TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đừng chờ cho năm tháng qua đi…

Thứ sáu - 29/07/2022 22:42 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   873
“Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”
ChuaNhat18TN C
ChuaNhat18TN C

Chúa Nhật – XVIII – TN – C

Đừng chờ cho năm tháng qua đi…

Cuộc sống của con người là một vòng tuần hoàn sinh-lão-bệnh-tử. Với vòng tuần hoàn này, có thể nói rằng, mốc “tử” là cái mốc buồn nhất. Tại sao! Thưa, nói tới “tử” không buồn sao được, vì lúc đó: “Sẽ lấy được những gì. Về bên kia thế giới. Ngoài trống vắng mà thôi…” (trích nhạc phẩm: Khúc Thụy Du – tác giả Anh Bằng).

Vâng, sẽ (chẳng) lấy được gì, đúng như lời Kinh Thánh có dạy: “Lọt lòng mẹ, trần truồng làm sao, thì cũng ra đi như vậy. Chịu đựng bao gian lao vất vả, để rồi chẳng mang theo được gì.” (x.Gv 5, 14).

Biết là chẳng mang theo được gì, thế nhưng, vẫn không ít người tham lam, thích “thu tích của cải cho mình”. Nói theo cách nói của tác giả sách Giảng Viên, đó là, vẫn không ít người: “thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ”. (Gv 5, 9).

Là một Ki-tô hữu, chúng ta không quá buồn khi phải chạm “mốc tử”. Đức tin của người Ki-tô hữu không khuyến khích chúng ta tham lam, thu tích của cải. Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài có lời truyền dạy, rằng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33).

Đức Giê-su đã truyền dạy như thế. Giá trị và cứu cánh của cuộc sống không phải là tiền bạc, không phải là thu tích của cải, mà là Nước Thiên Chúa. Câu chuyện có một người xin Đức Giê-su đứng ra phân xử việc chia gia tài cho mình và Đức Giê-su đã từ chối, chính là một lời cảnh tỉnh, cảnh tỉnh cho những ai “tham lam”, chỉ nghĩ đến việc “thu tích của cải cho mình”. Câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 12, 13-21).

**

Câu chuyện được thánh Luca kể như sau: “Có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.”

Xin Thầy ư! Ơ hay! sao lại xin Thầy? Người cần đến để xin phải là một ông “luật sĩ” mới đúng chứ! Vâng, vào thời Đức Giê-su, người Do Thái thường yêu cầu một luật sĩ làm người phân xử khi có tranh chấp về luật pháp.

Hôm nay, lý do gì “người này” lại xin Đức Giê-su! Phải chăng, người này từng chứng kiến mấy thầy luật sĩ đã phải “xếp re” trước sự hùng biện của Ngài! Nay, nhờ Thầy Giê-su thì chắc-như-bắp, chăng! Vâng, chỉ là một vài suy luận của cá nhân người viết.

Mà, nếu những lý do nêu trên là đúng thì lại càng thêm buồn cho người này mà thôi. Rất buồn và rất thất vọng khi người này nhận được câu trả lời của Đức Giê-su. Hôm ấy, Thầy Giê-su đã nói với người này, rằng: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện, hay người chia gia tài cho anh?” (Lc 12,14).

Chúng ta thường nói “hỏi là trả lời”. Hôm ấy, Đức Giê-su đã trả lời người này bằng một câu hỏi. Câu hỏi này, không quá khó để nghiệm ra câu trả lời.

Bảo-anh-tôi-chia ư! Anh của bạn có phải là trưởng nam? Nếu là trưởng nam, hơi phiền đấy! Vâng, Lm Đan Vinh, trong bài viết “Tiền bạc: ông chủ hay đầy tớ”, có lời chia sẻ: “Luật Mô-sê qui định: trong việc thừa kế, chỉ con trai mới được chia gia tài. Trưởng nam được hưởng trọn phần di sản về bất động sản như đất đai nhà cửa, và còn được gấp đôi phần động sản như tiền bạc, hoa màu... nữa” (nguồn: VietCatholic News).

Sách Đệ nhị luật (Đnl 21, 15-17) có nói đến quyền trưởng nam. Nếu là trưởng nam: “chia cho nó hai phần sản nghiệp”. Đấy! Sách Đệ nhị luật “bảo” như thế đấy! Bạn là em, bạn được chia ít hơn, thế nên bạn kèn cựa ư! Nếu bạn kèn cựa… đừng… đừng để lòng tham của mình trổi dậy! Này, hãy nghe Thầy Giê-su nói: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (x.Lc 12, 15).

Này, hỡi những ai đang đau khổ vì sự thua thiệt trong việc chia gia tài, hôm nay! Quý bạn có hiểu lời Đức Giê-su đã truyền dạy không? Nếu chưa hiểu, mời quý bạn nghe lời Cô-he-lét nói: “Mọi sự đều đi về một nơi, mọi sự đều đến từ bụi đất, mọi sự đều trở về bụi đất” (Gv 3, 20).

Lời Cô-he-lét nói, nghe thấy ghê ghê, nhỉ! Chưa… chưa ghê lắm đâu, lời Đức Giê-su nói mới là ghê và phải “lạnh gáy”. Vâng, rất lạnh gáy khi chúng ta nghe Ngài kể tiếp một dụ ngôn, dụ ngôn nói về “người phú hộ thu tích của cải cho mình”.

Dụ ngôn được kể rằng, “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!”.

Phải làm gì? Xây thêm kho bãi chứ còn làm gì nữa, ông phú hộ ạ! Đúng. Ông phú hộ đã: “Phá những cái kho kia đi (vừa cũ vừa nhỏ) xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải (của ông ta) vào đó”

Vâng, đó là một sự tính toán không sai. Kinh Thánh chẳng đã khen “Người khôn ngoan biết để dành” đó sao!

Thế nhưng, có một chút sai sai nhỏ, đó là nhà phú hộ kia, trước những thành tựu đạt được, lại dương dương tự đắc coi trời bằng vung, ông ta cho rằng, “mình bây giờ của cải ê hề, dư xài nhiều năm…” Dư-xài-nhiều-năm, do đó, ông ta ngạo mạn vung vít rằng, “Hồn ta hỡi… Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Ông ta quên… quên mất rằng, “hồn-ta” liệu có mãi mãi được ở dương thế này để mà chơi-cho-đã!

Ai… ai đã “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”! Thưa, “Đấng ngự trên trời”.

Đấng ngự trên trời còn được gọi là “Gia Nghiệp đời ta” ông có biết không? Thế mà ông không chịu cất vào “kho lẫm hồn ta” thì thật là đáng tiếc thay!

Kinh Thánh có lời chép rằng: “Sự kiêu ngạo đi trước sự bại hoại theo sau”. Và điều bại hoại đã xảy ra, xảy ra khiến ông phú hộ bị Chúa gọi là “Đồ ngốc!” Ngốc ở chỗ nào! Thưa, ở chỗ, ngộ-nhỡ-nội-đêm-nay, “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”

***

Đừng… đừng vội càm ràm trách móc Thiên Chúa rằng thì-là-mà Người là một Thiên Chúa ghét kẻ giàu có.

Không, Thiên Chúa không chúc dữ người giàu có. Trái lại, giàu có là ơn phúc Thiên Chúa ban. Sách Sáng Thế Ký kể rằng, “ông I-xa-ác đã gieo vãi trong đất ấy, và năm đó ông thu hoạch gấp trăm lần, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ông, và ông trở nên giàu có, mỗi ngày một giàu thêm, giàu vô kể… khiến cho người Phi-li-tinh phải ghen tị”. Chưa hết, còn ông Gióp nữa. Ông ta được mệnh danh là người giàu có số một trong số các con cái Phương Đông (x.G 1, 2). 

Điều Đức Giê-su muốn truyền dạy, qua dụ ngôn này, đó là: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.

Vâng, lời Đức Giê-su truyền dạy là như thế. Thế nên, nên chăng chúng ta hãy tự hỏi mình rằng: chúng ta có phải là một tên ngốc không? Chúng ta có phải là đang lo “thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa”?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên Kinh Thánh có lời dạy, rằng: “đừng xòe tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi” (Hc 4,31). Nhắc đến lời Kinh Thánh này để làm gì? Thưa, để chúng ta biết rằng, nếu chúng ta giàu có, “ê hề của cải, dư xài nhiều năm” thì hãy cho đi… cho bớt đi.

Lm. Giu-se Nguyễn Tiến Lộc, trong một bài giảng tĩnh tâm, có nói: “Nếu chúng ta có một món đồ cất trong tủ 5 năm không xài đến, hãy đem cho đi. Bởi vì nếu không cho đi, ngộ nhỡ… (lại ngộ nhỡ) Chúa gọi, thì sao! Chúng ta mất đi một cơ hội thực hiện công đức”.

Nếu chúng ta giàu có, chớ… chớ có “ngày ngày yến tiệc linh đình”, hãy tìm đến những ông “Lazaro nghèo khó” mà giúp đỡ, mà cho đi. Hãy nhớ, Kinh Thánh có lời dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận”.

“Cho thì có phúc hơn là nhận”, đó chính là “công thức”, công thức tốt nhất cho việc chúng ta xây cất một “kho lẫm đức mến” cho mình.

Có được một kho-lẫm-đức-mến, chúng ta hãy “tích trữ” vào đó “hoa mầu công đức”. Sao! Làm thế nào để có hoa mầu công đức ư! Thưa, rất giản dị. Chúng ta chỉ cần thực hiện, thực hiện những gì Giáo Hội đã truyền dạy, chúng ta sẽ có hoa-mầu-công-đức.

Vâng, Giáo Hội đã dạy rằng: Thương người có mười bốn mối. Thương xác bảy mối: “Thứ nhất, cho kẻ đói ăn. Thứ hai, cho kẻ khát uống. Thứ ba, cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thứ bốn, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Thứ năm, cho khách đỗ nhà. Thứ sáu, chuộc kẻ làm tôi. Thứ bảy, chôn xác kẻ chết.”

Chưa hết… còn nữa. Thương linh hồn bảy mối: “Thứ nhất, lấy lời lành mà khuyên người. Thứ hai, mở dậy kẻ mê muội. Thứ ba, yên ủi kẻ âu lo. Thứ bốn, răn bảo kẻ có tội. Thứ năm, tha kẻ dể ta. Thứ sáu, nhịn kẻ mất lòng ta. Thứ bảy, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.”

Một khi kho-lẫm-đức-mến của chúng ta “ê hề” hoa-màu-công-đức, hãy tin, Thiên Chúa sẽ chẳng bao giờ nói với chúng ta là “đồ ngốc”. Một khi kho-lẫm-đức-mến của chúng ta “ê hề” hoa-mầu-công-đức, không ai có thể phủ nhận rằng, chúng ta đã và đang “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”.

Thế giới hôm nay, như chúng ta đã và đang thấy, nào là dịch bệnh, nào là chiến tranh. Cả hai… cả hai đang hùng hổ đe dọa nhân loại. Nói về dịch bệnh, chúng ta thấy đó “dịch chồng dịch”. Nói về chiến tranh, “ông nội Cain-Russia” nổi cơn lên bấm nút (mà ông này đã và vẫn đe dọa bấm nút), thế giới sẽ đi về đâu!

Vâng, phó thác cho Chúa thôi, phải không thưa quý vị! Điều chúng ta sợ, đó là sợ Chúa “bấm phone” gọi chúng ta. Ngộ nhỡ “nội đêm nay!” Vâng, nhỡ đêm nay chúng ta phải đứng trước mặt “thẩm phán Giêsu”.

Đúng, lúc đó Ngài sẽ là thẩm phán. Ngài sẽ phán xét chúng ta. Chúng ta sẽ được thừa hưởng gia tài là Nước Trời, hay chúng ta lại nằm trong số “người giàu có (bị) đuổi về tay trắng!” (x.Lc 1, 53).

Do vậy, điều cần thiết chúng ta nên làm ngay hôm nay, đó là hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Đừng… “Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới, đừng chờ cho năm tháng qua đi…” (x.Gv 12, …1).

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây