Chúa Nhật V Mùa Chay – A.
Con có tin thế không?
Có sinh ắt có tử, đó là khởi đầu và cuối cùng của một vòng tuần hoàn khép kín: sinh-lão-bịnh-tử. Khi nói tới “tử”, với cái nhìn thế gian, đó là nỗi ám ảnh không nguôi suốt chiều dài lịch sử con người. Có ai trên thế gian này mà không phải chết!
Thế nhưng, với đức tin Ki-tô giáo, “Chết” lại là khởi đầu cho một cuộc sống mới. Đây không phải là một niềm tin mơ hồ, một niềm tin do con người bịa đặt ra. Đây là một niềm tin được đặt trên nền tảng sự chết và sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô.
Thật vậy, bắt nguồn từ sự bội phản và bất trung của nguyên tổ Adam và Eva, con người đã bị Thiên Chúa đoán phạt “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,..19). Án phạt đó cho thấy “Thiên Chúa là thẩm phán công minh” (Tv 7,12).
Thế nhưng, không vì sự phản bội bất trung đó mà Thiên Chúa bỏ rơi con người. Thiên Chúa còn là “Đấng từ bi nhân hậu. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9).
Lòng nhân hậu đó được biểu lộ qua việc “sai Con của Người đến thế gian”. Người Con đó chính là Đức Giêsu “để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Chính Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài đã từng công bố rằng: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”.(Ga 11,25)
Và để củng cố cho niềm tin này, Đức Giê-su đã thực hiện một phép lạ vô tiền khoáng hậu, đó là, cho một người đã chết bốn ngày, được sống lại.
**
Sự việc xảy ra tại làng Bêtania, nơi gia đình ba chị em Mác-ta, Maria và La-za-rô cùng sinh sống. Đây là một gia đình rất thân thiết với Đức Giê-su.
Cuộc sống của họ tưởng chừng lúc nào cũng chỉ có niềm vui. Thế nhưng, buồn thay! sương mù và giá lạnh đã phủ trùm lên gia đình họ. La-za-rô, là em của Mác-ta, bị đau nặng.
Bị đau nặng ư! Vâng, cứ sự thường, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ đem người bịnh đến nhà thương hay chí ít cũng tìm đến một ông bác sĩ nào đó, phải không, thưa quý bạn?
Thế nhưng, chị em Mác-ta thì không. Hai chị em cho người tìm đến Đức Giê-su để báo tin.
Tại sao lại thế nhỉ? Đức Giê-su có là “đốc tờ” đâu! Hay, phải chăng, tìm đến Đức Giê-su là do hai cô có nghe nói đến chuyện cậu bé con của một bà goá tại thành Nain đã chết và được Thầy Giê-su cứu sống lại?
Không thấy Kinh Thánh nói đến, nhưng có khả năng tìm đến Đức Giê-su, đó là, nhờ hai cô đã trải qua những kinh nghiệm, rằng “có Chúa” thì mọi sự sẽ trở thành “tốt nhất”.
Đúng vậy, Kinh Thánh có chép rằng: “Chúa… thương chữa lành các bệnh tật ngươi” (Tv 103, …3)
Bốn ngày sau, kể từ khi nhận được tin báo, Đức Giê-su đến nhà Mác-ta. Sự hiện diện của Ngài đã bùng lên ngọn lửa đức tin nơi chị em cô Mác-ta.
Lúc đó, dầu cho La-za-rô “đã chôn trong mồ bốn ngày rồi” nhưng cô Mác-ta vẫn đặt niềm tin vào Đức Giê-su. Cô nói: “Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, người cũng sẽ ban cho Thầy”. (Ga 11, …22).
Còn với cô Maria thì sao? Thưa, niềm tin của cô được hoà chung với những giọt lệ đầy bi ai: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”.
Hôm đó, sau lời cầu nguyện của Đức Giê-su và qua lời phán bảo của Ngài với người chết, rằng: “Anh Lazaro, hãy ra khỏi mồ”. Kỳ diệu thay! “Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn”. Sau đó, Đức Giê-su bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, và để anh ấy đi” (x. Ga 11, 44)
***
Có cái chết nào lại không làm cho lòng người thổn thức và xao xuyến! Nếu cái chết của Abel kêu thấu tận Trời cao. Thì hôm nay, cái chết của Lazaro đã làm cho Con Trời “bật khóc”.
Hôm đó, Đức Giêsu đã khóc. Ngài khóc không phải bởi tại không có mặt kịp thời kể cứu Lazaro. Chính Đức Giêsu, khi nhận được tin xấu về Lazaro, Ngài đã nói với các môn đệ rằng: “Thầy mừng cho anh em, vì Thầy không có mặt ở đó, để anh em tin.” (Ga 11,15).
Đức Giêsu khóc chính là do “tình bạn”, một tình bạn sâu sắc để bày tỏ lòng “quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Maria và anh La-za-rô”.
“Tình bạn”… Vâng, Lm Thái Nguyên, trong bài chia sẻ “Huyền Nhiệm của tình bạn” có nói: “Thiếu tình bạn thân, người ta dễ rơi vào bệnh lạnh lùng, hoặc hung hăng hiếu chiến, hoặc bệnh chủ quan, hà khắc và độc đoán. Các thể chế hay cộng đoàn nào không cho tình bạn phát triển đều là những hình thức bất nhân. Một môi trường không được phép phát triển một tình yêu chan hòa với bạn hữu, dù chung hay riêng, thì đều là môi trường chết.
Với kinh nghiệm về tình bằng hữu chân chính, tự nhiên người ta biết cách phát huy tình yêu cộng đồng một cách sinh động và sáng tạo. Cho dù phải phòng ngừa những tình bạn có tính cách méo mó lệch lạc, nhưng không vì thế mà làm mất đi một phương tiện hữu hiệu cho đời sống.
Ý thức tầm quan trọng về vai trò của tình bạn trong việc phát triển nhân tính là tiến gần đến Chúa Giêsu, Đấng đã xem đồ đệ mình là bạn hữu, đã coi Gioan là người thân tín nhất, và đã sẵn sàng hy sinh mạng sống vì họ. Quả thật, đối với Chúa Giêsu, tình bạn là điều căn bản và thiết yếu.” (nguồn: internet).
Alexandre Manzoni cũng rất quý trọng tình bạn khi nói: “Một trong những sung sướng lớn lao nhất ở đời này là tình bạn, và một trong những sung sướng của tình bạn là có người để ký thác những điều thầm kín”.
Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, là bởi, cuộc sống thường nhật của chúng ta, có ai mà không hơn một lần gặp rủi ro, thất bại. Có ai mà không hơn một lần đau khổ, tinh thần lẫn thể xác! Có ai mà không một lần đối diện với tang tóc, mất mát người thân yêu!
Là một Ki-tô hữu, gặp những chuyện như thế, chúng ta sẽ “ký thác” cho Đức Giê-su, Đấng đã nói “Anh em là bạn của Thầy, chính Thầy lựa chọn anh em…”? (Ga 15, 15). Hay chúng ta lại ký thác cho những “ông đồng bà cốt”… ký thác vào bói toán?
Nếu chúng ta ký thác cho những ông đồng bà cốt, ký thác vào bói toán, dẫu cho, tinh thần lẫn thể xác của chúng ta có đôi chút đổi thay, thì cuộc đời của chúng ta, như lời ngôn sứ Ê-dê-ki-en nói, cũng chỉ như là “đã có gân, thịt đã mọc lên và da đã trải ra ở bên trên, nhưng thần khí chưa có ở nơi chúng” (Ed 37, 8).
****
Trở lại câu chuyện “Anh La-za-rô sống lại”. Hôm đó, sau khi La-za-rô ra khỏi mồ, Đức Giê-su bảo “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”.
Vâng, Kinh Thánh không nói tới chuyện ai là người đã “cởi khăn và vải” cho anh La-za-rô, nhưng chúng ta có thể đoán rằng, hai chị em cô Mác-ta và Maria, hoặc là những người Do Thái đang hiện diện nơi đó sẽ làm theo lời bảo của Đức Giê-su.
Nhắc đến chuyện này để làm gì? Thưa, là để nói về chúng ta hôm nay.
Thật vậy, mỗi chúng ta, có phần chắc, cũng có lúc bị trói buộc bởi những tấm khăn trần tục: tấm khăn dối trá, tấm khăn dâm bôn, tấm khăn ô uế, tấm khăn phóng đãng, tấm khăn thờ quấy v.v… Hoặc, cũng có thể bị quấn chặt bởi những tấm vải… những tấm vải hận thù, bất hòa, chia rẽ, ganh tị, say sưa, chè chén, v.v… nơi con tim, trong tận đáy sâu thẳm của tâm hồn mình.
Cho nên, hãy để vài phút hồi tâm và tự hỏi: tâm hồn tôi có bị “trói buộc”, có bị “quấn chặt” bởi những tấm khăn, tấm vải nêu trên không?
Nếu có… đừng chần chờ… hãy tìm đến “Bí Tích Hoà Giải”, qua Bí Tich Hoà Giải, Thần Khí Chúa sẽ cởi “khăn và vải”, những tấm khăn trần tục và những tấm vải tội lỗi, ra khỏi thân xác, ra khỏi tâm hồn của chúng ta.
Một khi chúng ta cởi bỏ những tấm khăn, những tấm vải đó, như lời ngôn sứ Ê-dê-ki-en nói, chúng ta sẽ “được hồi sinh và đứng thẳng lên”, đứng-thẳng-lên và đi, Thần Khí Chúa sẽ dẫn chúng ta đi đến bàn tiệc Thánh Thể, nơi đây Đức Giê-su sẽ ban cho chúng ta Mình và Máu Thánh Ngài, một thứ lương thực thường tồn đem lại sự sống đời đời.
Vâng, hôm nay, Đức Giê-su vẫn luôn trở lại ngôi làng Bê-ta-ni-a được cải danh là “ngôi nhà tạm”. Nơi đây, Ngài sẽ nói với mỗi chúng ta, như xưa đã nói với cô Mác-ta, rằng; “Con có tin thế không?”
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn