TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đường Thập Giá – Đường Tình Yêu

Thứ năm - 13/05/2021 21:44 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   805
Đường Thập Giá – Đường Tình Yêu

Chúa Nhật Lễ Lá

Đường Thập Giá – Đường Tình Yêu

“Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua. Con đường nào Ngài ra pháp trường. Mão gai nào hằn sâu trên trán”. Vâng, mỗi khi nghe bản thánh ca này, có phần chắc, ai trong chúng ta cũng liên tưởng đến “cuộc thương khó của Đức Giê-su”.

Cuộc thương khó của Đức Giê-su, mà hôm nay chúng ta quen gọi là “Mười bốn chặng đàng Thánh Giá”, luôn được tái hiện trong đời sống đức tin của Giáo Hội, qua việc đi “Đàng Thánh Giá” vào mỗi thứ sáu đầu tháng, đặc biệt nhất là vào thứ sáu tuần thánh trong tuần “Tam Nhật Thánh”, một tuần lễ đưa toàn thể người tín hữu trở về Giê-ru-sa-lem xưa, để nhìn lại lộ trình Chúa đã đi qua, một lộ trình có tên gọi lịch sử: “Via Dolorosa”.

**

Via Dolorosa được dịch là Con Đường Đau Buồn. Người khác dịch là Con Đường Sầu Khổ. Cũng có lúc được dịch là Con Đường Đau Đớn. Muốn gọi như thế nào cũng được, bởi những gì là đau buồn, là sầu khổ, là đau đớn, là bi kịch… Vâng, ngày ấy Đức Giê-su đều gánh chịu.

Bi kịch bắt đầu xảy ra tại vườn Ghếtsimani, nơi Đức Giêsu cùng các môn đệ thường đến đó cầu nguyện. Hôm ấy, trong thinh lặng của nguyện cầu, Người cảm thấy buồn rầu xao xuyến.

Buồn rầu chuyện gì! Thưa, một người trong nhóm mười hai phản bội. Y tên là Giu-đa Itcariot. Được các thượng tế hứa hẹn sẽ “cho hắn ba mươi đồng bạc”, vì thế cho nên “từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.” (x.Mt 26, 15-16).

Trong bữa tiệc lễ Vượt Qua, đang bữa ăn, Đức Giê-su vén bức màn bí mật đó khi Ngài tuyên bố trước nhóm mười hai, rằng: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”.

Nghe tin đó, các ông “buồn rầu quá sức”. Để phá tan mối nghi ngờ, các ông tranh nhau lên tiếng: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” Không trực tiếp trả lời, mà qua một vài câu đối đáp, Đức Giê-su điểm mặt đích danh tên “nằm vùng” Giu- đa Itcariot – “Chính anh… đó!” (x. Mt 26, 25).

Vài hôm trước, các thượng tế và kỳ mục nhóm họp tại dinh của vị thượng tế tên là Caipha. Họ quyết định dùng mưu bắt Đức Giê-su và giết đi.

Và hôm nay, khi những vệt nắng cuối cùng khuất hẳn bầu trời Giêrusalem. Một nhóm người được các thượng tế và kỳ mục sai đi truy nã Ngài.

Ánh đuốc bập bùng phá tan màn đêm vườn “Ghết”, nơi họ được tên điềm chỉ cho biết, rằng, Đức Giêsu cùng các môn đệ của Ngài đang ở đó.

Tiếng vó ngựa, tiếng gươm giáo khua vang đến rợn người. Ghết-sê-ma-ni như nổ tung lên khi tên phản bội, xuất hiện. Nụ hôn của y chính là ám hiệu ai sẽ là người cần bắt. Hôm trước, hắn đã nói với đồng bọn: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy.”

Sự trang nghiêm của nguyện cầu bị phá vỡ khi tên phản bội xông đến hôn Đức Giêsu.

Thật ra, đây không phải lần đầu tiên người ta tìm bắt Đức Giêsu. Đã nhiều lần người ta tìm cách giết Ngài, đe dọa và ném đá Ngài. Đức Giêsu đều tìm cách lánh đi. (Ga 8,59).

Nhưng hôm nay, tại vườn Ghết, Giêsu người Nazareth vẫn đứng lặng, mặc cho “địch thù gào thét”, mặc cho “ác nhân hà hiếp”. (Tv 55).

Toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ người Do Thái, sau khi nhận ra ám hiệu, đã ập đến bắt Đức Giêsu. Họ trói Ngài rồi điệu đến dinh thượng tế Caipha.

Tất cả thành viên Hội Đồng Công Tọa quá đỗi vui mừng trước chiến tích của Guida Iscariot. Một “toà án nhân dân” được vội vàng dựng lên. Họ “tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình”. Oái ăm thay! họ không tìm ra, “mặc dù có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian” (Mt 26, 59).

Một cái bẫy đã được thượng hội đồng dàn dựng, quả đúng như lời Kinh Thánh có chép: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người” (Gr 17, 9). Một vị thượng tế cất tiếng hỏi Đức Giê-su: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?”

Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa ư! Vâng, đó là điều Đức Giê-su đã “cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết” vì giờ-Ngài-chưa-đến. Nhưng hôm nay thì “Giờ đã đến” - “đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Hôm đó, tại dinh thượng hội đồng, Đức Giê-su dõng dạc lên tiếng: “Chính ngài vừa nói”.

“Chính ngài vừa nói” cũng chính là chứng cứ để cho các vị thượng tế lên án tử Đức Giê-su. Họ cho rằng, đó là những “lời nói phạm thượng”.

Tuy nhiên, dù đã có chứng cứ để xử Đức Giê-su, nhưng các thượng tế lại còn muốn tìm một sự hậu thuẫn từ quan quyền thế gian. Chính vì thế, “họ trói Người lại và giải đi nộp cho tổng trấn Phi-la-tô” (x. Mt 27, 2).

Tại dinh quan tổng trấn, Philatô xuất hiện, ông ta đã lặng người khi nhìn thấy thân thể rã rời của Đức Giêsu, sau một đêm bị những trận đòn tra tấn. Hình hài của Ngài, thật đúng là “Thân sâu bọ chứ người đâu phải…” (Tv 22, 7).

Cuộc thẩm vấn “bỏ túi” giữa Philatô và Đức Giêsu diễn ra chóng vánh, trước mắt ông ta, Ngài “chẳng can tội gì đáng chết” (Lc 23,14).

Tổng trấn Philatô, ba lần muốn phóng thích Ngài, nhưng cả ba lần ông ta đều được đáp lại bằng những tiếng gào thét man rợ của nhóm kỳ mục và đám đông dân chúng: “Giết! Giết nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá”.

Phiên tòa bị nát vụn bởi sự nhu nhược và hèn nhát của Philatô. Các cáo buộc chống lại Đức Giêsu, chiếu theo luật pháp, của bất cứ thời đại nào, không đạt tiêu chuẩn của một cuộc điều tra tư pháp đúng luật lệ. Thế nhưng, Philatô vẫn bàng quan, “rửa tay” như muốn phủi bỏ trách nhiệm của mình.

Hôm đó, bị áp lực của đám đông. Philatô ngượng ngùng tuyên bố: “Mặc các ngươi liệu lấy!”. (Mt 27, 25)

Mặc-các-ngươi-liệu-lấy. Ôi! nó có khác gì tiếng búa lệnh của vị quan toà chấm dứt phiên xử.

Một ngày nọ, khi Thầy và trò chuẩn bị vào Giêrusalem. Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá” (Mt 20, 18-19).

Và hôm nay, ngày thứ sáu trong tuần, mọi sự đều diễn ra “y như kinh”. Trên con đường từ dinh quan tổng trấn đến đồi Golgotha, Đức Giêsu “như chiên con bị dẫn đi làm thịt. Như chiên mẹ trước mặt thợ xén lông” (Isaia).

Khuôn mặt Đức Giêsu đã từng biến hình sáng láng trên núi Tabor, giờ đây bị biến dạng bởi sự diễu cợt và nhạo báng của cả một cơ đội chuyên viên tra tấn.

Nhìn Giêsu, một Giêsu sức cùng lực kiệt, với khuôn mặt rỉ máu bởi một vòng gai sắc nhọn trên đỉnh đầu, với một đôi vai cong oằn trước sức nặng của cây thập giá... Buồn thay! Chẳng còn ai cất tiếng tung hô, như đã tung hô trước đó mấy ngày: “Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”.

Ngược lại, cả một rừng người: “ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai”. Điều này, đã xảy ra tại đồi Golgotha: “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống thập giá xem nào!”.

Thật ra, cũng có một nhóm người phụ nữ “vừa đấm ngực vừa than khóc Người”. Đức Giêsu, khi nhìn thấy, đã quay lại và cho họ một lời khuyên chân tình: “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23,28).

Các bà quên rằng, Đức Giêsu nếu muốn, Ngài đã có thể cầu xin Thiên Chúa Cha “cấp ngay cho hơn mười hai đạo binh thiên thần” để giải thoát Ngài. Nhưng… “như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được?” (Mt 26, 54).

Hôm đó, tại Golgotha, sau khi Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma-xa-bac-tha-ni, nghĩa là: lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con”, Kinh Thánh ghi lại rằng: Ngài “trút linh hồn”.

***

Chúng ta vừa nhìn lại con đường xưa Chúa đi, một con đường mỗi khi nhìn lại, chúng ta không thể không cảm thấy “ngõ hồn dâng tái tê”.

Làm sao không “tái tê” cho được, khi phải nhìn một Giê-su “không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành”, thế mà hôm nay Ngài lại phải: “gục ngã treo thân thập giá… thân tàn hơi… tin nát tan gai nhọn bạo tàn”!

Làm sao không tái tê cho được, khi Đức Giêsu với đôi bàn tay cứu nhân độ thế bằng những phép lạ chữa lành, nay lại được thiên hạ trả công bằng những mũi đinh đóng ngập bàn tay, bằng những ngọn đòng đâm sâu vào cơ thể!

Vâng, tái tê quả là tái tê! Thế nhưng, những tái tê đó lại là những “ân tình” mà Thiên Chúa, qua Đức Giê-su, ban tặng cho nhân loại, như có lần Ngài đã phán: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”

Vâng, ân tình đó, thánh Phao-lô đã cảm nghiệm, và ngài đã truyền đạt lại cho tín hữu Phi-lip-phê, rằng: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”.

Chưa hết, “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (x. Pl 2, 8)

Chính vì thế, nhìn lại con đường xưa Chúa đi, hãy tự hỏi: tôi là ai trong một rừng người đau đáu đứng nhìn từng bước, từng bước chân Giê-su bước lên đồi Golgotha!

Thế nên từ Golgotha xưa, chúng ta hãy nhìn về những “Golgotha nay”. Ôi! vẫn còn biết bao “thập giá” đang cần người gánh vác. Thập giá của bệnh tật và nghèo đói, thập giá của cô đơn và bất hạnh, đang đè nặng trên một ai đó, chung quanh ta.

Và, còn đó thập giá của những người bị bỏ rơi bởi sự bận rộn và thờ ơ đang hối hả ngược xuôi trên dòng đời.

Nếu hôm nay “tình cờ” chúng ta gặp được một trong những cây thập giá đó! Chúng ta sẽ xử trí ra sao! Chúng ta sẽ dửng dưng đứng nhìn… bàng quan… xa lạ… thờ ơ... “muốn ra sao thì ra”!

Hay chúng ta sẽ ghé đôi vai mình vào một trong những thập giá (nêu trên), cùng gánh vác, gánh vác trong tâm tình chia sẻ, (vật chất hoặc tinh thần), theo khả năng của ta!

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, lời truyền dạy của Đức Giêsu: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.

Xưa, người nông dân Simon xứ Kyrênê, từ việc “bị cưỡng bách”, ông ta trở thành người môn đệ “vác đỡ thánh giá theo sau Chúa Giêsu và tiến bước theo chân Ngài”. Và giờ đây, ông như là một “biểu tượng” cho mọi hành vi liên đới với những ai đang lao-nhọc-vất-vả, mệt-mỏi-và-gánh-nặng.

Nay, chúng ta có quyền tự do lựa chọn. Nhưng, nếu chúng ta đã là một Ki-tô hữu, cớ gì ta không mạnh dạn cất tiếng nói với Đức Giê-su, rằng: “Xin cho con bước đi với Ngài. Xin cho con cùng vác với Ngài. Thập Giá trên đường đời con đi”?

Là một Ki-tô hữu, phải cùng bước với Ngài, phải cùng vác với Ngài (qua những cây thập giá đang đè nặng trên cuộc đời của tha nhân). Vì có như thế, chúng ta mới được gọi là người “chu toàn luật Đức Ki-tô” (x.Gl 6, 2)

Cuối cùng, có như thế, chúng ta mới tự hào (tất nhiên là tự hào trong Chúa), rằng: tôi đã biến Via Dolorosa – Đường Thập Giá thành con đường của hương hoa, của ân tình, nói tắt một lời, đó là: Đường Tình Yêu.

Biến “Đường Thập Giá” thành “Đường Tình Yêu”, tại sao không nhỉ!

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây