TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy đặt gương sáng trước mặt thiên hạ…

Thứ bảy - 04/02/2023 05:09 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1838
“Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp của anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”

ChuaNhat05TN A

Chúa Nhật V – TN – A

Hãy đặt gương sáng trước mặt thiên hạ…

Có một câu chuyện được kể rằng: “Vào một chiều đông, tuyết rơi nặng hạt. Một người đàn ông say rượu đang lảo đảo bước đi trên tuyết. Cậu con trai mười bốn tuổi của ông sau khi ngồi chờ cha mình ngoài quán rượu cũng lẽo đẽo theo cha về nhà. Cậu ta đặt bàn chân nhỏ bé của mình lên những dấu chân hằn sâu trên tuyết mà cha cậu để lại. Những bước chân ngả nghiêng chao đảo. Bất chợt người cha quay lại, nhìn thấy con mình bước thấp bước cao, dáng vẻ như người say rượu, ông gắt gỏng hỏi nó với giọng lè nhè: Mày đi kiểu gì vậy? Cậu bé trả lời: Dạ con đi theo bước chân của cha!” (nguồn: internet).

Nghe qua câu chuyện này, chắc hẳn, không ai trong chúng ta lại không cất lên một tiếng thở dài. Vâng, sẽ có người thở dài và thầm nói: “Ôi trời! sao cha nội này lại bày ra trước mắt đứa con mình một tấm gương xấu tệ!”

“Nêu gương” hay nói cách khác “làm gương”, (tất nhiên là gương tốt), chính là tiền đề giúp xây dựng Giáo Hội, gia đình, xã hội… ngày một tốt đẹp hơn. Giáo Hội, gia đình, xã hội sẽ thảm hại, tan vỡ nếu gương xấu cứ bị phơi bày ra.

Chúng ta có thể huyên thuyên giảng dạy trong hàng giờ đồng hồ, song sẽ chẳng ai nhớ được điều gì. Thế nhưng, chỉ cần một lần làm gương sáng, chúng ta có thể để lại những ấn tượng sâu đậm khó quên, trong lòng người.

Nêu gương hay làm gương, cũng chính là đề tài được Đức Giê-su truyền dạy cho các môn đệ của mình, trong những ngày Ngài còn tại thế.

**
Hồi ấy, với những hình ảnh rất đời thường, Đức Giê-su truyền dạy các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời…”
Vâng, không phải là đường, là bột ngọt, là bột nêm “knorr” v.v… nhưng phải là muối. Phải-là-muối là bởi, muối có một ý nghĩa rất đặc biệt. Về phương diện đời thường, muối là thứ không thể thiếu trong cuộc sống con người. Lời người xưa đã chẳng dạy rằng: “Cá không ăn muối cá ươn”, đó sao!

Chưa hết… những người huyết áp cao thường được bác sĩ khuyên kiêng ăn mặn, nhất là muối. Do vậy, vì kiêng ăn trong một thời gian khá lâu, cuối cùng họ không còn sức đi đứng nữa.

Ngoài tác dụng bảo toàn và làm tăng thêm vị ngon trong các món ăn, muối đối với người Do Thái, còn có biểu tượng với công hiệu sát trùng, thanh tẩy và luyện lọc (2V 2, 19-22).

Pliny có nói thêm rằng: “Không có muối nhân loại không thể duy trì sự sống”. Mà, thật vậy. Xem bộ phim “The Price of Salt - Cuộc chiến giá muối”, chúng ta được biết, rất nhiều đàn bò chết vì thiếu muối ăn, chỉ vì cung không đủ cầu. Và đó là lý do khiến cho nhiều chủ nông trại lo sốt vó.

Trở lại với lời truyền dạy của Đức Giê-su. Hôm ấy, Ngài nói tiếp, rằng: “Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối cho nó mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp.” (x.Mt 5, 13).

Lời truyền dạy của Đức Giê-su với các môn đệ, ngày xưa, là như thế đó. Tất nhiên, cũng là lời truyền dạy cho chúng ta, hôm nay. Do vậy, chúng ta “phải là muối cho đời”.

Nhân cách hóa cho lời truyền dạy này, chúng ta sẽ nhận ra rằng: Đức Giê-su muốn nói đến một đặc ân, một đặc ân dành cho những ai tin và đi theo Ngài. Tin và đi theo Ngài, họ sẽ từ một kẻ tội lỗi vô dụng “chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp”, và nay khi trở thành Con Thiên Chúa, họ sẽ là một người con hữu dụng, cho đời.

Vâng, tất nhiên sẽ rất hữu dụng, khi cuộc đời “nhạt” đi tình yêu thương, người môn đệ của Chúa phải biết “muối mặn lại” tình yêu thương bằng sự bác ái và lòng nhân hậu. Khi một ai đó “nhạt” đi sự bình an, người môn đệ của Đức Giê-su phải biết “muối mặn lại” sự bình an cho người đó, qua việc “tìm an ủi” họ.

***
Hôm ấy, để làm rõ hơn cho lời truyền dạy, Đức Giê-su tiếp lời rằng: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” Rất chi tiết khi Ngài nói thêm rằng: “Một thành xây trên núi không thể nào che dấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.”

Quan trọng… quan trọng là ở chỗ đó. Và, đó là lý do Đức Giê-su thêm lời truyền dạy. Ngài thêm lời dạy rằng: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp của anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”

Xưa, Đức Giê-su đã dạy: anh-em-phải là ánh-sáng-cho-trần-gian-chiếu-giãi-trước-mặt-thiên-hạ. Và, chúng ta là những người phải thực hiện điều này, hôm nay.

Chúng ta hãy nhìn, nhìn vào xã hội hôm nay, chẳng phải đó là một xã hội đang chìm trong “bóng tối”? Chẳng phải là bóng tối của dối trá, bóng tối của hận thù, bóng tối của bất hòa, bóng tối của ghen tuông, bóng tối của tranh chấp, của chia rẽ, của bè phái, của say sưa chè chén v.v... đang phủ lấp cả thế giới hôm nay, đó sao?

Chúng ta phải làm gì? Phải chăng là cứ ngồi đó mà “nguyền rủa bóng tối”? Thưa, điều tốt nhất, đó là chúng ta hãy thắp lên một “ngọn nến”, ngọn nến bác ái, ngọn nến nhẫn nhục, ngọn nến từ tâm, ngọn nến trung tín, ngọn nến hiền hoà, ngọn nến tiết độ?

Vâng, chỉ cần thắp lên một trong những ngọn nến nêu trên, điều đó chứng tỏ chúng ta đã trở nên “ánh sáng cho trần gian”.

Một điều chúng ta cần lưu ý, đó là hãy ghi khắc trong con tim mình, lời thánh Phao-lô khuyến cáo tín hữu thành Corinto: “Mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt.” (x.1Cor 10, 23).

Đúng. Chẳng-phải-mọi-sự-đều-làm-gương-tốt. Chẳng phải cho phép phá thai là giảm thiểu nạn nhân mãn. v.v… và v.v…

Để có thể mọi-sự-đều-là-gương-tốt, để có thể mọi-việc-làm-đều-là-nêu-gương-tốt, tốt nhất, đó là hãy lắng nghe Lời Chúa. Để có thể là-muối-cho-đời, để có thể là ánh-sáng-cho-trần-gian, không gì tốt hơn, đó là: hãy thực thi lời Chúa truyền dạy.

Lời xưa Chúa dạy: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch”. Nay, nếu chúng ta nghe và thực thi qua việc không xem và phổ biến phim “trư bát giới”, đó chẳng phải là chúng ta đã “nêu gương tốt” cho con em mình, đó sao!

Thánh Giu-se, nói không sợ sai, ngài chính là mẫu mực về việc lắng nghe và thực thi lời Chúa. Và, đó là lý do, chúng ta hãy theo gương ngài.

Đừng… đừng theo gương “ông cố nội” trong câu chuyện kể phần “mở bài”. Trong câu chuyện kể trên, đứa bé “đi theo bước chân của cha”, là còn may đấy! Nó, theo gương cha “nhậu say như cha” thì có mà khốn khổ.

Vâng, tại Việt Nam, nhất là ở nông thôn, đó là “chuyện thường xảy ra ở huyện”. Không! chuyện này người viết không nói xạo đâu. Ở xóm mình, có một ông hàng xóm, ngày nào cũng tụ tập bạn bè nhậu. Đứa con trai của ông ta, khoảng tám tuổi, ngày nào cũng chứng kiến. Thế là nó bắt chước cha nó.

Một hôm, nó rủ thêm vài đứa bạn về nhà. Bốn chú nhóc ngồi vây quanh cái bàn nhỏ. Bốn cái chum thường để cúng ông thổ địa và một bình rượu được bày ra. Chỉ khác cha nó một chút, rượu không phải là rượu mà là nước trà. Chúng nó gọi đây là “rượu ngâm chuối hột”.

Chúng nó rót mỗi đứa một chum, rồi cùng nhau cụng ly uống. Uống xong, chúng nó còn “khà” một tiếng, giống y chang cha nó. Chưa hết, chúng nó còn hát vang: “lâu.. lâu… lâu… ta uống rượu một lần”, thế mới ghê chứ!

Có lẽ không ai trong chúng ta muốn cảnh tượng này xảy xa trong gia đình mình. Và, có lẽ không ai trong chúng ta lại không muốn như thánh Giu-se “nêu gương cho tất cả gia đình”, trong đó có gia đình chúng ta.

Nếu… nếu chúng ta muốn như vậy, nói theo cách nói của Đức Giê-su, đó là: “mọi sự đều có thể.” Vâng, mọi sự đều có thể, khi gương sáng của chúng ta phải được “đặt trên đế”. Nói cách khác: Hãy đặt gương sáng của mình trước mặt thiên hạ.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây