Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 12/05/2021 07:02 |
Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |
1103
Thợ Đáng Được Hưởng Công
Được sai đi mà không mang bị, túi tiền, chỉ được dặn: thợ thì đàng hưởng công. Suy nghĩ về đề tài này, có vài điều chia sẻ: Tay không, lòng trong; tuỳ thuộc, phó thác; và như người làm công. Tay không, lòng trong
Khi Chúa mời gọi ra đi với tay không, lòng trong, không để dính bén đến bụi trần, Chúa dạy một điều có sẵn từ ngàn xưa của các truyền thống tôn giáo: “ Giữ cho tâm bình thản, lòng thanh tịnh, ý chí kiên quyết, một trí óc mẫn nhuệ, mới có thể nắm bắt được chân lý”. Bởi thế khi Chúa dạy các môn đệ: “Nước Trời phải đương đầu bằng sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 10, 22).
Dồn tâm, dồn lực vào việc truy tìm chân lý mới mong đầy đủ hành trang ra đi rao giảng của người môn đệ. Chúa mời gọi người môn đệ “ở lại và học với Thầy, nên giống Thầy”. Khác với tất cả những người theo vị thầy nào để học ở đời sống trí thức hoặc tu hành, Chúa Giê su mời gọi người học trò cùng sống với Chúa, nên giống Chúa mỗi ngày. Tuỳ thuộc và phó thác
Một trong những điều thường thấy ở các tu sỹ nhiệm nhặt, họ chọn cách sống mỗi ngày dành một thời gian nhất định cho việc khất thực. Họ vẫn đủ sức khoẻ để làm việc tự nuôi thân, nhưng những gì họ làm ra là để giúp người khác. Họ sẵn sàng đón nhận cách khất thực để nuôi thân. Khất thực để chú tâm điều quan trọng nhất trong cái học chiến thắng “cái tôi” ích kỷ, ngạo mạn, hư danh… của mình.
“Cái tôi” đáng ghét cần bị khuất phục bằng lựa chọn lối sống “tuỳ thuộc” vào lòng tốt của người khác, “phó thác” mọi sự nơi Thiên Chúa, để sống hoàn toàn cho sứ vụ mà không vụ lợi, đi tìm kiếm hư danh…
Chúa dạy các môn đệ, “người ta dọn cho thức ăn nào thì dùng thức ấy”. Nhờ vào lòng tốt của người anh chị em đón nhận Tin Mừng, chính họ cũng được mời gọi theo cách sống như Chúa mời gọi “tuỳ thuộc” và “phó thác” nơi Chúa. Như câu truyện bà goá thành Serepta, cả khi như hũ bột còn sót lại một ít đủ cho bà và con bà dùng một bữa. Bà cũng hy sinh phần mình, để làm ra chiếc bánh thết đãi tiên tri Elia. Sau đó, hũ bột không hề vơi, bình dầu không hề cạn (Xem 1 các vua 17, 16) . Người thợ làm công
Như người thợ làm công. Chúa Giê su muốn dạy các môn đệ dù có làm được việc gì, hay đạt tới công trạng nào, điều đó vẫn thấy mình chỉ làm những việc bổn phận như đã được sai đi để thưa với Chúa: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 7, 10).
Khi Chúa dạy như thế, cũng hướng tới một nhân loại đại đồng, “có người một nén, người năm nén, người mười nén”. Mỗi người được những đặc sủng khác nhau, nhiều hoặc ít khác nhau. Tuỳ theo mỗi người, mỗi chức năng để cùng nhau xây dựng thế giới trong tình yêu thương. Mỗi người thực hiện cuộc đời mình, không chỉ cho mình mà còn cho người khác, nên công lênh không để kể công mà nằm phục vụ bằng yêu thương. Một thế giới công bằng, bác ái, được bắt đầu từ mỗi người xây đắp bằng tấm lòng của mình trao đi.
Người thợ đáng được thưởng công, để tay trắng lòng thanh nhẹ nhàng tâm trí đi tìm chân lý. Một bài học biết sống tuỳ thuộc và phó thác để khuất phục “cái tôi” chiếm hữu, ích kỷ. Như một người thợ được gửi đến để xây đắp yêu thương bằng đời sống phục vụ vô vị lợi và lòng tri ân.
Xin Chúa huấn luyện chúng con thành những thợ gặt lành nghề.