TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm B

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,28b-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Có lòng tin - sẽ được thấy

Thứ sáu - 25/10/2024 04:52 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   87
Lạy Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!”

Chúa Nhật XXX – TN – B
Có lòng tin - sẽ được thấy

tbd 251024b


Mù là gì? Thưa, theo Wikipedia định nghĩa: “mù là triệu chứng mất khả năng cảm nhận thị giác một phần hoặc toàn phần (mù, đui). Người bị mù hoàn toàn không có khả năng nhận thức sáng tối, không thấy được những gì xung quanh. Chứng mù mắt có thể do rối loạn bẩm sinh, sinh lý hay thần kinh.” Định nghĩa ngắn gọn: mù là mất khả năng nhìn.

Vì “mất khả năng nhìn”, thế nên đối với người mù, nếu có ai hỏi bạn ước mơ gì, có phần chắc họ sẽ nói “tôi muốn nhìn thấy được”. Vâng. Có phần chắc là vậy.

Cô Lucia Vũ Thị Thanh Thủy, một nhà thơ khiếm thị, với bút danh là Vũ Thủy, trong bài viết “Người mù cũng biết yêu”, đã có lời tâm sự rằng: “Thứ chúng tôi quý nhất là ánh sáng, nhưng không thể có. Thứ các bạn có rất dư thừa và tràn trề ở chung quanh, nhưng các bạn cảm thấy không giá trị vì không mất tiền mua; đó là ánh sáng. Các bạn có thể chia sẻ cho chúng tôi một ít ánh sáng, nếu các bạn có sự quan tâm đến những người mù.

Ánh sáng, đó là sự hiểu biết cho người mù. Ánh sáng, đó là sự cảm thông với nỗi cô đơn của người mù. Ánh sáng còn có thể là sự hòa đồng trong lao động, học tập. Quan trọng nhất xin các bạn đừng coi chúng tôi là những người đáng thương mà hãy xem chúng tôi là những người cần được giúp đỡ.

Bởi chúng tôi biết có rất nhiều ánh mắt nhìn chúng tôi thương hại nhưng chỉ nhìn mà thôi. Cái chúng tôi cần là sự chìa tay ra dắt chúng tôi đi khi chúng tôi gặp những trắc trở trên mọi phương diện.” (nguồn: internet).

Ước mơ của cô Vũ Thủy, cũng là ước mơ của một anh chàng mù sống ở Palestina cách đây hơn hai ngàn năm. Anh ta tên là Ba-ti-mê. Anh ta cũng muốn có ai đó chia-sẻ-một-ít-ánh-sáng cho mình. Anh ta cũng muốn một ai đó chìa-tay-ra-dắt-anh-ta-đi.

Vâng, câu chuyện của anh ta rất ly kỳ, với nhiều tình tiết vui buồn lẫn lộn. Và, câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Mác-cô. (Mc 10, 46,52).

**
Chuyện được thánh Mác-cô ghi lại như sau: Một ngày nọ “Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô”. Rồi “khi (Ngài) cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê” (x.Mc 10, 46).

Một-người-mù-đang-ngồi… bên-vệ-đường! Vâng, có phần chắc hình ảnh này không xa lạ với chúng ta, hôm nay. Nhiều… nhiều lắm. Rất nhiều người mù từ miền Tây lên Saigon tìm kế sinh nhai. Có người ngồi bên vệ đường bán móc khóa, bán bông ráy tai. Có người lang thang trên hè phố… bán vé số, v.v… Họ ngồi đó lắng tai nghe xem có ai đến hỏi mua gì. Họ vừa đi vừa lắng tai nghe xem có ai gọi mua vé số. Nhìn rất, rất đáng thương.

Anh Ba-ti-mê cũng vậy. Anh ngồi đó lắng tai nghe. Tuy thánh sử Mác-cô không kể, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, miệng anh ta không ngớt lớn tiếng nói: “ông đi qua, bà đi lại, làm ơn thương xót”.

Rồi, đột nhiên anh ta nghe có tiếng xôn xao. Khi tiếng xôn xao mỗi lúc nghe một rõ hơn, anh nhận ra đó là một nhóm người khá đông đi ngang qua. Anh Ba-ti-mê nghe loáng thoáng một ai đó nói “đó là Đức Giê-su Na-da-rét”. Không một phút chần chờ, anh ta lớn tiếng kêu lên: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!”

Như một người “thầm đợi phone người yêu”, anh Ba-ti-mê thầm đợi nghe tiếng đáp trả của Giê-su người Na-da-rét. Tiếc thay! Tiếng mà anh ta được nghe, lại là tiếng của một số người đang vây quanh Ngài. Họ đã “quát nạt bảo anh ta im đi”.

Tiếng gầm gừ quát nạt rõ to, thế nhưng nó vẫn không “át” được tiếng van xin của anh Ba-ti-mê. Vâng, làm sao át được khi “anh ta càng kêu lớn tiếng: Lạy Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!”

Cú phone thứ hai của anh Ba-ti-mê đã được kết nối vào chiếc Appo của Đức Giê-su. Chuyện kể tiếp rằng “Đức Giê-su đứng lại và nói: Gọi anh ta lại đây!” Thế là, cái nhóm người vừa mới quát nạt anh ta liền thay đổi thái độ và nói với anh ta rằng: “Cứ yên tâm, đứng dậy. Người gọi anh đấy!”

So sánh giữa anh mù và những người quát nạt anh ta, Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ, có lời nhận định như sau: “Tương phản với thái độ khiêm nhu và dứt khoát của anh mù. Mác-cô nhấn mạnh tư cách bất nhất của đám đông. Họ không hiểu nỗi đau của người tàn tật, cũng không hiểu lòng tin thúc đẩy anh ta kêu lên. Nhưng khi Chúa Giê-su gọi người mù thì ngay tức khắc đám đông kêu anh ta với vẻ nịnh hót: Can đảm lên, Người gọi anh đấy!”

Đúng, anh mù rất can đảm. Anh can đảm gọi Đức Giê-su là Con-vua-Đavít, một cách xưng hô chỉ Đấng Messia. Ôi! Đấng Messia - Ngài gọi tôi à!

Nếu là bạn, bạn có thốt lên như thế không? Với anh Ba-ti-mê, có lẽ vì vui quá, nên đã không thốt lên lời. Niềm vui của anh được biểu lộ qua hành động. Chuyện kể rằng: “Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.

Xưa, ngôn sứ Giêrêmia có nói “Đức Chúa đã phán thế này: Reo vui lên mừng Giacop… Này Ta sẽ… quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què… tất cả cùng nhau trở về… Chúng trở về nước mắt tuôn rơi. Ta sẽ an ủi, và dẫn đưa chúng”! (Gr 31, 7-9).

Và, hôm nay, Đức Giê-su đã làm cho anh mù Ba-ti-mê được “reo vui lên”. Ngài, nhìn anh với ánh mắt trìu mến, và hỏi rằng: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” – “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Vâng, anh ta đã nói lên ước muốn của mình với một tâm trạng tràn đầy niềm tin và hy vọng.

Một ngày nọ, Đức Giê-su có lời phán dạy rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy…” (x.Mt 7, 7-8). Hôm nay, anh mù Ba-ti-mê đã thi hành đúng lời Đức Giê-su truyền dạy và Đức Giê-su cũng đã thực hiện đúng lời mình phán hứa.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã biến ước mơ của anh thành hiện thực. Ngài nói với anh ta rằng: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh.” Ngay lập tức, “anh ta nhìn thấy được.”

***
Anh-ta-nhìn-thấy-được. Chưa hết, thánh sử Mác-cô còn cho biết thêm rằng: “và (anh ta) đi theo Người trên con đường Người đi.”

Về hành động “đi theo Chúa” của Ba-ti-mê, cũng là Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ, có lời nhận định như sau: “Anh ta chính là mẫu người môn đệ trung thành. Chính anh ta đã cầu xin với Đức Giê-su cho anh được ‘thấy’ và Ngài đã cho anh ‘thấy’. Ngược lại, với chàng thanh niên giàu có tới tìm ánh sáng nhưng lại quay đi khi đã thoáng thấy.”

Tuy nhiên, có người lại tỏ ra nghi ngờ, rằng: “Liệu anh ta có ‘bền đỗ’ đi đến cùng? Liệu anh ta có đi theo Đức Giêsu lên Golgotha, là nơi Ngài chịu khổ hình? Liệu anh ta có thành tín đứng dưới chân thập giá cùng Đức Maria, một số các bà và người môn đệ thương mến?”

Vâng, Lm. Charles E.Miller đã giải tỏa sự nghi ngờ này như sau: “Thánh sử Mác-cô không cho chúng ta biết, có lẽ ngài muốn ta nhìn thấy chính mình trong con người từng đã bị mù, và trả lời các câu hỏi này qua nếp sống của ta.”

Đúng vậy. Chúng ta cũng từng “bị mù” như người ăn xin mù trong câu chuyện nêu trên. “Trước khi chịu Phép Rửa chúng ta mù về mặt thiêng liêng vì thiếu đức tin.” Tuy nhiên, Lm. Charles thêm lời chia sẻ, rằng: “Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy chúng ta được chia sẻ của cải của Thiên Chúa, và nhờ đức tin, chúng ta vui hưởng ơn được thấy.”

Ơn-được-thấy… thấy gì? Thưa, đó là ánh sáng Chúa Ki-tô. Vì vậy, trả lời các câu hỏi nêu trên, qua nếp sống (hằng ngày) của mỗi chúng ta, là điều phải đạo.

Thế nên, hãy để một phút trong thinh lặng và hãy tự hỏi mình rằng: Qua nếp sống hằng ngày của ta, ta có tham dự thánh lễ mỗi ngày Chúa Nhật? Câu trả lời là của mỗi chúng ta.

Thế nhưng, nếu chúng ta tham dự Thánh lễ Chúa Nhật hàng tuần, điều đó minh chứng rằng ta thật sự bền đỗ đi đến cùng với Đức Giê-su. “Trong mọi thánh lễ…”, Lm.Charles nói: “…chúng ta đi theo Đức Ki-tô, về mặt nào đó, lên đồi Can-vê. Bởi lẽ, trong Thánh lễ, ta đứng dưới chân cây thập giá, thông dự vào hy lễ duy nhất là chính Đức Ki-tô. Thánh lễ mời gọi ta hiến dâng thân mình cùng Đức Ki-tô - vị Thượng Tế cao cả của chúng ta - lên Cha Trên Trời để tuyên hứa rằng mình sẽ ‘bền đỗ’ với đức tin Công Giáo và trung thành với Đức Ki-tô và Giáo Hội của Người, cho đến chết.”

*****
Trở lại với anh Ba-ti-mê. Anh Ba-ti-mê “mù mắt” nhưng không “mù hồn”. Đôi mắt thuộc thể của anh ta không nhìn thấy khuôn mặt Đức Giê-su ra sao, nhưng đôi mắt thuộc linh của anh ta đã nhìn ra Đức Giê-su là “Con vua Đa-vít”. Anh ta đã lớn tiếng “Lạy ông Giê-su… xin rủ lòng thương.” Và ông Giê-su đã cho anh ta nhìn-thấy-được.

Nhắc lại chuyện này để làm gì? Thưa, để mỗi chúng ta cần xem lại chính con người mình. Có thể, thể xác chúng ta không mù mắt. Nhưng, biết đâu phần tâm linh chúng ta mù hồn!

Kinh Thánh cho chúng ta biết, với những ai mù hồn, điều tất yếu sẽ xảy ra, người đó sẽ có những hành động mù quáng. Một… một trường hợp điển hình thôi! Đó là vua Hê-rô-đê.

Vua Hê-rô-đê mù hồn, có thể nói như thế. Thế nên, ông ta đã có những hành động “mù quáng”. Ông ta đã mù quáng đến độ, chỉ vì một điệu múa dâm dật của một cô gái làm cho ông ta vui thích, và để làm thỏa lòng cô ta, ông ta đã hạ lệnh giết Gio-an Tẩy Giả, người đã ngăn cản ông ta lấy vợ của anh mình.

Mù hồn sẽ làm cho chúng ta bị “mù quáng”, mù quáng trước tiền bạc, trước danh vọng, trước quyền lực, trước sắc dục, trước những cám dỗ của trần gian, v.v… Mù hồn, chúng ta sẽ không thể nhận ra Chúa Giê-su, rằng Ngài “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

Thế nên, chúng ta cần ghi khắc trong con tim mình, rằng: “mù mắt sáng hồn - hơn mù hồn sáng mắt.”

Có “sáng hồn” chúng ta mới có thể phân định, phân định rằng: “Tôi sẽ đi đâu và sẽ đến với ai.” Có sáng hồn, chúng ta mới có thể nhận ra rằng: “Chỉ Đức Ki-tô mới là Đấng ban cho ta ơn đức tin, cho ta được trở nên con cái Chúa, và hứa ban cho ta sự sống đời đời.”

Vâng, đó là những lời chia sẻ chân tình của Lm. Charles. Ngài Lm. tiếp lời rằng: “Tin sẽ biến đổi thành thấy”. Nói cách khác: “Có lòng tin – sẽ được thấy”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây