TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

CHÚT TÂM TÌNH SỐNG NĂM THÁNH

Thứ năm - 13/05/2021 22:29 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   692
CHÚT TÂM TÌNH SỐNG NĂM THÁNH

CHÚT TÂM TÌNH SỐNG NĂM THÁNH
(Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập giáo phận Ban Mê Thuột)

Đức Cha Vinh Sơn, giám mục giáo phận Ban Mê Thuột đã mời gọi đoàn chiên trong năm thánh này là hãy để cho Lời Chúa dẫn đưa chúng ta đi trên con đường loan báo Tin Mừng.

Trong nghi thức khai mạc năm thánh tại các giáo xứ, bài Tin Mừng được trích đọc: “…Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng…” (Lc 4,14-21).

Nghi thức hướng dẫn: “Ông Chủ Tịch Hội Đồng giáo xứ đưa Thánh giá cho linh mục chủ sự hôn kính và ngài cầm Thánh giá dẫn đầu đoàn rước đi vào Nhà thờ”.

Một vài tâm tình sống năm thánh.  Loan báo Tin Mừng là:

1. Thuyên chữa những tâm hồn sám hối: Với những người biết sám hối thì việc thuyên chữa xem ra không quá khó. Ngoài việc giúp họ đón nhận tình thương tha thứ của Thiên Chúa thì chúng ta chỉ cần hướng dẫn họ cách thế khắc phục hậu quả và phương pháp canh tân đời sống. Tuy nhiên với những tâm hồn cố chấp trong sai lầm của mình thì sao đây? Trộm nghĩ rằng những lời tố cáo, cảnh giác chẳng hạn như “khốn cho các ngươi…” xem ra vẫn cần thiết không kém.

2. Loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm và trả tự do cho kẻ bị áp bức: Người bị giam cầm được xem như là người bị tước mất một vài quyền lợi căn bản nào đó như là con người. Cũng có thể do bởi lỗi của họ nhưng cũng có thể do bởi bạo quyền. Phải nỗ lực hết sức có thể để tìm cách giải thoát những ai bị giam cầm cách bất công. Hơn nữa,  có đó và còn đó rất nhiều người dù không bị chôn chân trong bốn bức vách gỗ đá ngục tù nhưng vẫn là đang bị giam cầm. Nhiều hình thức bị giam cầm mà lắm khi chính đương sự chẳng hay đó là bị ràng buộc bởi tội lỗi, bởi những đam mê bất chính…

3. Cho người mù được trông thấy: Chúng ta dễ nhận ra ngay nỗi khốn khổ của những người vì lý do nào đó mà xét về thể lý, không thể được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, không thể nhìn thấy vẻ đẹp của cánh hoa hay khuôn mặt của đồng loại. Dùng y thuật để giúp những người này được trông thấy thì ai ai cũng hoan nghênh. Tuy nhiên những trường hợp mù quáng do bởi sự kiêu ngạo, do bởi các chước cám dỗ của danh quyền, tiền tài, dục vọng thì xem ra khó nhận biết hơn dù rằng khá phổ biến. Hơn nữa khi dùng ánh sáng chân lý để soi cho những người mù loại này thì lắm khi lại rước họa vào thân, nhất là khi các đối tượng mù lòa dạng này đang có quyền cao chức trọng, ngoài xã hội hay trong giáo hội. Đọc Tin Mừng thì chúng ta dễ dàng nhận ra đây là đối tượng chính mà Chúa Giêsu muốn khai sáng hơn là những người mù về thể lý. Và thập giá mà Người gánh lấy chính là cái giá Người đã trả cho việc nỗ lực làm cho người mù lương tri, mù tâm linh được trông thấy.

Nghi thức vị linh mục chủ sự hôn kính Thánh giá và cầm Thánh giá dẫn đầu đoàn rước một cách nào đó nhắc nhớ các vị mục tử hãy là những người tiên phong. Các ngài, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, quý chức lãnh đạo trong các tập thể phải là những người đi đầu trong việc “thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, trả tự do cho kẻ bị áp bức, làm cho người mù được trông thấy” và dĩ nhiên cần cam đảm đón nhận sự bách hại khi thực thi những điều này. Đứng phía sau hô to “xung phong” thì không khó! Đi tiên phong sẵn sàng đón gió độc đỡ thay phần nào cho đoàn chiên mới là vấn đề.

Cầm Thánh Giá dẫn đầu đoàn rước đi vào Nhà thờ xem ra khá dễ dàng, nhưng điều Chúa Kitô muốn là chúng ta hãy “cầm Thánh giá”, nghĩa là can đảm đón nhận chông gai, dẫn đầu đoàn chiên ra khỏi Nhà thờ để đi vào cảnh đời thường của cuộc sống xã hội, trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, quốc phòng, an sinh… mà loan báo Tin mừng.

Thiết tưởng đây chính là lời công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng đẹp nhất và khả tín nhất. Ước gì hoa trái của hồng ân năm thánh giáo phận phải là một sự đổi thay tích cực chứ không phải là sự tự mãn vì những lễ hội rước xách, diễn nguyện “hoành tráng” bên ngoài.

Một tín hữu Kitô trưởng thành đã tâm sự: “Dường như có sự tỷ lệ nghịch giữa lễ hội với truyền giáo. Lễ hội lên thì truyền giáo xuống. Các “lễ hội hoành tráng” của một tôn giáo có vẻ thường gây đố kỵ, ganh tương cách nào đó nơi các anh chị em khác tôn giáo và cả nơi bà con lương dân”. Không biết lời tâm sự này chính xác bao nhiêu phần trăm, nhưng chắc chắn sự dấn thân, liên đới, chia sẻ trong tinh thần trách nhiệm và tình huynh đệ chính là công cuộc truyền giáo đích thực và hữu hiệu hơn nhiều.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây