Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 15/04/2021 21:25 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
693
Trong những thi phẩm của Hàn Mặc Tử, tôi thích nhất là bài Ave Maria. Khi đọc thi phẩm này, nhất là trong đêm thanh vắng, với tâm hồn thanh tịnh, với sự yên tĩnh của vũ trụ, con người như chạm vào sự linh thánh của trời cao, hay sự linh thánh từ thượng giới đã chạm tới cái phàm trần của cõi đời tục lụy, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người!? ...
Qui Nhơn: SÁNG TÁC CHO TUỔI THƠ 2019 (tt)
2. Hành Hương Theo Dấu Chân Hàn Mặc Tử 2019
Khởi đầu ngày mới, cộng đoàn hiệp dâng thánh lễ tại nguyện đường Chủng Viện Qui Nhơn. Hôm nay, 22 tháng 9, cũng là ngày khai giảng năm học mới của chủng viện Qui Nhơn với 5 tân chủng sinh, cùng với các anh năm 2 và năm 3. Những lời nhắn nhủ của Đức Giám mục về việc đào tạo nhân bản và tu đức, cùng những năm dài triết học và thần học, khiến lòng tôi xao xuyến, nhớ lại những ngày tháng qua, đã từng khai giảng và theo học tại chủng viện Lê Bảo Tịnh, giáo phận Ban Mê Thuột vào Mùa Hè Đỏ Lửa.
Thi Sĩ Hàn Mặc Tử
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22.9.1912 tại làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Cha là ông Phaolô Vinh Sơn Nguyễn Văn Toản và mẹ là bà Maria Nguyễn Thị Duy. Ông được rửa tội tại Nhà thờ Tam Tòa với tên thánh là Phêrô, thêm sức là Phanxicô. Gia đình có 8 anh chị em: Nguyễn Bá Nhân, Nguyễn Thị Như Lễ, Nguyễn Thị Như Nghĩa, Nguyễn Trọng Trí, Nguyễn Bá Tín, Nguyễn Bá Hiếu, Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Văn Thảo.
Từ 1924-1926: Trí học tiểu học ở Quảng Ngãi.
Từ 1926: Cha qua đời, Trí theo mẹ vào Qui Nhơn ở với anh là Nguyễn Bá Nhân, xứng họa ký tên Minh Duệ Thị.
Từ 1928-1930: Học trung học Pellerin, Huế.
1931: Làm thơ đăng báo ký tên Phong Thần.
1932: Làm viên chức Sở đạc điền ở Qui Nhơn, yêu Hoàng Cúc.
1933: Lãnh nhận Bí tích Thêm Sức tại nhà thờ Qui Nhơn.
1934: Vào Sài Gòn làm báo, bút danh là Lệ Thanh rồi Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử.
1938-1936: Gặp gỡ Mộng Cầm.
1936: In tập Gái Quê, về Qui Nhơn chữa bệnh.
1937: Biết mình mắc bệnh phong và âm thầm chữa bệnh.
1938: Hoàn thành tập Thơ Điên (Đau thương).
1939: Viết Xuân Như Ý, Tượng Thanh Khí – quen biết Thương Thương, viết Cẩm Châu Duyên, Duyên Kỳ Ngộ, Quần Tiên Hội.
20.9.1922 vào nhà thương Quy Hòa, mang số hiệu bệnh nhân 1134.
Qua đời vì bệnh kiết lỵ tại Quy Hòa ngày 11.11.1940 (5).
Trong những thi phẩm của Hàn Mặc Tử, tôi thích nhất là bài Ave Maria.
Khi đọc thi phẩm này, nhất là trong đêm thanh vắng, với tâm hồn thanh tịnh, với sự yên tĩnh của vũ trụ, con người như chạm vào sự linh thánh của trời cao, hay sự linh thánh từ thượng giới đã chạm tới cái phàm trần của cõi đời tục lụy, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người!? ... Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh! Run như run thần tử thấy long nhan. Run như run hơi thở chạm tơ vàng… Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến. ... Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ Người có nghe xôn xao muôn tinh tú Người có nghe náo động cả muôn trời Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời ...
Ave Maria (Thánh Nữ Đồng Trinh Maria)
Như song lộc triều nguyên ơn phước cả Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể. Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa Hương xông lên lời ca ngợi sum hoà Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh! Run như run thần tử thấy long nhan. Run như run hơi thở chạm tơ vàng… Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến. Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi. Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy Cơn lâm luỵ vừa trải qua dưới thế. Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ Giọng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ Bút tôi reo như châu ngọc đền vua Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị... Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí, Và trong tay nắm một nạm hoà quang... Tôi no rồi ơn võ lộ hoà chan.
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ Ngọc như Ý vô tri còn biết cả Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới... Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi Thơm dường bao cho miệng lưỡi không khen Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel, Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ, Người có nghe xôn xao muôn tinh tú? Người có nghe náo động cả muôn trời? Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời Để ca tụng – bằng hương hoa sáng láng Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng Một đêm xuân rất đỗi anh linh? Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý, Trượng phu lời và tông đồ triết lý. Là nguồn trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh. Là nguồn đau chầu lụy nữ Đồng Trinh. Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập Cả Hàn Giang, cả màu sắc thiên không Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng Cho sốt sắng, cho đê mê nguyện ước... Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước, Cho tình tôi nguyên vẹn tơ trăng rằm Thơ trong trắng như một khối băng tâm Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu! Cho vỡ lở cả muôn nghìn tinh đẩu Cho đê mê âm nhạc và thanh hương. Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng. Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ Sẽ ngất ngây bởi chưng thơ đầy ứ Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi.
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu, Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang. Hàn Mặc Tử (6)
Hành Hương Chùa Ông Núi
Trước khi lên đường theo dấu chân Hàn Mặc Tử, đoàn hành hương dâng lời cầu nguyện: xin cho mọi người được bình an và đầy niềm vui. Bầu trời có nhiều mây đen và nhiều hạt mưa li ti rơi xuống.
Trên đường hành hương, đoàn viếng mộ những Kitô hữu bị sát hại 1885 ở Xóm Chuối, thuộc giáo xứ Hội Lộc, giáo hạt Qui Nhơn, bởi phong trào Văn Thân. Ngôi mộ tập thể đã chôn hàng trăm Kitô hữu, chỉ vì là Kitô hữu, những người trung thành với Chúa Kitô. Một giai đoạn lịch sử đầy oan khiên.
Chùa Ông Núi
Chùa Ông Núi còn có tên gọi khác là Linh Phong sơn tự. Chùa tọa lạc trên Chóp Vung, đỉnh cao nhất của danh thắng núi Bà, thuộc thôn Phương Phi (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát), cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về phía Đông Bắc.
Chùa Ông Núi là một trong những ngôi chùa lâu đời và nổi tiếng nhất Bình Định, được nhắc đến trong nhiều bộ cổ sử. Chẳng hạn, sách “Đại Nam nhất thống chí” có chép: “Chùa Linh Phong ở thôn Phương Phi, lưng dựa vào núi cao (tức núi Bà), mặt trông ra đầm Biển Cạn (tức đầm Thị Nại), xung quanh có suối nước lượn quanh, phong cảnh thật đẹp”.
Theo các tài liệu lịch sử, chùa Ông Núi do Tổ sư Giám Huyền và đệ tử là Giám Bang (Lê Ban) sáng lập vào năm Giáp Tý (1684), niên hiệu Chánh Hòa thứ 5 đời vua Lê Hy Tông. Tương truyền, thiền sư Lê Ban là bậc tiên phong đạo cốt, quanh năm chỉ ở trên núi tu luyện, mặc đồ bằng vỏ cây (nên còn được gọi là Mộc Y Sơn Ông - ông già trên núi mặc áo vỏ cây), chuyên hái thuốc chữa bệnh cứu người, được dân trong vùng kính trọng gọi là ông Núi. Tên gọi chùa Ông Núi bắt nguồn từ sự tích này.
Năm 1733, vì mộ đức hạnh của thiền sư Ông Núi, chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho ông pháp hiệu Tĩnh giác Thiện trì Đại lão thiền sư, cho xây lại chùa và đổi tên là Linh Phong tự. Trải qua hàng trăm năm, đến năm 1965, chùa bị tàn phá bởi chiến tranh. Năm 1990, chùa được xây mới với kiến trúc mái cổ lầu, lợp ngói ống, trên nóc có lưỡng long tranh châu, đôi cột trước điện hình rồng cuộn. Trong chùa có tượng Phật cao 2,5 m, đại hồng chung nặng 1,2 tấn. Chùa có kiến trúc trang nghiêm, cổ kính, hài hòa với thiên nhiên.
Tháng 11-2017, một tượng Phật Thích Ca ngồi lớn nhất Đông Nam Á hiện nay (chiều cao 108 m tính cả bệ tượng, đường kính chân tượng 52 m) được xây dựng và khánh thành bên cạnh Chúa Ông Núi, trở thành một địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan.
Về thăm chùa Ông Núi, khách hành hương sẽ có dịp được chiêm bái tượng Phật, lần theo đá núi đến hang Tổ (hang đá là nơi tương truyền xưa kia Ông Núi từng ở và ngồi tụng kinh niệm Phật). Khách hành hương còn được vãn cảnh chùa, hòa mình vào thiên nhiên để tìm cho mình những phút giây an nhiên, thanh tịnh (7). Nơi đây Hàn Mặc Tử đã đặt chân tới và để lại những áng thơ tuyệt tác.
Sau khi vãn cảnh chùa và thăm tượng Đức Phật Thích Ca, mọi người dùng một bữa cơm thân mật và đầy tình thân ái.
Mộ Hàn Mặc Tử
Buổi chiều, đoàn hành hương viếng mộ Hàn Mặc Tử. Giáo xứ Quy Hòa nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 5km về hướng tây nam, do cha Paul Maheu, linh mục dòng Thừa Sai người Pháp và bác sĩ Le Moine, người đứng đầu ngành y tế Quy Nhơn, thành lập vào năm 1929.
Hơn 80 năm trước, linh mục Paul Maheu (1869-1931) đã tìm ra thung lũng Quy Hòa và có một tâm niệm: tạo lập một không gian gián cách với thế giới bên ngoài để xây dựng khu điều trị bệnh phong. Ngày nay, nhà thờ Quy Hòa cùng thung lũng tuyệt đẹp này đã trở thành một quần thể kiến trúc tâm linh độc đáo.
Bệnh viện Laproserie de Quy Hòa là một điểm nhấn đặc biệt trong quần thể kiến trúc này. Ban đầu nó chỉ gồm vài căn nhà xây để làm nơi điều trị, nơi ở của các sơ. Vào năm 1932, một trận bão rất lớn đã cuốn phăng tất cả. Nhân đó, người ta đã xây dựng lại bệnh viện và nhà ở kiên cố cho người bệnh phong. Nữ tu Ozithe vốn là một kiến trúc sư nên bà đã quy hoạch lại toàn bộ bệnh viện và khu nhà ở của bệnh nhân.
Trong khoảng từ năm 1932-1958, quần thể nhà thờ và hàng trăm ngôi nhà lần lượt được xây dựng như một công viên khổng lồ. Nhà thờ Quy Hòa có kiến trúc đơn giản nhưng tạo cảm giác yên bình về một nơi trú ẩn tinh thần của người phong. Bên cạnh nhà thờ còn có tháp chuông, sân khấu ngoài trời, công viên, chợ và những gian hàng lưu niệm.
Quy Hòa hiện nay có khoảng 300 ngôi nhà nhỏ với kiểu dáng kiến trúc xinh đẹp. Nhà của bệnh nhân phong đều là nhà trệt, tạo điều kiện để bệnh nhân sống thoải mái. Hàng hiên trước bằng gạch bông, đá xanh, không có hàng rào... Bất cứ nhà nào cũng có một vườn hoa nhỏ trước nhà. Công viên có gần 40 tượng danh nhân y học, từ Hipocrate đến Hải Thượng Lãn Ông và cả các danh y hiện đại. Mặc cho bom đạn chiến tranh tàn phá, Quy Hòa vẫn bảo tồn được phần lớn kiến trúc hồi đầu thế kỷ 20.
Ngày 29-9-1940, Nguyễn Trọng Trí nhập viện Quy Hòa. Ở đây, Trí chỉ biết đi nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện Đức Mẹ Maria. Bệnh tật đã đưa thi sĩ lại gần với Chúa. Trí đã tìm thấy trong Kinh Thánh những lời hóa giải cho những đau thương. Chúa là nguồn động viên lớn nhất với thi sĩ.
Hàn Mặc Tử trút hơi thở cuối cùng vào ngày 11-11-1940. Mộ thi sĩ được đặt ở chân núi Quy Hòa. 19 năm sau, mộ Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa được cải táng ra Ghềnh Ráng ngày 13-2-1959, đặt trên đồi Thi Nhân. Trên đầu bia mộ, tượng Đức Mẹ Maria ban ơn, hai tay dang rộng, mắt hiền từ như nhìn xuống một thể xác tàn tạ vì bệnh tật, một linh hồn đớn đau xin cứu rỗi. Dưới chân tượng khắc dòng chữ: “Nơi đây yên nghỉ trong tay Mẹ Maria, Hàn Mặc Tử, tức Phêrô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí”.
Từ Ghềnh Ráng vượt qua đỉnh dốc Mộng Cầm, rẽ vào con đường bậc thang trên đồi thi nhân giữa khuôn viên rừng dương thoáng đãng là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ngôi mộ được xây cất trên một gò cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển, quanh năm sóng vỗ rì rào.
Đối diện với mộ Hàn Mặc tử là Nhà thờ Đá Ghềnh Ráng, nay là Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng, thuộc giáo phận Qui Nhơn.
Trung Tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng
Nằm trên triền dốc nên lối đi vào Nhà Thờ khá quanh co, tuy vậy, khách hành hương vô cùng thích thú khi vừa đi vừa ngắm cảnh thiên nhiên tươi mát xung quanh. Không gian xanh với một bên là vách núi dày đặc những leo dây trường xanh, dương xỉ, một bên là bờ biển dài cong vút càng hấp dẫn bước chân du khách nhanh hơn để tiến vào khuôn viên của Nhà Thờ Đá.
Đứng trước cổng gỗ đơn sơ, khách hành hương khó tưởng tượng được khung cảnh bên trong vô cùng nên thơ, trữ tình. Qua cổng gỗ, khách hành hương sẽ bị chinh phục và cuốn hút bởi khung cảnh yên bình và không gian thoáng đãng nơi đây.
Từ cổng vào nhà thờ có hàng cau, dây trầu, có những cụm đá ong làm nên một không gian thanh thuần, cổ xưa. Trên tường, men theo đường dốc có phù điêu Mười Bốn Chặng Đường Thánh Giá và nhiều tượng Thánh khác, càng tô đậm thêm vẻ thành kính cho Nhà Thờ Đá.
Phía dưới nhà thờ có dòng suối nhỏ, sân trước hang đá có hồ nước trong xanh, bàn thờ dâng lễ với phù điêu Bữa Tiệc Ly. Chung quanh sân được tường kín bao bọc có những bức phù điêu điêu khắc các tiểu cảnh về Chúa Giêsu... tất cả tạo nên bầu khí yên bình, ấm cúng (8).
Lưng tựa núi, mắt nhìn về biển cả mênh mông, tâm hồn tín hữu Phanxicô Hàn Mặc Tử được bao phủ bởi hồng ân Thánh Thể, ngày đêm luôn luôn được Mẹ gìn giữ và chở che. Đó cũng là niềm mong ước của bao người tin Chúa.
Đôi Điều Đọng Lại
Cuộc thi Sáng Tác Cho Tuổi Thơ được Ban Mục Vụ Văn Hóa giáo phận Qui Nhơn tổ chức, song các tác giả dự thi, 89/76 là người chưa tin Chúa. Tác giả đoạt giải 34/25 là người chưa tin Chúa. Như vậy, đoàn hành hương hôm nay gồm những người tin Chúa và chưa tin Chúa, vãn cảnh chùa Ông Núi, thăm tương Phật Thích Ca, viếng mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử và kết thúc tại Trung Tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng, với ít phút cầu nguyện trước Thánh Thể.
Một điều đọng lại là mọi người tham dự một cách trang trọng, thân tình và yêu quý nhau.
Cho dẫu giá trị vật chất giải thưởng không cao, nhưng nhiều tác giả, từ địa đầu tổ quốc xa xôi: Hưng Hóa, Sơn La, Lào Cai... với hơn 30 giờ ngồi xe về miền Trung, hay từ Sóc Trăng, Long An ngược lên tham dự. Chính chương trình hành hương và sự gặp gỡ nhau nói lên những thao thức của chúng ta về việc giúp các em thơ phát triển nhân cách con người toàn vẹn mà ai cũng ai ước. Đây cũng chính là sứ mệnh của người cầm bút, những người tin Chúa hay những người chưa tin Chúa. Hẹn gặp nhau trong những tuyển tập cho thiếu nhi Bông Hồng Nhỏ.