Hình ảnh chiếc thuyền nhỏ mong manh giữa biển lớn, gợi lên tâm trí một người khắc khoải đi tìm cho đời mình những ý nghĩa. Vì vui riêng của Người hay vì chính niềm vui của tôi mà Người đã tác thành nên tôi. Cho tôi lênh đênh trong phận người và rồi cho tôi đi tìm ý nghĩa của cuộc sống.
Thuyền nhỏ bao lần bị tát cạn rồi lại đổ đầy. Hình ảnh của cuộc sống hết đầy rồi vơi, đã bao lần hết thăng rồi trầm của cuộc sống. Vì vui cho Người sáng tạo nên tôi, hay vì cho tôi cảm nhận ra ý nghĩa của cuộc đời. Trong ý muốn nào Người đã dựng nên tôi? Thuyền nhỏ mỏng mảnh bao lần hết đầy rồi vơi.
Thuyền nhỏ mỏng manh nếu đem ra biển cả, như chiếc lá giữa sông rộng và như hạt cát trong sa mạc đầy gió cuốn, mỏng mảnh và dễ bị vùi dập. Ấy vậy, bao lần vơi cạn mà vẫn không hề mất hút.
Mầu nhiệm sự sống kỳ diệu cứ tuôn đổ mãi trong tôi, bao lần bị đe doạ mất sự sống nhưng bấy lần sự sống vẫn tồn tại và tươi vui trôi về phía gió, lặn ngụp với sóng nước, hết vơi rồi đầy. Hình ảnh của sự sống quá mênh mang như ngày sáng thế, ở đó, chúng ta gặp gỡ “Thần Khí Chúa bay là là trên mặt nước”[1]. Một cách rõ ràng, sáng tạo không phải là một công trình do người nghệ nhân ngẫu hứng làm nên. Sáng tạo của ngày ban đầu đã hướng về ngày tham dự tiệc vui muôn đời. Con người được chia sẻ sự sống với Thiên Chúa bằng việc cộng tác vào công trình sáng tạo của Người với tất cả ý thức và tự do. Thuyền nhỏ mênh mang giữa gió đời biển cả, không bị nhấn chìm, bởi vì trên thuyền nhỏ ấy là một con người – Chúa, Người đã bước vào trần gian để nói với chúng ta: “Đừng sợ”.
Bao lần vơi rồi đầy, một hình ảnh của ngày hạnh phúc của thiên đường sơ khai, lúc đầy; con người đánh mất vì tự do đã xoay về ích kỷ muốn chiếm hữu, khi vơi. Vơi và đầy, là cách con người dùng ý thức và tự do của mình quyết định, quyết định sai đã đi vào trong thế gian, tội của một người đã làm cho muôn người bị nhấn chìm, chìm mà không bị đắm, chìm mà không bị tiêu diệt. Con người lặn ngụp trong những sai lầm và sai lầm đó chính vì thế lại được Đấng Cứu Thế.
Sai lầm mà không bị diệt, sự dữ lan tràn mà không thể xoá sổ một con người, nếu con người biết nhìn lên Đấng chịu đóng đinh, Đấng Cứu Thế cứu toàn thể những gì đã hư mất. Huyền nhiệm của lòng xót thương, vì thế, chúng ta thấy sự sống thật kỳ diệu qua những thăng trầm, dòng suối niềm vui vẫn không ngừng tuôn chảy. Sống theo thác ghềnh của những thăng trầm đời sống, con người có thể cảm nghiệm nhiều về một bí nhiệm mà thánh Phanxicô Xaviê nói: “Kinh qua muôn hiểm nguy chết người, học cho biết lòng Chúa yêu thương”. Kinh nghiệm này thật quý giá, bởi vì sẽ nhận ra chính con người được tạo dựng không phải là trò chơi của Tạo Hoá mà là tham dự vào vinh quang của Người, không phải chỉ để sống tạm mà để sống muôn đời, không phải chỉ là thụ tạo mà là con cái trong nhà của Thiên Chúa.
Không vì vui riêng mà Thiên Chúa tạo dựng nên con người và vạn vật, nhưng bởi vì theo cách nói của Thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu”[2]. Tình yêu là chia sẻ là sáng tạo là mời gọi tham dự vào sự sống, tham dự niềm vui bất tận. Thiên Chúa là Tình Yêu nên Tình Yêu sáng tạo cũa là Tình Yêu Cứu Độ.
Khi sóng lớn, gió bão thổi đến, Người bảo: “Thầy đây, đừng sợ!” Thầy là ai mà gió bão cũng phải nghe để yên lặng?
L.m Giuse Hoàng Kim Toan