TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tổ ấm của đời mình

Thứ tư - 12/05/2021 23:30 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   930
Tổ ấm của đời mình

Chúa Nhật XI – TN – B
Giáo Hội: Tổ ấm của đời mình

Những ngày vừa qua, các em học sinh đã bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè. Nói tới nghỉ hè, có lẽ những người lớn tuổi, không ai lại không biết đến bài tình ca “Nỗi buồn hoa phượng” với lời mở đầu nặng trĩu u buồn, rằng “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn”.

Vâng, những nỗi buồn của tuổi học trò ngày xưa đúng là những nỗi buồn man mác. Man mác buồn vì “Ngày mai xa cách hai đưa hai nơi... Những chiều hẹn nhau lúc đầu. Giờ như nước trôi qua cầu”.

Thế nhưng, với tuổi học trò ngày nay, có lẽ, nỗi buồn của họ không còn “man mác” nữa, mà là một nỗi buồn lo với những thực tế trong cuộc đời của một người học trò hôm nay. Đó là nỗi buồn lo về những cuộc thi, thi hết cấp – chuyển cấp – cao đẳng – đại học v.v… Nói chung là nỗi lo về “kết quả” cho những năm tháng dùi mài kinh sử.

Thật ra, không chỉ trong lãnh vực học hành, mà trong bất cứ lãnh vực nào, khi thực hiện, người ta đều lo nghĩ tới kết quả của nó. Người thương gia chẳng hạn, có ai lại không mong muốn một thương vụ nào đó của mình đạt kết quả mỹ mãn. Còn người nông gia thì sao? Thưa, cũng vậy, không một nông gia nào lại không muốn kết quả sau những ngày gieo trồng là một vụ mùa bội thu.

“Kết quả”. Vâng, Thiên Chúa cũng muốn nhìn thấy kết quả trong đời sống đức tin của những ai tin vào Người. Thật vậy, Đức Giê-su, trong bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng, Ngài đã tỏ rõ hàm ý đó cho các môn đệ, qua lời nhắn nhủ tha thiết, rằng: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (x.Ga 15, 8).

Nói cách khác, đã tin và theo Chúa, người môn đệ của Ngài phải “sinh nhiều hoa trái”, vì đó chính là dấu chỉ để mọi người thấy “kết quả trong đời sống đức tin”.

Trong một lần rao giảng tại Biển Hồ, qua dụ ngôn “người gieo giống”, Đức Giê-su đã cho mọi người thấy thế nào là người có kết quả trong đời sống đức tin.

Vâng, dụ ngôn đã được kể rằng: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Có hạt rơi vào vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. Có những hạt rơi nhằm đất tốt, nó mọc lên và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm” (x.Mc 4, 3-8).

Dụ ngôn tuy ngắn gọn nhưng đủ làm sáng tỏ, ai… ai là người, khi đến với niềm tin, đã sinh kết quả trong đời sống đức tin. Vâng, như lời Đức Giê-su đã giải thích, đó là “… những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm”.

Về dụ ngôn này, Lm. Charles E. Miller chia sẻ rằng “Chúa Giê-su không định dạy chúng ta một bài học về nông nghiệp hay vật lý, mà thôi thúc ta chiêm ngắm một mầu nhiệm sâu thẳm hơn, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa trong Giáo Hội.

Lm. Charles chia sẻ như thế, vì hôm đó, Đức Giê-su không chỉ nói đến kết quả trong đời sống đức tin của một cá nhân, nhưng qua hai dụ ngôn kế tiếp, “Dụ ngôn hạt giống tự mọc lên” và “Dụ ngôn hạt cải”, Ngài muốn hướng mọi người đến kết quả trong đời sống đức tin của cộng đồng dân Chúa tức là Giáo Hội.

Đức tin của cộng đồng dân Chúa tức là Giáo Hội có được là do kết quả trong đời sống đức tin của từng cá nhân. Và khi kết quả trong đời sống đức tin của cộng đồng dân Chúa tức là Giáo Hội nảy nở, một sự mầu nhiệm sẽ xảy ra, đó là “Nước Thiên Chúa trong Giáo Hội” sẽ lớn lên, lớn lên tương tự như sự ví von của Đức Giê-su, qua dụ ngôn hạt cải, rằng “như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (x.Mc 4, 31-32).

Sự ví von này, đã xảy ra đúng như thực tế trong lịch sử Giáo Hội. Thật vậy, lịch sử Giáo Hội tiên khởi cho chúng ta thấy, thoạt đầu mười hai người môn đệ chỉ là một nhúm nhỏ “hạt giống”. Thế mà, khi được gieo trồng tại Giê-ru-sa-lem, nhờ đức tin, nó lan tỏa lên phương bắc tới An-ti-ô-khi-a xứ Xyri, kế tiếp, vượt qua Địa Trung Hải để đến Rô-ma… Châu Âu và cuối cùng là “cho đến tận cùng trái đất”.

**
Theo số liệu gần đây, cho đến cuối năm 2013, Giáo Hội Công Giáo đã có tới một tỷ hai trăm năm mươi ba triệu tín hữu, họ đã đến để “làm tổ dưới bóng” ngôi nhà Vatican.

Vâng, chắc hẳn, nếu có sống lại, “anh cả Phê-rô” cũng không thể tin được sự kỳ diệu của mười hai hạt cải đầu tiên, trong đó có ngài, được gieo ở Giê-ru-sa-lem năm xưa, nay đã mọc lên và tràn lan khắp thế giới trong đó có Việt Nam, một quốc gia đứng thứ năm ở Châu Á về số lượng tín hữu, với số lượng linh mục và tu sĩ đông đảo, với hàng ngàn ngôi thánh đường lớn nhỏ.

Ôi! đúng là một mầu nhiệm, mầu nhiệm “Nước Thiên Chúa trong Giáo Hội”.

Tuy nhiên, đừng vội mừng… đừng vội mừng về những “kết quả” đó. Tại sao? Thưa, là bởi cần nhìn lại xem, những kết quả đó, có phải là những kết quả đến từ Thánh Thần, hay không!

Làm sao để có thể nhận ra đâu là “kết quả đến từ Thánh Thần?” Thưa, xem quả biết cây, Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài đã dạy rằng: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ?” (x.Mt 7, 16)

***
Thưa Bạn, lời Chúa dạy là thế. Thế nên, đừng vì một thiếu sót hay sai lầm nhỏ của một ai đó trong Giáo Hội mà chúng ta vội vàng rời xa Giáo Hội.

Chúng ta chỉ cần nhớ một điều, rẳng: “Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (x.2Cr 5, 10)

Thế nên, điều tốt nhất, đó là, hãy xác định, tôi là một Ki-tô hữu, là một phần của “Nước Thiên Chúa trong Giáo Hội”, và hãy tự hỏi lòng mình rằng: “tôi đã sinh hoa kết trái” và “hoa trái” đó có phải là hoa trái của Thần Khí?

Nói cách khác, tôi có sinh hoa trái “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”?

Hãy thử tưởng tượng xem, trong phạm vi nhỏ là gia đình, nếu chúng ta sinh hoa trái “nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”, có phần chắc gia đình chúng ta sẽ là một “tổ ấm”, một nơi mà vợ chồng chúng ta sẽ “ý hợp tâm đầu”, anh em chúng ta sẽ “hòa thuận” và cuối cùng, con cái chúng ta sẽ không ngần ngại coi đó như là nơi “có thể làm tổ dưới bóng” cha mẹ của mình.

Còn trong phạm vi lớn hơn là xã hội cũng như giáo hội thì sao? Thưa, cũng với những hoa trái nêu trên, có phần chắc, ít nhất là nơi chúng ta cư ngụ, hàng xóm láng giềng sẽ thân thiết. Giáo xứ chúng ta sẽ là một nơi mà mọi người “luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (x.Cv 2, 42)

Đừng bao giờ quên rằng, “Anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu”, Kinh Thánh dạy “cả ba đều đẹp lòng Thiên Chúa”.

Còn siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, thì sao? Thưa, đó là cách tốt nhất để chúng ta “Ở lại trong Chúa”, mà như lời Đức Giê-su đã nói: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”.

Giờ đây, chúng ta hãy trở về trong thinh lặng và tự hỏi, suốt bao năm tháng qua, những năm tháng được trở thành môn đệ Chúa, tôi đã thật sự “Làm đẹp lòng Chúa và ở lại trong Chúa…?”

Vâng, nếu chưa thì hãy bắt đầu làm ngay hôm nay, bởi vì, “làm đẹp lòng Chúa và ở lại trong Chúa” đó chính là dấu chỉ cho mọi người thấy kết quả trong đời sống đức tin của ta. Hơn thế nữa, nó còn làm cho mọi người nhìn Giáo Hội như là một nơi họ “có thể làm tổ dưới bóng”. Nói cách khác, nơi mọi người có thể coi đó như là “tổ ấm của đời mình”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây