TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sống Vươn Lên (Mt 5, 17-37)

Thứ tư - 08/02/2023 05:19 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   596
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”.

SỐNG VƯƠN LÊN
Chúa Nhật 6 Thường Niên A: Mt 5,17-37

tbd 080223b

 

Suy niệm

Thiên Chúa đã tặng ban cho con người một món quà thật quý giá là sự tự do. Nhưng tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, muốn sống sao thì sống. Người ta chỉ có tự do khi làm lành lánh dữ, khi làm điều tốt tránh điều xấu, khi sống cho sự thật, sự thiện. Nếu chúng ta biết sử dụng tự do theo ý Chúa, đời sống ta sẽ vươn tới trời cao, nếu không, tự do sẽ đưa ta xuống địa ngục. Bởi vậy, bài đọc thứ nhất cho dân thấy: Việc trung thành giữa các giới răn là tùy ở ngươi. Trước mặt ngươi là sự sống và sự chết, ngươi có thể tuỳ nghi lựa chọn” (Hc 16, 15-21).

Chính vì tôn trọng tự do mà chúng ta bước vào lãnh vực lề luật. Xã hội muốn có an ninh, trật tự, công bình, phải có cả một hệ thống luật pháp. Tôn giáo muốn có sự hiệp nhất tinh thần, đòi phải có khuôn khổ, luật lệ, giới răn. Mọi thứ lề luật không chỉ nhằm tránh những điều tai ác mà còn giúp cho đời sống con người được an lành và tự do phát triển, nhất là giúp mỗi người trưởng thành trong đời sống nhân linh. Thế nhưng luật lệ đó phải như thế nào? Có được hoàn chỉnh một cách tốt nhất chưa? Có khả năng nâng cao đời sống tinh thần của con người không?

Như chúng ta biết, Thiên Chúa đã ban lề luật cho Dân Do Thái qua Môsê và các ngôn sứ. Nhưng có lẽ lập trường, chủ trương và giáo huấn của Đức Giêsu đã khiến các môn đệ ngờ vực lề luật của cha ông không còn nguyên vẹn, không còn chính thống. Chính vì vậy mà Đức Giêsu phải lên tiếng để đánh tan nghi ngờ: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”. Kiện toàn là vì có những điều luật xưa mang tính giai đoạn, chưa đủ, chưa sâu, chưa sát, cần phải được chỉnh sửa và bổ túc để nó trở nên hoàn mỹ. Đó là chưa nói tới một số luật lệ xã hội mang tính cách thống trị chứ không phục vụ con người.

Luật Môsê đã là một tiến bộ lớn trong nền luân lý, nhưng vẫn là một sự tiệm tiến chưa hoàn bị, bộ luật đó cũng chỉ là bước chuẩn bị cho luật trọn hảo của Đức Giêsu. Vì thế, Ngài đã phân biệt rõ: Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”. Chúng ta hãy xem Đức Giêsu kiện toàn như thế nào.

Chẳng hạn như luật cũ dạy:“Chớ giết người”, còn Đức Giêsu dạy: “Ai giận anh em mình” là đã phạm tội giết người. Vì thù oán anh em là đã diệt trừ họ ngay trong lòng, tuy chưa giết họ bên ngoài, nhưng đã giết họ trong trái tim. Thánh Gioan cũng viết:“Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân (1Ga 3,15). Đức Giêsu còn đi xa hơn nữa khi đòi buộc chúng ta phải yêu mến kẻ thù, và còn phải làm ơn cho những kẻ ghét bỏ mình, vì thật ra tất cả đều là anh em con một Cha trên trời.  

Chẳng hạn như luật cũ dạy: Chớ ngoại tình”. Còn Đức Giêsu dạy: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Ham muốn trong lòng mới là cái gốc của tội, hành vi bên ngoài chỉ là cái ngọn. Tội lỗi thì phải diệt tận gốc, chỉ diệt ngọn thì vẫn còn y nguyên. Chúa không chỉ đòi ta phải giữ gìn sự trong sạch cho thân xác, mà còn đòi ta phải giữ gìn sự trong sạch cho tâm hồn.

Chẳng hạn luật cũ cho phép thề, nhưng “chớ bội thề”. Còn Đức Giêsu dạy: "Đừng thề chi cả… Nhưng hễ có thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ". Lề luật là tiếng nói của sự thật, mà sự thật thì thường không dễ chấp nhận, nên người ta hay có thái độ đối phó, tìm cách luồn lách hoặc tránh né. Đức Giêsu đòi phải có sự phân minh, thì cuộc sống mới được an bình. 

Sự kiện toàn lề luật của Đức Giêsu cho ta thấy Ngài muốn dẫn đưa con người đến mức độ trưởng thành trong việc tuân giữ lề luật, nhắm đến tinh thần của lề luật chứ không phải những từ ngữ chết cứng. Ngài muốn người ta sống vì tình yêu chứ không giữ luật vì luật. Thái độ nệ luật chỉ làm cho đời sống con người thêm nặng nề và khổ sở. Dù ta có thi hành luật lệ nào đi nữa thì cũng để thể hiện tình yêu. Chúng ta muốn sống và làm việc ra sao thì tùy ý mình, nhưng nếu đời sống và việc làm của chúng ta không nói lên được tình yêu đối với Chúa và đối với mọi người, thì bản thân chúng ta đánh mất ý nghĩa và giá trị của chính mình.

Sự kiện toàn lề luật của Đức Giêsu không chỉ mở lối thoát cho đời sống chúng ta, mà còn làm cho tâm hồn chúng ta vươn cao tỏa sáng trong sự thiện hảo, và đạt tới niềm vui ơn cứu độ muôn đời. Ước chi chúng ta nắm lấy ý nghĩa sâu xa của từng giới luật và sốt sắng tuân giữ, vì ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến ThầyThầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14, 21).

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Trong thế giới nghiêng chiều về tính dục,
khiến người trẻ dễ chạy theo cảm xúc,
lầm lạc giữa đam mê và hạnh phúc,
giữa tình yêu và thỏa mãn dục tình,
giữa cao thượng và hèn kém bất trung,
làm mất đi nhân phẩm của con người.


Người trẻ không thể nào không thú nhận,
nhiều vấp phạm và lỡ bước sa chân,
nhiều tổn thương và hư hại tinh thần,
bị ảnh hưởng bởi lối sống vô luân,
dễ nổi loạn trước những điều cấm đoán,
khiến đời mình vướng mắc những đa đoan.


Nhưng chúng con tin Chúa vẫn đỡ nâng,
vẫn yêu thương và chăm sóc chữa lành,
để con lại bắt đầu trong ơn thánh,
tẩy rửa tâm hồn mình nên thanh sạch.


Xin cho chúng con biết sống vươn lên:
dám vượt trên những tình cảm tầm thường,
dám yêu thương với tinh thần cao thượng,
dám tránh xa dịp tội gây nghiệp chướng.


Cho con biết chuyên cần trong cầu nguyện,
đến bên Chúa với tấm lòng sốt sắng,
say mê học hành phát triển tài năng,
biết tiết chế và làm chủ bản thân,
luôn hăng say làm việc để cống hiến,
luôn vui tiến trên con đường hoàn thiện.


Xin cho con giữ luật vì yêu Chúa,
để kiện toàn đời sống của chính mình,
biết giữ gìn một tâm hồn thanh tịnh,
biết hy sinh và phục vụ tận tình,
góp phần cho thế giới nên công chính,
tạo an bình cho cuộc sống nhân sinh. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây