TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đại dịch Covid-19 dạy cho chúng ta điều gì?

Thứ sáu - 03/09/2021 03:36 | Tác giả bài viết: An Bình, C.Ss.R. |   934
Khi đối diện với sự dữ, cụ thể là đại dịch Covid-19, chúng ta có thể nhìn ở góc độ nguyên nhân hoặc kết quả.
Đại dịch Covid-19 dạy cho chúng ta điều gì?

ĐẠI DỊCH COVID-19 DẠY CHO CHÚNG TA ĐIỀU GÌ?


WHĐ (02.9.2021) - Khi đứng trước một vấn đề, một biến cố hay sự kiện chúng ta có thể đánh giá nó ngang qua việc quan sát từ phía trước hoặc từ phía sau, nghĩa là, hoặc nhìn từ những nguyên nhân hoặc nhìn từ những kết quả của nó. Cũng vậy, khi đối diện với sự dữ, cụ thể là đại dịch Covid-19, chúng ta có thể nhìn ở góc độ nguyên nhân hoặc kết quả. Về nguyên nhân, virus đến từ tự nhiên hay được tạo ra bởi con người vẫn là lời hỏi bị bỏ ngỏ, vì cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta có thể khẳng định rằng con người vẫn là chủ thể chịu trách nhiệm chính cho sự lây lan của virus. Dù con người không trực tiếp tạo ra virus, nghĩa là virus đến từ tự nhiên, thì con người vẫn là tác nhân đưa virus vào trong cơ thể mình, cách vô tình hay hữu ý. Bởi đơn giản con virus nhỏ bé kia không đủ khôn ngoan để xâm nhập vào sống ký sinh trong cơ thể con người, nhưng nó phải qua trung gian con người. Từ một người hoặc một nhóm người đã làm lây lan cho hằng trăm triệu người trên thế giới.

Cũng như động đất, sóng thần, bão tố, núi lửa, bệnh tật… đại dịch Covid-19 được xem là một sự dữ tự nhiên (nếu virus đến từ tự nhiên). Nghĩa là con người không phải là tác nhân gây ra sự dữ nhưng con người buộc phải lãnh lấy hậu quả. Để không bị bế tắc trong vấn đề này chúng ta tiếp cận nó theo quy luật chọn lọc tự nhiên. Thế giới chúng ta đang sống chưa hoàn thiện nhưng nó đang trên đường tiến đến sự hoàn thiện [x. GLHTCG, #301-302], trên hành trình đó diễn ra quá trình chọn lọc tự nhiên. Do đó, con người, động vật và thực vật có mối quan hệ mật thiết, bình đẳng và tuân theo quy luật mạnh được yếu thua. Trong quy luật tự nhiên đó, con người được phú ban cho trí khôn vượt trội hơn mọi loài khác. Và trong cuộc đấu tranh sinh tồn, con người chiếm lợi thế, hay nói đúng hơn, con người có quyền quyết định sự sống còn của đại đa số loài khác. Con người không thể tồn tại nếu không biến các loài động-thực vật khác thành lương thực. Khi con người cố gắng bảo tồn sự sống của mình thì cũng đồng nghĩa với việc nhiều loài động-thực vật có nguy cơ bị giết chết. Ngược lại, nhiều loài động vật, thực thật khó có thể tồn tại nếu không có bàn tay của con người chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo tồn. Cũng vậy, vì bản năng sinh tồn, nên trong thế giới động vật, loài nhỏ bé và yếu ớt hơn trở thành mồi ngon cho loài to lớn và hung dữ hơn. Cá bé trở thành thức ăn nuôi sống cá lớn. Các loại hoa trái, rau cỏ và thảo mộc lại trở nên thức ăn cho động vật. Các loài cây nhỏ phải chịu thiếu ánh sáng mặt trời khi núp dưới bóng của loài cây lớn hơn. Như vậy, trong thế giới tự nhiên, con người, động vật và thực vật tác động lên nhau và hỗ tương lẫn nhau. Do đó, tất cả đều phải tuân theo quy luật tự nhiên mà mỗi loài là thành phần trong đó.

Con virus Corona dù nhỏ bé, nhưng nó cũng là một thành phần trong thế giới tự nhiên, nó cũng cần có môi trường để tồn tại. Xét về mặt sinh học, virus không phải là một động vật vì nó không có cấu trúc tế bào và không diễn ra quá trình trao đổi chất. Nhưng chắc chắn, nó giống con người và động vật khác, đơn giản vì nó là một sinh vật sống, nó sinh sản bằng cách tự nhân đôi và phát triển theo quy luật chọn lọc tự nhiên. Nó là sinh vật sống ký sinh, do đó, khi con người và virus gặp nhau, con người trở nên môi trường thuận lợi để virus phát triển. Trong cuộc gặp gỡ đó, loài nào có khả năng tiêu diệt đối thủ hơn, loài đó sẽ thắng. Theo quy luật này, con người phải biết đón nhận, thích nghi và tự tìm cách diệt trừ virus theo khả năng được phú ban, hoặc tạo kháng thể tự nhiên hoặc tạo kháng thể nhờ vaccine. Mặt khác, virus không phải là loài có trí khôn nên nó không có ý định gây hại cho con người, nhưng vì bản năng sinh tồn, nó ký sinh trên cơ thể con người để duy trì sự sống. Đó là thực tế mà con người cần phải chấp nhận.

Nhìn từ kết quả hay hệ quả trước mắt, thoạt nhìn chúng ta có thể khẳng định rằng virus là “đối thủ” chứ không bao giờ là “đồng minh” của con người. Bởi vì từ khi xuất hiện đến nay (sau gần 2 năm), con virus nhỏ bé đã làm đảo lộn trật tự và làm tổn thương thế giới. Nó ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống con người. Hằng triệu người đã bị chết. Hằng trăm triệu người đã bị nhiễm bệnh, bị thất nghiệp, bị đói khát, bị mất người thân. Hằng tỉ người phải sống trong tình trạng lo lắng, sợ hãi, bất an. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty tạm thời ngưng sản xuất. Nhiều tập đoàn kinh tế đã hoặc đang đứng bên bờ vực phá sản. Biên giới giữa các quốc gia hay thậm chí trong phạm vi nội địa bị đóng cửa. Mọi giao thương bị trì trệ hoặc tạm dừng… Tất cả những nguyên nhân đó đều do con virus Corona gây ra. Câu hỏi đặt ra là có phải đại dịch Covid-19 hoàn toàn để lại những hậu quả mà không để lại bất kỳ hiệu quả nào hay sao? Câu trả lời tùy thuộc vào cách tiếp cận và giải quyết vấn đề của mỗi người.

Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở những hậu quả của con virus Corona để lại, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái bi quan-thực dụng. Nghĩa là chúng ta chỉ bận tâm đến những hậu quả minh nhiên mà đại dịch đã gây ra và phản ứng lại với thái độ bi quan, tuyệt vọng, than trách, đổ lỗi. Từ đó, khiến con người sống trong sự sợ hãi và bất an. Điều này cũng dễ hiểu, vì những hậu quả đó ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân, gia đình và quốc gia của mỗi người. Thật vậy, những thống kê về hậu quả của trận đại dịch gây ra khiến người ta có lý do để xao xuyến, để bận tâm. Và nhân loại đang tìm mọi cách để đẩy lùi virus ra khỏi thế giới này càng sớm càng tốt nhằm đưa mọi thứ trở về trạng thái hoạt động bình thường. Sau gần 2 năm nỗ lực, các nhà khoa học đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều loại vaccine nhằm làm hạn chế sự lây lan dịch bệnh và số ca tử vong. Đó là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu con người cứ loay hoay đi tìm giải pháp nhằm khắc phục hậu quả mà không tìm những điểm tích cực để từ đó rút ra cho mình những bài học trong tương lai thì quả thật là đáng tiếc.

Tạm gác lại những hậu quả, bây giờ chúng ta đề cập đến những hiệu quả hay tính tích cực mà đại dịch mang lại cho thế giới. Ngay cả khi đại dịch chỉ để lại hậu quả, chúng ta cũng phải suy nghĩ tích cực về những hậu quả đó để tiếp tục sống. “Chúng ta không được xóa bỏ bất kỳ ngày sống nào của đời mình. Bởi vì, những ngày tươi đẹp nhất tặng chúng ta hạnh phúc, những ngày đen tối nhất cho chúng ta kinh nghiệm và những ngày tồi tệ nhất dạy chúng ta sống” (Khuyết danh). Vì vậy, chúng ta hãy để đại dịch Covid-19 dạy cho chúng ta những bài học cho hiện tại và tương lai.

1. Về vấn đề môi trường, khi mà mẹ thiên nhiên đang “gào thét” vì sự tàn phá vô trách nhiệm của con người thì đại dịch xuất hiện. Nếu như con người không thể “nghe thấu tiếng kêu gào của thiên nhiên”, không thể cùng nhau ngăn chặn sự nóng lên của trái đất, sự tan chảy của băng ở hai cực và sự ô nhiễm môi trường do khói bụi và rác thải… thì virus làm được. Nhờ các nhà máy, các công ty, các cơ sở sản xuất, các phương tiện giao thông tạm ngưng mà “trái đất bắt đầu thở trở lại”. Có thể nói, chính nhờ con người “nghỉ” mà mẹ thiên nhiên được phục hồi. Hãy quan tâm đến mẹ thiên nhiên – ngôi nhà chung của chúng ta nhiều hơn!

2. Nhiều năm trước khi đại dịch bùng phát, con người dường như bất lực trong việc giải quyết những xung đột biên giới, hận thù và chia rẽ giữa các quốc gia, vùng miền và sắc tộc, nhưng nay virus đã làm được. Thật thế, từ khi con virus Corona xuất hiện, nhân loại không còn chứng kiến tình trạng bạo loạn, khủng bố và xung đột biên giới trên thế giới, đặc biệt tại các nước Trung Đông, cách thường xuyên như trước đây nữa. Để có hòa bình và hòa giải người ta phải biết đặt nền tảng trên sự tôn trọng nhân phẩm của người khác cũng như của chính mình!

3. Đại dịch cũng dạy cho nhân loại biết rằng, việc trang bị vũ khí tối tân hiện đại hay xây dựng những tập đoàn kinh tế khổng lồ không đảm bảo được sự sống. Thay vào đó hãy trang bị và xây dựng thế giới dựa trên tình yêu và lòng bác ác. Chỉ với “vũ khí tình yêu” mới có khả năng giải quyết những cuộc xung đột và sự chết chóc!

4. Vấn nạn tai nạn và tắc nghẽn giao thông ở các nước đông dân số, đặc biệt tại Việt Nam, chưa thể giải quyết cách rốt ráo, thì nay virus làm được. Nhờ việc hạn chế đi lại mà số lượng ca tử vong do tai nạn giao thông không còn được thường xuyên cập nhật trên các phương tiện truyền thông nữa. Hãy học cách tôn trọng sự sống của chính mình và người khác!

5. Tình trạng thiếu hụt vật tư y tế, trang thiết bị và bệnh viện để cứu sống người trong hoàn cảnh hiện tại phải dạy cho chúng ta rằng thay vì xây dựng tượng đài, cổng chào, khu vui chơi giải trí… chúng ta cần phải xây dựng nhà thương và đầu tư trang thiết bị y tế để phục vụ con người. Hãy biết nhận ra cái gì cần thiết, cái gì chính, cái gì phụ!

6. Nhiều bệnh nhân ở trong tình trạng nguy tử vì thiếu bình oxy. Trong khi đó, chúng ta là những người khỏe mạnh đang được xài oxy cách miễn phí và dư thừa. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta phải tỏ lòng biết ơn và cùng nhau gìn giữ môi trường để mọi người được hít thở một bầu không khí trong lành. Mỗi hơi thở hãy ý thức và thầm tạ ơn rằng mình đang được nuôi dưỡng bằng oxy miễn phí!

7. Sự thiếu hụt thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết cũng dạy cho chúng ta bài học về sự tiết kiệm khi no đủ. Đi xa hơn, nó mời gọi chúng ta sống tình liên đới và chia sẻ khó khăn với nhau. Những người đang có của ăn hãy nghĩ về những người đang đói khát ở những khu cách ly để đồng cảm và sẻ chia với họ. Hãy loại bỏ thái độ vô cảm, thờ ơ, thay vào đó hãy sống quan tâm và nghĩ đến người khác nhiều hơn!

8. Sự ra đi của những người bị nhiễm virus không vô nghĩa, nhưng nó dạy cho những người còn sống rằng: con người thật quá yếu ớt và dễ bị tổn thương. Sự ra đi của họ cũng dạy chúng ta rằng sức khỏe là thứ quý hơn vàng, hơn bạc, hơn nhà lầu, hơn xe hơi... Do đó, đừng lãng phí sức khỏe vào những cuộc vui chơi vô bổ, nhưng hãy biết chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người khác. Bao lâu còn được sống hãy biết quan tâm đến sức khỏe và quý trọng sự sống!

9. Sự ra đi trong cô đơn, lặng lẽ không có người thân bên cạnh, không áo quan, không cờ, không trống, không vòng hoa kính viếng của những người trong các bệnh viện dã chiến, trong các khu cách ly phải dạy cho người đang sống bài học về mối tương quan giữa người với người. Bao lâu còn sống, hãy đến với nhau, hãy dành thời gian cho nhau, hãy quý trọng những giây phút ở bên nhau. Hãy yêu thương, quan tâm và chia sẻ với nhau khi còn có thể!

10. Virus không phân biệt giàu hay nghèo, già hay trẻ, thành thị hay nông thôn, cán bộ hay dân thường… điều đó cũng đồng nghĩa rằng sự chết không từ chối bất kỳ ai và nó xảy đến cách bất ngờ. Vì vậy, sống là phải luôn sẵn sàng cho ngày chết, chứ đừng bao giờ sống như mình chẳng bao giờ chết. Đồng thời, sự chết cũng chỉ ra rằng khi chết chúng ta chẳng mang theo được gì thuộc về thế giới này. Tất cả tiền tài, danh vọng, sự nghiệp, địa vị, sự thành công và của cải vật chất mà chúng ta nghĩ là mình đã có được trong thế giới này, chúng sẽ ở lại trong thế giới này. Những gì chúng ta có thể mang theo khi ra khỏi thế giới này là tình yêu và việc lành phúc đức. Hãy sống như thể ngày mai bạn không còn được sống!

11. Đại dịch đã đột ngột thức tỉnh cá nhân và tập thể đang chạy theo sự ảo tưởng toàn năng và sức mạnh. Con người lầm tưởng về khả năng làm chủ thế giới của mình. Họ tìm cách thể hiện sức mạnh bằng việc chạy đua vũ trang và khoa học kỹ thuật. Nhưng virus khẳng định và nhắc nhở rằng con người không phải là chủ nhân nhưng chỉ là thành phần của thế giới này mà thôi. Hãy biết khiêm tốn để nhận ra sự giới hạn của bản thân!

12. Đại dịch gây ra tình trạng giãn cách xã hội, nếu chúng ta biết tận dụng khoảng thời gian này để hâm nóng lại mối tương quan gia đình, thì việc giãn cách không phải là vô ích. Hãy làm một cuộc thay đổi! Hãy biến mối tương quan xã hội không cần thiết với bạn bè, đồng nghiệp được xây dựng nơi công sở, hay những cuộc hội họp ở nhà hàng, quán nhậu thành mối tương quan quan trọng hơn, là mối tương quan gia đình. Nơi đó, chúng ta xây dựng tình thương ngang qua việc quy tụ bên nhau nơi bàn cơm, phòng chung hoặc nơi phòng cầu nguyện. Chắc chắn rằng hoa trái tình yêu sẽ được trổ sinh trong sự gặp gỡ và phục vụ lẫn nhau. Gia đình là nơi để sống, là tổ ấm yêu thương chứ không phải nơi để ở!

13. Cũng nhờ giãn cách xã hội mà con người biết tự chăm sóc cho bản thân, cả về nhan sắc lẫn sức khỏe. Thật vậy, trước đây chỉ cần có tiền là người ta có thể ăn ngon, mặc đẹp, biết thưởng thức cuộc sống nhờ người khác mang lại. Nhưng nay, vì hàng quán đóng cửa, các khu vui chơi giải trí, các spa làm đẹp cũng ngưng hoạt động nên nhiều bà mẹ, ông bố phải tự mình vào bếp, tự chăm sóc lấy bản thân và gia đình, tự tạo môi trường để giải trí. Từ đó, vực dậy bản năng sinh tồn nơi mỗi người. Hãy tự bước đi trên đôi chân của mình, đừng quá phụ thuộc vào người khác!

14. Con người đang sống vội, sống ảo nhưng nay nhờ giãn cách xã hội mà họ sống chậm lại, sống thật với chính mình. Qua đó, giúp họ biết suy nghĩ và nhận ra đâu là giá trị và ý nghĩa đích thực của đời người, cái gì là hư ảo, là thiếu thực tế. Hãy sống thật với chính mình!

Như vậy, đứng trước biến cố đại dịch Covid-19. Nếu chúng ta chỉ loay hoay đi tìm kiếm nguyên nhân, hay chỉ nhìn vào những hậu quả trước mắt thì chúng ta sẽ bế tắc, tuyệt vọng, bất an. Nhưng nếu chúng ta biết đón nhận và nhìn biến cố đó theo chiều hướng tích cực, chúng ta sẽ tìm được ánh sáng ở cuối đường hầm. Theo cách này, chúng ta sẽ nhận ra rằng đại dịch Covid-19 không phải là một thảm họa nhưng nó có tính chất thức tỉnh và lời cảnh báo cho thế giới. Bởi lẽ, nhân loại đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ các mối tương quan: tương quan với Thượng Đế, tương quan với tha nhân, tương quan với vũ trụ vạn vật và tương quan với chính mình. Đại dịch như một lời cảnh báo và lời mời gọi con người thay đổi cả cách suy nghĩ và hành động. Quả vậy, ngoài việc chứng kiến những hậu quả của con virus Corona, nhân loại đã và đang chứng kiến nhiều loại “virus” nghiêm trọng khác ở cấp độ và quy mô nhỏ hơn, nhưng tất cả đều đe dọa đến sự sống còn của con người và nền hòa bình của thế giới. Các loại virus đó là: chiến tranh, tích trữ vũ khí, bạo lực, khủng bố, phân biệt chủng tộc, tranh giành quyền lực chính trị, hận thù, chia rẽ và đặc biệt là vấn nạn tàn phá môi trường. Chúng như những khối ung nhọt, hay những con virus đang ngày đêm gặm nhấm thế giới. Điều đáng nói ở đây, chúng không đến từ tự nhiên, nhưng đến từ chính con người. Do đó, chúng ta cũng cần phải chú ý và ý thức đầy trách nhiệm về những vấn đề này. Nếu không thức tỉnh, nếu không cùng nhau giải quyết vấn đề thì sớm hay muộn, con người sẽ nhận hậu quả do chính mình gây ra. Vượt lên trên mọi cảnh báo, đại dịch Covid-19 là lời cảnh báo đanh thép và cụ thể nhất cho nhân loại. Nếu chúng ta không cùng nhau xây dựng hòa bình dựa trên sự tôn trọng phẩm giá của con người, nếu chúng ta không sử dụng những gì “mẹ thiên nhiên” ban tặng trong tinh thần trách nhiệm, nếu chúng ta không cùng nhau bảo vệ thiên nhiên – ngôi nhà chung của chúng ta, thì một ngày nào đó nhân loại sẽ lãnh nhận những hậu quả tàn khốc tương tự như đại dịch Covid-19. Những hậu quả đó có thể đến từ sự “trừng phạt” của mẹ thiên nhiên, nhưng cũng có thể đến từ sự trừng phạt lẫn nhau giữa con người với con người.

Tác giả: An Bình, C.Ss.R.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây