TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thao thức về truyền giáo

Thứ năm - 13/05/2021 22:45 |   791
Thao thức về truyền giáo

Thao thức về truyền giáo

Trong ơn gọi là người Kitô Hữu, mỗi người chúng ta đều mang lấy trách nhiệm mà Chúa Giêsu đã giao phó trước khi Ngài về trời, là mang Tin Mừng của Ngài đến với mọi người trên khắp thế giới này. Đặc biệt hơn, đối với Giáo phận Ban Mê Thuột, một giáo phận truyền giáo, luôn đặt nhiệm vụ truyền giáo cho anh em đồng bào sắc tộc là một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.

Nhắc đến sứ vụ truyền giáo, chúng ta đều biết rằng sứ vụ này được khởi đi từ khi Chúa Cha sai con một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô xuống thế làm người để loan báo Tin Mừng Nước Trời. Sau đó, cũng chính Chúa Giêsu đã căn dặn các Tông Đồ và môn đệ của Ngài rằng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20). Và rồi sau khi Chúa Giêsu về trời các Tông Đồ và các môn đệ tiên khởi đã thi hành lệnh truyền của Chúa Giêsu bắt đầu từ Giêrusalem cho đến tận cùng thế giới.

Hình ảnh ban bí tích rửa tội cho dự tòng

Chính vì truyền giáo là lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô nên Giáo Hội Công Giáo luôn xác định truyền giáo là căn tính của Giáo Hội. Nói cách khác, Người Kitô hữu phải mang trong mình nhiệm vụ và trách nhiệm truyền giáo, vì nếu chúng ta mất đi yếu tố này, chúng ta không còn là một người Công giáo đúng nghĩa nữa. Chính vì vậy chúng ta không thể thờ ơ hay xem nhẹ sứ vụ truyền giáo, chính thánh Phaolô đã nói lên khao khát và thao thức của Ngài trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô rằng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16).

Hơn thế nữa, truyền giáo chính là phương thức giúp cho chúng ta chiếm hữu được nước Trời. Như chính Chúa Giêsu đã nói rằng “Ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10, 32). Phần thưởng nước Trời là điều mà mỗi người Kitô hữu đều ao ước. Mỗi giây mỗi phút người Kitô hữu sống trên thế gian này, họ đều ao ước chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa trên Thiên Đàng, được hằng ngày bên cạnh, chầu chực Thiên Chúa để thờ phượng, chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa. Vì con người được tạo dựng để thờ phượng Thiên Chúa, nên còn gì hạnh phúc hơn khi được sống đúng với mục đích tạo dựng ban đầu của mình. Thế nên, Chúa Giêsu đã gợi mở một con đường cho những ai mong muốn tìm kiếm kho tàng trên trời. Đó là tuyên xưng Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người cho những người xung quanh.

Không chỉ dừng lại ở việc truyền giáo để chiếm hữu Nước Trời, người Kitô hữu truyền giáo còn vì đó còn là lời mời gọi của đức ái Kitô giáo. Trong thế giới ngày hôm nay, con người dần mất đi cảm thức về tâm linh, từ đó cuộc sống họ dần dần chìm trong niềm thất vọng, chán nản. Bởi vì họ cảm nhận thấy rằng, có một khát vọng cứ cháy lên trong tận sâu tâm hồn họ, mà không một điều gì có thể khỏa lấp được. Họ cứ lần mò, thao thức mãi mà chẳng tìm được câu trả lời cho ý nghĩa của cuộc đời mình. Chính vì vậy, người Kitô hữu phải có trách nhiệm mang Chúa đến cho họ. Vì chỉ có Chúa mới khỏa lấp được nhưng mong chờ, khắc khoải trong tâm hồn họ. Chỉ khi tìm đến với Chúa họ mới tìm thấy được chân lý, ý nghĩa của cuộc đời họ. Và chính Chúa Giêsu đã khẳng định rằng “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Do đó, khi họ tìm thấy Chúa trong cuộc đời, họ sẽ tìm thấy hạnh phúc và bình an đích thực cho từng giây từng phút trong cuộc đời của họ.

Quay trở lại với việc truyền giáo ở Giáo phận Ban mê Thuột. Giáo phận Ban Mê Thuột luôn nhấn mạnh đến sứ vụ truyền giáo của Giáo hội và luôn quan tâm đến việc truyền giáo cho anh em dân tộc ít người, bao gồm các dân tộc như dân tộc Êđê, M’Nông và S’Tiêng. Vì những sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán… Nên việc truyền giáo cho anh em dân tộc ít người luôn gặp những thách thức và khó khăn. Và câu hỏi làm thế nào để các anh em dân tộc thiểu số đón nhận Chúa, luôn là câu hỏi mà các nhà truyền giáo thao thức tìm câu trả lời.

Thăm hỏi và tặng quà cho bà con giáo dân

Cầu nguyện luôn được xem là một cách thức để truyền giáo và để truyền giáo tốt, hiệu quả thì không thể thiếu việc cầu nguyện được. Vì chính khi cầu nguyện, chúng ta liên hệ mật thiết với Thiên Chúa. Và để qua lời cầu nguyện của chúng ta, Thiên Chúa tuôn đổ ân sủng của Ngài xuống trên nhân loại. Kinh nghiệm của con người đã cho thấy, con người chúng ta không có thể làm gì được nếu không nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa. Và chính để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho công việc truyền giáo, Giáo hội đã đặt thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu làm thánh bổn mạng các xứ truyền giáo, mặc dù thánh nhân luôn ở trong tu viện. Qua điều đó, Giáo hội luôn nhắc nhở mỗi người Kitô hữu phải luôn siêng năng cầu nguyện cho sứ vụ truyền giáo của Giáo hội.

Cầu nguyện là quan trọng; đó là điều mà không một ai có thể phủ nhận, thế nhưng mỗi người Kitô hữu còn được mời gọi thực hiện vai trò ngôn sứ, họ được đảm nhận khi lãnh nhận Phép Thanh Tẩy, bằng và qua hành động. Điều đó có nghĩa là mỗi người Kitô hữu phải trở nên chứng nhân sống động của Chúa Giêsu Kitô giữa cuộc sống đời thường. Chính cách thức truyền giáo này đã được Đức Thánh Cha Phaolô XI nói đến trong Thông Điệp Evangelii Nuntiandi Ngài nói: “Người thời nay sẵn sàng nghe chứng nhân hơn thầy dạy, và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (thông điệp “Evangelii Nuntiandi” số 41)

Thế nhưng, đối với đặc thù truyền giáo cho anh em sắc tộc, công việc truyền giáo tại Giáo phận Ban Mê Thuột gặp nhiều khó khăn và thách thức. Ngoài hoạt động cầu nguyện, sống chứng tá, những người Kitô hữu và đặc biệt là những nhà truyền giáo phải có sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán của những dân tộc anh em mà mình đang nhắm đến, để truyền đạt giáo lý của Chúa một cách chân thực và chuẩn xác mà lại gần gũi với cuộc sống thường ngày của họ. Để làm được điều này đòi hỏi người Kitô hữu hay các nhà truyền giáo phải luôn hiện diện, đồng hành với họ. Để khi các nhà truyền giáo rao giảng về Đức Giêsu Kitô thì anh em sắc tộc dễ dàng đón nhận và tin theo.


Cha xứ gặp gỡ giáo dân

Tóm lại, công việc truyền giáo là công việc của mỗi người Kitô hữu vì đó là lệnh truyền trực tiếp của Chúa Giêsu, là bổn phận và trách nhiệm của người Kitô hữu, cũng là phương thế hiệu quả để người Kitô hữu chiếm hữu được kho tàng nước Trời và đó cũng chính là lời mời gọi của đức ái Kitô giáo. Liên hệ cụ thể đến Giáo phận Ban Mê Thuột, một giáo phận đang nhắm đến việc truyền giáo cho anh em dân tộc thiểu số, để truyền giáo tốt và hiệu quả đòi hỏi người Kitô hữu hay các nhà truyền giáo phải luôn cầu nguyện, sống chứng tá cho Tin Mừng. Đồng thời phải nỗ lực học hỏi ngôn ngữ, văn hóa và phong tục của anh em sắc tộc mà mình hướng đến, phải luôn đồng hành và hiện diện với họ để hạt giống Tin Mừng sẽ trổ bông.

Ước mong công việc truyền giáo trong Giáo phận Ban Mê Thuột mỗi ngày được khởi sắc.

Ứng sinh Chủng viện Phaolô Lê Bảo Tịnh - Bmt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây