TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phút Linh Thiêng

Thứ tư - 12/05/2021 23:28 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   718
Phút Linh Thiêng

Lễ Mình Máu Chúa

Phút Linh Thiêng

Steve Jobs có nói: “You can’t connect the dots looking forward; you can only connect them looking backwards. Bạn không thể kết nối các điểm trong đời bạn khi nhìn về phía trước; bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại phía sau”.

Đúng vậy, “nhìn lại phía sau” hay nói một cách văn chương hơn, là “hồi tưởng hoặc tưởng nhớ”, nó chính là chất xúc tác “kết nối” quá khứ và hiện tại, không chỉ đời ta mà còn là đời anh chị em ta, là những người đang sống. Hơn thế nữa, việc tưởng nhớ còn “làm sống lại” những người đã khuất, để kết nối với những người còn đang sống.

Thật vậy, cứ nhìn vào những lễ giỗ tưởng nhớ ông bà cha mẹ, hay những buổi lễ tưởng nhớ chiến sĩ trận vong, v.v... Vâng, chính những buổi lễ tưởng nhớ đó; ở cấp độ gia đình, nó đã kết nối mọi người, nó làm sống lại quá khứ của một dòng tộc. Còn ở cập độ quốc gia ư! Vâng, nó làm sống lại quá khứ hào hùng của một dân tộc. Nói tắt một lời, đó là một sự “kết nối” hoàn hảo.

Nói tới tưởng nhớ, là một Ki-tô hữu, chúng ta có rất nhiều ngày để “tưởng nhớ”. Tưởng nhớ ngày “Chúa sinh ra - Chúa chết đi và Chúa sống lại”. Chưa hết, còn một ngày rất đặc biệt, đó là ngày Đức Giê-su lập ra “Bí Tích Thánh Thể”.

Chính Đức Giê-su, không ngoài ai khác, Ngài đã lập ra và đã truyền dạy cho các môn đệ rằng: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (x.Lc 22, …19).

Vâng, việc Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể và truyền dạy các môn đệ phải “làm việc này mà tưởng nhớ” đã được kể lại rằng: Hồi ấy, nhân một dịp Thầy và trò cùng mừng lễ Vượt Qua tại Giê-ru-sa-lem.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giê-su dự lễ Vượt Qua. Nhớ, có một lần dự lễ Vượt Qua, Ngài đã phẫn nộ trước cảnh “bát nháo”, bát nháo vì người ta đã biến Đền Thờ làm nơi buôn bán. Hôm đó, một nỗ lực làm sạch sẽ Đền Thờ đã được Đức Giê-su thực hiện. Đó là, Đức Giê-su đã “lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả”

Còn hôm nay, âm thầm hơn. Sự âm thầm đó tràn ngập trong căn nhà Thầy và trò cùng dự lễ Vượt Qua. Chuyện kể rằng: “Đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy’. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: ‘Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người’… Sau đó, hát Thánh Vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Oliu” (x.Mc 14,22- 26).

**
“Đây là mình Thầy”… cái gì là “mình” Thầy? Thưa, bánh. “Đây là máu Thầy”… cái gì là “máu” Thầy? Thưa, rượu.

Mặc dù chính Đức Giê-su tuyên bố như thế, thế nhưng, thật đáng tiếc khi còn một số người, miệng xưng danh Ki-tô, nhưng lại chống lại Đức Giê-su Ki-tô qua việc phủ nhận điều này. Họ cũng dẫn chứng Kinh Thánh nhưng lại dẫn chứng nửa vời. Họ quên rằng, “nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật nữa”.

Tông đồ Phao-lô, một nhà truyền giáo nổi danh thời đó, xác tín điều này khi nói với cộng đoàn ở Cô-rin-tô rằng: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Đây là mình Thầy, hiến dâng vì anh em, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy’. Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: ‘Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (x.Cor 1, 23-25).

Cuối cùng, chúng ta đừng quên, “Đây là Mầu Nhiệm đức tin”.

***
Thưa Bạn, bạn có tin vào lời Đức Giê-su đã nói: “Đây là mình Thầy - Đây là máu Thầy”?

Nếu có, hãy tự hỏi lòng mình, rằng, tôi có “Nào mau tới thờ lạy Chúa. Quỳ dâng lòng tôn kính Chúa trên cao”?.

Nếu tin, hãy tự hỏi lòng mình, rằng; tôi có “Cảm mến ơn Chúa ban tràn lan cho trần gian Mình Máu Thánh nên nguồn sống tuôn ngày đêm”??? (trích: Phút Linh Thiêng – Lm Thành Tâm)

Nếu tin, hãy tự hỏi lòng mình, rằng, tôi có “làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”?

Vâng, hôm vừa qua, ngày 25/05/2015, toàn thể dân chúng Hoa Kỳ cử hành lễ tưởng niệm những quân nhân đã hy sinh vì đất nước trong ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Theo bản tin của đài VOA cho biết, rằng: “Trong khi nhiều cộng đồng trên khắp nước tưởng niệm các tử sĩ với những cuộc diễn hành, các buổi hoà nhạc nói lên tinh thần yêu nước, và các buổi lễ thì các cộng đồng khác sẽ đánh dấu ngày này bằng những giây phút suy ngẫm trong tĩnh lặng về những người đã ngã xuống trong khi đang phục vụ trong quân đội”.

Nhắc tới chuyện này để làm gì? Thưa, để tự hỏi ta rằng: khi “tưởng nhớ đến Thầy”, tôi cũng có những “giây phút suy ngẫm trong tĩnh lặng” về những gì Thầy đã làm trong bữa tiệc Vượt Qua năm xưa?

Nói rõ hơn, tôi có sẵn sàng cầm lấy tiền bạc Chúa ban cho ta, “dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra”, bẻ ra trao cho những người khốn khổ nghèo khó?

Tôi có sẵn sàng cầm lấy niềm vui Chúa ban cho ta, “dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra” bẻ ra đem đến cho những ai đang “u sầu”?

Còn… còn rất nhiều cái chúng ta phải sẵn sàng cầm lên, như: sự nhẫn nhục, sự từ tâm, sự trung tín, sự hiền hòa, sự tiết độ, để bẻ ra và đem đến cho những ai đang phải sống chung với sự nghi nan, ngờ vực, thất vọng.

Là một Ki-tô hữu, là một người môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta không thể từ chối, trốn tránh việc phải bị “bẻ ra”. Tại sao? Thưa, là bởi, chính Đức Giê-su đã bị bẻ ra, bẻ ra bằng “cái chết của mình, mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm” (x.1Cor 9, 15).

Cuối cùng, chính việc “bẻ ra và trao cho”… vâng, chính việc này đem lại cho những giờ phút mà chúng ta “tưởng nhớ đến Thầy” là những “Phút Linh Thiêng”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây