TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Như Cơn Hấp Hối

Thứ sáu - 22/12/2023 02:17 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   686
“Lạy Chúa, xin cứu con! Lạy Chúa, xin cứu con!”

Như Cơn Hấp Hối
 

tbd 221223b

 

Những ngày cuối năm, cái lạnh lại trở về kèm theo những cơn mưa nhẹ làm cho bầu khí lại càng lạnh lẽo hơn.

Rảo quanh một vòng, đâu đâu cũng thấy cây thông Noel và vòng hoa Giáng sinh. Ngay cả trong bệnh viện cũng cây thông Noel và vòng hoa Giáng sinh treo khắp nơi tạo môi trường thân thiện và bầu khí ấm cúng. Dẫu vậy, sự thân thiện và ấm cúng này không xóa tan được sự lo âu trên khuôn mặt của bệnh nhân và thân nhân.

Đây là lần thứ ba tôi đưa vợ đi cấp cứu tại bệnh viện.
Lần thứ nhất đưa vợ đi cấp cứu v đại tràng.
Ln thứ hai vì rối loạn tiền đình cấp.
Lần thứ ba vì cơn đau thắt ngực.

Đặc bit lần thứ ba này với ba lần liên tiếp: ngày 13, ngày 14 và ngày 15 tháng 12 năm 2023.

Trưa ngày 13, với cơn đau thắt ngực, tay chân tê cứng không thể đi được, tôi đưa vợ vào cấp cứu tại quê tôi. Tại phòng cấp cứu, với những  cơn đau thắt ngực dồn dập, làm khó thở, huyết áp tăng cao, người toát mồ hôi lạnh, mặt ngước lên trời tìm không khí để thở... trong thời gian này mọi xét nghiệm cần thiết được thực hiện. Rồi những cơn đau dịu dần và qua đi. Tầm khoảng hơn một giờ thì mọi sự dường như là chưa có gì xảy ra. Người bình thường trở lại và không một chút dư chứng của những cơn đau thắt ngực. Ở lại phòng cấp cứu thêm một thời gian nữa rồi họ cho về. Kết luận: trào ngược dạ dày.

Đêm trôi qua bình an.

Sáng ngày 14, tầm 8 giờ, một cơn đau thắt ngực khác lại nổi lên với những triệu chứng như lần thứ nhất. Tôi liền đưa vợ vào phòng cấp cứu với những cơn đau thắt ngực dồn dập xảy đến. Tôi ngồi bên cạnh, cầm lấy bàn tay vợ như muốn chia sẻ với nàng những đau đớn mà nàng đang phải chịu đựng. Khi tới khám, bác sĩ đuổi tôi đi ra, nhưng nào tôi có dám đi xa. Những người tôi không quen biết ngoắc tôi tới giường của họ để tránh mặt bác sĩ. Bác sĩ lơ là tôi mon men tới gần nàng. Vì tôi nghĩ, khi đau đớn hay nguy hiểm có người thân hiện diện và nâng đỡ bên cạnh là tốt nhất. Cử chỉ cầm tay, một tiếp xúc thân mật, là một sự đồng cảm, một sự đỡ nâng tinh thần cũng như thể xác cho người bệnh.

Rồi cơn đau dịu dần và qua đi như chưa từng có gì xảy ra. Tôi quyết định để vợ nhập viện để tiếp tục theo dõi. Qua một buổi chiều và một buổi sáng không có bất kỳ biểu hiện nào xảy ra. Bác sĩ cho xuất viện vào lúc 12 giờ ngày 15 tháng 12.

Trở về mái nhà thân yêu, tầm khoảng 2 giờ sau, một cơn đau thắt ngực thứ ba lại đến với những triệu chứng như 2 lần trước. Tôi cấp tốc đưa vợ vào bệnh viện. Và cũng như 2 lần trước, khi cơn đau thắt ngực qua đi dường như không gì xảy ra. Bác sĩ không tìm ra nguyên nhân của cơn đau thắt ngực, xem như là do trào ngược dạ dày mà ra, vì khi siêu âm thấy có những biểu hiện đó.

Đêm đó, tôi quyết định đưa nàng đi Sài gòn vì không biết có chịu nổi cơn đau thắt ngực lần thứ tư không?

5 giờ sáng ngày 16 tháng 12, chúng tôi đến một bệnh viện Sài Gòn. Vào phòng cấp cứu và làm mọi xét nghiệm cần thiết. Gần trưa thì có kết quả: hẹp mạch vành. Và hướng điều trị là đặt stent.

Ngày 17 tháng 12 chuẩn bị mọi thứ để đặt stent.
Ngày 18 tháng 12 đặt stent.
Ngày 19 tháng 12 trở về quê nhà yêu dấu.

Những ngày tại bệnh viện ở Sài Gòn không có một cơn đau thắt ngực nào xuất hiện, dù là nhẹ.


 


Khi đặt stent, các bác sĩ mở động mạch chủ, đưa đầu dò vào đúng nơi cần đặt đã được xác định, thấy hẹp chỉ có 30% cho nên họ dừng lại và không đặt. Chỉ khi nào mạch vành hẹp trên 50% mới đặt. Các bác sĩ chúc mừng và mọi người vỡ òa niềm vui. Bởi khi đặt stent là phải uống thuốc suốt đời để bảo vệ động mạch chủ. Còn bình thường thì dùng thuốc, tập thể dục và sống lành mạnh là có thể khắc phục được. Cuộc ‘tiểu phẫu’ kéo dài đúng 300 giây.

Trong những lúc cấp cứu, khi cơn đau thắt ngực trỗi dậy, nàng đã kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con! Lạy Chúa, xin cứu con!” Lòng tôi quặn thắt, nước mắt muốn trào ra theo những từ nàng thốt ra, muốn giúp mà chẳng biết giúp thế nào được. Muốn gánh lấy một phần đau đớn của nàng mà chẳng biết làm thế nào được. Chỉ biết nắm chặt tay để truyền đi sự gắn bó và đồng cảm trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Trước lời kêu cứu của nàng, tôi nhớ đến thánh Phêrô: là một ngư phủ lành nghề, dày dạn với sóng biển nhưng khi bị nhận chìm giữa sóng nước, ông cũng đã thốt lên với Chúa Giêsu: “Lạy Ngài, xin cứu con!” (Mt 14,22-31). Chúa đã giơ tay nắm lấy ông, nắm lấy cuộc đời ông.

Trong những ngày cấp cứu, khi cơn đau thắt ngực qua đi, nàng nghĩ đến cơn hấp hối của Chúa Giêsu và sự đau khổ của Mẹ Maria dưới chân thập giá khi chứng kiến Con mình chết một các tức tưởi (Ga 19,23-37). Tôi nghĩ rằng, cơn hấp hối của Chúa Giêsu đau đớn gấp vạn lần vì Ngài mang gánh tội của cả nhân loại.

Trong Vườn Cây Dầu, đối diện với cuộc thương khó, Chúa Giêsu đau khổ tột cùng. Ngài cũng ước mong có những người thân yêu bên cạnh để sẻ chia. Ôi, những môn đệ yêu dấu, những mê đắm trần gian đã đè nặng tâm hồn làm họ ngủ mê mệt quên hết lời Thầy dặn. Nhưng Chúa Cha đã không bỏ rơi Ngài, Người đã sai thiên thần đến để nâng đỡ Ngài trong những giây phút đau khổ nhất (Lc 22,39-44).

Trên thập giá, trước những tội ác con người đã làm cho mình, Chúa Giêsu dường như tuyệt vọng khi nhận lấy những hình phạt khủng khiếp nhất mà con người có thể nghĩ ra, Ngài đã kêu lên: “Lạy Cha, sao Cha lại bỏ rơi con?” (x.Mc 15,34). Song với lòng vâng phục Chúa Cha và yêu thương con người tận cùng, Chúa Giêsu đã thốt lên lời cầu nguyện trong đớn đau: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34).

Trên Đồi Sọ, Chúa Giêsu không cô đơn. Mẹ Ngài đã đứng dưới chân thập giá tự bao giờ. Nhìn con yêu thương. Lòng đau như cắt. Cùng con chịu khổ nạn. Cho trọn lời ‘Xin Vâng’.

Cơn ‘hấp hối’ của con người có là gì so với cơn hấp hối của Chúa Giêsu và đớn đau của Mẹ Maria dưới chân thập giá.

Người Tôi Yêu Dấu

Khi có những phút giây rảnh rỗi trong những ngày cấp cứu, tôi tìm đọc Cựu Ước. Tôi chọn những tác phẩm khôn ngoan để đọc. Để tìm về với khởi nguồn khôn ngoan của nhân loại, để tìm những lời dạy sống làm người của các tiền nhân. Tác phẩm tôi đọc đầu tiên là sách Châm Ngôn.

Sách Châm Ngôn là một cuốn sách nằm trong Kinh Thánh Cựu Ước. Ở phần Giáo huấn, gồm các sách Gióp, Thánh Vịnh, Châm Ngôn, Giảng Viên, Diễm Ca, Khôn Ngoan và Huấn Ca. Sách Châm Ngôn gồm có 31 chương, được viết bởi nhiều tác giả khác nhau. Trong đó, phần lớn nội dung là của vua Salômôn. Các tác giả còn lại là Agua con ông Giake (Cn 30,1), vua Lơmuên (Cn 31,1), các bậc khôn ngoan (Cn 22,17; 24,23). Tác phẩm được viết vào khoảng năm 970-500 TCN.

Trong sách Châm Ngôn này có những câu rất hay về “người vợ” như sau:

22 Tìm được vợ hiền là tìm thấy hạnh phúc,
và nhận được ơn Đức Chúa ban cho. (Cn 18,22)


14 Cửa nhà, tài sản là gia nghiệp của cha ông,
còn người vợ khôn ngoan là do Đức Chúa. (Cn 19,14)


10 Tìm đâu ra một người vợ đảm đang?
Nàng quý giá vượt xa châu ngọc.

11 Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng,
chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc.

12 Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc
chứ không gây tai họa cho chồng.

13 Nàng tìm kiếm len và vải gai,
rồi vui vẻ ra tay làm việc.

14 Giống như những thương thuyền,
nàng đem lương thực về từ tận phương xa.

15 Nàng thức dậy khi trời còn tối,
cung cấp phần ăn cho cả nhà, và sai bảo con ăn đứa ở.

16 Nàng để mắt đến một thửa ruộng và tậu lấy;
nàng dùng huê lợi đôi tay mình làm ra
mà canh tác một vườn nho.

17 Nàng thắt lưng cho chặt,
luyện cánh tay cho mạnh mẽ dẻo dai.

18 Nàng thấy công việc sinh nhiều lợi nhuận,
đèn trong nhà thắp sáng thâu đêm.

19 Nàng tra tay vào guồng kéo sợi,
và cầm chắc suốt chỉ trong tay.

20 Nàng rộng tay giúp người nghèo khổ
và đưa tay cứu kẻ khốn cùng.

21 Nàng không sợ người nhà bị lạnh vì tuyết sương,
bởi cả nhà đều được mặc hai áo.

22 Nàng tự tay làm lấy chăn mền,
nàng mặc toàn vải gai, vải tía.

23 Chồng nàng được tiếng thơm nơi cổng thành
khi ngồi chung với hàng kỳ mục trong dân.

24 Nàng dệt vải đem bán,
cung cấp dây lưng cho nhà buôn.

25 Trang phục của nàng là quyền uy danh giá,
nàng mỉm cười khi nghĩ đến tương lai.

26 Nàng khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói
và dịu hiền khi dạy dỗ bảo ban.

27 Nàng để mắt trông nom mọi việc trong nhà,
bánh nàng ăn là do mồ hôi nước mắt nàng làm ra,

28 con nàng đứng lên ca tụng nàng có phúc,
chồng nàng cũng tấm tắc ngợi khen:

29 “Có nhiều cô đảm đang,
nhưng em còn trổi trang gấp bội.”

30 Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân.
Người phụ nữ kính sợ Đức Chúa
mới đáng cho người đời ca tụng.

31 Hãy để cho nàng hưởng những thành quả tay nàng làm ra.
Ước chi nơi cổng thành nàng luôn được tán dương ca tụng
do những việc nàng làm. (Cn 31,10-31).


“Lạy Ngài, xin cứu con!” (Mt 14,22-31).

Nguyễn Thái Hùng
12.2023
(Còn tiếp: Người Kính sợ Chúa)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây