TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xin thêm lòng tin cho chúng con

Thứ tư - 12/05/2021 03:55 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   878
Xin thêm lòng tin cho chúng con

Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con

Là người Công Giáo, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết, năm nay (2013) được gọi là năm “Đức Tin”. Gọi năm nay là Năm Đức Tin nghĩa là sao?

Thưa, theo nội dung tông thư “Cửa Đức tin” (CĐT-Porta Fidei), năm nay, Giáo hội gọi là Năm Đức Tin: là nhằm “tạo cơ hội thuận tiện để đưa toàn Giáo hội bước vào một giai đoạn suy tư đặc biệt và tái khám phá đức tin” (CĐT số 4), là vì “cuộc khủng hoảng về đức tin đã ảnh hưởng tới nhiều người”, là vì “chúng ta không thể chấp nhận cho muối lạt đi và ánh sáng bị che khuất”, và để “làm công việc Chúa muốn là tin vào Đấng Người sai đến” (CĐT số 3)

“Tái khám phá đức tin… không thể chấp nhận cho muối lạt đi và ánh sáng bị che khuất” và “làm công việc Chúa muốn là tin vào Đấng Người sai đến”, có thể nói là một công việc không giản dị chút nào, nhất là hôm nay, chúng ta phải làm công việc đó trong bối cảnh một thế giới đầy sự cám dỗ, với một nền văn hóa thế tục, với một xã hội đầy sự dối trá, khủng bố đức tin, cổ súy vô thần, v.v…

Trước những nan đề nêu trên, chúng ta sẽ phải làm gì? Phải chăng là, chúng ta hãy nhìn các môn đệ, là những người có nhiều trải nghiệm về những khát khao “khám phá đức tin”, về một quyết tâm trở nên “muối cho đời” và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình “làm công việc Chúa muốn là tin vào Đấng Người sai đến”, để noi theo các ngài? Thưa, đúng vậy.

**
Vâng, bối cảnh đời sống của các môn đệ xưa cũng không sáng sủa hơn chúng ta, cũng đầy dẫy sự cám dỗ, cũng dối trá, cũng khủng bố đức tin v.v… Thế nhưng, mỗi khi phải đứng trước những “cơn ba đào nhiều phen nguy biến” các môn đệ luôn đi đến một quyết định, đó là quyết định tìm đến Thầy Giêsu.

Nhớ, một lần kia, Đức Giêsu cùng các môn đệ có một cuộc hải trình trên biển hồ. Và “Đang khi các ngài đi thuyền, thì Đức Giêsu ngủ. Một trận cuồng phong ập xuống hồ; các ngài bị ngập nước và lâm nguy” (Lc 8, 23)

Nếu là bạn… bạn sẽ làm gì? Với các môn đệ, dù là những tay ngư phủ lão luyện, nhưng các ông không cậy sức mình, các ông nghĩ đến Đức Giêsu, đến bên Ngài và cầu cứu “Thầy ơi! Thầy! Chúng ta chết mất!”.

Và quả thật, quyết định đầy khôn ngoan của các ông “lại gần đánh thức Người dạy” đã được đáp ứng. Sự nguy biến phần xác của các ông đã được Đức Giêsu giải thoát.

Thế nhưng, nếu các môn đệ chỉ nghĩ đến sự cứu thoát phần xác thì không có gì đáng để chúng ta noi theo.

Sau biến cố hãi hùng đó, các môn đệ nhận ra mình đúng là “những người kém lòng tin”. Chính vì thế, trong một dịp, khi Thầy và trò bên nhau, các tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. (Lc 17, 5)

Xin thêm lòng tin cho chúng con, các môn đệ nghĩ đến sự yếu đuối phần hồn. Ðến bên Đức Giêsu và “xin thêm lòng tin”, không phải vì các môn đệ mất niềm tin, nhưng là muốn Thầy Giêsu ban thêm sức mạnh, “sức mạnh thuộc linh”, một sức mạnh để biến các ông thành “men trong bột”, thành muối cho đời.

Vâng, hôm đó, đáp lại lời xin của các môn đệ, Đức Giêsu nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì, dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”. (Lc 17, 6)

Đừng nghĩ rằng Đức Giêsu cường điệu hóa vấn đề. Đây chỉ là một cách nói, một cách nói để chứng tỏ “sức mạnh của đức tin”.

Hôm đó, Đức Giêsu không chỉ cho các môn đệ thấy “sức mạnh của đức tin”, Ngài còn cho các ông thấy “nét đẹp của đức tin”. Nét đẹp của đức tin, đó là sự tha thứ và sự phục vụ - “Phục vụ cách khiêm tốn”.

Về sự tha thứ, Đức Giêsu dạy rằng: “Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó” (Lc 17, 3-4)

Về sự phục vụ ư! Không dài dòng văn tự, Đức Giêsu nói thẳng với các môn đệ rằng: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17, 10).

Có quá khó để thực hiện “nét đẹp của đức tin”? Thưa không, sẽ không quá khó “Nếu…” Vâng, nếu chúng ta “có lòng tin lớn bằng hạt cải”.

***

Thật ra, còn một nhân vật đặc biệt nữa, một nhân vật đã biểu lộ “sức mạnh đức tin”, đã trở nên “muối cho đời” và hiến trọn đời mình để “làm công việc Chúa muốn là tin vào Đấng Người sai đến”, mà chúng ta cần noi theo, đó chính là Đức Maria.

Nói tới Đức Maria, chúng ta không thể không nhớ tới hai chữ “xin vâng”. Chỉ hai chữ xin vâng, Đức Maria đã để lại cho muôn thế hệ một tấm gương sắt son về “sức mạnh của đức tin” và sự “phục vụ cách khiêm tốn”.

Thật vậy, hãy nhìn xem, chỉ là một cô thiếu nữ thôn dã, lại là cư dân của Galilê, gọi là Nazareth, một địa danh được biết đến như là một nơi “chẳng có cái gì hay cả…”. Ấy thế mà cô Maria lại được tuyển chọn để cưu mang một Quân Vương. Người mà sứ thần Gaprien nói là “Con Đấng Tối Cao. Người sẽ trị vì nhà Giacop đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 31-33).

Nghe những lời loan báo đó chẳng khác nào cô Maria phải xỏ chân vào một đôi giầy chật. Hãy nghe cô Maria bối rối cất tiếng thở than. Ôi ! “việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”.

Thế nhưng, chính sức mạnh của đức tin, tin vào lời sứ thần, rằng “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, cô Maria đã không ngần ngại “xin vâng” để trở nên “người nữ tỳ của Chúa” chấp nhận để Thiên Chúa làm những điều “như lời sứ thần nói”. (Lc 1, 38).

Có sức mạnh của đức tin, nét đẹp của đức tin nơi cô Maria được tỏ lộ, không chỉ là người nữ tỳ của Chúa, cô Maria còn là người nữ tỳ của tha nhân, người nữ tỳ “phục vụ cách khiêm tốn”. Ba tháng ở lại nhà bà Elizabeth là một minh chứng điển hình.

****
Trở lại với “Năm Đức Tin” - Năm Đức Tin được khai mạc vào ngày 11/10/2012 và sẽ bế mạc vào ngày 24/11/2013, lễ Chúa Kitô Vua. Như vậy, nếu tính từ Chúa Nhật hôm nay (06/10/2013) thì chỉ còn khoảng bảy Chúa Nhật nữa, năm đức tin sẽ kết thúc.

Vâng, hơn mười tháng trôi qua, hãy tự hỏi lòng mình rằng, tôi đã “tái khám phá đức tin”, quyết tâm trở nên “muối cho đời” và sẵn sàng hết lòng, hết sức, hết trí khôn để “làm công việc Chúa muốn là tin vào Đấng Người sai đến”?

Đừng nghĩ rằng, đây là một câu hỏi thừa thãi. Không thừa thãi, bởi qua câu hỏi này, nó sẽ giúp chúng ta nhìn lại chính con người của mình, con người một Kitô hữu, hôm nay.

Hôm nay, hãy tự hỏi lòng mình, rằng: “tôi có tên trong danh sách những người kém lòng tin”? Hôm nay, hãy tự hỏi lòng mình, rằng “tôi có như các tông đồ (xưa), thưa với Chúa Giêsu: Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”?!

Tại sao chúng ta phải tự hỏi lòng mình như thế? Thưa, là bởi, nếu chúng ta “kém lòng tin” và không màng tới việc đến với Chúa Giêsu “xin thêm lòng tin”, có phần chắc, chúng ta sẽ không thể thực thi những gì tông thư “Cửa Đức Tin” chỉ dạy.

Cũng là một chữ “nếu”… Nhưng, không phải là chúng ta nói, mà là Đức Giêsu nói với chúng ta “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải”?

“Lòng tin – Đức tin” đó chính là ơn sủng của Thiên Chúa. Một ơn sủng mà khi chúng ta nhận được, thánh Phaolô khẳng định, ơn sủng đó, sẽ “khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ” (2 Tm 1, …7).

Một khi chúng ta “được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ”… thì, điều gì sẽ xảy ra? Thưa, có phần chắc, chúng ta đủ sức để “bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời (chúng ta)”.

Vâng, chỉ là một cách ví von như Chúa Giêsu đã ví von khi xưa.

Nói cách khác, một khi chúng ta “được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ”… thì “cây dâu” mang tên “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” sẽ nở rộ, không chỉ nở rộ trong mảnh đất tâm hồn chúng ta, mà nó sẽ “bật rễ lên” và lan tỏa đi khắp tứ phương thiên hạ.

“Lòng tin – Đức tin”… Vâng, thánh Phaolô khẳng định “Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Kitô Giêsu” (2 Tm 1, …9).

Vậy, là một Kitô hữu – là môn đệ của Đức Kitô Giêsu, đừng chần chờ gì nữa mà hãy đến với Chúa Giêsu và thưa với Ngài rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây