TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy tin

Thứ năm - 13/05/2021 21:47 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   801
Hãy tin

Chúa Nhật II – PS – A

Hãy tin

Đức Giê-su Ki-tô từ trong cõi chết, Ngài đã Phục Sinh. Vâng, đó là trung tâm điểm của đức tin Ki-tô giáo. Và, mỗi người Ki-tô hữu hôm nay, đều lớn tiếng tuyên xưng vào mỗi thánh lễ ngày Chúa Nhật, hằng tuần.

Thế nhưng, với các tông đồ xưa, chuyện Đức Giê-su Phục Sinh là một nan đề lớn, một nan đề đã khiến hầu hết các ông “không tin”, có ông còn nói lên quan điểm của mình, rằng “thấy mới tin”. Người đó chính là tông đồ Tô-ma. Câu chuyện về người tông đồ này được thánh sử Gio-an ghi lại như sau:

**

Chuyện xảy ra vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, một buổi chiều của âu lo và sợ hãi. Làm sao các môn đệ không âu lo cho được, khi sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, nơi ngôi mộ chôn cất Thầy, theo lời Phê-rô và Gio-an, (là những người đã chứng kiến) kể lại, thì chỉ còn là “ngôi mộ trống”, xác Thầy đâu, không ai biết, thế mà, chỉ một lúc sau bà Maria Mác-đa-la lại loan báo rằng “Tôi đã thấy Chúa”.

Quả là những tin tức trái chiều, khiến các ông không thể không rơi vào trạng thái “tôi biết tin ai bây giờ”!!!

Còn sợ hãi ư! Làm sao không sợ… khi nhóm thượng tế và các kỳ mục đã nham hiểm cho lính một số tiền lớn và bảo họ tung tin đồn rằng, vào ban đêm “các môn đệ của ông Giêsu đã đến lấy trộm xác” (Mt 28, 13).

Vào thời đó, trộm xác là một tội rất nặng. Cho nên, hôm đó, “nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái”.

Trong tâm trạng rối bời như thế, thì điều không tưởng đã xảy ra. “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông”.

Chỉ có mười người, thiếu vắng một người, với mười đôi mắt rực sáng lên trong hân hoan và vui mừng.

Thầy Giêsu đó ư! Đúng. Đức Giêsu chứ không là ai khác. Trong giây phút lịch sử đầy linh thiêng đó, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Bình an cho anh em”. Nói xong “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”.

Đúng, Thầy Giê-su chứ không là ai khác. Mười con người diễm phúc đó, khi gặp Tô-ma, đã đồng thanh cất tiếng “chúng tôi đã được thấy Chúa”. Thế nhưng, lời làm chứng của các ông lại không có giá trị trước tông đồ Tô-ma, một Tô-ma quan niệm rằng: “Bách văn bất như nhất kiến - Trăm nghe không bằng một thấy”.

Hôm đó, ông đã lớn tiếng nói với các bạn đồng môn của mình, rằng “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).

Thế rồi, tám ngày sau, cũng giống như lần trước, mặc cho “các cửa còn đóng kín” Đức Giêsu hiện đến, Ngài đứng giữa các ông, cũng một lời chúc “Bình an cho anh em”, rồi Ngài bảo với ông Tôma rằng, “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.” (x.Ga 20, 27).

Vâng, Tô-ma, ông ta không biện hộ gì cả. Nhìn Thầy Giê-su, một Giê-su bằng xương bằng thịt, với tất cả dấu tích của cuộc khổ hình, sự hồ nghi đã biến khỏi tâm hồn của ông, hình ảnh một Đức Giê-su Phục Sinh rõ mồn một trước đôi mắt ông. Và rồi, ông đã cất tiếng thưa với Người rằng “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.

***

Không hiểu từ bao giờ, cứ mỗi khi nhắc đến Tô-ma, người ta thường nói, ông là kẻ “cứng lòng tin”. Có người còn phong cho ông là “ông tổ” chủ nghĩa thực chứng.

Có phải thế không? Hay, tất cả mười môn đệ còn lại đều cứng lòng như ông? Thật ra, đâu chỉ có mình Tô-ma cứng lòng tin. Còn đó là cả nhóm mười người trong họ, dù đã nghe bà Maria Mác-đa-la nói “(Chúa) đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin”. (x.Mc 16, 11)

Dẫu sao, việc cứng lòng tin của Tô-ma cũng chẳng có gì là đáng trách. Ông ta muốn dùng “thị giác” hơn là “thích giác” để biểu lộ lòng tin của mình.

Về điều này, Lm. Giu-se Nguyễn Hữu An có lời chia sẻ: “Tôma đại diện cho những người lý luận, cái gì cũng muốn xem tận mắt, bắt tận tay. Chỉ tin những gì thấy được. Chỉ chấp nhận những gì sờ được. Đòi kiểm nghiệm tất cả. Đòi tự mình chứng nghiệm tất cả. Không chỉ tin vào lời nói suông. Tôma không vội tin một cách dễ dàng như bao người khác. Ông là người có tính thực tế của khoa học phải qua kiểm chứng, kiểm nghiệm bằng mắt thấy, tai nghe, tay chân sờ mó đụng chạm hẳn hoi thì mới tin. Đây phải chăng là thái độ khôn ngoan, cẩn thận trước một quyết định hết sức quan trọng của đức tin nơi Tôma? Cám ơn thánh Tôma, vì nhờ ngài mà các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người” (nguồn: internet).

Thần học gia Paul Tillich nói: “sự hoài nghi chín chắn là sự khẳng định của đức tin. Nó chứng tỏ một sự quan tâm rất nghiêm chỉnh”.

Thế nên, tông đồ Tô-ma có gì phải đáng trách! Chính việc ngài có nhu cầu “nhìn sự thật” hơn là “nghe sự thật”, nên nhờ đó, Đức Giêsu ưu ái tặng cho các môn đệ và cũng là cho chúng ta hôm nay, thêm một lời chúc phúc: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (x.Ga 20, …29).

****

Hôm nay, chúng ta bước qua tuần bát nhật Phục Sinh. Trong tuần bát nhật, hầu như ngày nào chúng ta cũng được nghe những bài Tin Mừng nói đến việc Đức Giê-su Phục Sinh.

Đặc biệt hơn cả, đó là những bài được trích trong sách Công Vụ Tông Đồ. Tại sao lại gọi là “đặc biệt”? Thưa, qua những trình thuật này, chúng ta được nhìn thấy sự trưởng thành đức tin vào Đức Giê-su Phục Sinh của các tông đồ.

Nói cách khác, các ngài đã thật sự “gặp” Đức Giê-su Phục Sinh.

Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, là để chúng ta tự hỏi: Tôi cũng đã “gặp” Đức Giê-su Phục Sinh?

Hôm nay, Đức Giêsu Phục Sinh không quá thiên vị, Ngài vẫn hiện diện bên chúng ta qua “Bí Tích Thánh Thể”.

Hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh không quá thiên vị, Ngài vẫn hiện diện bên chúng ta, qua “Phụng Vụ Lời Chúa”.

Nói ngắn gọn, Đức Giê-su Phục Sinh, Ngài vẫn hiện diện bên chúng ta trong Thánh Lễ, hằng ngày, hằng tuần.

Hình ảnh tuyệt đẹp nhất, mà chúng ta cần xem đó như là mẫu mực, để được gặp Đức Giê-su Phục Sinh và nhận được sự “Bình An trong Chúa” đó chính là hình ảnh cộng đoàn tiên khởi “luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42).

Lm Charles E. Miller gọi sự hiệp thông của các tín hữu xưa là một “ngày đại hội”, ngài có lời khuyên, rằng; “Anh chị em không được vắng mặt tại ngày đại hội này, như tông đồ Tô-ma tại buổi họp đầu tiên của các môn đệ”.

Đừng bao giờ hỏi tông đồ Tô-ma lý do nào ngài đã “vắng mặt” vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, vì đó là điều không còn cần thiết.

Nếu có hỏi, hãy hỏi mỗi chúng ta hôm nay, rằng: lý do nào khiến chúng ta “vắng mặt” trong ngày Lễ Chúa Nhật?

Phải chăng là vì, như lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói, là do “bị quyến rũ bởi những quyền lực thế gian và những gì thuộc thế giới này?” Hay là do “chúng ta đặt niềm tin của chúng ta vào phù phiếm của thế gian, tiền bạc, hay sự thành công?”.

Nếu đúng vậy, hãy nghe lời khuyên của ngài, rằng: “Tại sao bạn đang tìm kiếm những thứ đó, nó không thể cung cấp cho bạn cuộc sống, nó sẽ cho bạn niềm vui một ngày một tuần một tháng một năm và sau đó…? Tại sao bạn tìm kiếm một cuộc sống trong vòng kẻ chết? Câu này cần phải thấm nhập vào trái tim của chúng ta..”

Còn lý do nào nữa không? Lý do là vì chúng ta quá “mệt mỏi” sau những thời gian làm việc ở công ty, ở xí nghiệp?

Nếu đúng vậy, thì chúng ta lại cần phải đến “Nhà Thờ” nơi chúng ta sẽ gặp được một Đức Giê-su, một Giê-su với lời mời gọi: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng. Hãy đến cùng Ta. Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

Chúng ta có tin như thế không? Hay chúng ta phải để Đức Giê-su “trách yêu”, như xưa Ngài đã trách Tô-ma, rằng: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”.

Vâng: đừng cứng lòng nữa… “Hãy tin”.

Petrus.tran

 Tags: Hãy tin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây