TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giảng lễ theo Tông huấn Verbum Domini

Thứ năm - 23/03/2023 22:00 | Tác giả bài viết: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB. |   1203
Lời Chúa là một mầu nhiệm, và thực tế cho thấy các bài giảng lễ cũng trở thành một “mầu nhiệm” không kém.
Giảng lễ theo Tông huấn Verbum Domini

BÀI GIẢNG LỄ THEO TÔNG HUẤN VERBUM DOMINI


Lời Chúa là một mầu nhiệm, và thực tế cho thấy các bài giảng lễ cũng trở thành một “mầu nhiệm” không kém. Chỉ cần gõ vào Google hai chữ “giảng lễ”, chúng ta sẽ nhận được ngay: hàng loạt các kết quả với các bài viết cực kỳ công phu, và nghiêm túc với những thư mục tham khảo đầy thế giá. Linh mục Lê Công Đức đã bỏ công dịch hẳn một cuốn sách về giảng lễ, đó là quyển: PREACHING BETTER – Practical Suggestions for Homilists, của Ken Untener, Giám mục Saginaw, do nhà xuất bản Jesuit Communications Foundation, Inc. xuất bản, năm 1999. Điều này cho thấy niềm thao thức của Dân Chúa trong việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa trong Thánh Lễ. Thiết nghĩ, các bài viết về giảng lễ mà chúng ta đã có, cũng đủ làm chất liệu tham khảo cho các vị: đã được Hội Thánh ủy thác cho sứ vụ công bố và giảng dạy Lời Chúa cho Dân của Người. Ở đây, chỉ xin nhắc lại lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI liên quan tới bài giảng lễ trong Tông Huấn Verbum Domini, số 59 mà thôi, xin được trình bày theo 10 nguyên tắc, để tiện theo dõi:

I. Mười nguyên tắc giảng lễ

1. Bài giảng lễ phải giúp người tín hữu hiểu biết Lời Chúa sâu xa hơn, nhằm, mang lại hoa trái cho đời sống của họ.

2. Bài giảng lễ là phương thế đem sứ điệp Lời Chúa vào cuộc sống, nên, bài giảng lễ phải giúp người tín hữu nhận ra sự hiện diện của Chúa và hành động của Người trong đời sống của họ.

3. Bài giảng lễ phải giúp người tín hữu hiểu biết các mầu nhiệm mà họ đang tham dự, thúc đẩy họ nhận lãnh sứ vụ, và chuẩn bị cho họ: (1) cùng nhau tuyên xưng đức tin, (2) thi hành chức vụ tư tế phổ quát qua việc dâng các lời nguyện tín hữu, và (3) bước vào tham dự Bàn Tiệc Thánh Thể.

4. Vị giảng lễ cần phải tránh những bài giảng mơ hồ và trừu tượng: che khuất tính đơn giản của Lời Chúa.

5. Vị giảng lễ cần phải tránh những kiểu nói lan man, lạc đề, có nguy cơ: kéo sự chú ý của giáo dân về phía người giảng, hơn là, hướng về trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng.

6. Vị giảng lễ cần phải ôm ấp nỗi khát khao cháy bỏng: là giới thiệu Đức Kitô cho Dân Chúa. Đức Kitô phải ở vị trí trung tâm của mọi bài giảng.

7. Vị giảng lễ cần phải có tiếp xúc, tương quan mật thiết, và thường hằng với các bài đọc mình sắp giảng.

8. Vị giảng lễ cần phải chuẩn bị bài giảng bằng suy niệm và cầu nguyện, để có thể giảng với một niềm xác tín và say mê.

9. Vị giảng lễ cần phải để cho Lời Chúa chất vấn mình, trước khi, ngài công bố Lời Chúa cho cộng đoàn, bằng những câu hỏi như: các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay muốn nói gì? Qua các bài đọc này, Chúa muốn nói gì với riêng tôi? Tôi phải nói gì với cộng đoàn, trong khi, quan tâm đến hoàn cảnh cụ thể của họ.

10. Vị giảng lễ cần phải nhớ lời dạy của thánh Âutinh: “Người giảng dạy Lời Chúa ở bên ngoài, mà không nghe Lời ấy ở bên trong, thì chắc chắn, không thể sinh hoa trái.”

Thiết nghĩ, bên cạnh việc chú tâm vào những gì mà Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nhắc nhở ở trên, vị giảng lễ cũng nên làm một việc xét mình về việc giảng lễ của mình, theo như cách thức Xét Mình Hằng Ngày của thánh I-nhã.

II. Xét mình về việc giảng lễ theo “ba thì” và “hai lần xét mình”

1. Thì thứ nhất: Khi tới phiên giảng lễ, hay khi nhận lời mời giảng lễ, vị giảng lễ phải đưa lên ý thức: Đức Kitô là trung tâm của những gì mình sẽ giảng, mọi vinh quang và danh dự phải thuộc về Chúa, còn mình chỉ là khí cụ trong tay Chúa.

2. Thì thứ hai: Trong khi soạn bài giảng: khi thu thập các chất liệu, suy niệm và cầu nguyện về những gì mình sắp giảng, xét mình lần thứ nhất xem: trong tiến trình chuẩn bị, đã bao nhiêu lần, mình muốn tìm hư danh cho mình, hơn là, tìm vinh danh Chúa. Ghi nhận lại số lần trong mình trỗi lên ý tưởng muốn tìm hư danh cho mình. Sau đó, dốc lòng sửa mình, và xin Chúa trợ giúp để: Chúa luôn được lớn lên, còn mình thì phải: luôn nhỏ lại, khi rao giảng Lời Chúa.

3. Thì thứ ba: Sau khi giảng xong: xét mình lần thứ hai: cũng cùng một cách như lần xét mình thứ nhất, và xem xét tâm trạng của mình sau khi giảng: tự hào, sảng khoái, hay tiếc nuối, thất vọng; an ủi hay sầu khổ; phản ứng thế nào trước thái độ, và những nhận xét của người khác về bài giảng của mình; phải cảnh giác trước những chiêu trò tinh vi, vuốt ve, xu nịnh của Satan để cầm giữ ta trong những rộng kiềm của nó.

Thiển nghĩ, việc xét mình về việc giảng lễ không chỉ cần thiết cho những vị giảng lễ có tinh thần trách nhiệm cao, và ý thức nghiêm túc sứ vụ rao giảng Lời Chúa của mình, mà cũng cần thiết cho cả những vị, vì nhiều lý do khác nhau, không thể chuẩn bị chu đáo cho bài giảng của mình, thì ít ra cũng phải dành giờ: đặt mình trước mặt Chúa, để nhìn lại, và lượng giá việc giảng lễ của mình. Việc xét mình này không vô ích, uổng công chút nào, nhưng, sẽ hứa hẹn nhiều hoa trái tốt đẹp như lòng Chúa ước mong cho những ai thành tâm thiện chí rao giảng Lời của Người.

Tạm kết

Hội Thánh là nơi Lời Chúa cư ngụ, vì thế, chúng ta phải đặc biệt chú ý tới Lời Chúa được cất lên trong Phụng Vụ, nhất là, trong Thánh Lễ. Thật vậy, Thánh Lễ là môi trường ưu tiên và lý tưởng, ở nơi đó, Thiên Chúa đang ngỏ Lời với Dân của Người, và đoàn Dân đang chăm chú lắng nghe và nhiệt thành đáp lời Thiên Chúa. Đích thân Đức Kitô hiện diện trong Lời của Người, và chính Người nói khi chúng ta đọc và nghe Lời Chúa trong Thánh Lễ. Để cho Lời Chúa có thể sinh những hoa trái tốt đẹp, dồi dào nơi những người tham dự phụng vụ, thiết tưởng, việc cử hành Phụng Vụ Lời Chúa phải được chăm chút, chu đáo, cẩn thận từ phía những người có trách nhiệm, nhất là nơi những người có sứ vụ công bố và giảng dạy Lời Chúa cho Dân của Người.

Những chân trời bao la rộng lớn của sứ vụ rao giảng Lời Chúa, và tính phức tạp do hoàn cảnh hiện tại mang lại, đã tạo nên những đòi hỏi: ngày càng phải có những phương thức mới để thông truyền Lời Chúa cách hữu hiệu. Tuy nhiên, những gì Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nhắn nhủ với các vị giảng lễ trong Tông Huấn Verbum Domini, số 59, thiết nghĩ, phải trở thành kim chỉ nam và hành động cho sứ vụ rao giảng Lời Chúa, không chỉ cho những người đã được Hội Thánh ủy thác chính thức, mà còn cho toàn thể Dân Chúa, bởi vì, căn tính của toàn thể Dân Chúa là một “dân tộc được sai đi”, căn cứ trên Bí Tích Thánh Tẩy, sứ vụ loan báo Lời Chúa là bổn phận của mọi người môn đệ của Đức Kitô. Chúng ta phải nhớ rằng: bất kỳ phương thức loan báo Lời Chúa nào cũng phải được cấu trúc bởi mối tương quan giữa việc thông truyền Lời Chúa với chứng tá đời sống của người Kitô hữu, bởi vì, tính khả tín của việc loan báo Lời Chúa tùy thuộc vào điều này. Một đàng, chúng ta phải thông truyền những gì chính Chúa đã nói với chúng ta, một đàng, chúng ta phải làm chứng cho muôn dân thấy Lời Chúa là một thực tại mà họ có thể sống, và là một thực tại làm cho họ sống, và sống dồi dào. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây