TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hòa nhịp bước chân Người

Chủ nhật - 16/01/2022 05:41 | Tác giả bài viết: Đa Minh Trần Văn Tân, SJ |   771
Con muốn được học giáo lý, để về làng, người ta hỏi con ở nhà mấy mẹ học được gì dạy lại cho chúng tôi.
Hòa nhịp bước chân Người

Người đi hòa nhịp bước chân Người, hành trình không có điểm kết

 

Đi sâu vào thị trấn Gia Nghĩa rồi rẽ phải, theo đường bên trái, chừng 15 cây số sẽ gặp Đak Hà, thêm 15 cây số nữa là tới Quảng Sơn, đi tiếp tới Đăk Rmăng và Quảng Phú, đây là những vùng đất người M’Nông Prưng sinh sống lâu đời.

Từ khi bà con trong các buôn làng vùng Đak Nông biết các nữ tu Phao-lô trước đây đã từng ở giữa họ, và nay đang ở Lái Thiêu, thì lớn bé rủ nhau về thăm sau bao năm nhung nhớ. Và nhất là sau hơn 20 năm không có người chăm sóc, con cái lớn lên chỉ biết mấy câu kinh quen thuộc. Trong số những người về đây, chúng tôi đặc biệt chú ý tới một ông già tầm 70 tuổi. Lần thứ nhất về rồi đi vui vẻ, nhưng lần thứ hai, sau mấy ngày ở chơi, chúng tôi sắm sẵn cho ông một ít kẹo bánh để về làng chia cho bọn trẻ, tuy nhiên, lần này thì ông nhất định không chịu đi. Ông nói: “Con muốn được học giáo lý, để về làng, người ta hỏi con ở nhà mấy mẹ học được gì dạy lại cho chúng tôi. Lần này về nếu chẳng học được chi cả thì con biết ăn nói sao đây”.

Dễ thương quá, một ông già lặn lội hơn 250 cây số chỉ để xin học giáo lý, dĩ nhiên bổn phận của chúng tôi là phải tạo điều kiện để bà con học biết Chúa, và chúng tôi cũng chỉ mong nhiêu đó, chứ ai đâu nỡ từ chối. Chúng tôi đã sắp xếp cho ông cùng vài người bạn nữa về nhà các nữ tu Biển Đức ở lại một tuần. Ở đó có một cha dòng Tên, ngày ngày qua dạy giáo lý và cuối cùng ban bí tích rửa tội cho các ông. Đúng là cầu một, nhưng đã được mười, nghĩa là ở trong thôn 3 Quảng Sơn, ông là người đầu tiên lãnh nhận các bí tích khai tâm Ki-tô giáo. Bây giờ thì ông có thể an lòng ra về được rồi, sau 7 ngày vừa học giáo lý vừa cầu nguyện. Chúng tôi chia tay ông và hẹn sớm gặp nhau.

Vào giai đoạn này, đường đi lên làng xa xôi nhưng không còn xa lạ nữa, vì có nhiều điểm dừng khá yên ổn. Bù Đăng lên có thôn tư Quảng Tín. Đi tiếp có bon Fi-nao nằm ngay trên đường. Tới Gia Nghĩa có Cầu Gãy. Và từ Cầu Gãy tôi xin người dẫn tới Quảng Sơn, gặp mặt bà con ngay nhà ông già để cùng nhau cầu nguyện và hát vui đêm nay. Tuy nhiên, lần đầu gặp gỡ mới được dăm ba câu chuyện, ché rượu cần chưa kịp nhạt thì có người tìm gặp gọi đi “làm việc”. Làm xong, được việc người thì lại hỏng việc mình. Sau cơm trưa chỉ đi thăm qua loa được ít nhà, rồi về lại nhà ông già chia tay nhau trong lời kinh tạ ơn và chúc tụng.

Trưa 30 tết năm ấy, chúng tôi trở lại Quảng Sơn. Lần này thì chắc ăn vì nghĩ rằng ai cũng lo vui tết cả, hơi sức đâu mà làm khó nhau. Tới Quảng Sơn, chúng tôi ngỏ ý muốn đi tiếp Quảng Phú, tới nơi đã xế chiều. Điểm đến là những mái nhà trên một bãi đất bồi ven sông Krông-Nô, bên kia sông là dãy núi Nam Kha một màu xanh mướt. Không khí ở đây trong lành quá, một ngôi làng nằm lọt tõm giữa đất trời mênh mông thế này thì chẳng ai biết mà tìm kiếm. Thế nhưng, khoảng 8 giờ tối có ông phó chủ tịch huyện cùng với một ông ban xã tới gặp. Câu chuyện diễn ra hơn tiếng đồng hồ, tuy nhiên, nói đi nói lại, nói gì thì nói rồi cũng tới câu kết là 30 tết dịp để gặp gỡ và sum họp, là cơ hội để thăm viếng và trao nhau câu chúc, chứ có làm gì khác đâu mà kiểm điểm.

Cuối cùng, các ông cũng chấp thuận cho chúng tôi ở lại với bà con cho tới 10 giờ sáng hôm sau. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi bước vào là nhà Ma Loan, và khi chia tay cũng tại chính ngôi nhà này, tiếng reo vui của buổi đầu gặp gỡ cũng là những lời chia tay bình an và nhiều ước hẹn.

Về lại Quảng Sơn, chúng tôi vào nhà Bap Mông ở thôn 2 để cùng bà con dâng lời cầu nguyện đầu năm. Sau đó, đi cầu nguyện từng nhà, nài xin Chúa chúc lành cho năm mới. Ngày tết mà, có ồn ào chút cũng đã sao, vì thế cùng đi với chúng tôi có cả một nhóm các bạn trẻ, bước vào nhà trong bài tình ca Thiên Chúa ở cùng chúng ta, rồi thăm hỏi và cầu nguyện, hỏi xem hoàn cảnh gia đình năm qua ra sao và giờ đây muốn xin Chúa điều gì.

Trên vùng đất này, mỗi nhà đều có nỗi khổ của mình: mất mùa, nghèo đói, bệnh tật, mất người thân… Và chúng tôi, những người được sai đi loan báo Tin Mừng có thể làm gì được, nếu không phải là theo gương của vị thánh Tông Đồ: “Với anh em là các tín hữu, chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi anh em vào Nước của Người” (1Tx 2,12).

Quả thực, khi bước vào những mái nhà này đây, chúng tôi đã bắt gặp cái nhìn của lòng thương xót Thiên Chúa, một cái nhìn trìu mến ôm trọn từng con người trong tình yêu của Người. Trước tiếng kêu cầu của bà con thì Thiên Chúa không thể không trông nhìn và không lắng nghe, những con người nghèo khổ. Hơn đâu hết, chúng tôi thấy sáng lên ở đây khuôn mặt của Ngôi Lời nhập thể, Người đã ở đây rồi. Chúa Giê-su đến trước chúng tôi trong con tim của những người anh chị em, trong thân xác bị tổn thương của họ, Ngài đã ở đây rồi. Việc của chúng tôi là:

Khuyên nhủ bà con nhìn lên Thiên Chúa với lòng tin tưởng;

Khích lệ bà con dìm mình trong Thiên Chúa là nguồn tình yêu và sức mạnh;

Van nài bà con giữ lòng trung tín, nghèo vật chất nhưng giầu ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người.

Từ đó, dung nhan Thiên Chúa sẽ tỏa sáng ngay trong cuộc sống hằng ngày của bà con.

Cầu nguyện và cầu nguyện, bước đường của người được sai đi loan báo Tin Mừng  là cầu nguyện từng nhà. Từ thôn 2 tới thôn 3, và rồi cả thôn 1 chưa có người tin theo cũng mời chúng tôi qua cầu nguyện. Có gì hấp dẫn ở đây ngay cả với bà con lương dân? Vì ở đâu có hai ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa, trong khi ở đây, nhà nhà họp nhau, cả làng họp nhau nhân danh Thầy, làm sáng lên khắp nơi dung nhan của vị Thầy, là Con Một Thiên Chúa, đầy tràn ân sủng và sự thật.

Họp nhau nhân danh Thầy và cầu nguyện. Bước đường của Giê-su Con Thiên Chúa năm xưa có khác gì hôm nay, lôi cuốn đám đông dân chúng, để những con người bơ vơ vùng Quảng Sơn tìm được lối về.

Rời Quảng Sơn, chúng tôi kiếm đường vào Đăk Hà. Thực ra, đây là một thôn nằm ngay trên đường về, nhưng phải đợi thời gian thuận lợi, chứ đâu phải muốn là được. Và cơ hội đã đến khi chúng tôi mang danh chi hội chữ thập đỏ Công Giáo Sông Bé, phối hợp với chữ thập đỏ Đak Nông đem hàng vào đây cứu trợ bà con. Đúng là “ở hiền gặp lành”, vì mặc dù đã hẹn với anh em chữ thập đỏ Đăk Nông tối về cùng nhau đánh chén một bữa, nhưng khi ở giữa bà con, lần đầu gặp nhau quyến luyến, bỏ đi sao đành, và đêm đó chúng tôi đã xin phép anh em chữ thập đỏ để ở lại với bà con, một đêm mưa gió, nhưng cũng không ngăn nổi bước chân chúng tôi đi đến từng nhà thăm hỏi và cầu nguyện.

Lần thứ hai trở lại Đăk Hà, đúng ngày mồng một tết, chắc ăn quá đi chứ.

Mới ghé vào đã gặp ngay bí thư xã. Ông mời về nhà thăm chơi, mừng năm mới. Cuộc hội ngộ có chút  miễn cưỡng vì chưa gặp được bà con, nhưng không sao, đây có thể là cơ hội để làm quen với chính quyền xã. Tiệc rượu mới đầu chỉ có 2 người, sau thêm băp Joi, giáo lý viên và một số anh em. Khi anh công an xã tới thì chúng tôi đã ngà ngà say. Khổ thân tôi vì từ bé tới giờ có biết thế nào là say rượu đâu, trong khi anh công anh xã thì lại nói có lệnh của công an huyện không cho chúng tôi ở lại. Thì ra theo thói quen hằng năm, ai cũng biết, cứ dịp tết là chúng tôi đi khắp nơi, và vì thế, năm nay chúng tôi phải rời Đăk Nông ngay tại điểm xuất phát.

Dù sao những chén rượu ban trưa cũng đã giữ chân chúng tôi lại với bà con cho tới sáng hôm sau. Tỉnh táo rồi thì phải đi thôi. Ra đi mà phía sau lưng vang dội tiếng gọi và những cánh tay vẫy chào. Về với Quảng Tín, đất lành chim đậu, nhưng rồi sẽ sớm quay trở lại, để hát mãi câu tình ca của thân lúa miến, gieo vào dòng đời, mục nát với thời gian…

Quảng Sơn hôm nay đã là một giáo xứ lớn chia làm 7 khu. Dak Hà, Quảng Phú và Đak RMăng đã là giáo họ và cũng đã có nhà thờ: cả một cánh đồng mênh mông vấn vương bước chân của Con Thiên Chúa, đấng có lời ban sự sống.

Đa Minh Trần Văn Tân, SJ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây