TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nước và Sự sống

Chủ nhật - 09/05/2021 00:27 |   1157
Nước và Sự sống

NƯỚC VÀ SỰ SỐNG

Tên của tôi là nước. H2O. Tôi rất thích cái tên của tôi, mặc dù tôi không hiểu vì lí do gì ba mẹ đã đặt cho tôi cái tên đó. Càng lớn lên, hình ảnh của nước gợi trong tôi nhiều suy nghĩ, và những suy nghĩ đó đưa đến cho tôi những cảm nghiệm mà tôi sắp chia sẻ với bạn trên trang suy niệm này.

Nước là một hình ảnh rất dễ thương nhưng cũng là nguyên nhân gây nhiều đổ vỡ. Hình ảnh của “nước” trong Cựu ước là một hình ảnh đầy sức mạnh và quyền năng, điển hình là câu truyện lụt đại hồng thủy (Khởi nguyên 6-9). Chúa đã làm mưa bốn mươi đêm ngày để phá hủy một dân tộc đi ngược với đường lối của Ngài. Nhưng đồng thời, cũng nhờ sự phá hủy của nước mà một dân tộc mới đã khởi đầu. Nước phá đổ, nhưng nước đem lại sự sống mới. Nước có khả năng tiêu diệt, đồng thời nước cũng có khả năng cứu vớt. Nước là hình ảnh của thần chết, chết cho một thế giới tội lỗi; và nước cũng là hình ảnh của sự sống mới, sự sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Trong sách Xuất Hành, Thiên Chúa đã dùng nước giải thoát dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ của Ai Cập, khi Ngài làm cho nước rẽ ra để dân vượt qua Biển Đỏ (Xuất Hành 14-15). Nước của Biển Đỏ là hình ảnh của sự chết cho một nếp sống nô lệ trong tội lỗi; và nước đó cũng ám chỉ một sự tái sinh trong thần khí mới của những người dân được chọn.

Nước tự nó không có chút uy quyền nào, nhưng với bàn tay của đấng Tạo Hóa, nước đã trở nên sức mạnh, nói lên uy quyền và lòng xót thương của Ngài. Rồi trên đoạn đường về Đất Hứa, Chúa đã cho Môi-sen dùng gậy đập vào đá để có nước cho dân chúng uống (Xuất Hành 17).

Thiếu nước, con người sẽ sống trong tình trạng khô héo; với nước ân sủng của Chúa, linh hồn sẽ triển nở và sinh hoa trái. “Phúc cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, họ như cây trồng bên nước và rễ của nó lan rộng bên bờ suối. Cây sẽ không còn sợ nắng cháy và lá của nó sẽ luôn xanh tươi, hạn hán cũng không lo và nó không ngừng sinh hoa kết trái. (Jeremiah 17:7-8).

Nước còn là hình ảnh của một sự thanh lọc và chữa lành. Điều này đã được tỏ hiện cách rõ rệt trong Tân ước. Trong phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana, Chúa Kitô đã dùng nước để làm thành rượu. Chúa làm phép lạ này không phải để chứng tỏ uy quyền của mình, nhưng Ngài đã nghĩ đến sự bẽ mặt của chủ nhà với khách dự tiệc. Chữa lành gồm hai yếu tố: chữa bệnh và ngừa bệnh. Và Chúa Kitô đã “ngừa bệnh” cho vị chủ nhân tại tiệc cưới Cana.

Hình ảnh “chữa lành” của nước được đề cập rất nhiều trong Tân ước. Chữa lành bệnh thể xác cũng như bệnh tâm thần. Nhưng đặc biệt là tác dụng của nước trong bí tích rửa tội. Nước tẩy rửa con người khỏi nếp sống cũ trong tội lỗi, để đem đến sự sống mới trong ân sủng của Thiên Chúa. Qua phép rửa tội, người tín hữu được tha thứ tất cả mọi tội lỗi. Họ chết đi con người cũ, để được tái sinh và trở nên một tạo vật mới, nhờ vào sự cứu rỗi của Chúa Kitô phục sinh.

Từ hình ảnh của nước trong Thánh Kinh, chúng ta tìm đến công dụng của nước trong cuộc sống thường nhật. Nước đóng vai trò quan trọng nhất trong việc nuôi dưỡng con người. Người ta có thể sống một tuần thiếu ăn; nhưng thiếu nước, bệnh tình người ta sẽ trầm trọng và đưa người ta vào cõi chết. Nước còn được dùng để tẩy sạch những vết nhơ. Hằng ngày chúng ta dùng nước để tắm rửa cho thân thể, để rửa chén dĩa, rửa xe, giặt quần áo...; nước dùng để nấu cơm, để tưới cây cỏ cho tươi mát v.v... Thử sống một ngày mà không dùng đến nước, lúc đó bạn sẽ thấy nước cần thiết như thế nào trong cuộc sống.

Nước mắt

Khi nói về nước, chắc ít người nghĩ đến nước mắt. Vì hình như khóc là một vấn đề ít được chấp nhận trong thế giới hôm nay. Khi nào không thể cầm lòng được nữa, người ta mới khóc. Và khi lỡ khóc rồi, họ vội vàng lấy lại quân bình và lau chùi nước mắt. Nam giới trong xã hội ngày nay lại càng ít khóc. Đã là nam nhi thì không được tỏ ra là mình yếu đuối; nước mắt chỉ dành cho đàn bà con nít!

Ngày xưa tôi cũng là người “giấu nước mắt”. Điều này rất khó cho tôi vì tôi vốn là người “mau nước mắt”. Nhưng bây giờ khoa tâm lí giúp tôi có một cái nhìn khác. Tôi nhận ra rằng những giọt nước mắt là những giọt hồng ân. Hạnh phúc cho những ai là người biết khóc và dám khóc. Có gì xấu xa đối với những giọt buồn tiễn biệt người thân sang một đời sống mới? Có gì mà xấu xa nếu nước mắt là những giọt ăn năn thống hối khi trở về sau chuỗi ngày đi hoang? Có gì dịu dàng bằng những giọt nước mắt thông cảm trong những chia sẻ của tình bạn? Bây giờ thì tôi thấy cần phải khóc, cần những giọt nước mắt để trút khỏi những uẩn khúc trong tâm hồn. Nếu nước mắt là hình ảnh của sự yếu đuối thì tôi không phủ nhận, vì là con người nên tôi được sinh ra trong tình trạng yếu đuối trước Đấng đã tạo nên tôi.

Dầu sao đi nữa thì những người biết khóc cũng hãy an tâm, vì chính Chúa Kitô cũng đã khóc. Ngài khóc cho một người bạn thân; Ngài khóc trước một sự mất mát. Ngài là Thiên Chúa nhưng dám hi sinh làm người. Chúng ta là người nhưng đôi khi kiêu hãnh đòi làm Thiên Chúa! Nước mắt, dù là những giọt nước mắt trong đau khổ cũng cần thiết cho cuộc đời. Đáng thương là những ai đi qua cuộc đời mà không biết khóc.

Nước và Biển

Tên của tôi là nước. H2O. Tôi rất thích cái tên của tôi. Thật khó cho tôi nếu nói đến nước mà không nhắc đến hình ảnh êm dịu của những dòng suối chảy róc rách; cái tĩnh lặng của mặt nước hồ lặng lẽ; cái bao la bát ngát của những dòng sông miên man chảy; và cái hùng vĩ oai phong của biển.

Tôi rất thích thiên nhiên, vì thiên nhắc tôi nhớ đến đấng hóa công tạo nên vũ trụ. Tôi thích hơn nữa, nếu cảnh thiên nhiên có thêm sự hiện diện của nước. Nước làm cho tôi nghĩ đến sự sống, đến một sự đổi mới không ngừng. Tôi có thể ngồi cả ngày để ngắm những cơn sóng biển ào ạt xô giạt vào bờ và rồi lại từ tốn xa bờ. Vào rồi lại ra, đến rồi lại đi, phải chăng đây là định luật chung của cuộc sống. Sự sống, sự đổi mới, đổi mới không ngừng tạo nên nhiều hứng thú trong cuộc sống. Tuy nhiên, những đổi mới đó cũng đòi hỏi con người một sự dấn thân, một cuộc phiêu lưu vào vùng tương lai không bảo đảm. Có thể vì vậy mà nhiều khi con người sợ đổi mới, sợ dấn thân?

Mỗi khi đứng trước đại dương với bến bờ vô tận, tôi thấy con người mình thật nhỏ bé. Đại dương càng bao la bao nhiêu thì thân phận làm người càng nhỏ bé bấy nhiêu. Đại dương đối với tôi là hình ảnh của Thượng Đế, của một Thượng Đế tạo dựng nên tôi và tôi chỉ là một hạt cát bé nhỏ bên bờ đại dương, hay mượn một hình ảnh khác, một chỉ là một hạt muối li ti trong lòng biển mặn.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến câu truyện trong một cuốn sách của cha Anthony de Mello. Câu truyện giúp tôi rất nhiều trong việc tìm kiếm chính mình và tìm hiểu về Thiên Chúa.

Truyện kể rằng ngày xưa có một con búp bê bằng muối. Một hôm, búp bê muốn học hỏi, khám phá thêm về thế giới bên ngoài, cô ta quyết định làm một chuyến du lịch. Cô đi khắp nơi và học hỏi được nhiều điều hữu ích. Ngày kia, búp bê muối lần mò đến một bờ biển, đứng trước đại dương nhưng không biết đại dương là gì. Tò mò, cô ta lên tiếng hỏi biển cả: “Ông là ai vậy?” Biển trả lời: “Tôi không thể nói cho cô biết tôi là ai. Nhưng nếu muốn biết thì cô hãy bước vào trong tôi, lập tức cô sẽ biết.” Tuy cũng hơi sợ, nhưng vì tò mò nên búp bê muối đã từ từ bước vào lòng biển. Càng vào sâu thì thân thể của búp bê càng từ từ tan biến. Cho đến khi thân thể cô chỉ còn là một hạt muối bé tí, thì cô mới bắt đầu la lên: “Bây giờ thì tôi mới biết tôi là ai!”

Bạn thân mến, trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cần nước như thế nào, thì trong cuộc sống tâm linh chúng ta cũng cần đến Thiên Chúa như vậy. Không có nước là không có sự sống. Không có Chúa trong cuộc đời là con người sẽ dần dần đi vào cõi chết. Chỉ khi nào chúng ta dám tan biến trong tình yêu bao la của Ngài, thì chúng ta mới thực sự sống cuộc sống của Ngài và thực sự yêu tha nhân bằng chính tình yêu đến từ Thiên Chúa. Nếu nhận định được rằng thân phận mỏng manh của chúng ta dễ tan biến như muối, chúng ta có dám từ bỏ tất cả để đi vào lòng biển?

Nữ tu Thanh Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây