TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mầu Nhiệm Phục Sinh (Ga 20, 1-9)

Thứ tư - 05/04/2023 04:19 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   887
“Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của cúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cr 15, 14).

MẦU NHIỆM PHỤC SINH
Chúa Nhật Phục Sinh: Ga 20, 1-9

 

Suy niệm

Chúng ta hân hoan mừng ngày Đức Kitô Phục Sinh. Ngài phục sinh sau khi chịu khổ nạn, chịu chết trên thập tự, và mai táng trong mồ. Đó là một biến cố vĩ đại, làm nền tảng cho niềm tin của chúng ta. Đúng như thánh Phaolô đã xác tín: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của cúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cr 15, 14). Tin vào Chúa Phục Sinh là cả một chặng đường dài trong cuộc sống. Nói đến Tin là nói đến Yêu, hay trái lại cũng thế. Đó là cặp sóng đôi trong đời sống Kitô hữu.

Với lòng mến sâu xa, Maria Mácđala đã ra viếng mộ Thầy Giêsu trước tiên, vào sáng sớm Chúa Nhật khi trời còn tối. Bà vô cùng kinh ngạc, vì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Bà nghĩ ngay đến việc người ta ăn trộm xác Thầy, và vội chạy về báo tin cho các môn đệ. Rất tiếc là chị đã để cho nỗi buồn khổ lấn át tâm trí, không nhận ra dấu chỉ ngôi mộ trống. Chị không thể tìm thấy xác Thầy trong ngôi mộ, mà sẽ gặp chính Đấng Phục Sinh ở ngoài ngôi mộ (Ga 20, 11-17), ở ngoài sự đau xót cho một quá khứ đã qua, ở ngoài một quan niệm thường tình, hay sự bám níu vào một cách thế, một hình thức cố định nào đó. Chúng ta nhiều khi cũng hốt hoảng trước những tình thế trái ngang, khiến mất đi sự bình tĩnh sáng suốt để nhận ra sự thật đang hiển hiện.

Được tin, Phêrô và Gioan tức tốc chạy đến mồ. Gioan chạy nhanh hơn, nhưng khi tới nơi thì để cho Phêrô vào mộ trước. Dù chối Thầy, nhưng Phêrô vẫn là người đứng đầu trong anh em. Ông vẫn có một điều gì đó ưu việt hơn, khiến các đồng bạn vẫn thừa nhận ông là tông đồ trưởng sau cái vấp ngã nặng nề. Thật ra, sự yếu đuối là nhất thời, lòng đạo đức và bản chất chân thật của ông mới là điều quan trọng. Phêrô vào mộ nhìn thấy những băng vải vẫn để ở đó, nhưng khăn che đầu thì cuốn lại, xếp riêng ra một bên. Nhìn thấy ngôi mộ trống và các đồ khâm liệm, nhưng Phêrô cũng không đoán biết gì hơn.

Gioan vào mộ sau, ông cũng chỉ thấy những gì Phêrô đã thấy. Cũng như Maria Mácđala, ông rất yêu Thầy, nhưng tình cảm của ông được đức tin hướng dẫn, nên ông khám phá ra ý nghĩa của ngôi mộ trống, và các tấm khăn đã được xếp gọn gàng như dấu chỉ của một trật tự mới (Mt 9, 17). Đã quen sống gần gũi bên Thầy, nên khi quan sát kỹ những dấu vết để lại, ông nhận ra cách thức hành động của Thầy, đồng thời với sự trầm tĩnh, ông nhớ lại những lần Thầy đã tiên báo về sự phục sinh. Ai quen sống thân tình với Chúa, tất nhiên sẽ có một cảm nhận nhạy bén hơn về sự hiện diện và cách hành động của Ngài.

Đức tin là sự phối hợp nhịp nhàng của con tim và lý trí, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, nhờ vậy mà qua dấu chỉ hữu hình, người ta nhận ra một thực tại vô hình. Chúng ta cần có lòng tin để khỏi rơi vào sự hoảng hốt hay thất vọng trước những thất bại và đổ vỡ trong cuộc đời. Là Kitô hữu, chúng ta cần tu tập cho mình có cái nhìn đức tin, để luôn sống bình an và lạc quan trong mọi tình cảnh.

Tuy nhiên, chính tình yêu mến Chúa mới dạy cho người ta có cái nhìn đức tin. Chính tình yêu mới làm cho ta thấy những điều mà người khác không thấy, hiểu được điều mà người khác không hiểu. Cùng đọc kinh, cùng tham dự thánh lễ, nhưng sự thấu hiểu và cảm nhận về Chúa với nhiều mức độ khác nhau. Có những người cũng chẳng cảm thấy gì hơn cho dù đã dự bao nhiêu lễ, rước Chúa bao nhiêu lần. Cuộc sống khác đi chỉ khi nào tâm hồn ta đầy tràn lòng tin mến Chúa.

Bản thân ta chỉ nhận ra bóng dáng Chúa Giêsu Phục Sinh, và trở nên nhân chứng của Chúa khi nào trái tim ta biết rung động sâu xa trước tình yêu Chúa trong cuộc đời mình. Yêu mến Chúa là một ân ban, nhưng phải bắt đầu từ sự khao khát mãnh liệt nơi lòng mình. Thiếu sự khao khát và tìm kiếm Chúa hằng ngày, mọi việc bổn phận trở nên khô khan, mọi hoạt động và ngay thánh lễ cũng trở nên nhàm chán, vì chẳng nhận ra điều gì sâu xa hơn, để ta làm mới hơn cuộc sống mình.

Tuy Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể nhiệm mầu, nhưng vẫn luôn có những dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa phục sinh ngay trong đời thường, qua những lúc vui buồn sướng khổ, và nhất là khi ta gặp cảnh tang thương, buồn sầu, thất vọng. Chúa vẫn luôn có mặt trên mọi nẻo đường đời. Cần có đôi mắt đức tin và lòng mến sâu xa để thấy Chúa đang hiện diện trong mọi giây phút của cuộc đời ta, để ta làm sáng lên đức tin và lòng mến nơi mọi người hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Mọi đau khổ sẽ trở nên vô ích,
mọi hy sinh sẽ trở thành vô dụng
nếu đau khổ không đưa tới vinh quang,
và hy sinh không đem về vinh thắng.


Cái chết cũng sẽ là một xúc phạm,
nếu không đưa tới cuộc sống sáng ngời,
và đời người cũng sẽ là vô nghĩa,
nếu nỗ lực vượt qua chẳng tới nơi.


Những mầu nhiệm quả thật là khó hiểu,
nhưng nơi Chúa con đã thấy mọi điều,
nên an vui trước khổ đau mình phải chịu,
cũng là dịp để con biết đền bù,
và sẵn sàng chết đi con người cũ,
để sống lại cùng với Chúa ngàn thu.


Lạy Đức Ki-tô Đấng đã Phục Sinh!
là chính Đấng cứu tinh cho nhân loại,
Ngài là Đường để đời con bước đi,
là Sự Thật để con luôn vững chí,
là Sự Sống để con biết yêu vì,
và Điểm Hẹn để ngày mai hạnh ngộ.


Xin cho con cảm nghiệm ơn phục sinh,
đang thấm nhập tâm hồn thân xác con,
đang luân chuyển trải qua từng biến cố,
đang sinh động trong từng dây liên hệ,
đang lan tỏa vào hoạt động nhân thế,
đang biến đổi đời sống của nhân trần.


Con hân hoan xin dâng lời cảm tạ,
trước mầu nhiệm phục sinh thật cao cả,
đã trở thành một khúc khải hoàn ca,
cho nhân loại nguồn sống mới chan hòa,
và đời con hôm nay được thánh hóa,
trong vui mừng tiến bước về nhà Cha. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây