TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ai có tai thì nghe

Thứ năm - 13/05/2021 22:38 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   761
Ai có tai thì nghe

Chúa Nhật XVI – TN – A

Ai có tai thì nghe

Thiên Chúa, như lời Kinh Thánh cho biết, Người là Đấng từ bi, nhân hậu, chậm giận và hay tha thứ. Đức Giê-su, trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng đã nói rất nhiều về một Thiên Chúa nhẫn nại, giàu lòng thương xót, một Thiên Chúa “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”.

Rất đời thường và rất thực tế, Đức Giê-su đã dùng nhiều dụ ngôn để diễn tả về một Thiên Chúa như thế. Một trong những dụ ngôn rất sát thực với cuộc sống con người đã được Ngài đem ra làm ví dụ và được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, đó là “dụ ngôn cỏ lùng” (x.Mt 13, 24-43).

**

Vào một ngày nọ, trên một con thuyền neo đậu bên ven Biển Hồ Tiberia, Đức Giêsu đã trình bày cho mọi người nghe dụ ngôn cỏ lùng, như sau: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.”

Với những lời mở đầu như thế, Đức Giê-su quả đúng là một nhà mô phạm. Dùng phương pháp thính thị, với hình ảnh “gieo giống tốt trong ruộng mình”, Ngài đã để cho mọi người một cái nhìn lạc quan, lạc quan rằng, rồi đây, khi mùa gặt đến, người chủ ruộng sẽ gặt hái được những hạt lúa tốt chắc mẩy.

Thế nhưng, nghĩ là vậy, thực tế thì lại khác, đó chính là lòng người. Lòng người với tính ghen tỵ, hẹp hòi đã gây ra không ít điều khó chịu.

Vâng, thật không có gì khó chịu cho bằng, vừa mới sáng sớm, mở cửa ra, đã thấy một đống rác hoặc một con chuột chết, do một ai đó vứt trước cửa nhà của mình.

Đêm qua! Ôi trời! đêm qua, một hành động tương tự như thế được kể lại trong dụ ngôn rằng: “khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa và đi mất”.

“Gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa và đi mất”… Đi mất ư! Tại sao hắn không ở lại, nấp vào chỗ kín nào đó, chờ sáng ra chủ ruộng đến, để hả hê trước sự khó chịu của chủ ruộng?

Lý giải cho sự “đi mất” của kẻ thù, Lm. Nguyễn Tầm Thường, qua tác phẩm “Nhổ cỏ”, ngài chia sẻ: “Có thể kẻ thù bỏ đi vì biết chắc chắn cỏ sẽ mọc, nó đã biết trước thành công. Nếu đấy là chuyện linh hồn ta, ta không có năng lực nào chống lại hay sao? Như vậy quá buồn.

Có thể kẻ thù vội bỏ đi, sợ chủ vườn nhận diện được nó. Nếu vậy, sự vắng mặt của kẻ thù là nguyên nhân thành công. Vắng mặt nguy hiểm hơn có mặt. Hình ảnh này cũng quá thực và quá thường trong cuộc sống.

Nhiều hoàn cảnh thấy như êm đềm nhưng thật sự không phải thế. Nhiều gia đình nhìn bề ngoài không bóng dáng sóng gió, thật sự không phải thế. Không nhận diện được bóng kẻ thù, bất chợt một ngày thấy cỏ lên cao, lúc ấy quá muộn cho một chuyện buồn rồi”.

Chuyện buồn đó, ngài Lm. chia sẻ tiếp: “Mầu cỏ quá xanh, mầu lúa quá xanh. Ta ngỡ cuộc sống là thế. Cái mơ hồ lẫn lộn màu xanh hạnh phúc và màu xanh ảo ảnh làm người ta lầm. Ông chủ không nhìn kỹ lúa mình, xa xa ngỡ màu xanh là chân thật của lúa. Chuyện ấy cũng quá thật trong đời sống tâm hồn. Ta thiếu hồi tâm rất nhiều trong đời sống. Chuyện cá nhân, chuyện gia đình, chuyện tôn giáo, chuyện đất nước. Lúc đổ vỡ mới nhìn ra, bấy giờ quá tiếc. Ôi! cỏ đã gieo lâu rồi”.

Trở lại câu chuyện cỏ lùng. Quả đúng là “quá muộn cho một chuyện buồn” đối với người chủ ruộng. Chuyện buồn đó chính là, “khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện”.

Đối với một nông gia, đây là một điều hết sức phiền toái. Sự phiền toái đó biểu lộ qua thái độ của người đầy tớ, khi anh ta đến gặp ông chủ mình và nói: “Thưa ông, ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?”

Cứ sự thường, phải đi gom lại. Phải “nhổ” sạch cái đám cỏ lùng. Thế nhưng, thật khó để làm công việc này, khó là bởi, hình dáng cỏ lùng và lúa mì rất giống nhau. Thật vậy, theo sách vở ghi lại, cỏ lùng là một loại cỏ ở vùng Trung Đông, hình dáng rất giống cây lúa mì đến nỗi người địa phương gọi cây cỏ lùng nầy là cây lúa mì hoang.

Thế nên, thật khó để gom chúng lại. Bởi vì, làm sao nhận diện… Ngộ nhỡ nhận lầm thì sao đây!

Với sự khôn ngoan, ông chủ ruộng nói: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa”. Chính vì thế, ông ta đã đưa ra một quyết định, đó là: “Cứ để cả hai cùng lớn lên…”.

***

Với dụ ngôn này, Đức Giê-su đã giải thích như sau: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái ác thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần”.

Hình ảnh “Người gieo giống, đồng ruộng, hạt giống tốt, cỏ lùng, kẻ gieo cỏ lùng, mùa gặt, thợ gặt….” Vâng, chỉ là những hình ảnh rất đời thường, nhưng qua lời giải thích, Đức Giêsu đã trình bày cho mọi người thấy một chân lý ngàn đời, đó là: “Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta.” (Tv 103, 8-10)

Cho nên, đừng ngạc nhiên khi qua dụ ngôn, Đức Giêsu khuyên “Đừng nhổ!” Nhưng khuyên “đừng nhổ” không có nghĩa là không nhổ. Không nhổ là vì: “Chúa nương tay với muôn loài” (Kn 12,…16). Và rằng: Thiên Chúa nếu có muốn “trừng phạt” thì “Ngài trừng phạt chúng từ từ cho chúng có cơ may hối cải” (Kn 12,10).

****

Thế nên, đừng để mình lung lạc niềm tin khi thấy “con cái Ác Thần” làm mọi điều gian ác, làm gương mù gương xấu, thế mà vẫn không bị “nhổ bỏ”, vẫn không bị “quăng vào lò lửa”, ngay hôm nay. Đừng ganh tị khi ta thấy họ vẫn có một cuộc sống hưng thịnh, giàu sang…

Kinh Thánh có chép rằng: “Bọn bất nhân dầu sởn sơ như cỏ, phường gian ác có đua nở khoe tươi, cũng là để bị diệt trừ vĩnh viễn” (Tv 92,8).

Điều quan trọng đó là, hãy nhìn lại chính mình và tự hỏi: “tôi là cỏ lùng hay hạt giống tốt?” Tại sao lại phải hỏi như thế! Thưa, là bởi, có thể hôm nay ta là hạt giống tốt, nhưng biết đâu, ngày mai ta lại là cỏ lùng.

Thật vậy, theo lời Lm. Vương Thuật OP, có lần trên tòa giảng, ngài đã hỏi cộng đoàn dâng lễ, rằng: “Ai là lúa tốt?”. Có một số người giơ tay lên và nói: “Thưa cha, con là lúa tốt”. Sau đó, ngài hỏi tiếp: “Ai là cỏ lùng?” Thì cũng có một số người giơ tay lên và nói: “Thưa cha, con là cỏ lùng”.

Vị Lm. này kể tiếp rằng: “Hôm đó, tôi thấy một chị vừa giơ tay lên, nhận mình là lúa tốt, rồi lại giơ tay lên, nhận mình là cỏ lùng. Tôi mới hỏi chị ta, tại sao vậy! Chị ta trả lời rằng: Thưa Cha, trong cuộc đời con, đôi lúc cũng là lúa tốt, đôi khi cũng là cỏ lùng. Lúa tốt khi con cảm thấy mình thánh thiện hơn, đạo đức hơn, yêu thương người khác hơn, là con trở thành lúa tốt. Thế nhưng, khi con chửi chồng, mắng con, ganh tỵ, giận hờn với người khác, nói xấu người khác, thì con trở thành cỏ lùng”. (nguồn: tổng hợp bài giảng Công Giáo).

Là một Ki-tô hữu, chúng ta “là con cái Nước Trời”, cho nên, không thể và không vì lý do gì, chúng ta lại trở nên “cỏ lùng”.

Làm thế nào để chúng ta không trở nên cỏ lùng? Thưa, thánh Phaolô có lời khuyên cho chúng ta, rằng: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì là hoàn hảo” (x.Rm 12, 2).

Đúng vậy, đừng có rập theo đời này, bởi vì “trời đất (đời này) sẽ qua đi”. Vâng, đây chính là lời Đức Giê-su khuyên dạy: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ chẳng qua đâu”.

Vì thế, một lần nữa, đừng quên lời Đức Giê-su đã nói: “Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào hồ lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ.”

Dụ ngôn đến đây đã được chấm hết. Và, có lẽ, không ai trong chúng ta lại muốn mình trở nên cỏ lùng, không ai trong chúng ta lại muốn mình “phải khóc lóc nghiến răng”, mà, tất nhiên là muốn được “chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha”, phải không, thưa quý vị!

Vâng, muốn được “chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha” ư! Rất dễ dàng, hãy nghe lời khuyên của Đức Giê-su: “Ai có tai thì nghe”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây