TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa luôn sẵn sàng

Thứ tư - 12/05/2021 03:45 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   670
Chúa luôn sẵn sàng

Chúa luôn sẵn sàng

Một nhà truyền giáo có nói: “Nếu chẳng may toàn bộ Kinh Thánh bị thất lạc, và chỉ còn giữ được một câu trong Phúc Âm thánh Gioan, điều đó vẫn đủ để chúng ta trình bày cho thế giới biết rằng, có một Thiên Chúa là tình yêu”.

Câu Kinh Thánh đó chính là câu Chúa Giêsu nói với một thủ lãnh của người Do Thái tên là Nicôđêmô, rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16). 

Đúng vậy, từ khi Adam và Eva phạm tội, con người bị trục xuất ra khỏi vườn Eden với án phạt là sự chết, thế nhưng không vì thế mà Thiên Chúa bỏ rơi con người.

Theo thời gian, qua các ngôn sứ và tiên tri, Thiên Chúa không ngừng chuyển tải đến con người những thông điệp nói lên tình yêu thương, lòng bao dung và sự tha thứ. Thiên Chúa vẫn luôn cho con người thấy, Người là Đấng “từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương”, vẫn luôn cất tiếng mời gọi con người “Hãy đến mà biện luận. Tội các người, dầu có đỏ tựa son, cũng hoá trắng như tuyết; có thẩm tựa vải điều, cũng hoá như bông”.

Đến khi Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, trở nên người phàm và cư ngụ giữa thế gian, tình yêu thương của Thiên Chúa càng thêm sáng tỏ.

Thật vậy, sự xuất hiện của Đức Giêsu với những lời giảng dạy, qua những dụ ngôn rất đời thường, đã phác họa chân dung một Thiên Chúa mới, một Thiên Chúa không phải là hung thần chỉ biết luận phạt, nhưng là một Thiên Chúa thể hiện sự bao dung, tình yêu thương và sự tha thứ, một Thiên Chúa “đến để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” và để “cứu cái gì đã hư mất” (Mt 18,11).

Có ba dụ ngôn đã được Đức Giêsu, cùng một lúc, kể ra, với mục đích dập tắt những lời “xầm xì” của một nhóm người Pharisêu khi họ thấy Ngài đồng bàn với nhóm người thu thuế và các người tội lỗi, những người đã có lần Đức Giêsu tuyên bố rằng, “họ sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21, 31)

**
Câu chuyện đã được kể lại rằng: hồi ấy, có một số người thu thuế và các người tội lỗi thường lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng.

Chuyện sẽ chẳng có gì xảy ra nếu không có nhóm người Pharisêu và các kinh sư, những ông kẹ được xem là những kẻ tọc mạch, kiếm chuyện.

Hôm ấy “những người Pharisêu và các kinh sư” khi chứng kiến Đức Giêsu thao thao bất tuyệt trước nhóm người thu thuế và tội lỗi, ngứa mắt, họ xầm xì với nhau “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”...

Ôi trời! tại sao họ lại xầm xì như thế? Phải chăng họ tự ái khi thấy Đức Giêsu, chỉ là một anh thợ mộc, nhưng lại được mọi người thán phục về lời những giảng của Người!

Không thấy chuyện này được nhắc đến, nhưng những lời xầm xì của nhóm Pharisêu và các kinh sư thì không sai. Những người lui tới với Đức Giêsu, hôm đó, đúng là “phường tội lỗi”, họ có rất nhiều “cái rác tội lỗi”.

Thế nhưng, đáng tiếc là các ông ông Pharisêu và các kinh sư, hôm đó, chỉ thấy “cái rác trong con mắt người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới” (Mt 7,3).

Cái rác-tội-lỗi nơi người thu thuế có đấy, còn cái-xà-gồ-trách-nhiệm của các ông sao các ông lại bỏ qua? Lẽ ra, là Pharisêu, những người am hiểu Thánh Kinh, các ông phải có “trách nhiệm” giảng dạy cho phường-tội-lỗi nhận biết Thiên Chúa là ai chứ! Không làm, các ông lại còn hậm hà hậm hực…

Đón tiếp phường-tội-lỗi thì đã sao! Thiên Chúa đã chẳng “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” đó sao! (Mt 5, 45). Vâng, có lẽ các ông Pharisêu và các kinh sư đã quên rằng, Thiên Chúa “Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6, …35).

Hôm đó, mặc cho những lời xầm xì, Đức Giêsu tiếp tục lời giảng dạy bằng ba dụ ngôn. Ba dụ ngôn đó là: “dụ ngôn con chiên bị mất”, “dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất” và đặc biết nhất, đó là “dụ ngôn người cha nhân hậu” (x. Lc 15, 1-31)

***
Ba dụ ngôn này, với nhóm Pharisêu và các kinh sư, nó chính là câu trả lời cho những lời xầm xì của họ.

Còn với nhóm bị cho là “phường tội lỗi”, ba dụ ngôn này, có thể ví nó giống như một chiếc smartphone cao cấp, đã đem đến cho họ hình ảnh một Thiên Chúa, một Thiên Chúa “công bằng” giữa một bên là bóng mây của lưỡi-gươm-luận-phạt và bên kia là ánh sáng của tình yêu, lòng bao dung, sự tha thứ.

Thật vậy, với “dụ ngôn con chiên bị mất”, ánh sáng của tình yêu, một tình-yêu-vô-giá đã được thể hiện.

Không vô giá sao được khi người mục tử đã “để lại chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang” để đi tìm một con chiên lạc. Không vô giá sao được, khi người mục tử “tìm được (chiên) rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai”. Không vô giá sao được, “về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó” (x.Lc 15, 506).

Vâng, đừng cho rằng Đức Giêsu “cường điệu hóa” vấn đề. Đây chỉ là “dụ ngôn” và cũng như những dụ ngôn khác, thông điệp chính mà Đức Giêsu muốn nói đến, đó chính là “sự tuyệt đối”. Tình yêu của Thiên Chúa là “nhưng không tuyệt đối”.

Với “dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất” ư! Vâng, vấn đề không phải là “con số” giữa “chín và một”, giữa “nhỏ và lớn” nhưng là cái “giá trị”, nhất là khi nói đến “giá trị của sám hối trở về”. Điều này đã được Đức Giêsu chứng minh khi Ngài nói “Tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên quốc, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (x.Lc 15, 10).

Còn “dụ ngôn người cha nhân hậu” thì sao? Thưa, đó chính là một bản concerto hoàn chỉnh, một sự hoàn chỉnh không thể hoàn chỉnh hơn với những giai điệu của lòng bao dung, sự tha thứ nơi Thiên Chúa qua hình ảnh “người cha nhân hậu”.

Thật vậy, khi phần dạo đầu của bản concerto vang lên, người cha, với cảm xúc đầy bi thương khi nghe người con thứ “xin cho con phần gia tài con được hưởng”, ông ta đã lặng lẽ “chia của cải cho hai con”…

Rồi đến phần hai, khi người người con thứ đang dìm tâm hồn mình chìm theo điệu nhạc “phóng đãng” không màng đến sự “phung phí tài sản của mình” thì người cha đau đớn thả hồn theo điệu nhạc u uất đợi chờ…

Một bản concerto có ba phần, và thường thì, phần thứ ba chính là lúc nhạc cụ solo và dàn nhạc đã tìm được tiếng nói chung. Bản concerto mang tên “người cha nhân hậu” với phần ba, cũng đã tìm được tiếng nói chung.

Chàng con thứ trong vai trò solo đã trúc lên tiếng kèn thống hối “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha”… Tiếng kèn thống hối đó đã hòa chung với giai điệu bao dung và tha thứ của người cha, trong âm vang của sự rộn rã, người cha “chạy ra ôm cổ anh ta hôn lấy hôn để... đem áo đẹp nhất mặc cho... xỏ nhẫn vào tay và xỏ dép vào chân cậu”...

Bốn âm điệu cuối “mở tiệc ăn mừng” như một tấm nơ hồng đính lên tâm hồn “cha và con”, để rồi, tận trong cung lòng người cha, một giai điệu rộn rã vang lên “con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, …32).

****
Ba dụ ngôn nêu trên, có thể nói rằng, đó là một câu chuyện hay nhất, một “best story” của Phúc Âm thánh Luca. Nó hay ở chỗ có quá nhiều điều để chúng ta phải học. Nó còn hay ở chỗ, mỗi người chúng ta đều có thể thấy một nét phảng phất nào đó chính mình trong câu chuyện này.

Chính vì thế, hãy để một phút thinh lặng và tự hỏi lòng mình rằng, tôi là ai trong số những nhân vật đã được Đức Giêsu nêu lên trong dụ ngôn?

Có lẽ không ai trong chúng ta tự nhận mình là “người cha nhân hậu”, nhưng có phần chắc, trong một giai đoạn nào đó của đời người, rất có thể, có lúc, chúng ta trở thành người con thứ, với một chút sự bồng bột của tuổi trẻ, với một chút sự kiêu ngạo bởi nguyên tội Adam và Eva, với một ít gia tài là học vấn và kiến thức thời đại, cho rằng những giá trị truyền thống trong ngôi nhà Kitô giáo đã lỗi thời, “trẩy đi phương xa” tìm đến những miền đất xa lạ, những miền đất đề cao tự do luyến ái, những miền đất cổ vũ tự do phá thai, những miền đất khuyến khích hôn nhân đồng tính v.v…

Rất có thể, có lúc, chúng ta chính là người con cả, sống khép kín trong ngôi nhà Kitô giáo, mặc cảm mình chỉ là kẻ “hầu hạ”, sợ sệt trước những giới răn mà quên rằng, đó chính là “sinh lộ”, là “đường, là sự thật và là sự sống”…

*****
Những suy tư nêu trên, phải chăng là những suy tư tiêu cực? Phải chăng là những suy tư làm cho chúng ta phải buồn phiền? Thưa, không phải.

Thật ra, nghĩ được như thế phải là niềm vui của chúng ta. Nhận ra tôi là ai trong ba dụ ngôn nêu trên phải là niềm vui của mỗi người Kitô hữu chúng ta.

Tôi là người chăn chiên, là người phụ nữ trong hai dụ ngôn “con chiên bị mất – đồng bạc bị đánh mất”, là “người cha nhân hậu” ư! Tất cả đều tốt.

Tôi là người con thứ hay tôi là người con cả ư? Quá tốt… quá tốt bởi vì tôi đã nhận ra mình là ai. Quá tốt, bởi tôi đã nhận ra mình là “người tội lỗi”.

Có điều… có điều tôi cần biết, đó là, khi đã nhận ra mình là “người tội lỗi”, hãy vượt qua mặc cảm tự ti, và hãy như “các người thu thuế và các người tội lỗi” xưa, mà “lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng”(Lc 15, 1)

Vâng, với chúng ta hôm nay, qua vị linh mục, Chúa Giêsu không chỉ giảng, không chỉ ban cho ta “Bí Tích hòa giải” Ngài còn ban cho ta một bữa tiệc, bữa tiệc không phải bằng “một con bê đã vỗ béo” nhưng là bằng “Mình và Máu Thánh” của chính Ngài.

Hãy nhớ, trong nhà thờ, nơi ngôi nhà tạm, “Chúa luôn sẵn sàng” chờ ta.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây