Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 28/05/2023 10:42 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
829
Let the day perish where in I was born (Hãy để ngày ấy lụi tàn, ngày mà tôi sinh ra đời và đêm mà người ta nói rằng đã có một con người được kết thành thai)(x.G 3,3).
Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn
Hãy để ngày ấy lụi tàn là một tác phẩm văn học xuất bản năm 1952 bởi một luật sư, nhà văn Gerald Gordon, Cộng Hòa Nam Phi.
Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn
Hãy để ngày ấy lụi tàn là một trong những tiểu thuyết lên án tệ phân biệt chủng tộc hay nhất mọi thời đại. Tên tác phẩm lấy một câu từ Kinh Thánh Cựu ước, trích từ tác phẩm Gióp: Let the day perish where in I was born (Hãy để ngày ấy lụi tàn, ngày mà tôi sinh ra đời và đêm mà người ta nói rằng đã có một con người được kết thành thai)(x.G 3,3). Trong tác phẩm, không thấy sự hành hạ đánh đập, đày ải người da màu. Nhưng sự kỳ thị, khinh miệt người da màu ăn sâu vào máu thịt của người da trắng.
Mary là người phụ nữ da màu giàu lòng nhân ái, có học và xinh đẹp. Mary yêu và lấy chồng người lính da trắng. Gia đình cô không được xã hội da trắng thừa nhận. Gia đình Mary tồn tại bằng đồng lương của chồng làm quản lí quán rượu Đại Bàng. Họ có một đứa con có nước da trắng, tên là Anthony, thông minh, tuấn tú, được học ở trường của người da trắng. Thế nhưng, em của Anthony là Steve, lại cùng màu da với mẹ. Vợ chồng Mary dồn hết tiền bạc và tình cảm gửi Anthony đi học trong một trường Âu ở Winnerton. Đến lượt Anthony chối bỏ cội nguồn, xa lánh tất cả cha mẹ, em ruột và họ hàng.
Anthony yêu Ren, cô gái đẹp, bản lãnh. Anthony càng phải giấu nguồn gốc mình. Anh sống trong sự đối phó và giả dối thường trực!
Hai anh em gặp lại nhau khi chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của mẹ, rồi của cha. Gia đình Mary tan nát: vợ chết, chồng tìm quên trong rượu rồi chết trong cơn say, để lại hai đứa con bất hạnh.
Anthony trở thành một luật sư nổi tiếng trong xã hội da trắng. Cái chết của Mary khiến anh tỉnh ngộ. Anh đổi sang họ mẹ để tưởng nhớ về mẹ, nhưng vẫn xa lánh em trai. Trong khi đó, Steve luôn ngưỡng mộ anh mình, luôn khao khát tình anh em. Biến cố xảy ra khi một người da trắng đến nhà Anthony để đánh ghen. Lúc ấy, em trai đang ở trong nhà, vì không muốn lộ nguồn gốc, Anthony đã ngộ sát người luật sư da trắng. Phải hầu tòa, Anthony đã phản tỉnh về số phận cuộc đời mình, gia đình mình, em trai mình, những người đồng chủng với mình. Anh đau đớn nhận ra lâu nay mình trở thành kẻ giả dối, sống nơm nớp như cá nằm trên thớt. Cuộc sống như vậy có còn ý nghĩa gì? Anh hiểu ra mình quá hèn đớn, trong khi em trai anh sống bất khuất, là thành viên tích cực làm tờ báo chống phân biệt chủng tộc.
Đến lúc Anthony quyết định chứng minh sự trong sáng của mình và công khai nguồn gốc. Trước tòa, chính em trai anh đã cứu anh! Người bạn gái từ tuổi học trò đã an ủi, động viên anh. Thế nhưng, trong giây phút ngọt ngào nhất của tình yêu, họ đang nghĩ tới việc đi thật xa để được sống bên nhau, thì, ý thức phân biệt chủng tộc ngấm vào máu của Ren, bỗng bật ra như một viên đạn xuyên trúng tim, vĩnh viễn kết liễu cuộc đời Anthony: Ren – người duy nhất anh tin tưởng rằng sẽ ủng hộ anh cho đến hết cuộc đời này, cuối cùng cũng chỉ như bao người da trắng khác, cũng mang trong máu thịt mình sự khinh miệt rẻ rúng đối với người da màu, dẫu đó có là người cô yêu mãnh liệt, yêu tha thiết đi chăng nữa.
Kết thúc tác phẩm, G. Gordon viết: “Anh đã từng ngắm nhiều cảnh bình minh như thế trên dãy núi kia. Giờ đây anh cũng ngắm nhìn, nhưng đôi mắt mệt mỏi của anh không nom thấy màu hồng, màu vàng hay màu đen của các đỉnh núi quanh anh. Đối với anh, đất trời chỉ có một màu duy nhất, đó là màu chì tẻ ngắt chống lại cuộc tấn công của một ngày mới nữa vào tâm hồn anh.
Bất chấp cái đau ê ẩm của đôi chân, anh thong thả đứng lên và đưa mắt xuống vách đá, đăm đăm nhìn những bóng tối đang co lại. Trên vầng trán anh giờ đây đã mất hẳn nét ưu tư vì so với những cạnh sắc lởm chởm của cuộc đời, những tảng đá trong vực thẳm dưới kia tựa như chiếc giường trải đệm lông chim còn êm dịu hơn nhiều”. (1) Mahatma Gandhi
Nói tới nạn phân biệt chủng tộc, tôi nhớ thới Mahatma Gandhi, người đã giành độc lập cho dân tộc Ấn bằng phương pháp bất bạo động, một phương pháp được gợi hứng từ Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu.
Khi còn là một sinh viên tại Luân Đôn, Anh quốc, một người bạn đã tặng ông cuốn Kinh Thánh. Ông đã đọc trọn bộ Kinh Thánh và cách riêng Tân Ước. Bài Giảng Trên Núi đã “khiến ông vô cùng sung sướng, mang lại cho ông sự nâng đỡ và niềm vui tràn ngập” .
Say mê đọc Bài giảng Trên Núi, Gandhi xem Chúa Giêsu như người gieo giống cho triết lý “bất bạo động” sau này của ông. Ông viết: “Khi tôi đọc trong Bài giảng trên núi những câu như ‘Đừng chống cự người ác, trái lại nếu ai bị vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa’; hoặc ‘Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em, để anh em được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời’, tôi hết sức vui mừng và thấy suy nghĩ của tôi được củng cố hơn ở nơi tôi ít mong đợi nhất”. (2)
Là người say mê Kinh Thánh và cảm kích về Bài giảng Trên Núi của Chúa Giêsu, nhưng tại sao ông không là một Kitô hữu?
Trong cuốn “Tự thuật” ông kể: Một ngày nọ, tại Nam Phi, ông đến một nhà thờ để tham dự thánh lễ. Khi ông đến cửa nhà thờ, một người da trắng chặn ông lại và nói: “Nếu ông muốn tham dự thánh lễ thì hãy tìm đến nhà thờ dành cho người da màu.”
Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và ông không bao giờ trở lại với bất cứ nhà thờ nào nữa.
Những Người Pharisêu
Khi đọc tác phẩm Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn và cuốn Tự Thuật của Mahatma Gandhi, tôi nhớ tới những người Pharisêu, những người thường xuyên đối đầu với Chúa Giêsu và Chúa Giêsu có những lời khiển trách họ.
Những người Pharisêu còn gọi là Biệt phái là “Những kẻ sống tách biệt”. Phần đông là thường dân thuộc giai cấp trung lưu. Thời Chúa Giêsu, nhóm này có khoảng 6.000 người, được dân chúng kính trọng vì có đời sống đạo đức gương mẫu. Họ thường thành lập những cộng đoàn nhỏ, chăm chỉ học hỏi, chuyên cần suy niệm Kinh Thánh và tuân giữ cặn kẻ mọi điều Luật Môsê dạy. Họ tin kẻ chết sống lại, có thiên thần và ma quỷ. Vì thông thạo Kinh Thánh và tuân giữ Lề Luật một cách tỉ mỉ, nên nhiều lúc họ đi quá xa với ý nghĩa ban đầu.
Nói chung, Tin mừng phê phán một cách mạnh mẻ cách sống của người Pharisêu và kinh sư: Gioan Tẩy giả gọi họ là “nòi rắn độc”, do thái độ cố chấp không chịu hồi tâm sám hối để sinh hoa trái của họ (x. Mt 3,7-10). Chúa Giêsu đòi môn đệ phải công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu (x. Mt 5,20). Chúa Giêsu đã kiện toàn Luật Môsê và sửa đổi các lời giải thích hẹp hòi vụ Luật của họ về sự giận ghét tha nhân (x. Mt 5,21-26), về tội ngoại tình (x. Mt 5,27-30) về việc ly hôn (x. Mt 5,31-32), về sự thề thốt ( Mt 5,33-37), về sự trả thù (x. Mt 5,38-40) và cách đối xử với kẻ thù (x. Mt 5,43-48). Chúa Giêsu cũng quở trách họ về nhiều tật xấu như: tự mãn về công đức của mình (x. Lc 18,9-14), khinh thường tha nhân (x. Mt 9,10-13), khinh “dân đen” không biết Luật (x. Ga 7,49), nói mà không làm (x. Mt 23,2-3), ham mê danh vọng (x. Mt 23,6-7), dẫn đường đui mù (x. Mt 23,16-22), coi trọng điều tùy phụ mà bỏ qua điều chính yếu (x. Mt 23,23-26), đạo đức giả hình (x. Mt 23,27-28).(3)
Chính đời sống giả hình của họ làm cho Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ hãy coi chừng men Pharisêu (Mt 16,5).
Vài trình thuật của Tin mừng cho chúng ta thấy cuộc sống của người Pharisêu: tố cáo các môn đệ không tuân giữ truyền thống:
1 Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng:2 “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?”3 Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?4 Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.5 Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi,6 thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.7 Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng:8 “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.9 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.” (Mt 15,1-9, Mc 7,1-13)
Người Pharisêu tố các Chúa Giêsu phá đổ luật ngày sabát:
1 Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn.2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!” 3 Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao?Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng?4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao?6 Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. -7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội.8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.” (Mt 12,1-8; Mc 2,23 -28; Lc 6,1-5)
Người Pharisêu quyết định tìm cách loại trừ Chúa Giêsu:
9 Đức Giê-su bỏ đó mà đi vào hội đường của họ.10 Tại đây, có người bị bại một tay. Người ta hỏi Đức Giê-su rằng: “Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát không?” Họ hỏi thế là để tố cáo Người.11 Người đáp: “Ai trong các ông có một con chiên độc nhất bị sa hố ngày sa-bát, lại không nắm lấy nó và kéo lên sao?12 Mà người thì quý hơn chiên biết mấy! Vì thế, ngày sa-bát được phép làm điều lành.”13 Rồi Đức Giê-su bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra và tay liền trở lại bình thường lành mạnh như tay kia.14 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su.” (Mt 12,9-13; Mc 3,1-6; Lc 6,6-11 )
Câu chuyện Hai Người Lên Đền Thờ Cầu Nguyện minh họa cho ta thấy rõ đời sống của người Pharisêu thế nào:
10“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không.” (Lc 18,9-14)
Biết rằng vẫn có người Pharisêu quý mến Chúa Giêsu, như ông Simôn (cùi). Ông đã mở tiệc đãi người. Nhưng “37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
39 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” (Lc 7,37) thì ông quay về lại với con người thực của mình.
Vẫn còn đó một Nicôđêmô bênh vực Chúa, một Gamaliên bênh đỡ các tông đồ, hay một Phaolô, khi trở lại đã dâng hiến cả cuộc đời để làm chứng nhân cho Chúa Giêsu trước mặt con người.
Tinh thần Pharisêu vẫn ngự trị trong những Kitô hôm nay, khi họ hành xử trái ngược với Tin mừng. Họ cũng tự mãn về đời sống đức tin của mình; họ cũng khinh thường tha nhân, những người nghèo, những người bị bỏ rơi; họ cũng khinh ‘dân đen’ không biết Lề Luật; họ nói mà không làm; họ cũng ham mê của cải, tiền tài, danh vọng, coi trọng điều tùy phụ mà bỏ qua điều chính yếu…là yêu Chúa và yêu người bằng chính những hành vi cụ thể của mình.
“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. (Lc 18,13)