TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Những người phụ nữ theo Chúa.

Thứ năm - 15/09/2022 08:46 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   767
Chúa Giêsu đã vượt ra khỏi những hạn chế xã hội bấy giờ và mời gọi những người phụ nữ theo Ngài.
phunu
phunu

Những người phụ nữ theo Chúa.


 
 
Thời Chúa Giêsu vấn đề “trọng nam khinh nữ” vốn đã có và nhiều nghi ngại khi tụ tập các bà đi phục vụ Tin Mừng. Chúa Giêsu đã vượt ra khỏi những hạn chế xã hội bấy giờ và mời gọi những người phụ nữ theo Ngài. Tại Việt Nam, thuở đầu rao giảng Tin Mừng của các cha đến truyền giáo cũng vậy, và cũng đã có những phụ nữ góp phần đắc lực vào công cuộc truyền giáo hữu hiệu.

Trong những lý do thuyết phục người Việt theo đạo cần ghi nhận điều mà cha Louis nói: “Điều đã giúp cho những cuộc trở lại này, là do đời sống tốt lành của các cha chúng con”[1]. Gương sống của các vị thừa sai đặc biệt lôi kéo những con người Việt Nam, họ cần thấy hơn thích nghe. Chính nhờ lý do đó, những ngày đầu, các vị thừa sai dù chưa thông thạo tiếng địa phương vẫn chinh phục được bằng tấm lòng. Những người tin theo đủ mọi từng lớp trong xã hội, từ những người cùng đinh cho đến bậc quan quyền, từ những người khố rách áo ôm đến hàng quyền quý, từ kẻ chân lấm tay bùn cho đến người an nhàn hưởng lộc, ai đã từng nghe và thấy các gương sáng của các thừa sai đều được cảm hoá và đặt niềm tin vào Chúa. Trong số những người nữ có hai nhân vật nổi bật:
Bà Minh Đức Vương Thái Phi.
Cha A. de Rhodes viết: “Tôi làm việc với cha Francois de Pina ở tỉnh Quảng Nam, nơi có một số đông lương dân chịu phép rửa tội. Từ đó, chúng tôi vào trong phủ và khi đi qua chúng tôi ở lại ít bữa ở Huế nơi có một bà hoàng, họ gần với chúa và rất sùng thần ngoại. Khi nghe cha Pina giảng thì được ơn Thiên Chúa soi sáng, bà liền bỏ sai lầm và xin chịu phép rửa tội, lấy tên là Maria Madalena. Từ đó bà là điểm tựa cho giáo đoàn này. Gương của bà và thế giá của bà đã giúp rất đắc lực cho việc chinh phục lương dân và duy trì lòng nhiệt thành nơi những người chịu phép rửa, tôi vẫn thường gặp bà trong suốt thời kỳ tôi ở xứ này và tin rằng bà vẫn kiên trì từ hai mươi tám năm trong việc thi hành các nhân đức đạo của Chúa Kitô.
Trong tư dinh của bà có một nhà nguyện rất đẹp. Trong những vụ bắt bớ gắt gao nhất, nhà nguyện đó vẫn không lay chuyển, hằng ngày bà tới đó cầu nguyện và thường mở cửa để chứa chấp các đạo hữu trong tỉnh. Bà vẫn điều khiển giáo đoàn mà không ai dám phản. Bà còn dùng lời lẽ khôn ngoan khiển trách để chinh phục mấy người lương dân có thế giá, trong số đó có mấy người thuộc họ nhà chúa. Ngày nay bà vẫn là nơi trú ẩn cho hết các cha và không có giáo dân nào mà bà không giúp đỡ về hết những gì có thể làm được”[2].
Theo cha Nguyễn văn Trinh, Bà Minh Đức Vương Thái Phi là một người thuộc dòng dõi hoàng tộc. Bà là người vợ cuối cùng của chúa Nguyễn Hoàng. Minh Đức Vương Thái Phi không phải là tên riêng, cũng không phải là tước hiệu chúa Nguyễn Hoàng phong cho bà khi còn sống, nhưng là vua Gia Long (1802 - 1820) mới truy phong cho bà sau gần 200 năm ngày bà mất[3].
Theo sử liệu cho biết, bà sinh năm 1569 và mất năm 1649 thọ 81 tuổi. Tài liệu của cha Fontes cho biết: Bà tên thật là Orancaya; được rửa tội tại Phước Yên do cha Francisco de Pina, làm ban đêm một cách lén lút dưới sự có mặt của cha Đắc Lộ và bà mang tên thánh là Maria. Đó là năm 1625.
Bà được gọi là Minh Đức có lẽ vì nhiều gương sáng trong cuộc sống đức tin của bà, điểm sáng nhất là tình yêu tha thứ của bà:
Ông Nguyễn Phúc Khê cho đốt nhà nguyện của mẹ: “Từ Hội An tôi thấy đến lúc đi yên ủi giáo dân ở trong nhà chúa. Ít ngày nay họ mới có một tin rất buồn nhất là người đầy tớ của Chúa là bà Maria, bà dì của Chúa, bởi vì con bà, chỉ vì sự chế diễu nhỏ chúa tỏ ra chống giáo dân mà đã cho phá ngôi nhà thờ lớn bà đã cất trong tư dinh của bà. Bà đã quá đau đớn vì tôi ác của con bà đến nỗi trong tám ngày liền bà như điên cuồng chạy đây đó không còn biết gì nữa. Tôi đến yên ủi bà, nhưng không dám ra mắt ban ngày trong thành phố lớn này, tôi ẩn tránh trong một thành phố nhỏ hơn ở bên cạnh. Bà vừa biết thì liền bỏ dinh đến thăm tôi. Một số đông giáo dân cùng theo bà và Thiên Chúa đã chúc lành cho công việc của chúng tôi”[4].
”Nguyễn Phúc Khê từ trần vào ngày 22 - 8 - 1646, có lẽ đó là một nỗi buồn lớn cho bà Minh Đức vì ông Phúc Khê cho đến giờ chót vẫn từ chối gia nhập đạo”[5].
Giống như nghe một tin buồn cho bà mẹ, như hoạ lại khuôn mặt đau buồn Đức Maria trong ngày đứng bên Thập Giá. Tất cả tình thương dành cho những người con thứ là nhân loại, nhưng họ vẫn hả hê sau việc đóng đanh người Con Trưởng của Mẹ vào Thập Giá.
Trong thế giới linh thiêng, người Việt còn có một tâm hồn tôn giáo tự nhiên và thâm sâu, các bà mẹ là những người có chiều sâu tâm linh hơn cả giới các ông, cuộc đời của họ có thể được xếp lại sau thời gian hoạt động cho việc sinh sống, để trở về đời sống cội nguồn tâm linh lo tích đức để hậu cho con cháu. Cha L. Cadière có nhận xét: “Tôi muốn nói đến các vị đại quan kia, các hoàng thân kia, các bậc mệnh phụ kia; những người này, sau một cuộc đời nhiều khi sóng gió, rút lui về chiều, ẩn mình trong một thiền viện nhỏ do mình lập nên và ở đó họ sống cuộc đời từ bỏ, thiền định, khổ tu… rất là gương mẫu. Đó là ơn gọi nghiêm túc ta gặp thấy không những trong giai cấp thượng lưu mà cả trong đám bình dân thôn dã”[6].
Phải nói thêm một folklore nữa chăng, một tâm hồn tôn giáo tiềm ẩn trong lòng người Việt, mà ở đó cả cuộc đời cứ hoài thao thức về một cảm thức tâm linh. Trừơng hợp của bà Minh Đức Vương Thái Phi đại diện cho bao nhiêu tâm hồn khác của những người phụ nữ Việt, một khi họ đã theo Chúa, tìm ra ơn gọi của mình trong đời sống là họ thực hiện hết mình bằng cả cuộc đời. Điều đầu tiên mà các bà thường dạy con cái trong bất cứ trường hợp nào là sống theo gương mẫu của Đức Mẹ. Việc cầu xin với Đức Mẹ là thường xuyên. Những tâm hồn của các bà mẹ thì hiểu tâm tình của Đức Mẹ và dường như là vậy, do đó các bà mẹ chịu khó lần chuỗi hơn ai hết, để cầu nguyện cho các con của mình. Xin cám ơn các bà mẹ và ngàn lần cám ơn các bà mẹ Việt xưa và nay.
Ngọc Liên Công chúa.
Theo sử liệu năm 1629, chúa Nguyễn cử phó tướng Nguyễn Phúc Vinh làm trấn thủ Trấn Biên. Và ông làm trấn thủ đến năm 1641. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên có 4 người con gái:
Ngọc Liên vợ tướng Nguyễn Phúc Vinh.
Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp.
Ngọc khoa,[7]
Ngọc Đĩnh là vợ tướng Nguyễn Cửu Kiều.
Việc công chúa Ngọc Liên lãnh nhận bí tích rửa tội được liên kết với một cuộc tranh luận giữa một tín hữu mang tên thánh rửa tội là Jeronimo với một nhà sư. Cuộc tranh luận này được tổ chức trước mặt chúa Nguyễn Phúc Nguyên, hiện diện có cả vợ chồng trấn thủ Phú Yên Nguyễn Phúc Vinh và bà vợ Ngọc Liên. Tín hữu Jeronimo là một người đạo mới, nhưng rất thông Nho học. Ông bài bác vấn đề nhà sư đưa ra là con người nam có 3 hồn 7 vía (người nữ có 3 hồn 9 vía) và minh chứng là con người chỉ có xác và hồn mà thôi. Trong cuộc tranh luận này người tín hữu đã thắng. Bà Ngọc Liên rất cảm phục. Nhận thấy Công Giáo rất hay, bà xin theo. Cha Buzomi đã rửa tôi cho bà vào năm 1636 tại Phú Yên và đặt tên thánh cho bà là Maria Madalena.
Cách thức ngày xưa truyền đạo người ta cũng hay dùng cách thức tranh luận về đề tài nào đó để phân biệt đạo lý nào đúng sai. Cuốn “Hội Đồng Tứ Giáo” rất nổi tiếng trong kho tàng Hán Nôm Công Giáo là một điển hình của cách thức tranh luận thời xưa đó. Trong tủ sách Hán Nôm của cha Nguyễn Hưng có 2 bản in tại Tân Định bằng chữ quốc ngữ (1887 và 1915) tái bản đến 15 lần, một bản in tại nhà in Thái Bình (1952) in tới 12 lần. Kỷ lục về những lần xuất bản. Vấn đề tác giả và tác phẩm còn nhiều nghi vấn chưa trả lời được chính xác. Vấn đề đưa ra ở đây nhằm minh chứng cách thức truyền giáo theo cách tranh luận thời xưa là hay dùng, (nếu không nói đến tính cách hộ giáo của những thế kỷ đầu tiên).



Alexandre De Rhodes ghi nhận : “Một bà nhân đức tên là Maria Madalena, vợ quan trấn thủ, đã làm nhiều việc thiện trong tỉnh Phú Yên, bà còn là một người sáng lập một bệnh viện để chăm sóc tất cả giáo dân và người tân tòng bị chứng bất trị. Trong đám bệnh nhân có mấy người cùi sẵn sàng chịu phép rửa tội, để được trong sạch trong linh hồn. Mỗi ngày người ta giảng dạy những điều cần thiết để chuẩn bị phép bí tích ban ơn thánh, có mấy người bổn đạo cũ đến giúp và dự vào việc huấn giáo”[8].
. Cũng cần giả thiết rằng, các vị thừa sai đã mạnh dạn khai trí cho những người nữ giáo dân này, để họ có khả năng giảng dạy, hướng dẫn người khác biết Chúa. Điều này, không ngạc nhiên ở các nước Châu Âu, nhưng tại xứ An Nam, những người nữ thường ít được tạo điều kiện cho việc đi học mở mang kiến thức. Người nữ cần học “công dung ngôn hạnh” hơn là vài pho chữ về làm quan làm tướng. Quan niệm này rất lâu trong lịch sử, như vẫn thấy vấn đề được đưa ra nhiều ở trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn đấu tranh cho quyền người phụ nữ. Các vị thừa sai có thể bị hiểu lầm và bị cấm khi quy tụ những người nữ giáo dân này để cho họ được học hỏi giáo lý, đào tạo đời sống đức ái. Dẫu khó khăn nhưng đó cũng là điểm khơi sáng của việc hội nhập văn hóa. Bởi vì hội nhập còn có vai trò khai sáng văn hoá hướng tới sự hoàn thiện hơn.
Dựa vào lòng bao dung, lại nữa như một folklore của dân tộc, các vị thừa sai khơi sáng lòng bao dung hướng tới những người nghèo, những người bị bỏ rơi, những tầng lớp bị áp bức. Mầm mống của các cuộc bách hại một phần cũng do việc hướng tới những người nghèo này của các vị thừa sai, làm mất hay suy giảm ảnh hưởng của vua quan trên dân mà đa số là người nghèo.
Năm 1641 cha Đắc Lộ rửa tội được 1355 người do bà Ngọc Liên dạy đạo, thành quả này giống như Phêrô trong ngày đầu rao giảng Tin Mừng hơn 3000 được rửa tội. Nguyện đường của bà Ngọc Liên được đặt trong dinh của tướng Nguyễn Phúc Vinh. Tại đây có 90 người được chịu phép rửa tôi, trong số đó có Anrê Phú Yên, là thánh tử đạo đầu tiên của Đàng Trong. Việc theo Chúa luôn đòi hỏi một sự can đảm phi thường để vượt qua bão tố. Trong cuộc bắt đạo thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần năm 1665, bà Ngọc Liên bị tịch biên tài sản, bị đuổi ra khỏi nhà, và cư trú trong chòi tranh vách lá. Cơn bách hại gắt gao hơn, bà bị bắt biệt giam trong 4 bức tường, không được ăn uống, nhằm mục đích bắt bà bỏ đạo. Sau năm ngày bà bị giam, đói khát hành hạ, trong phút yếu lòng bà đã chối đạo, nhưng sau đó bà đến xưng lỗi cùng cha Bề Trên Louis Chevreuil. Người ta cũng không rõ năm bà mất.
Đặc tính của người nữ là yêu thương phục vụ, có rất nhiều ơn gọi phục vụ không kèn không trống đang diễn ra từng ngày, trong gia đình, trong giáo xứ, trong các môi trường hoạt động thiện ích xã hội. Việc những người nữ tham gia vào việc hoạt động truyền giáo trở nên hữu hiệu, khi các vị thừa sai dùng họ. Ngày nay cũng vậy, không thể thiếu những người nữ trong việc loan báo Tin Mừng.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan





 
 

[1] Thư của linh mục Gaspard Louis gửi bề trên cả Dòng Chúa Giêsu Mutio Vitelleschi, đề ngày 17 - 12 -1621, bản dịch của nhà truyền thống Giáo phận T/p HCM.
 
[2] Hành trình truyền giáo, A. de Rhodes, Hồng Nhuệ dịch, trang 57 - 58, tủ sách đại kết, 1994.
 [3] Lịch sử giáo hội Việt Nam,tập 2, trang 168 - 169, Nguyễn Văn Trinh, ĐCV Thánh Giuse, 1994.
 
[4] Hành trình truyền giáo, A. de Rhodes, Hồng Nhuệ dịch, trang 184, tủ sách đại kết, 1994.
 [5] Lịch sử giáo hội Việt Nam,tập 2, trang 175, Nguyễn Văn Trinh, ĐCV Thánh Giuse, 1994.
[6] Croyances et pratiques relegieuses de vietnamiens, 1958, vol 1, page 76;  Léopold Cadière.
 
[7] Theo Phái Văn Kiểm và phạm Đình Khiêm viết trong Văn Hoá Nguyệt San, tháng 9 - 1959, được gả cho vua Chiêm Thành.
[8] Hành trình truyền giáo, A. de Rhodes, Hồng Nhuệ dịch, trang 105 -106, tủ sách đại kết, 1994.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây