TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đừng để bị điếc, ngọng tâm linh

Chủ nhật - 29/08/2021 08:19 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1180
“Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng” (x.Mc 7, 34-35).
Đừng để bị điếc, ngọng tâm linh

Chúa Nhật XXIII – TN – B
 
Đừng để bị điếc, ngọng tâm linh
 
Con người là thụ tạo tuyệt mỹ do Thiên Chúa tạo dựng. Sách Sáng Thế có ghi lại rằng: “Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất… Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ… Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm quả là rất tốt đẹp” (x.St 1, 26-31).
 
Vâng, sẽ là rất tốt đẹp mãi mãi, nếu... Nếu nguyên tổ Adam và Eva đừng phạm tội bất tuân lệnh mà Thiên Chúa đã truyền dạy, rằng: “trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn”, thì con người đâu có phải “sẽ chết”! 
 
Ngoài án phạt sẽ phải chết, con người còn “phải cực nhọc… sẽ phải cực nhọc… sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời”(St1, 16-17)
 
Rất thê thảm! “Đất đai (thì) trổ sinh gai góc”. Làm lụng thì “phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn”. Tuy sách Sáng Thế không đề cập đến, nhưng chúng ta cũng có thể cảm nghiệm thêm một điều cực nhọc nữa, đó là cực nhọc khi đối diện với đau ốm, bệnh hoạn, tật nguyền (hoặc là thiên tai, và như hôm nay là dịch bệnh), v.v… 
 
Thực ra, những nỗi cực nhọc liệt kê ở trên, người đời xưa cũng đã từng trải. Riêng với dân tộc Do Thái, không những từng trải, họ còn xem đó như là sự trừng phạt của Thiên Chúa, hoặc là do tội lỗi của con người, mà ra.
 
Thật vậy, Tin Mừng thánh Gio-an có ghi lại, rằng: “Đi ngang qua, Đức Giêsu thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Đức Giêsu trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.”
 
Đau ốm, bệnh hoạn, tật nguyền có xảy ra “là để các việc của Thiên Chúa tỏ hiện”. Đúng vậy, hôm Đức Giê-su cùng với các môn đệ “đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh”, một lần nữa, các việc của Thiên Chúa “lại được” tỏ hiện qua sự kiện “Đức Giê-su chữa người vừa điếc vừa ngọng”. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô (x.Mc 7, 31-37).
 
Câu chuyện được kể lại rằng: hôm đó “Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh”. Sự hiện diện của Ngài lập tức được loan truyền và một dòng người đông đảo tuôn đến. Người ta đem đến Đức Giêsu một người “vừa điếc vừa ngọng”. Họ “xin Người đặt tay trên anh”.

Đức Giê-su có chữa không? Thưa, với trường hợp này, Đức Giê-su không để thân nhân người bệnh này nài xin, như người phụ nữ gốc Phi-nê-xi ở địa hạt Tia, đã nài xin Ngài chữa con gái của bà bị quỷ nhập. Hôm ấy, Ngài lập tức “kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.”

Anh vừa điếc vừa ngọng này có khỏi không? Thưa, sau khi Đức Giê-su “ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: Ep-pha-tha, nghĩa là: hãy mở ra!...” Thánh sử Mác-cô cho biết: “Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng” (x.Mc 7, 34-35).
 
Vào thế kỷ VIII trước CN, ngôn sứ Isaia có lời loan báo: “Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi kẻ câm sẽ reo hò” (x.Is 35, …4-6). Và, hôm nay, tại miền Thập Tỉnh, lời ngài Isaia ứng nghiệm. Trước mặt Đức Giê-su, cả một rừng người đã “nhảy nhót như nai”, họ đồng thanh “reo hò” rằng: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được” (x.Mc 7, 37).
 
Khi nói tới phép lạ chữa lành cho anh chàng vừa điếc vừa ngọng, Lm. Charles E. Miller có lời chia sẻ “Chúng ta không ngạc nhiên vì sao Chúa Giê-su giàu lòng trắc ẩn đến thế, có chăng là hết thảy chúng ta đến một lúc nào đó đều rơi vào tình trạng của người điếc trong bài Tin Mừng, không phải về mặt thể lý mà về khía cạnh thiêng liêng”.
 
Lời chia sẻ của ngài Lm. Charles, không sai. Căn bệnh điếc ngọng thiêng liêng đã có từ thuở tạo thiên lập địa. Nguyên tổ Adam và Eva chính là những bệnh nhân đầu tiên. Về mặt thể xác, hai ông bà đâu có “điếc và ngọng”. Nhưng chỉ vì một phút xao lòng, xao lòng trước những lời dụ dỗ của Satan, đôi tai của ông bà hóa điếc, “điếc tâm linh”, vì thế, thính giác của ông bà chỉ còn nghe được những tiếng ậm ừ của dục vọng. Lời Thiên Chúa phán dạy chỉ còn là những tiếng sấm rền vô nghĩa đối với hai ông bà. Chưa hết, phản ứng phụ của căn bệnh điếc, đó là, đang nói năng lưu loát, ông bà trở nên ngọng nghịu. Hãy nhớ lại xem, khi Thiên Chúa tìm đến gọi và hỏi “Ngươi ở đâu”. Ôi thôi! ông bà đã ngọng nghịu thốt lên “Con nghe tiếng Ngài… con sợ hãi… vì con trần…”. Tệ thật! “con…trần… truồng…” (St 3,10).
 
Liệu, chúng ta rồi cũng sẽ mắc phải căn bệnh điếc ngọng tâm linh, như nguyên tổ, xưa? Thưa, rất có thể! Rất có thể, nếu chúng ta để cho mình rơi vào sự cám dỗ của ngũ dục, đó là: “sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục”.

Đây chính là “ngũ độc tiễn”, năm mũi tên độc khiến chúng ta: ham muốn sắc đẹp, thích nghe lời nói ngọt ngào (nịnh bợ, nịnh hót), thích hương thơm, mê ăn uống, ham muốn sự đụng chạm thể xác (của nam hoặc nữ) để thỏa mãn dục vọng. 
 
Dính vào một trong năm mũi tên độc này, tai chúng ta sẽ bị những con virus độc hại, những con virus “dâm bôn, bè phái, phóng đãng, say sưa, chè chén…” xâm nhập. Chính những con virus độc địa này, làm cho tai chúng ta không còn nghe được những lời mời gọi, gọi rằng: “hãy sống trung tín và tiết độ.”
 
Dính một trong năm mũi tên độc hại này dễ khiến chúng ta phạm tội… một tội rất vớ vẩn mang tên “lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên”. Vâng, thật vớ vẩn khi hôm nay Giáo Hội (thuộc các nước phương Tây) đã phải vất vả vì một số ít con cái mình vướng phải…
 
Thế nên, thật khôn ngoan khi chúng ta biết kiểm soát ngũ giác quan của mình. Thật khôn ngoan nếu chúng ta biết cảnh giác trước sự quyến rũ của ngũ dục. Khó thực hiện đấy! Thế nhưng, “Can đảm lên, đừng sợ”. Vâng, ngôn sứ Isaia có lời khuyên như thế. Ngài ngôn sứ khẳng định: “Thiên Chúa của anh em đây rồi… Chính Người sẽ đến cứu anh em”. (x.Is 35, 4).
 
Chính Chúa sẽ cứu chúng ta. 

Nếu chúng ta “điếc ngọng tâm linh” ư! Hãy đến trước thánh giá Đức Giêsu và cất lên lời nguyện, rằng: “Lạy Chúa, xin mở môi con ca ngợi tình thương của Ngài. Ngài ơi! Xin mở tai con nghe lời hằng ban sức sống”. Với lời kêu khẩn thật tâm, Chúa sẽ nhận lời, như xưa Ngài đã nhận lời chữa anh điếc và ngọng.
 
Thiên Chúa không cần chúng ta khen Người đã tạo ra ngũ giác quan cho cơ thể thật độc đáo của chúng ta, nhưng Người cần chúng ta biết cách sử dụng chúng như thế nào.
 
Vâng, vấn đề là chúng ta sẽ sử dụng như thế nào. Nói rõ hơn, vấn đề là chúng ta đừng “điếc” trước những lời hay lẽ phải, những chân lý, lẽ thật đem lại sự sống đời đời. Vấn đề là chúng ta đừng “ngọng nghịu” khi có bổn phận nói lên những lời hòa giải, yêu thương, những lời có sức mạnh “đem tình thương đến chốn u sầu”. 
 
Có như thế hồ sơ “sức khỏe tâm linh” của chúng ta mới được ghi nhận, rằng: Tai nghe tốt, miệng nói rõ ràng. Vâng, đừng để mình điếc ngọng tâm linh. 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây