TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đạo của Nhẫn

Thứ tư - 16/11/2022 04:14 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1212
Nhẫn, một chữ biểu tượng cho cả một triết lý hài hoà. Nhẫn làm nên văn hoá gia đình. Nhẫn làm nên đạo lý của một dân tộc, nền văn hoá yêu thương.
Đạo của Nhẫn

Đạo của Nhẫn


 
 
Trong đời bao nhiêu điều trở nên một chữ, một chữ lại là tích tụ của bao nhiêu đời, bao nhiêu dòng lịch sử, bao nhiêu kinh nghiệm của người đi trước. Nhẫn, một chữ biểu tượng  cho cả một triết lý hài hoà. Nhẫn làm nên văn hoá gia đình. Nhẫn làm nên đạo lý của một dân tộc, nền văn hoá yêu thương. “Chữ nhẫn là chữ tượng vàng. Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”.
Chiết tự chữ nhẫn, ta thấy: Nhẫn bao gồm bộ tâm và bộ đao, đao là binh khí thời xưa hay gọi là gươm giáo. Bộ đao nằm trên bộ tâm, dụng ý từ nhẫn, là diễn tả tâm hồn người nào mang trái chiụ đựng được sức mạnh của những sóng gió tựa gươm đao, binh khí là người biết nhẫn. Chữ nhẫn theo chiết tự còn mang một ý nghĩa tích cực, theo sách tiên tri Isaia: “Biến gươm đao thành cuốc thành cày, binh khí nên liềm nên hái (Is 2, 1 – 5). Nhẫn hóa giải được binh khí, khác với nghĩa tiêu cực là chịu đựng, chịu nhục, cúi mặt, như vậy là hèn nhát. Cũng khác với chữ nhẫn theo nghĩa tiêu cực dùng gươm đao binh khí làm đau lòng người khác gọi là nhẫn tâm.
Về hình dạng: Nhẫn là một chiếc vòng trước hết trao cho nhau để đảm bảo lời cam kết. Chiếc nhẫn tự nó là vòng tròn trói buộc, mà con người tự nguyện trao cho nhau đeo vào. Vòng tròn biểu tượng sự tròn đầy ý thức và trách nhiệm, biểu hiện sự gắn kết keo sơn, chung một giềng mối, sống chết có nhau.
Chiếc vòng trao nhau: Biểu lộ sự tuỳ thuộc vào nhau. Trong hôn nhân hai người trao cho nhau chiếc nhẫn cưới là biểu lộ sự tuỳ thuộc lẫn nhau. Không có tính cách kẻ trên người dưới, họ chung số phận với nhau từ đấy. Trong lễ khấn dòng, chiếc nhẫn được người đại diện trao cho ứng sinh liên kết họ với Đấng Mời Gọi họ hiến thân, từ nay họ cam kết trở nên đồng hình, đồng dạng với Đức Kitô.
Đón nhận chiếc nhẫn là một hình thức tự nguyện với ý thức và tự do. Họ biết rằng từ nay, họ không thuộc về họ nữa mà thuộc về người kia. Họ thuộc về nhau.
Từ những ý nghĩa của chiếc nhẫn, người ta rút ra từ kinh nghiệm cuộc sống: Muốn giữ lời cam kết chung thuỷ bền lâu, sống với nhau cần đón nhận, chấp nhận, chịu đựng, hy sinh, tha thứ và yêu thương nhau.
Người Việt nam đi từ kinh nghiệm thực tế của việc trồng lúa nước. Chuẩn bị đất, gieo hạt, chăm cây, gặt hái, gom lúa, phơi săn, xay giã, sàng sảy... hàng loạt những tác động để có hạt gạo thơm ngon. Muốn thuỷ chung người ta cũng kinh nghiệm qua hàng loạt những tác động qua lại ấy mà khuyên bảo:
“Dĩ hoà vi quý”, đó là một thực tiễn đã được tiền nhân áp dụng cụ thể trong lòng dân Việt. Hoà là quý, hoà là mối căn bản cho mọi trật tự giữa thiên nhiên và con người Trời có cho: “Nắng thuận mưa hoà” con người mới thấy nỗ lực của mình được thành quả; con người có hoà mới có: “Thuận vợ thuận chồng, tát cạn bể đông”. Trong lịch sử văn hoá nông nghiệp, hình tượng của thái bình làm nên sự hoà hợp giữa Đất và Nước. Một sự hoà hợp cần thiết để tồn tại nên từ ngữ Đất Nước là biểu thị quê hương thái bình.
Thái bình trong lịch sử bảo vệ Đất Nước, người Việt lấy chữ hoà làm quý, mỗi lần thắng được kẻ thù người Việt vẫn thường lập kết ước để bảo vệ hoà bình.
Chữ nhẫn trong văn hoá Việt bàng bạc trong đời sống, người ta thường nghe tiếng mời gọi trong Bình Ngô Đại Cáo, của Nguyễn Trãi những lời hiệu triệu: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường đạo”. Đạo lý của dân Việt cốt ở hoà chứ không nuôi hận thù chiến tranh, khi chiến thắng quân thù người Việt vẫn giao lưu lại như xưa, có khi còn kết thông gia với nhau như trường hợp Huyền Trân Công Chúa được gả cho vua Chiêm là Chế Mân. Về cuộc tình này có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cũng thấy một điều vì tình chung mà hy sinh mối tình riêng.
Thường người Việt sống vì tình chung ấy nhiều từ trong gia đình cũng như trong xã hội, theo nguyên tắc “Lấy chín bỏ làm mười”, có thiệt thòi về cá nhân nhưng vẫn giữ được mối hoà. Cái tình chung lớn lao như thế, lẽ nào thân riêng lại tìm tư lợi cho mình.
Trong hoàn cảnh thực tế, một xã hội đã khác xưa không chỉ trong làng trong xóm mà mở ra với các nước chung quanh. Một xã hội có nhiều của cải hơn, nhiều vấn đề được đặt ra hơn, nhiều giá trị bị đổi thay, tính hiếu hoà ít nhiều cũng thay đổi và chịu nhiều chi phối. Truyền thống xưa thì tốt đẹp song làm gì để phát triển truyền thống ấy trong bối cảnh mới mà chúng ta cần nhìn rộng ra nhiều vấn đề để tìm tòi suy xét.
L. Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây