ĐỜI ĐÁNG SỐNG
Hôn nhân còn cứu vãn được không? -Phần I
Kính thưa quý thính giả.
Cuộc sống tự do phóng túng và nặng tính cá nhân chủ nghĩa của đa số các quốc gia, nhờ vào đời sống sung túc, lắm tiện nghi, kể cả mạng truyền thông xã hội hiện nay, hằng cám dỗ con người chỉ muốn hưởng thụ, ích kỷ, đã, đang và sẽ còn đưa đẩy nhiều gia đình vào con đường tan vỡ. Tuy nhiên, tình yêu trong hôn nhân vẫn có thể được phục hồi, hạnh phúc gia đình vẫn có thể cứu vãn, nếu như các cặp vợ chồng cùng thiết tha mong muốn. Nói như thế có lạc quan quá đáng chăng? Thưa không, vì hôn nhân là kế hoạch đầu tiên và chính yếu của Thiên Chúa khi tạo dựng vũ trụ. Hôn nhân do Thiên Chúa sáng lập để tương thông và trao ban tình yêu của Ngài cho loài người, đồng thời kêu mời nhân loại cùng đến chia sẻ tình yêu tuyệt vời đó. Bởi đó, Ngài đã chúc lành, thánh hóa và quan tâm đến hôn nhân cho đến cùng. Ngài có thể hàn gắn, làm mới lại tất cả, vì đối với Thiên Chúa không việc gì là không có thể.
Có ngàn lẻ một lý do dẫn đến cuộc chia tay. Nó có thể bắt nguồn từ những yếu tố khách quan như do họ hàng, thân tộc (bên trọng bên khinh ; thân nhân xúi dục…,) do cuộc sống kinh tế khó khăn, do trình độ kiến thức chênh lệch, xuất xứ, giáo dục gia đình khác nhau, do đông con hay do sự bất thuận về tiền bạc, do tính khí thất thường của người phối ngẫu, do không môn đăng hộ đối và cũng không loại trừ do bản năng tình dục quá chênh lệch v.v... Tuy nhiên phần lớn nguyên do là từ chính các đương sự: hoặc do không thỏa mãn hay do không đạt được mục đích mong muốn, hoặc do nhận thức sai về tình cảm (không ít người sống đời hôn nhân, nhưng tâm tưởng lại dành cho một đệ tam nhân, nên không còn xúc cảm nữa đối với người phối ngẫu, nên cho rằng họ không hợp nhau). Vậy có thể cứu vãn những gì đã mất chăng? Có thể làm mới lại những xúc cảm của thuở ban đầu được chăng?
Các cặp vợ chồng chia tay thường có câu trả lời chung: “chúng tôi không còn yêu nhau nữa!” Trong câu trả lời này, chúng ta thấy động từ “yêu” quyết định cho sự tồn tại hay kết thúc của cuộc hôn nhân. Khi phát biểu như thế, họ phá hủy lời thề hứa hết sức trang trọng khi xưa: “Tôi sẽ yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời tôi”. Thiết nghĩ, ta nên bắt đầu bằng việc định nghĩa bản thân của yêu là gì; sau đó sẽ đặt vấn đề là người có đức tin phải hiểu đúng nghĩa chữ yêu thế nào; Thiên Chúa muốn đôi vợ chồng phải yêu thương nhau ra sao cho phù hợp với hoạch định của Ngài.
Các bạn thân mến,
Khi hỏi mười người về chữ yêu, hẳn là có đến chín định nghĩa khác nhau! Mỗi người đều dựa trên cảm nghiệm và quan niệm riêng của mình để định nghĩa. Do đó, có thể nói rằng không có một một định nghĩa nào được xem là chính xác và đầy đủ cả. Vì tình yêu lớn lao quá, sâu sắc quá nên khó có thể hiểu hay diễn tả được hết mọi chiều kích của nó qua ngôn từ. Tuy nhiên có điều chắc chắn là kẻ đang yêu luôn trông đợi đón nhận sự đáp trả của đối tượng mình yêu.
Từ sự cố gắng khảo sát một điều không thể khảo sát, ráng hiểu một điều không thể hiểu được, nên nhiều người có nhận thức sai lầm về tình yêu. Đại đa số cho rằng tình yêu dựa trên cảm xúc hay rung động, nên khi gặp thấy ai vừa mắt, nghe vừa tai, vội cho rằng mình yêu, mình “phải lòng” người đó rồi.
Xin mở ngoặc để định nghĩa đôi chút về từ ngữ “phải lòng” hay còn gọi là “tiếng sét ái tình”. Khi “phải lòng” ai đó, ta cứ tưởng mình yêu thật rồi. Theo tâm lý học, trong trường hợp này, có hai vấn đề xảy đến. Trước hết, cảm nghiệm “phải lòng”, là cảm nghiệm đặc biệt liên quan đến tình ái, giới tính (vì không ai nói mình “phải lòng” với con cái, hay với bạn bè cùng giới tính cả (trừ khi đồng tính), cho dù chúng ta yêu thương con cái hết sức, hay quan tâm đặc biệt đến bạn bè cùng phái đến mấy. Nói cách khác, chúng ta chỉ “phải lòng” vì động cơ tình dục thúc đẩy một cách ý thức hay không ý thức mà thôi. Thứ đến, cảm nghiệm “phải lòng” hoàn toàn mang tính cách tạm thời. Dù chúng ta “phải lòng” với bất kỳ ai đi nữa thì sớm muộn cảm xúc đó rồi sẽ kết thúc, sẽ qua đi -thường thì rất nhanh. Dĩ nhiên, chúng ta không nói mình sẽ thôi yêu người đó, nhưng muốn cho thấy rằng sự ngây ngất của cảm nghiệm “phải lòng” rồi sẽ qua đi. Như vậy “phải lòng” không phải là tình yêu, vì “phải lòng” tiêu biểu sự lôi cuốn phát xuất từ dục vọng nhất thời; mà dục vọng chỉ là một trong những khía cạnh của tình yêu. Cho nên, từ “cảm xúc phải lòng” cho đến “tình yêu thật” là một khoảng cách thật xa xôi, lắm khi không thể đạt tới.
Người ta còn nhầm lẫn tai hại khi đồng hóa tình yêu với sự cảm xúc hay “rung động”, vì như thế có thể lẫn lộn giữa việc yêu thương một người và việc yêu thương một cảm nghiệm. Trong trường hợp thứ hai, con người ta không được yêu; và điều này đã gây nên không biết bao nhiêu tai họa, thường kết cục bằng sự chia lìa, đổ vỡ. Bởi vậy cần có thời gian để chuẩn bị cho hôn nhân. Tình yêu giống như rượu: nó cần thời gian để chín mùi. Vì thế, các bạn trẻ không nên vội vàng trong việc lập gia đình, nếu cho rằng đời sống hôn nhân là mảnh đất lý tưởng giúp thỏa giấc mộng vàng. “Nếu sự theo đuổi, tán tỉnh nhau là một giấc mơ, thì hôn nhân có thể biến thành chiếc đồng hồ báo thức”, Học giả Fulton Sheen đã nói thật chí lý.
Các bạn thân mến,
Do sự phát triển tự nhiên về tâm sinh lý, đến một độ tuổi nào đó con người bắt đầu phát triển bản năng hay sự thôi thúc (theo nguyên ngữ, hai từ ngữ này có cùng một nghĩa. Vì “bản năng” xuất phát từ La ngữ, có nghĩa gần như thúc dục, thôi thúc). Con người cần và bị thôi thúc đến với những sinh vật khác, vì con người vốn là một sinh vật bị giới hạn, không tự đủ được (Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng nhận biết được sự giới hạn và thiếu thốn của con người là khởi điểm để hiểu được sự lệ thuộc của con người đối với Thiên Chúa. Con người cần Thiên Chúa, cũng như mọi thụ tạo khác đơn giản cần đến Ngài để tồn tại).
Thánh Kinh dạy rằng: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”. (gắn bó: gốc Hy lạp có nghĩa làm cho dính chặt vào nhau) Như vậy đã có thứ tự lớp lang ngay từ thuở ban đầu. Thiên Chúa đã muốn hai người phải chân thành trao ban tất cả cho nhau trước đã, rồi tình yêu chồng vợ ắt tự nhiên xảy đến. Ý định của Thiên Chúa đối với hôn nhân là thế đó. Thảo nào ông bà chúng ta trước khi kết hôn, nhiều khi không hề biết mặt nhau, vậy mà vẫn ăn đời ở kiếp với nhau, sống đạo đức, tốt lành làm sao; không ai nghe nói đến việc các cụ ly thân, ly dị bao giờ. Trong khi những người trẻ tuổi hiện nay, mới quen biết đã vội vội vàng vàng cho rằng đây đúng là người mình yêu, do Chúa gởi đến, Đức Mẹ tìm cho v.v.., rồi chẳng bao lâu sau, đối mặt với kết cục bi đát, đau thương. Đặc biệt các bạn trẻ khi gặp ai đó, vừa ý, phải lòng, tuyên bố ngay “Tôi yêu chàng”, “Tôi yêu nàng” hoặc chỉ ít lâu sau không ngần ngại quả quyết: “Tôi sẽ kết hôn”. Khi được hỏi tại sao “yêu nhanh” và quyết định chớp nhoáng vậy. Họ trả lời do tình yêu thôi thúc, hoặc do “văn hóa”, (văn hóa, ảnh hưởng từ phim ảnh, sách báo...). Đúng là văn hóa của “sự chết”!
Là người có đức tin, chúng ta được mạc khải về một tình yêu mà thế gian không thể hiểu thấu cũng như không hề có. Tân Ước gọi tình yêu này là “Agape love” (gốc Hy lạp, là thứ tình yêu dựa trên đức ái, tình yêu mà Đức Kitô đã dành cho nhân loại). Tình yêu này đặt căn bản trên hai tiêu chuẩn 1/ hoàn toàn không vị kỷ, đặt quyền lợi kẻ khác lên trên lợi ích riêng mình. 2/ trao ban tất cả cho kẻ khác dù phải hy sinh cả mạng sống mình, mà không cần đáp trả. Đây là tình yêu tuyệt vời khi áp dụng cho hôn nhân để hai người phối ngẫu “thành một xương một thịt”, một sự sống. C.S Lewis nhận xét rằng khi Chúa Giê-su nói chồng và vợ trở nên một thân xác, Ngài không hoàn toàn nói đến tình cảm nhưng nói đến một sự kiện, sự kết hiệp chồng vợ không chỉ bằng thể lý, thân xác mà bằng cốt lõi tinh thần, nên một tức có chung một linh đạo, chung một linh hồn.
Các bạn thân mến,
Thánh Kinh hoàn toàn không đề cập đến cái thế gian gọi là tình yêu, sẽ làm nền móng cho hôn nhân. Hôn nhân dựa trên thứ tình yêu này hay bị dao động, thay đổi theo tình cảnh bên ngoài. Sự xúc cảm, sự rung động tự chúng sẽ không bao giờ giữ vững được hôn nhân. Chính sự trao ban qua lại mới trói buộc hai vợ chồng với nhau, nhờ việc cả hai cùng nhau chia sẻ ngọt bùi đắng cay, cùng nhau tiến về phía trước biến “agape love” thành hành động.
Tuy hôn nhân không nhất thiết làm cho người ta hạnh phúc, nhưng những người trong cuộc có thể biến hôn nhân của mình thành niềm vui thú bằng cách cho đi chính mình, khi họ cùng làm việc chung, phục vụ lẫn nhau, khi họ cầu nguyện chung, cùng giúp nhau thăng tiến về đời sống tâm linh, cùng hướng đến hôn nhân vĩnh cửu ở cõi vĩnh hằng. Nói khác đi, trong hôn nhân, nếu những người trong cuộc chỉ cố tìm niềm vui của cảm xúc, không tự nguyện cho đi chính mình, hoặc chỉ nhằm thỏa mãn những nhu cầu hiện tại và quên đi bổn phận mà Phúc Âm đòi hỏi, thì kết cuộc, họ sẽ gặt hái không ít đắng cay, đau khổ. Hôn nhân của họ bị lung lay tận gốc, bị sụp đổ là điều không tránh khỏi.
Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô 2 giải thích rằng yêu đồng nghĩa với cho đi chính mình, đối nghịch với tình yêu không phải là ghét bỏ nhau, nhưng là việc sử dụng nhau, xem người phối ngẫu chỉ như một phương tiện. Cứ nhìn vào các gia đình tan vỡ, ta sẽ thấy các đôi phối ngẫu đã sử dụng nhau như phương tiện để thỏa mãn nhu cầu tình dục của riêng mình, hay khai thác kinh tế, lợi nhuận, danh vọng v.v... nơi nhau. Vậy phải làm gì để phục hồi hay làm mới lại tình yêu của họ trong hôn nhân? Dĩ nhiên, phải thành thực công nhận rằng từ trước đến giờ những người này chưa bao giờ yêu hoặc biết yêu cách đích thực. Vì nếu đã yêu thật sự thì làm gì có chuyện cần phải hàn gắn, cần gì phải làm lại từ đầu! Yếu tố đầu tiên giúp cho tình yêu của đôi phối ngẫu được phục hồi hay làm mới lại. Đó là cả hai đều phải một lòng một ý muốn tái tạo hạnh phúc hôn nhân, phải cùng chạy đến với Thiên Chúa toàn năng, tha thiết nài xin Ngài. Chắc chắn Thiên Chúa sẽ sẵn lòng và vui mừng biến đổi cuộc sống của những gia đình đó, vì Ngài chính là nguồn mạch Tình yêu. Hãy luôn nhớ rằng không có ơn Chúa trong đời đôi lứa thì sẽ không có gì thành tựu cả; đôi phối ngẫu sẽ không tài nào ăn đời ở kiếp với nhau, hay chịu đựng được nhau lâu.
Tái tạo tình yêu trong hôn nhân đòi hỏi sự nỗ lực trong cả ba lãnh vực: sự tự lựa chọn ý nguyện, hành động, và xúc cảm (cảm xúc tình yêu đến sau cùng vì nó không phải là nguyên tố chính yếu mang tính quyết định trong hôn nhân. Thực ra, tình yêu được đặt nền tảng trên sự trao ban không thay đổi dành cho nhau). Hôn nhân là hành động của ý nguyện, do đó phải được khởi động từ tâm trí bạn, tại nơi đây bạn diễn tập sự lựa chọn và quyết định rằng cho dù rơi vào tình huống nào đi chăng nữa bạn vẫn sẽ không bao giờ ngừng yêu đương. Lúc bấy giờ, bạn sẽ phải đối đầu với những điều đã làm cho vợ chồng điêu đứng, gây nên đổ vỡ, làm cho hai người mất đi cảm xúc của tình yêu. Hãy gói trọn những cảm xúc, mặc cảm không vui trước kia như hờn giận, bất mãn, đổ lỗi, bực dọc, xúc phạm, cay đắng, lợi dụng, thiếu tin tưởng v.v... rồi ném chúng ra khỏi gia đình bạn. Chỉ có sự đối thoại trong tinh thần cởi mở, quyết tâm sửa đổi và hoàn toàn tha thứ cho nhau mới có thể hàn gắn, chữa lành, hoặc làm mới lại từ đầu tình yêu hôn nhân. Dĩ nhiên cũng phải tín thác vào quyền năng can thiệp và sự chúc lành của Thiên Chúa.
Các bạn thân mến,
Mỗi người phối ngẫu phải nhìn nhận rằng mình đã đánh mất cảm xúc yêu thương vì trước kia chỉ muốn nhận lãnh từ người bạn đời của mình hơn là mong muốn cho đi; chỉ mong được thỏa mãn những nhu cầu của riêng mình hơn là tự nguyện làm thỏa mãn những điều bạn mình muốn; mình đã không tự giác hy sinh cho nhau (hy sinh là can đảm bỏ điều nay để đạt được điều kia). Do không yêu thương thực sự, nên họ đã sử dụng nhau như phương tiện. Nếu bạn tha thiết nguyện ước thay đổi và chân thành cầu xin, Thiên Chúa sẽ thông ban cho các bạn “tình yêu kỳ diệu” (Agape love) như lời Ngài đã hứa (và chính Ngài cũng đã sống và chết tình yêu này). Các bạn nhớ cho tình yêu trở thành những gì bạn làm, chứ không phải những gì bạn cảm xúc. Nếu khi mới quen và có ấn tượng tốt (phải lòng) với một đệ tam nhân nào đó, nhưng khi ý thức rằng bạn không thể tiến xa hơn, không thể trao ban chính mình cho người đó thì phải quyết tâm -dù ray rứt cách mấy- dừng lại, cắt đứt mối liên hệ ở đó. Thời điểm này đòi hỏi bạn phải biến quyết tâm thành hành động; và đó phải là một hành động phát xuất từ suy nghĩ của người đã trưởng thành từ lâu, chứ không “dại khờ” như thuở xa xưa còn non trẻ. Phải dứt khoát đừng giữ lại trong tư tưởng dù chỉ một chút ấn tượng hay tình cảm thuở trước.
Hai yếu tố cần phải có nhằm duy trì tính bền vững của hôn nhân là lòng trung thành và sự tín thác. Trước kia vì một lý do nào đó, bạn đã không thể trung thành hay tín thác vào người bạn đời của mình, thì thời điểm này đòi hỏi bạn phải thực hiện cho được điều đó. Nếu bạn cố gắng luyện tập sự dứt khoát trong quyết định, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khì thấy sự đổi thay trong cung cách sống, trong cách cư xử của vợ hay chồng bạn. Vì không ai có thể vô tâm, thờ ơ đối với người đã hết lòng trung thành tín thác vào mình, đã hy sinh tất cả cho mình! Một điểm thiếu sót có lẽ do chủ quan hay do tính ích kỷ gây ra, đó là chưa bao giờ người vợ hay chồng tự đặt câu hỏi mình muốn gì ở nhau, mình đã cố gắng hết sức để làm vừa lòng người phối ngẫu chưa!
Phaolô Ngô Suốt
Mời các bạn nghe tiếp phần 2
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn