TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nhìn về Cái Chết giữa Cơn Dịch Bệnh

Thứ ba - 31/08/2021 21:32 | Tác giả bài viết: Jos. Lưu Hành, SDB |   1471
Với cái nhìn tình yêu trong đức tin, chết là cánh cửa hồng phúc dẫn con người tới khoảng thời gian hạnh phúc bên Chúa.
Nhìn về Cái Chết giữa Cơn Dịch Bệnh

Nhìn về Cái Chết giữa Cơn Dịch Bệnh


Với cái nhìn tình yêu trong đức tin, chết là cánh cửa hồng phúc dẫn con người tới khoảng thời gian hạnh phúc bên Chúa. Chết là một điều kiện căn bản để con người có thể hoàn toàn trở về với Thiên Chúa, nơi quê hương mà con người xuất phát[1]. Đây cũng được xem là một thay đổi tận căn, đưa con người mãi mãi tránh xa tội lỗi vì tội chẳng còn quyền chi với thân xác bất động. Vì khi chết, linh hồn và thân xác sẽ tách rồi nhau, thân xác sẽ bị hủy hoại, trong khi linh hồn vì là bất tử, sẽ chịu phán xét của Thiên Chúa và chờ đợi ngày được kết hợp lại với Thân xác khi thân xác được biến đổi vào ngày Chúa lại đến[2]. Dù là người lành hay kẻ dữ đều được sống lại để chịu phán xét, tuỳ theo tội trạng hay công phúc mà họ sẽ sống lại để được sống hay là để bị kết án.
Cái chết không được định rõ thời gian, theo lẽ tự nhiên thì không ai có thể chọn lựa được giờ chết, cách thức chết hay bất cứ điều gì liên quan đến cái chết. Nhưng, chúng ta lại có quyền chuẩn bị cho cái chết của mình. Chúng ta có thể chuẩn bị xa, chuẩn bị gần, nhiều hay ít là tùy thuộc vào mỗi người. Hơn thế nữa, chúng ta có quyền để chọn lựa chết trong Đức Kitô. Điều này có nghĩa là chết trong ân sủng của Thiên Chúa, chết trong Đức Kitô là ra đi để ở lại bên Chúa, “điều chúng tôi thích hơn đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa[3]”. Chúng ta có thể dùng cái chết như một thái độ vâng phục và yêu mến đối với Thiên Chúa, nếu như chúng ta xem đây là hành trình trở về cùng Cha chúng ta. Thánh Augustinô có nói như sau: “để tạo dựng nên con, Chúa không cần đến ý kiến của con, nhưng để cứu chuộc con, Chúa lại cần đến sự cộng tác của con”. Với những ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa và không cần bất cứ sự thanh luyện cuối cùng nào, sẽ được quy tụ quanh Chúa Giêsu và Đức Maria, các Thiên thần và các Thánh[4]. Đây được xem là cuộc sống vĩnh cửu, cuộc sống thể hiện sung mãn kết quả của ơn Cứu độ mà chính Đức Kitô đã hoàn tất. Nếu chúng ta thực sự kết hợp trọn vẹn với Đức Kitô ở đời này, thì không có lý do gì loại trừ chúng ta khỏi phần thưởng Thiên đàng mai sau.
Cái chết là lúc bắt đầu ngay sự sống vĩnh cửu và chúng ta tin đời sống vĩnh cửu không có kết thúc. Chết là chấm dứt thời gian thử thách và trắc nghiệm lòng trung thành của một người đối với Chúa. Chết là chấm dứt mọi khả năng lập công hay đắc tội[5]. Chết cũng có nghĩa là không tồn tại. Theo nghĩa phổ thông, sự chết xảy ra khi thân xác con người vĩnh viễn ngưng mọi hoạt động, chấm dứt cuộc sống trần gian. Đó là sự chết phần xác, ngoài ra còn có sự chết phần hồn, nghĩa là không sống theo Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô mà theo tính xác thịt. “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an[6]. Chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa gia ân và thương xót để con người sống cuộc đời trần thế theo ý Chúa và quyết định số phận tối hậu của mình[7]”. Con người chỉ chết một lần duy nhất[8] và sẽ không phải chết lần nào khác nữa, vì khi được trở về bên Chúa, đây chính là thời gian hạnh phúc viên mãn và vĩnh cửu. Sau khi chết, không phải con người được đầu thai sang một kiếp sống mới[9], nhưng là trở về tận căn và đúng với cuộc sống nơi con người xuất phát, và đó là sự sống vĩnh cửu chứ không phải một kiếp sống mới luân hồi.
Nguyên nhân của sự chết là hậu quả của tội, “vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết.” Tuy nhiên, sau khi Chúa Giêsu chịu chết và Phục sinh vinh hiển, thì ý nghĩa sự chết đã được thay đổi. Chính Chúa Giêsu đã dùng chính cuộc tử nạn và Phục sinh của mình để tiêu diệt sự chết, và chúng ta cũng sẽ được biến đổi, “nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người[10].” “Chính trong mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, Chúa Cha đã làm cho sự chết trở thành con đường dãn tới sự sống[11].”
Để được cùng sống với Đức Kitô, chúng ta phải hiểu và biết rõ phẩm giá con người bắt nguồn trong việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa. Con người được phú bẩm một linh hồn thiêng liêng và bất tử, lý trí và ý chí tự do, con người được quy hướng về Thiên Chúa và được mời gọi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác. “Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta những gì rất quý giá và trọng đại Người đã hứa; để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian[12].”
Con người sống ở đời này để tìm hạnh phúc, và hạnh phúc đích thực ở nơi Thiên Chúa, như lời thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, và lòng con những khắc khoải cho tới khi được an nghỉ trong Chúa[13].” Chúng ta đang khao khát sự sống đời sau, nghĩa là chúng ta đang khao khát sống trong ân sủng viên mãn của Thiên Chúa, và chỉ khi chúng ta hoàn tất những thử thách trần gian, đủ thời gian tôi luyện; chúng ta mới xứng đáng tiếp chạm hạnh phúc vĩnh cửu. Khi ấy, cái chết là chìa khoá để mở cánh cửa tình yêu nơi sự sống đời sau trong vinh quang Thiên Quốc, như Đức Kitô đã dùng cái chết và sự Phục sinh mà mở cửa Thiên đàng.
Với những khẳng định đó, chúng ta cùng hướng về Thiên đàng, là tình trạng hạnh phúc tối cao và vĩnh cửu, là phần thưởng hạnh phúc và kết quả cho lời hứa của Đức Kitô, “chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”[14]. Chính lời mời gọi ấy thúc đẩy chúng ta cùng hiệp thông trong đức ái, cùng chia sẻ những thực tại thánh giữa Giáo hội lữ hành, Giáo hội Thiên Quốc và Giáo hội Thanh luyện; tất cả cùng nhau làm thành một gia đình duy nhất trong Đức Kitô, để ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa Ba ngôi.

Lưu Hành, SDB


[1] X. Ep 2, 19-20

[2] X. GLHTCG, số 992-1004

[3] X. 2Cr 5, 8

[4] X. GLHTCG, số 1023-1026

[5] X. Chết, Từ điển Công giáo phổ thông, trang 87

[6] X. Rm 8, 5-6

[7] X. LG 48

[8] X. Dt 9, 27

[9] X. GLHTCG 1013

[10] X. Rm 6, 8

[11] X. Lời cầu cùng Cha, Trong đối thoại với Chúa, trang 137

[12] X. 2Pr 1, 4

[13] X. Tự thuật thánh Augustinô

[14] X. Ga 11, 25

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây