TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chuyện Tất Nhiên

Thứ ba - 09/11/2021 07:35 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   859
Điều hiển nhiên về cuộc đời con người dường như ai cũng nhận chẳng cần minh chứng đó là “có sinh thời có tử”, có lúc chào đời thì có lúc lìa đời.
Chuyện Tất Nhiên

CHUYỆN TẤT NHIÊN

(Thứ Sáu sau Chúa Nhật XXXII TN – Lc 17,26-37)

“Xác chết ở đâu thì diều hâu tụ lại đó” (Lc 17,37). Đây là câu thành ngữ diễn tả sự tất nhiên của các sự vật hiện tượng tương tự như câu nói “ở đâu có khói thì ắt có lửa”. Điều tất nhiên mà Chúa Giêsu đề cập đó là vũ trụ này, thế giới này và loài người có thời điểm hiện hữu thì có thời điểm chung tận và thời điểm cánh chung có tính bất ngờ. Điều tất nhiên thứ hai Người nói đó là có sự phán xét. Xin cùng tuần tự luận suy đôi nét về những điều tất nhiên mà Chúa Giêsu đề cập qua bài Tin Mừng mà Giáo hội cho trích đọc.

Điều hiển nhiên về cuộc đời con người dường như ai cũng nhận chẳng cần minh chứng đó là “có sinh thời có tử”, có lúc chào đời thì có lúc lìa đời. Cũng thế vũ trụ vạn vật có điểm khởi đầu thì ắt sẽ có lúc kết thúc. Thế giới này rồi sẽ có thời điểm tận diệt mà người ta gọi là ngày tận thế. Kitô giáo gọi đó là ngày Chúa Kitô tái lâm. Đã có lần các tông đồ hỏi Chúa Giêsu là khi nào thì ngày đó đến và Chúa Giêsu trả lời rằng chính Con Người, tức là Người theo nhân tính, cũng không biết. Tuy nhiên Người lại cho chúng ta biết về tính bất ngờ của cái ngày ấy qua hình ảnh lụt đại hồng thủy thời ông Nôê và chuyện thành Sôđôma bị tiêu diệt. Và qua đó Chúa Giêsu dạy hãy sẵn sàng và tỉnh thức luôn, đừng quá quyến luyến các thiện hảo đời này.

Điều hiển nhiên thứ hai đó là có sự phán xét. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, nhưng Người cũng là Đấng công minh và công bình vô cùng. Dù không muốn nhưng chúng ta phải nhìn nhận một hiện thực của cuộc sống gian trần đó là rất khó có được sự công bình trên cõi lữ thứ này. Và chắc chắn phải có sự phán xét để tái lập sự công bình. Và chính điều hiển nhiên là sự xét xử sẽ phần nào giúp hạn chế những nỗi bất công đáng tiếc. Cánh tay của nhiều kẻ gian ác sẽ dừng lại một cách nào đó khi sự thật về sự phán xét được tỏ bày. Chúa Giêsu khẳng định chân lý sự xét xử qua hình ảnh hai người đang nằm chung một giường, hai người đang bà đang xay bột, hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người bị đem đi và một người bị bỏ lại (x.Lc 17, 35-36).

Ngày cánh chung của thế giới, của vũ trụ có thể còn xa nhưng ngày tận cùng đời mỗi người chúng ta thì có đó trong cái hạn của kiếp nhân sinh “ba vạn sáu ngàn ngày là mấy”. Hầu chắc ít có ai biết được ngày giờ cũng như hoàn cảnh mình lìa đời. Tình cảnh dịch bệnh Côvid-19 đang xảy ra là một minh chứng. Làm sao để sống tỉnh thức sẵn sàng ra trước tòa phán xét đây?

Chúa Giêsu đã truyền cho chúng ta một cách thế đó là vuông tròn bổn phận với những người thuộc quyền (x.Lc 12,41-46). Cha ông chúng ta cũng đã truyền cho con cháu kinh nghiệm đời thường đó là cây nghiêng bên nào thời sẽ đổ bên ấy. Nếu chúng ta biết liên lỉ mở lòng với những kiếp đời bất hạnh, giang rộng vòng tay với những người bé mọn thì giờ Chúa Kitô quang lâm bất cứ khi nào hoặc giờ chúng ta lìa đời có bất ngờ thì chúng ta vẫn an tâm. Vì Đấng xét xử nhân trần sẽ nói với chúng ta là hãy vào hưởng hạnh phúc vĩnh tồn đã dành sẵn cho các ngươi (x.Mt 25,31-46).

 

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây