TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Người hành khất

Thứ năm - 27/06/2024 10:48 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   344
Trong từ ngữ “hành khất” Tagore nói đến, con người được sánh ví như người “hành khất” mang trên vai chính thân phận của ta, những thứ địa vị, danh vọng, vật chất, quyền lực…
Người hành khất
Người hành khất



“Ờ người khùng dại, muốn lấy hai vai mang chính thân mình! Ờ, người hành khất, muốn đến ăn xin chính cửa nhà mình!” (Bài thơ 69, Lời Dâng, R. Tagore)

Trong từ ngữ “hành khất” Tagore nói đến, con người được sánh ví như người “hành khất” mang trên vai chính thân phận của ta, những thứ địa vị, danh vọng, vật chất, quyền lực…

Có thể là những thứ xin được trên hành trình này, và trải nghiệm cho thấy rằng “con người khờ dại” ăn xin trước cửa nhà mình. Rồi để lại tất cả sau ngày ra đi.

Người hành khất có thể thấy những thứ trên là hạnh phúc nhưng lại chẳng bao giờ thoả đủ hạnh phúc trong lòng ước mong tìm kiếm. Trải nghiệm nhận ra rằng quyền lực, của cải, danh vọng, không phải là những thứ mang lại hạnh phúc thật, đôi khi còn gây phiền toái để đi tìm hạnh phúc thật. Khùng dại vì tự trói buộc mình, không còn đủ tự do đi tìm chân lý.

Trút bỏ là một kết quả của trải nghiệm, để đi tìm hạnh phúc thật.  Trút bỏ, theo Tagore là: “Hãy đặt gánh nặng vào tay ai đó đủ sức mang xách tất cả, và đừng ngoái lại tiếc nuối bao giờ”. Ai là người mang gánh năng đời tôi tất cả?

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Người Ấn Độ tin rằng Đại Ngã là toàn năng, toàn trí, hạnh phúc toàn hảo. Trút bỏ là trở về với Đại Ngã, hoà nhập với Đại Ngã. Đại Ngã là vốn Tự Có - Sự Sống. Đối với Tagore, Trở về Đại Ngã là trở về với đời sống tự nhiên, hoà nhập vào với thiên nhiên, đó là một cảm thức của trải nghiệm. Sống với đời sống thiên nhiên, hoà hợp với thiên nhiên, chan hoà với mọi người là hạnh phúc.

Một thực tại của cõi trời ở trong cõi thế, trong cõi người đó, tình yêu là lẽ sống, cho nên trong “Tôn giáo của nhà thơ” Tagore bộc bạch: “Tôi tin rằng hình ảnh thiên đường phải nhìn dưới ánh sáng mặt trời và mầu xanh của trái đất, trong vẻ đẹp của bộ mặt người và sự giàu có của cuộc sống con người, cả trong những vật xem ra không đáng kể và chưa từng có trước kia. Mọi nơi trên quả đất này, tư tưởng thiên đường đang thức tỉnh, từ đó mà chuyển đi tiếng gọi. Nó đến bên tai ta mà ta không hề biết, tạo âm sắc cho cây thụ cầm của cuộc sống, truyền khát vọng đi bằng âm nhạc vượt qua cái hữu hạn, không những bằng lời cầu nguyện và mong ước, mà bằng những ngôi đền, là những ngọn lửa trong đá, trong tranh, là những giấc mơ được biến thành vĩnh cửu, trong điệu múa, là sự suy gẫm say mê ở cái trung tâm tĩnh của chuyển động”[1].

Trở về với thiên nhiên, yêu thiên nhiên với tất cả những gì có trong thiên nhiên, người Kitô hữu tin rằng vì đó là công trình kỳ diệu Thiên Chúa đã làm nên và từ trong vẻ đẹp thiên nhiên con người còn vươn tới Thiên Chúa để nhận biết Người:

“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới,đêm này kể lại với đêm kia. Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. Chúa căng lều cho thái dương tại đó” (Tv 18, 2 – 6)

Hành khất nơi cửa nhà mình, chính là quên mất ta đang sống trong nhà Thiên Chúa mà giống như người làm công trong câu chuyện dụ ngôn người cha nhân từ (Lc 15, 1 – 32). Hoặc đã để ân sủng Thiên Chúa trôi mất mà không sinh hoa kết trái.
 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan


 
 
[1] Amlya Chakravaty, A Tagore Reader, Beacon Press, Boston, 1977, Lưu Đức Trung chuyển dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây