TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lê Bảo Tịnh - NVMN

Thứ sáu - 28/05/2021 00:42 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   754

Niềm Vui Mỗi Ngày
 
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4
 

 

Lê Bảo Tịnh

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui


Tỉnh Bà Rịa có một con đường Lê Bảo Tịnh. Tìm trên Internet nhân vật được đặt tên này là ai, nhưng không tìm thấy thông tin nào, song có một Lê Bảo Tịnh rất thân thiết với tôi. Đó là thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, vị thánh được Đức cố Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai, Giám mục tiên khởi (1967-1990) Giáo phận Banmêthuột, đặt tên cho ngôi trường mà ngài thành lập.
 
Trước cánh đồng truyền giáo bao la của vùng Tây Nguyên, ngay khi bước chân về miền đất đầy nắng và gió này, Đức Giám mục tiên khởi với cái nhìn của vị ngôn sứ, đã quyết định thành lập chủng viện trước bao khó khăn và nghi ngại.
 
Thế là chủng viện Lê Bảo Tịnh được thành lập ngày 25.3.1968 và linh mục Augustino Nguyễn Văn Tra làm giám đốc tiên khởi.
 
Chủng viện, tiếng latinh là seminarium, có nghĩa là vườn ươm, nơi đào tạo linh mục của giáo phận.
 
“Chủng viện là một hình ảnh mang tính so sánh nhân hóa giữa việc gieo và ươm trồng những cây non với việc đào tạo ơn gọi Linh mục. Chúng ta hãy hình dung về ý nghĩa và giá trị thiết thực của việc ươm trồng và chăm sóc những cây con. Với cách chăm sóc đặc biệt; mục đích của việc làm này là để những cây con được trưởng thành, cứng cáp; đáp ứng được những điều kiện về khí hậu, đất đai của những nơi mà chúng được đưa đến gieo trồng. Trong cái nhìn ấy, Chủng viện là nơi để gieo và ươm trồng những ơn gọi Linh mục. Với một thời lượng đào tạo nhất định; một chế độ nuôi dưỡng đặc biệt về đời sống thiêng liêng, nhân bản và tri thức; những chủng sinh sẽ đủ trưởng thành để rời mái trường Chủng viện; đáp ứng những đòi hỏi mục vụ nơi các xứ đạo. Hình ảnh so sánh mang tính nhân hóa này đã nói lên được sự dày công trong nhiều mặt mới có được một kết quả đào tạo như mong muốn.
 
Việc gieo và ươm trồng những cây non chỉ diễn ra với một giai đoạn ngắn trong quãng đời sinh trưởng của cây. Sau thời gian này, những cây non sẽ trưởng thành và được chuyển đến một nơi khác để sinh trưởng.
 
Mượn hình ảnh ươm trồng và chăm sóc những cây non, danh từ Chủng viện còn được hiểu với ý nghĩa trong sự vận động của các đối tượng. Với một chế độ chăm sóc đặc biệt, nếu các cây non không đâm rễ, không biết bám sâu vào đất thì sẽ không phát triển và sẽ chết. Và nơi Chủng viện, chúng ta không thể hiểu chỉ tồn tại với những chương trình đào tạo, những hình thức đào tạo, những nội quy; mà còn đó là những con người được đào tạo. Nếu những con người trong môi trường ấy không biết bám chặt vào những giá trị thiết thực để trưởng thành, không thể hòa điệu với những thực tại quanh mình, và không có một trái tim biết lay động vì tha nhân thì mãi mãi vẫn không thể lớn lên được.” (1)
 


“Ngày 08.09.1968, ngày lễ kính Sinh nhật Ðức Mẹ Maria, Chủng viện Lê Bảo Tịnh khai giảng khoá đầu tiên với lớp Vô Nhiễm gồm 60 chủng sinh. Cơ sở tạm thời của Chủng viện trong những ngày mới thành lập được đặt tại Trung tâm Caritas, đối diện Tòa Giám mục (nay là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đăk Lăk, góc đường Nguyễn Thị Minh Khai – Phan Chu Trinh).
 
Sau đó khai giảng tiếp các lớp Giuse (năm 1969), lớp Truyền Tin (năm 1970), lớp Phanxicô (năm 1971), lớp Têrêxa (năm 1972), lớp Don Bosco (năm 1973), lớp Savio (năm 1974). Cho tới đầu năm 1975, số chủng sinh của Chủng viện lên tới trên 300 người.
 
Từ tháng 10.1977, Chủng viện bị Nhà nước giải thể và trưng dụng cơ sở để làm trường Đảng của tỉnh Đăk Lăk. Lúc này số chủng sinh chỉ còn lại 42 người và phải dời về Toà Giám mục.
 
Các chủng sinh, sinh hoạt ở Tòa Giám mục chưa đầy nửa năm, thì ngày 8.4.1978, một lần nữa, thêm một số các anh em trong số 42 người còn lại, đã phải khăn gói lên đường về quê sinh sống. Chỉ còn lại vỏn vẹn 18 thầy với “lý lịch trong sạch”, đủ điều kiện để được tiếp tục ở lại tu học.
 
Tuy nhiên, con số khiêm tốn này cũng không ở được lâu, vì đến ngày 23.6.1983 anh em nhận được giấy cắt hộ khẩu thường trú ở Tòa Giám mục. Và vào ngày lễ kính hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, bổn mạng của Ðức Cha Chính, ngày 29.6.1983, tất cả những chủng sinh còn lại này đã phải giã từ mái Nhà Chung để trở về gia đình “đợi ngày chiêu sinh”. Về mặt hành chính, Chủng viện Lê Bảo Tịnh coi như chính thức bị giải thể hoàn toàn từ đó.
 
Trải qua nhiều năm sống ẩn dật, Chủng viện Lê Bảo Tịnh đã âm thầm đào tạo dâng hiến cho Giáo hội 35 linh mục (thuộc các khoá trước 1975) hiện đang phục vụ ở trong và ngoài nước.” (2)
 

Trong số những linh mục này, cha Giuse nguyễn Thế Phương được Đức Thánh Cha Phanxicô, vào ngày 1.6.2016, bổ nhiệm làm giám mục chính tòa Giáo phận Kamloops, thuộc tổng giáo phận Vancouver, Canada, kế vị giám mục David J.J Monroe về hưu, với khẩu hiệu là Đứng Vững Trong Chúa - Stand Firm In The Lord (Phil. 4,1) (3)
 
Sau hơn 25 năm âm thầm trên miền đất bao la đầy nắng và gió, chủng viện Lê Bảo Tịnh, một lần nữa, tháng 3 năm 2007, lại góp mặt để đào tạo những người trẻ với lòng nhiệt huyết dấn thân phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình trở thành những môn đệ như lòng Chúa mong muốn.
 
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...
 

Nguyễn Thái Hùng
24 tháng 3.2021

 

 

++++++++++++++++++
 

(1) http://conggiao.info/chung-vien-nghia-la-gi-d-13425
(2) http://gpbanmethuot.com/dong-tu/chung-vien-le-bao-tinh-40887.html
(3) https://hddmvn.net/chuong-trinh-le-tan-phong-giam-muc-giuse-nguyen-the-phuong-va-nghi-le-tiep-nhan-ngai-toa-giao-phan-kamloops/

 

 
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây