TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên -Năm B

“Hãy đến theo tôi.” (Mc 10,17-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nhận lấy Thánh Thần (Ga 20, 19-23)

Thứ ba - 23/05/2023 21:04 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   486
Ðấng phục sinh nói với các môn đệ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21).

NHẬN LẤY THÁNH THẦN
Chúa Nhật Đại Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống: Ga 20, 19-23

LmTN 240523a


Suy niệm

Bốn mươi ngày sau Phục Sinh, Giáo hội cử hành mầu nhiệm Chúa lên Trời. Sau đó 10 ngày cử hành lễ Ngũ tuần, là Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ngài là Đấng mà Đức Giêsu đã hứa. Ngài không chỉ hiện diện, dẫn dắt và canh tân Giáo hội, mà còn hoạt động ở mọi nơi mọi thời, trong mọi quốc gia, mọi nền văn hóa và tôn giáo, để không ngừng đổi mới con người và thế giới cho phù hợp với dự định của Thiên Chúa, và để qui tụ muôn loài dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô.

Sách Công Vụ thuật lại: sáng ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa. Lửa tượng trưng tình yêu và lòng nhiệt thành. Sau khi nhận lãnh Thánh Thần, các tông đồ đã mạnh dạn đi rao giảng Tin Mừng. Sau đó xảy ra một hiện tượng lạ, là đám đông dân chúng thuộc nhiều dân tộc khác nhau, ai cũng nghe và hiểu được lời rao giảng của các Tông đồ, như nghe chính ngôn ngữ của mình. Các ông cũng chỉ nói bằng tiếng Do-thái, nhưng Chúa Thánh Thần giúp cho thính giả thuộc nhiều dân tộc khác nhau đều thấu hiểu.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện tháp Babel trong sách Sáng Thế: con cháu ông Noe kiêu ngạo muốn xây một tháp cao vút để tỏ ra mình hơn Thiên Chúa, không còn trận lục hồng thủy nào có thể lên tới được. Liền sau đó, Chúa khiến họ nói nhiều thứ tiếng, không ai hiểu ai nữa, đưa đến chia rẽ và hỗn loạn. Chính trong ngày Lễ Ngũ Tuần, qua việc ra rao giảng Tin Mừng mà Chúa Thánh Thần bắt đầu liên kết lại mọi người, thuộc mọi ngôn ngữ, màu da, sắc tộc, và văn hoá khác biệt. Ngài đã chữa lành vết thương của tháp Babel do sự cao ngạo của con người. Ngài làm con người hiểu nhau, gần nhau, sống tình thương mến nhau, và giúp Hội Thánh trở thành Hội Thánh của mọi dân tộc.

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống chính là lễ khai sinh một Hội Thánh truyền giáo, với một mệnh lệnh rõ ràng: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). “Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Trong Tin Mừng hôm nay, Ðấng phục sinh nói với các môn đệ: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21). Đó là sứ mạng duy nhất mà Đức Giêsu nhận được từ Chúa Cha và truyền lại cho các môn đệ, nhằm qui tụ muôn dân, hiệp nhất muôn người, đem lại niềm vui ơn cứu độ cho nhân loại.

Do đó, truyền giáo không phải là một hoạt động tự nhiên, dựa vào nỗ lực của con người, mà là một sứ mạng siêu nhiên dựa vào ân sủng. Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta phải được nhận lấy Chúa Thánh Thần, là hơi thở, là sức sống thần linh của chính Đức Giêsu phục sinh. Bí tích Thêm sức không phải là một nghi lễ ban ơn nhất thời, mà để làm cho chúng ta trở thành nhân chứng của Đức Kitô phục sinh, sẵn sàng lên đường và hành động theo sự soi dẫn của Thánh Linh.

Chúa Thánh Thần đã xuống trên các môn đệ và hoạt động trong Hội Thánh tiên khởi như thế nào thì ngày nay Ngài cũng đang tiếp tục thực hiện như thế. Biết bao biến cố trong lịch sử của đời sống Giáo Hội đã cho thấy sự bảo trợ mạnh mẽ của Ngài. Chính Ngài là Đấng điều khiển mọi công cuộc truyền giáo. Không có Ngài, Giáo Hội chỉ là một cơ cấu đơn thuần, một tổ chức như bao tổ chức khác.

Biết bao Kitô hữu đã đổi đời, đã trở nên những chứng nhân anh hùng, đã góp phần lớn lao để mở rộng Nước Chúa là nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Ngài vẫn luôn hoạt động trong thế giới hôm nay, ngay trong các nền văn hóa, các tôn giáo; các phong trào cải thiện đời sống nhân sinh và xây dựng hòa bình; các tổ chức và hiệp hội nhằm nâng cao phẩm giá con người; nơi tất cả những ai có thiện chí, dám dấn thân phục vụ xã hội, góp phần kiến tạo một nền văn minh tình thương.

Giáo Hội có sứ mạng toàn cầu là hiệp nhất dân thánh Chúa. Nhưng hiệp nhất không phải là đồng bộ, mà trong sự khác biệt, không phải là thu gom vào một nhóm người mang tính cục bộ, hay để sống an toàn trong một cơ chế vững vàng. Nhưng hiệp nhất là hướng mọi người đến sự đồng tâm nhất trí để xây dựng thế giới hôm nay. Là Kitô hữu, mỗi người chúng ta đều được Chúa sai đi trong chính hoàn cảnh và bậc sống của mình. Hãy ý thức thi hành sứ mạng cao cả mà Chúa đang mong đợi.

Tin Mừng phải được rao giảng bằng mọi cách trong đời sống của chúng ta. Kinh Thánh đã được dịch ra 2.197 ngôn ngữ. Chúng ta còn cần dịch ra một thứ ngôn ngữ mà ai cũng hiểu, đó là ngôn ngữ của phục vụ và yêu thương. Phục vụ trong yêu thương là thái độ sống cơ bản của mọi tín hữu, để Chúa Thánh Thần có thể hành động nơi mỗi người chúng ta, hầu đem lại niềm vui ơn cứu độ cho con người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Thánh Thần!
Đấng phù trợ cho đời sống chúng con,
Ngài nâng đỡ khi con thấy lo âu,
Ngài ủi an khi con thấy buồn sầu,
Ngài cứu giúp khi gặp cảnh bể dâu.


Chính Ngài là tình yêu hằng tuôn đổ,
cho con người sự sống mới đẹp tươi,
cho thế giới muôn loài được tái tạo,
ban muôn vàn ân phúc của trời cao.


Cho con biết buông mình theo ân sủng,
biết sống và hành động trong tình yêu:
yêu điều tốt đẹp ghét điều xấu xa.

quyết vượt qua những gì còn tăm tối,
khai đường và mở lối để vươn lên,
dám làm nên cuộc cách mạng đời mình.


Cho con đưa tình yêu vào cuộc sống,
và biết đưa cuộc sống vào tình yêu,
để từng giây phút con yêu,
làm nên cuộc đời con sống,
vì con biết rằng, Thiên Chúa Hằng Sống
cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu.


Xin thương đến nhân loại chúng con,
và ban cho một lễ Hiện Xuống mới,
một biến cố ân sủng hóa toàn cầu,
để mọi người được liên kết với nhau,
để thuận hòa an vui tràn khắp chốn,
để yêu thương hợp nhất khắp muôn nơi.


Xin biến đổi chúng con nên tông đồ,
để loan truyền danh thánh Đức Ki-tô,
là tình yêu trong cội nguồn chân thật,
là Mùa Xuân cứu độ cho thế trần. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây