn tìm cách “lánh mặt”, khi tính mạng bị lâm nguy.

Thế sao, hôm nay Đức Giê-su lại công khai đi vào Giê-ru-sa-lem nơi người ta đã từng hạ lệnh bắt Ngài? Thưa, là vì “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”.

Đó… đó là lời Đức Giê-su đã trả lời hai ông Phi-líp-phê và An-rê. Vâng, Ngài biết… “biết giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha…”

“Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người… sẽ đánh đòn và giết chết Người”… Các-anh-quên-lời-Thầy-đã-truyền-dạy, sao!

Hôm ấy, nói đến cái chết của mình, Đức Giê-su có một sự so sánh rất xác thực với cuộc sống đời thường. Ngài so sánh, rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12, 24).

Một nhà truyền giáo, khi suy tư về lời so sánh này, đã có lời chia sẻ, rằng: “Một hạt lúa mì dường như không có mấy giá trị. Nhưng nếu được gieo xuống đất và ‘chết đi’ thì nó sẽ nảy mầm và dần mọc lên thành cây lúa có nhiều hạt. Tương tự, Chúa Giê-su là một người hoàn hảo. Qua việc trung thành với Đức Chúa Trời cho đến chết, Ngài sẽ trở thành phương tiện để ban sự sống vĩnh cửu cho những người có cùng tinh thần hy sinh như thế. Vì vậy, Chúa Giê-su nói: Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống vĩnh cửu.” (x.Ga 12, 25).

Cuối cùng, Đức Giê-su có lời nhắn nhủ với các môn đệ (và cũng là cho chúng ta hôm nay), lời nhắn nhủ rằng: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phc vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.”

Chúng ta có hiểu lời nhắn nhủ này không? Vâng, không có lý do gì để nói rằng: tôi không hiểu! Thế nên, đã theo Chúa, thì đừng theo thế gian.

Đừng quên, Đức Giê-su đã có lời dạy rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ.”

****
Tất cả những lời Đức Giê-su đã tuyên phán “không phải là một (mớ) lý thuyết, mà là một thực tại sâu kín, ta gọi là Mầu Nhiệm Vượt Qua”. Lm. Charles E.Miller có lời chia sẻ như thế.

Ngài Lm. còn tiếp lời, rằng: “Trong cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su, chúng ta thấy có sự quan phòng của Thiên Chúa là Cha. Kế hoạch của Người là cái chết khơi nguồn sự sống. Cái chết của Con Thiên Chúa dẫn đến sự phục sinh của chính Ngài và cũng sẽ dẫn đến sự sống lại của chúng ta.”

Trở lại cái ngày hôm ấy, khi Đức Giê-su nghĩ đến thảm cảnh của sự bắt bớ, của nỗi đau đớn và cái chết “như chiên con bị dẫn đi làm thịt”, và đã “dâng lời khẩn nguyện nài xin” “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến”… thì ngay lập tức, “Có tiếng từ trời vọng xuống: Ta đã tôn vinh Danh Ta. Ta sẽ còn tôn vinh nữa!”

Vâng, tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã nhìn biến cố này với một sự xác tín rằng: Đức Giê-su – “Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính…” (x.Dt 5, …7).

Và, điều mà Thiên Chúa sẽ-còn-tôn-vinh-nữa, cũng là lời xác tín của tác giả thư Do Thái, đó là: Đức Giê-su “đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tùng phục Ngài”.

Thật đúng là vậy. Hôm ấy, Đức Giê-su đã có lời tuyên phán rằng: “Phần tôi, một khi được giương cao lên, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (x.Ga 12, 32).

*****
Qua trình thuật Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (17/03/2024), chúng ta được nghe rất nhiều điều Đức Giê-su truyền dạy. Chúng ta được biết cách Đức Giê-su đã “dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng quyền năng” ra sao. Chúng ta được biết Ngài sẽ ban cho “những ai phục tùng Ngài” điều gì.

Vâng, chúng ta “đã biết và đã nghe”. Việc làm tiếp theo là chúng ta hãy thực hành. Tuy nhiên, sẽ không có sự thực hành nào dễ dàng, khi chúng ta chưa xác tín rằng: tôi đang phục vụ Chúa và tôi đã theo Chúa.

Có thể nói, hai điều này như hai mặt của một đồng tiền. Mất đi một điều, nó không còn là đồng tiền nữa. Quan trọng lắm, đúng không, thưa quý vị!

Thế nên, khi đã phục-vụ-Chúa, thì hãy-theo-Chúa. Khi đã dám “như hạt lúa gieo xuống đất và chết đi” thì-hãy-chết “vì tình yêu”, như Chúa Giê-su “chỉ vì tình yêu Chúa chịu nhục thân chết cho trần gian”.

Khi đã dám “như hạt lúa gieo xuống đất và chết đi” thì-hãy-chết “cho sự nhẫn nhục, cho lòng nhân hậu, cho sự từ tâm, cho lòng trung tín, cho tính hiền hòa, cho sự tiết độ.”

Chớ vì “những việc do tính xác thịt gây ra”, đại loại như: ‘dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phiếm, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén”, mà “chịu nhục thân chết trong tội lụy”.

Đừng quên, những ai dám chết cho những-việc-làm-do-tính-xác-thịt-gây-ra, thánh Phao-lô cảnh báo, kẻ đó: “sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa”.

Chúng ta vẫn còn trong mùa chay. Và như chúng ta được biết, mùa chay là mùa “sám hối và trở về”. Thế nên, nếu chúng ta vì một phút yếu đuối, và đã “dám chết” cho một trong những-việc-làm-do-tính-xác-thịt-gây-ra (nêu trên), thì hãy, như “người con thứ”, trong “dụ ngôn người cha nhân hậu”, “đứng lên đi về cùng cha”.

Hãy đứng lên “đi về cùng Chúa”. Hãy đứng lên đi về. Vừa đi vừa cất tiếng nguyện rằng: “Con nay trở về, trở về cùng Chúa, Chúa ơi. Con nay trở về, lòng sầu thống hối khôn nguôi. Muốn khóc cho một niềm tin đã trót bao phen ngả nghiêng. Bước chân hoang đàng, nay bến yêu thương tình đáp tình.” (Con nay trở về - tác giả: Hùng Lân).

Hãy trở về và phục vụ Chúa. Hãy phục vụ Chúa và hãy theo Chúa. Hãy ghi khắc trong con tim mình, lời Đức Giê-su tuyên phán: “Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.”

Nói cách khác: Dám chết như Chúa, Chúa sẽ quý trọng.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây