TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Thiên Chúa - NVMN

Thứ bảy - 19/10/2024 22:40 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   167
Lạy Chúa, xin giúp con nhận biết “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.”
Lời Thiên Chúa - NVMN
Niềm Vui Mỗi Ngày
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.”
Thánh Vịnh 37,4
 

Lời Thiên Chúa. NVMN

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.

Trên con đường phục vụ của người Kitô hữu có nhiều niềm vui và cũng có nhiều tự vấn.
Trong Thánh Lễ giai đoạn I của các Anh Chị Dự Tòng có nghi thức trao sách Thánh Kinh Tân Ước và chuỗi Mân Côi.

Sách Thánh Kinh như là kim chỉ nam cho cuộc đời người Kitô hữu.

Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa nói với loài người bằng ngôn ngữ của loài người.
Thánh Kinh là bộ sách cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai và Ngài muốn chúng ta làm gì. Bộ sách này được Thiên Chúa soi sáng cho một số người viết và viết những điều Chúa muốn.


Công đồng Vatican II trong Hiến chế Mặc Khải (MK) khẳng định rằng: “Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho biết thiên ý nhiệm mầu, nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Qua việc mặc khải này, Thiên Chúa vô hình, trong tình yêu thương chan hòa, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu và đến sống với họ để mời gọi và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài” (MK, số 2).

Triết gia Søren Kierkegaard nói: “Kinh Thánh là thư tình mà Thiên Chúa gởi cho ta” nên cần được người tin tiếp nhận với lòng mến yêu. Thật vậy, “trong các Sách Thánh, Cha trên trời âu yếm đến gặp gỡ và trò chuyện với con cái của Ngài, vì trong Lời Thiên Chúa có uy lực và quyền năng lớn lao để mang lại sự nâng đỡ và sức sống cho Giáo hội, đồng thời đem đến cho đoàn con của Giáo hội sức mạnh của đức tin, lương thực của linh hồn, nguồn mạch tinh tuyền và trường tồn của đời sống thiêng liêng. Bởi thế, lời nói sau đây hoàn toàn đúng về Thánh Kinh: “Quả thật, Lời Thiên Chúa luôn sống động và linh nghiệm” (Dt 4,12), có năng lực xây dựng và ban phần gia nghiệp cho tất cả những người đã được thánh hóa” (Cv 20, 32; 1 Ts 2,13) (MK, số 21).

Tác giả của Thánh Kinh là Thiên Chúa như Công đồng Vatican II khẳng định: “Trong việc biên soạn các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và nhờ họ dùng tài năng và công sức, để khi chính Ngài hành động trong con người và qua con người, họ viết ra như những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ những điều đó mà thôi”  (MK, số 11).

Thánh Kinh được viết trải dài hơn 1200 năm, gồm có 73 tác phẩm và được chia làm 2 phần. Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước.

Thánh Kinh Cựu Ước gồm 46 quyển sách nói về giao ước ký kết giữa Thiên Chúa và dân Ítraen.

Thánh Kinh Tân Ước gồm 27 quyển sách nói về giao ước ký kết giữa Thiên Chúa và loài người qua Chúa Kitô.

 

Khi trao cho các Anh Chị Dự Tòng quyển Thánh Kinh Tân Ước với ước mong các anh chị đọc, cầu nguyện và gặp gỡ với Chúa Giêsu như nguồn sống đích thực của mình. Đây cũng là mong ước của HĐGM VN qua Thư Mục vụ 2005: Mỗi gia đình có một quyển sách Thánh Kinh, chí ít là Tân Ước để cầu nguyện và sống theo sự hướng dẫn của Chúa, bởi vì “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119,105)


Thời gian học dự tòng tại quê tôi khoảng tầm 4 tháng. Khi đồng hành với họ, tôi thường cùng các anh chị đọc Tin Mừng thánh Máccô. Thánh Máccô viết Tin Mừng này cho người ngoại trở lại nên dễ đọc, dễ hiểu và khám phá Đức Kitô là ai. Hơn nữa, Tin Mừng thánh Máccô có 16 chương, mỗi tuần chúng tôi đọc một chương. Thế là khi kết thúc khóa học, các Anh Chị có cái nhìn tổng quát về cuộc đời của Chúa Giêsu, với những biến cố, những lời dạy cũng như cách đối xử của Ngài với mọi người như thế nào mà qua đó, chúng ta có thể học theo Ngài.

Mỗi tuần đọc một chương: Đó là một điểm trong nội qui khóa học.

Thời gian đọc mỗi chương khoảng 6-7 phút. Tuần nào chúng tôi cũng nhắc nhở các anh chị dự tòng và cả những anh chị có đạo, nhưng chưa mấy ai đọc. Trình độ của các anh chị dự tòng hầu hết là 12/12  hoặc là sau đại học. Chắc hẳn việc đọc sách không phải là vấn đề với các anh chị. Nhưng tại sao các anh chị lại không chịu đọc? Và ngay cả các anh chị đạo gốc cũng không có mấy người đọc nữa thì còn đâu “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”?

Các anh chị dự tòng như thế! Những người bạn có đạo như thế! Còn bạn và tôi thì sao?

Lạy Chúa, xin giúp con nhận biết “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.”

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con…
Nguyễn Thái Hùng
10.2024
 Tags: nvmn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây