TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tin Chúa… phải chạm vào Chúa

Thứ sáu - 28/06/2024 20:13 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   417
Đức Giê-su bảo ông Gia-ia rằng: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”

Chúa Nhật XIII – TN – B
Tin Chúa… phải chạm vào Chúa

tbd 290624a


Theo các nhà chú giải Kinh Thánh nhận định, trong bốn thánh sử viết Tin Mừng: Matthêu, Máccô, Luca và Gioan, khi viết về Đức Giê-su, mỗi vị đều có một cách viết đặc trưng riêng, của mình.

Tuy nhiên, cho dù mỗi thánh sử mỗi người một vẻ, mỗi người một cách, nhưng tựu trung các vị đều diễn tả Ngài như một nhân vật “thấu hiểu và cảm thông các nhu cầu của nhân loại”. Vâng, Lm. Charles E.Miller đã không ngần ngại có lời nhận định như thế.

Đúng vậy! Đúng là vậy, trong một sự kiện tại Ca-na. Sự kiện này được thánh sử Gio-an kể lại, như sau: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.” (Ga 2, 1-2).

Hôm ấy, tiệc đang vui thì thân mẫu Đức Maria “thấy thiếu rượu”. Thân mẫu Đức Giê-su liền nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Nghe thế, Đức Giê-su, làm gì nhỉ! Thưa, Ngài nói: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?”

Nghe… nghe thoáng qua có vẻ như Đức Giê-su phớt lờ “nhu cầu của nhà đám” thì phải! Nhưng, sự thật lại không là vậy! Ngài đã “thấu hiểu và cảm thông nhu cầu của nhà đám”. Hôm ấy, tại nhà đám “có sáu chum đá”, Đức Giê-su nói với gia nhân “các anh đổ đầy nước vào chum đi. Và họ đã đổ đầy tới miệng”.

Rồi sao nhỉ! Thưa, khi gia nhân “múc và đem cho ông quản tiệc nếm thử, nước đã hóa thành rượu”. Đấy! đấy chẳng phải Đức Giê-su đã “thấu hiểu và cảm thông các nhu cầu của nhân loại”, đó sao!

Thấu-hiểu-và-cảm-thông, thế nên, một lần nọ, khi “Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34).

Chưa hết, với nỗi lòng của Đấng “đến để chiên được sống”, không ít lần Ngài còn cứu chữa họ khỏi những “ốm đau, bệnh hoạn tật nguyền”. Và, ngay cả những người đã chết, Đức Giê-su cũng đã làm cho kẻ đó “sống lại”.

Câu chuyện “Đức Giê-su chữa một người bị băng huyết và cho con gái ông Gia-ia sống lại”, được ghi trong Tin Mừng thánh Mác-cô, như điển hình. (x.Mc 5, 21-43).

**
Chuyện kể rằng: Hôm ấy, “Đức Giêsu xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia”. Lại-trở-sang-bờ-bên-kia, có nghĩa là trước đó, Ngài ở “bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa”.

Hôm ấy, hôm Đức Giê-su ở bên vùng đất của dân Ghê-ra-sa, Ngài đã chữa lành một người “bị thần ô uế ám”. Người này “đã bị (cả) một đạo binh quỷ nhập vào”. Và, khi Ngài lớn tiếng phán rằng: “Thần ô uế kia, xuất khỏi ngươi này”. Vâng, “chúng (liền) xuất khỏi người đó” (Mc 5, 13).

Còn hôm nay! Thưa, trong lúc Đức Giê-su “đang ở trên bờ Biển Hồ”. Từ xa xa “có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới.” (x.Mc 5, 22).

Ông Gia-ia đi tới Biển Hồ để làm gì? Thưa, rất có thể ông ta tìm Đức Giê-su. Rất, rất có thể tiếng đồn về một ông Giê-su đã chữa lành một người “bị quỷ ám” từ bờ-bên-kia-Biển-Hồ vang vọng sang bờ-bên-này-Biển-Hồ, đã “vang” đến tai ông!

Mà nào chỉ có thế thôi đâu! Còn đó là tiếng “rao truyền” của kẻ trước kia đã bị quỷ ám được rao “(khắp) miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh (ta)” (Mc 5, 20).

Vâng, tất cả những lý lẽ nêu trên rất thuyết phục. Sự thuyết phục đó đã được minh chứng khi “Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta liền sụp xuống dưới chân Người.”

Sụp xuống chân Đức Giê-su, ông ta liền “khẩn khoản nài xin: Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” (Mc 5, 23).

Đức Giê-su nghe thế, chuyện kể tiếp rằng: “Người liền ra đi với ông.” Theo lời tường thuật của thánh sử Mác-cô: “Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.”

***
Tiếng “rao truyền” của kẻ trước kia đã bị quỷ ám về “tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh (ta)”, không chỉ “vang” đến ông trưởng hội đường Gia-ia, mà còn “vọng” đến một người đàn bà.

Người đàn bà này “bị băng huyết đã mười hai năm”. Bà ta “bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều lần đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác.”

Hôm ấy, “Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà tiến qua đám đông tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người.”

Tại sao lại “sờ vào áo của Người”, mà không nói với Đức Giê-su, theo cách ông Gia-ia vừa mới nói: “Xin Ngài đặt tay lên con, để con được khỏi”? Thưa, không nói không có nghĩa là bà ta không tin vào quyền năng của Đức Giê-su. Trái lại, bà ta có một lòng tin rất mãnh liệt.

Mà, đúng vậy! Hôm ấy, khi sờ vào áo Đức Giê-su, cùng lúc đó, với một lòng tin mãnh liệt, bà ta tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu”.

Quả đúng như bà ta ao ước. Hôm đó, sau khi “sờ vào áo” Đức Giê-su, “tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh” (x.Mc 5, 29).

Sau cái chạm, tuy rất nhẹ nhàng của bà ta, Đức Giê-su “thấy một năng lực từ nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông và hỏi: Ai đã sờ vào áo tôi?”.

“Một đám đông”, như đã nói ở trên, “đi theo và chen lấn Người” thì làm sao biết được “Ai-đã-sờ-vào-áo-tôi?” Vâng, các môn đệ đã thật thà đáp lời Đức Giê-su, như thế.

Đức Giê-su không phản ứng trước câu trả lời của các môn đệ. Ngài “ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó”.

Ngó quanh hay nhìn quanh, đó là một hành động để tâm đến, để ý đến, quan tâm đến. Vâng, Đức Giê-su đã ngó quanh. Khi ngó quanh và nhận ra người đã “sờ vào áo” của mình, Ngài “ngó hoài” người đó.

Mà, “ngó hoài” thì sao! Thưa, “Trời sinh con mắt là gương, người ghét ngó ít, người thương ngó hoài.” (ca dao). Vì “chạnh lòng thương” Đức Giê-su ngó bà ta “hoài”.

Ấy thế mà, thế mà, cái ngó này đã làm người đàn bà “Sợ phát run lên…” Bà ta lo lắng “vì biết cái gì đã xảy đến cho mình”. Trong nỗi sợ hãi và lo lắng, bà ta đến… “đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người”.

Một ngày nọ, Đức Giê-su có lời truyền dạy rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (x.Mt 7, 7).

Hôm ấy, người đàn bà bị bệnh băng huyết “đã tìm”, tìm-đến-phía-sau-Người, rồi bà ta “đã gõ” gõ-vào-áo-của-Người. Mà, Người là Đấng thánh tín. Thế nên, Người đã nói với bà ta, rằng: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”.

Chứng kiến trước một phép lạ “vô tiền khoáng hậu”, ông trưởng hội đường chắc hẳn phải có rất nhiều hy vọng rằng, Đức Giê-su sẽ cứu “con bé nhà ông”.

Đáng tiếc thay! Chuyện kể rằng: “Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?”

Đó, đó là một “Tin Buồn”. “Sợ và Buồn!”. Trước 30/04/1975, lúc còn chiến tranh, có không ít người cha, người mẹ, người vợ… đã rất sợ và rất buồn. Sợ và buồn khi có một chiếc xe “jeep” lao đậu trước cửa nhà mình, một người lính bước xuống, vào nhà và trân trọng thông báo: Chúng tôi rất tiếc phải báo tin cho ông, cho bà, cho chị… rằng: con ông, con bà, con chị đã hy sinh ngoài mặt trận. Kèm theo đó là một vài kỷ vật của người đã chết, và một tờ giấy báo tử.

Tâm trạng của ông Gia-ia, hôm ấy, có như thế không! Thưa, thánh sử Mác-cô không cho biết. Thế nhưng, chúng ta được biết, Đức Giê-su bảo ông Gia-ia rằng: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”

Chỉ cần tin thôi! Vâng, Đức Giê-su khẳng định như thế. Ngài đã “không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an”. Thầy và ba vị môn đệ tiếp tục đi đến nhà ông Gia-ia. Rồi, khi đến nhà ông trưởng hội đường, quả đúng là “người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ”.

Nhìn khung cảnh “Ánh đèn vàng heo hắt, khói trầm cay đôi mắt, em nằm đó sao thôi cười thôi nói. Dáng buồn còn vương nét, mắt huyền giờ đã khép, em nằm đó như đang mơ mộng gì…” (Dona Dona), đúng… đúng là một khung cảnh thật não lòng!

Não lòng thật đấy! Dù vậy, Đức Giê-su vẫn nói với mọi người rằng: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”

Nó ngủ đấy! Vì ngủ, nó mới “mơ mộng”, không thấy vậy sao! Vâng, đó là tôi (người viết) nghĩ như thế. Chứ, hôm ấy, hầu hết ai ai cũng “chế nhạo Người”.

Ngạn ngữ La-Mã (nếu tôi không lầm) có lời rằng: “Chó sủa mặc chó, lạc đà cứ đi qua”. Hôm ấy, mặc cho người ta chế nhạo, Đức Giê-su “dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. Người cầm lấy tay nó và nói: ‘Ta-li-ta-kum’ nghĩa là: ‘Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!’. Lập tức con bé đứng dậy và đi lại (như một người đang sống)”. (Mc 5, 41-42).

Chứng kiến phép lạ cải tử hoàn sinh, “lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ”. Vâng, con bé hồi ấy “đã mười hai tuổi”. Thật trùng hợp với năm Đức Giê-su cũng mười hai tuổi, năm đó, Ngài cũng đã làm cho các thầy dạy trong Đền Thờ phải “kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của (mình)”.

“Cho con bé ăn (đi).” Đức Giê-su đã bảo người nhà ông Gia-ia, như thế. Ngài “nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy”.

****
Như đã nói ở trên, câu chuyện này được trích trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

Qua bài Tin Mừng, Lm.Charles E. Miller có lời chia sẻ, rằng: “Câu chuyện Phúc Âm hôm nay cho thấy Chúa Giê-su luôn dành thì giờ cho mọi người, cả người ‘quan trọng’ như Gia-ia là một ông trưởng hội đường, lẫn kẻ đã ‘tán gia bại sản’ như người phụ nữ băng huyết vốn chẳng được ai coi trọng, mà cái tên của bà ta, ngay cả thánh Mác-cô, cũng không biết.”

Đúng, Đức Giê-su là thế đấy. Một lần nọ, Ngài đã chẳng từng tuyên bố, rằng: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi… vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”, đó sao!

Hai vị, Gia-ia và người phụ nữ băng huyết, đã “tìm đến cùng Giê-su”. Họ đến cùng Giê-su và họ đã tin rằng, có Giê-su, “ách” của họ sẽ “êm ái”, gánh của họ sẽ “nhẹ nhàng”.

Gia-ia chưa thấy “con bé nhà ông” sẽ được Đức Giê-su “cứu thoát và được sống” nhưng ông vẫn tin. Điều này, dạy cho chúng ta bài học rằng: người tin là người “không thấy”, và phần thưởng cho người tin là “thấy” những gì họ tin.

Còn người phụ nữ băng huyết thì sao? Thưa, bà ta, nói theo cách nói ngày nay, đó là: “biến tư tưởng thành hành động”. Điều bà tự nhủ: sờ được vào áo của Đức Giê-su thôi, là sẽ được cứu”, đã được bà biến thành hành động “sờ vào áo của Người.” Kết quả, chúng ta biết rồi: “Tức khắc máu cầm lại.”

Điều bà ta đã làm, nên chăng, hãy xem đó như là “nguồn cảm cảm hứng” để chúng ta tìm-và-gặp Đức Giê-su, gặp để “chạm vào Ngài”!

Vâng, nói tắt một lời, Gia-ia và người phụ nữ băng huyết, chính là “mẫu mực” cho đời sống đức tin của mỗi chúng ta.

*****
Ngày nay, con người được thừa hưởng một nền y học tiến bộ. Những căn bệnh liên quan đến thể lý, trước kia được cho là nan y, nay đã có thể chữa khỏi, nếu được phát hiện sớm. Với căn bệnh băng huyết, chỉ cần một cuộc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ không còn phải khổ sở về nó nữa.

Tuy nhiên, cho dù y học có tiến bộ đến mức có thể ghép tim, ghép thận, v.v… thì cũng không thể ghép được “sự sống đời đời”, điều mà không ai trên thế giới này lại không mong muốn.

Là một Ki-tô hữu, tất nhiên chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời. Tuy nhiên, được thừa hưởng không có nghĩa là chúng ta sẽ không mất quyền thừa hưởng.

Chúng ta sẽ mất quyền thừa hưởng khi chúng ta nhiễm phải những con virus “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép”. Những con virus này sẽ làm chúng ta “băng huyết” sự bình an, lòng trung tín, sự tiết độ.

Chúng ta sẽ mất quyền thừa hưởng khi chúng ta nhiễm phải những con virus “hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa chè chén”. Những con virus này sẽ làm “băng hoại” lòng bác ái, sự nhân hậu, tính từ tâm, tính hiền hòa của chúng ta.

Thánh Phao-lô nói, những ai nhiễm phải những con virus nêu trên, người đó “sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa”. Không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa, có nghĩa là không được thừa hưởng sự sống đời đời. Nhớ nha!

Người xưa có nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Thế nên, chúng ta rất cần những phút hồi tâm để xem lại tâm hồn mình có bị những con virus nêu trên xâm nhập hay chưa!

Không quá khó để tìm ra và tiêu diệt những con virus độc hại đó. Đó là, hãy dùng phần, không phải phần mềm Kaspersky, nhưng là phần mềm “Lời Chúa”.

Phần mềm Lời Chúa là một loại phần mềm “…hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (x.Dt 4, 12).

“Phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” có phần chắc sẽ tìm ra ai là người bị nhiễm những con virus nêu trên, ai là người không nhiễm.

Cuối cùng, khi chiếc “computer tâm hồn” của chúng ta đã được cài đặt phần mềm Lời Chúa, hãy tin Thánh Thần Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta đến với Bàn Tiệc Thánh. Đến để “chạm vào Chúa”.

Chúng ta nói tôi tin Chúa, chưa đủ. Chúng ta còn phải chạm vào Chúa. Nói tắt một lời: “Tin Chúa… phải chạm vào Chúa”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây