TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Linh Đạo LBT - NVMN 27.3.2021

Thứ ba - 06/04/2021 21:43 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   1218
Khi chiêm ngắm cuộc đời thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, chúng ta có thể bắt chước ở ngài  được điều gì cho cuộc sống của chúng ta hôm nay?
Linh Đạo LBT - NVMN 27.3.2021

Linh Đạo LBT - NVMN 27.3.2021

   
Niềm Vui Mỗi Ngày
 
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4
 
27 tháng 3.2021

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.
 
Linh Đạo LBT
 
Khi chiêm ngắm cuộc đời thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, chúng ta có thể bắt chước ở ngài  được điều gì cho cuộc sống của chúng ta hôm nay?
 
1. Ao ước nên thánh
 
Lúc ở chủng viện, thầy Tịnh thích đọc truyện các thánh ẩn tu, và vì muốn bắt chước các thánh ẩn tu, thầy đã bỏ chủng viện vào rừng Bạch Bát, tìm một hang động, ở lại, để dễ dàng cầu nguyện kết hiệp với Chúa mà cứu rỗi các linh hồn.
 
Khi bị bắt giam lần thứ nhất lúc còn làm thầy, ngài viết thư về thăm các chú: “Tôi hằng cầu nguyện cho anh em được tập đi đàng nhân đức, được ở khiêm nhường, chịu khó hãm mình hãm xác thịt, được giữ lòng sạch sẽ, ở hòa thuận thương yêu nhau, mến sự học hành, nhất là kính mến Ðức Chúa Giêsu trên hết mọi sự và trông cậy rất thánh Ðức Bà cách riêng. Xin anh em nhớ cầu cho tôi được vững vàng theo thánh ý Chúa, được chịu khó cho đến giờ sau hết và được thắng trận toàn công”.
 
2. Yêu mến và cậy trông Thánh Giá
 
Khi đi giảng đạo ở Ai Lao, thầy bị sốt rét giữa rừng nên phải nằm lại ngay trong rừng thẳm. Trước khi nghỉ ngơi, thầy bẻ cây làm thành những thánh giá cắm chung quanh rồi ngủ đêm. Sáng hôm sau chung quanh có vết chân hùm chằng chịt.
 
Khi coi trường Kẻ Vĩnh, cha Tịnh xin Đức cha dựng thánh giá ở con đường đi bách bộ và gọi là đàng thánh giá.
 
Cha cho dựng thánh giá khắp nơi, giữa đàng, núi cảnh, nhà thờ thánh giá, bốn góc làng. Cha nói: “Tôi dựng thánh giá này để anh em luôn sống trong sự tưởng nhớ đến Chúa Giêsu, Chúa chúng ta.”
 
Cha viếng đàng thánh giá hàng ngày. Ngày lễ trọng cha dẫn các chú đi viếng các nơi đã dựng thánh giá.
 
Khi cha giảng giải về thánh giá Chúa Giêsu dùng để cứu chuộc nhân loại và những ơn ích bởi sự suy ngắm thánh giá thì người nghe cảm động chảy nước mắt.
 
3. Lòng sùng kinh Đức Mẹ
 
Cha Tịnh sùng kính Ðức Mẹ rất đặc biệt, mỗi ngày lần hạt và trước các ngày lễ Ðức Mẹ thì ăn chay.
 
Cha nói với các chú: “Ðức Bà chẳng có thể chuộc tội cho ta được, song những ơn Chúa ban cho ta thì lại qua tay Ðức Mẹ. Cho nên chúng ta phải sốt sắng mà kêu xin với Ðức Mẹ gìn giữ che chở cho. Có hai điều ta phải lo trước hết: một là kính mến Ðức Chúa Trời, hai là kính mến Ðức Bà. Nguyên sự kính mến Ðức Bà thì đã đủ cho được rỗi linh hồn, vì chưng ai kính mến Ðức Bà thật lòng thì Ðức Bà sẽ mở lòng cho người ấy kính mến Ðức Chúa Trời nữa”.
 
4. Hãm mình phạt xác
 
Người nào có sự hãm mình là người có chí cao, có nhân đức phi thường, có lòng thanh sạch và là người thánh.
 
Chẳng những cha Tịnh hy sinh hãm mình mà còn chỉ bảo người khác cách thức hãm mình nữa.
 
Cha ăn uống đạm bạc. Ai cho gì cha đều đem cho người khác, nhất là các bệnh nhân.
 
Cha quen thức khuya đọc sách, chỉ nằm giường ngủ mỗi đêm bốn năm giờ. Ban ngày không bao giờ ngủ, bắt mình phải làm việc luôn.
Bởi xác thịt con người chẳng những là mê ăn uống mà lại còn mê chơi bời ngủ nghỉ nữa.  
 
Ði đâu cũng mang sách theo để đọc. Trí khôn không thông minh nhưng nhờ siêng năng đọc sách mà cha được khen là người thông thái nhất trong các cha Việt nam từ trước cho đến bấy giờ.
 
5. Siêng năng đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn và cho người ngoại trở lại
 
Cha thường khuyên các chú năng đọc kinh cầu nguyện và dâng các việc lành, hy sinh để giúp các linh hồn ở dưới luyện tội, nhất là ông bà cha mẹ, những người thân yêu của mình.
 
Cha nói với các chú : “Người ta phần nhiều được trở lại đạo không phải do lời giảng khuyên cho bằng do lời cầu nguyện. Cho nên khi chúng con đi giảng đạo được nhiều người nghe trở lại, có thể trước mặt người đời họ là con cái chúng con, nhưng trước mặt Thiên Chúa họ là con cái của bõ giữ cổng hay bà lão ăn mày, vì những kẻ ấy đọc kinh cầu nguyện cho kẻ ngoại trở lại, sốt sắng hơn chúng con. Anh em có siêng năng cầu nguyện cho kẻ ngoại trở lại thì khi họ nghe lời anh em giảng mà trở lại, đó mới đúng thực là con cái của anh em”.
 
6. Nhịn nhục người khác và vui lòng vâng lời bề trên
 
Cha khuyên các người ở trong nhà Chúa: “Khi anh em xem lễ thì phải nhớ sự tế lễ, nhớ lại những sự thương khó Ðức Chúa Giêsu đã chịu, nhất là trên cây thánh giá để giục lòng ăn năn tội và lòng kính mến trong giờ xem lễ. Lễ Misa là chính việc thờ phượng tạ ơn Ðức Chúa Trời Ba Ngôi, nên lúc xem lễ thì phải chú tâm vào việc thờ phượng. Về sau trong chúng con có ai được làm linh mục thì phải ra sức làm lễ cho nghiêm trang sốt sắng. Muốn được như vậy phải nhịn người giúp lễ khi có điều gì quên sót... Về việc giữ luật nhà, phải giữ cả những điều nhỏ nữa vì khi trông vào một bức tranh, chúng con thấy ảnh vẽ nét càng nhỏ thì chúng con càng khen vẽ khéo vẽ đẹp. Ðối xử với người khác muốn cho được mềm mại khôn ngoan thì phải nhịn và tôn trọng sự thật thà”.
 
Đối với bề trên, cha luôn vâng lời trong mọi việc.
 
Cuộc đời của thánh tổ phụ Phaolô Lê Bảo Tịnh là mẫu gương cho chúng ta noi theo. Ngài để lại cho chúng ta một con đường để bước theo Chúa. Một linh đạo cho mỗi người.
 
Tôi đã học được gì từ ngài? Còn bạn, thì sao?
 
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...
 
                                                                                          Nguyễn Thái Hùng
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây