TƯ TƯỞNG CỦA TA, ĐƯỜNG LỐI CỦA TA KHÁC CÁC NGƯƠI
“Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là tông đồ. Đó là…” (Lc 6,12-16).
Với những dữ kiện mà Tin mừng tường thuật như “lên núi cầu nguyện, thức suốt đêm” thì chúng ta phải chân nhận rằng Chúa Giêsu không chỉ ý thức mà rất cẩn trọng trong việc chọn nhóm Mười Hai đặt làm tông đồ. Dĩ nhiên để tuyển chọn nhóm người cộng tác rất thân cận với mình thì Chúa Giêsu phải căn cứ một vài tiêu chí nào đó. Đọc danh sách tên tuối 12 vị được chọn thì chúng ta thấy chuyện học hành bằng cấp không phải là tiêu chí Chúa Giêsu đòi hỏi. Đời sống đạo đức qua việc giữ các lề luật, ăn chay, hay thuộc kinh kệ cũng không phải là tiêu chí cần để Chúa Giêsu chọn hàng tông đồ. Tin mừng cho chúng thấy rõ đa số vị được chọn đều xuất thân từ giới ngư dân, chữ nghĩa không có, chẳng hề biết ăn chay hay nghiêm giữ lề luật. Vậy đâu là những tiêu chí mà Chúa Giêsu ít nhiều có đặt ra để chọn gọi nhóm Mười Hai? Theo các trang Tin Mừng tường thuật thì chúng ta có thể nhận thấy một vài tiêu chí khi phân tích những điểm chung nơi nhóm người được chọn.
1. Chí hoài bão vì quê hương dân tộc: Có thể nói rằng động cơ và mục đích của cả nhóm Mười hai khi đi theo Chúa Giêsu đó là vì một nền độc lập, tự do của dân tộc. Dân Do Thái thời bấy giờ đang chịu sự đô hộ của đế quốc Rôma. Đã và đang có đó phong trào giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ đế quốc. Nhiều chí sĩ đã vì quê hương dân tộc mà chấp nhận cả án tử hình thập giá quan Philatô áp đặt. Thấy một thầy Giêsu có quyền năng trong lời nói và hành động, đang được đám đông dân chúng mến mộ thì nhiều môn đệ mà nhất là nhóm Mười Hai khao khát được chung tay góp phần. Chọn được minh chủ để thờ, để thỏa chí trượng phu, quân tử là điều thường thấy trong lịch sử các quốc gia, nhất là trong thời loạn. Ba năm theo thầy Giêsu thì cả mười hai vị tông đồ thường tranh cãi với nhau xem ai là người đứng đầu khi Thầy vinh hiển trong vương quốc của Người, nghĩa là khi Thầy làm cách mạng thành công.
2. Lòng nhiệt thành, sự quả cảm: Với danh sách liệt kê: Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan… thì chúng ta thấy cái bầu lửa có đó không chỉ trong lòng nhóm Mười Hai mà cả trong cái cơ thể “vai u thịt bắp” của những ngư phủ. Ba năm rong ruổi theo một vị Thầy vốn “không có chỗ tựa đầu” quả là không mấy dễ nếu thiếu lòng nhiệt thành cách nào đó.
3. Sự trung thực, thẳng thắn: Không nguyên chỉ với một Natanael (Batôlômêô) người mà Chúa Giêsu đã nhận định: “nơi ông không có gì gian dối” (Ga 2,47), có thể nói hầu hết các ngài tông đồ đều thẳng thắn, trung thực (có sao, nói vậy), ngoại trừ một vị thiếu đi tiêu chí này là Giuđa Iscariô và chính ông đã tự loại mình ra khỏi tập thể.
Chọn gọi nhóm Tông đồ xong Chúa Giêsu trước hết cho các ngài ở với Người (x.Mc 3,14). Trong thời gian ở với mình Chúa Giêsu đã điều chỉnh lòng nhiệt thành và chí hoài bão của nhóm Mười Hai đi đúng hướng theo cái gương của vị thầy, người lãnh đạo duy nhất chính danh chính phận là Người, Đức Kitô (x. Mt 23,8-11).
Trong Giáo hội Công giáo thì các giám mục là những người kế vị các tông đồ. Hiện nay tiêu chí để chọn ứng viên vào hàng giám muc là ngoài đức tin kiên cố, đạo đức tốt, tâm hồn nhiệt thành, thông thái, khôn ngoan, các nhân đức nhân bản cũng như tài năng và thanh danh thì ứng viên phải ít nhất 35 tuổi, đã làm linh mục ít nhất 5 năm, có bằng thần học, Thánh Kinh hay giáo luật với học vị tiến sĩ hay cử nhân hoặc ít ra phải có sự thông thạo về các môn học trên, theo như điều kiện của Giáo Luật (x.Đ.378.1).
Trong thời gian dịch bệnh các vị phụ trách các Đại Chủng Viện tại Việt Nam dĩ nhiên có đối sách thích hợp để giúp các chủng sinh tiếp tục chương trình đào tạo. Tuy nhiên bản thân tôi nhận thấy chương trình đào tạo có vẻ nặng về kiến thức. Cũng là chủng sinh nhưng nếu được gửi đi học nước ngoài thì thời gian không chỉ ngắn hơn mà khối lượng kiến thức cần thu tập xem ra ít hơn rất nhiều so với các chủng sinh ở các chủng viện trong nước.
“Nhét cua thì lòi đam”. Nhiều mặt này thì ắt ít mặt kia. Phải chăng cần tăng thêm thời gian để giúp các chủng sinh gắn bó mật thiết hơn với Chúa Giêsu để hiểu biết, yêu mến Người và noi gương người mà sống đời mục tử? Bên cạnh đó cũng cần phải xét xem những tiêu chí mà Chúa Giêsu chọn gọi các tông đồ. Vì rất có thể vì cứ theo truyền thống mà chúng ta cách nào đó đang ứng lời ngôn sứ Isaia: “Tư tưởng của Ta không phải tư tưởng của các ngươi, đường lối của các ngươi không phải đường lối của Ta” (Is 55,8).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn