TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tôn giáo của con người

Thứ hai - 06/05/2024 06:43 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   338
Chúng ta nhận ra được Thiên Chúa nếu biết khiêm nhường đón nhận mặc khải của Thiên Chúa.
Tôn giáo của con người


 
 

“Say nhừ vì nguồn vui ca hát, tôi quên bẵng thân mình; tôi gọi người là bạn, Thượng Đế của lòng tôi.” (Bài số 2, Lời dâng, R.Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch)

Người Ấn Giáo gọi danh Thượng Đế bằng bao hình ảnh tuyệt mỹ diễn tả: “Hỡi vầng dương, ngoài bầu trời ra, còn có vật chi đáng được giữ hình ảnh của Người? Bé bỏng như tôi, làm sao giữ được Người, và đời tôi chỉ là nước mắt”[1], Thượng đế đối với Tagore cũng như đối với Upanishads dạy là ai?

Theo Tagore: “Chúng tôi được dạy phải xem: ‘Mọi vật hiện hữu trên thế giới như một Thượng Đế bao trùm’. “Tôi vẫn và mãi mãi khấu đầu trước Thượng Đế, Ngài ngự trong lửa và trong nước, Ngài thẩm thấu nhuần khắp cả thế giới. Ngài ngự trong các mùa màng hằng năm cũng như trong các cây đại thụ”. “Không những thấy Ngài ở vạn vật mà còn kính chào Ngài ở mọi vật trên đời”[2].

Tagore vận dụng lời Chúa Giêsu trong Thánh Kinh để giải bày giáo lý Upanishads: “Chúng ta từng được thấy cái chân lý trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu, khi Người nói: “Một con lạc đà muốn chui qua lỗ kim còn dễ hơn là một người giàu vào cõi thiên đàng” (Mt 19, 24) - ngụ ý rằng tất cả những gì ta quý chuộng chỉ vì hà tiện đều biệt lập ta với thiên hạ. Kẻ chỉ lo tích tụ của cải càng lắm giới hạn. Kẻ chỉ lo tích tụ của cải là một cái ngã phồng lên không ngừng, nên không sao qua lọt các cửa nhận thức thế giới tâm linh, tức là thế giới hòa đồng trọn vẹn; kẻ đó bị tù túng trong cái khuôn khổ hẹp hòi của thụ đắc vụn vặt của hắn”[3]. Viện chứng những điều đó, Tagore nhắc lại giáo lý cốt yếu của kinh Upanishads: “Để tìm ra Ngài, phải đón nhận tất cả”.

Trở nên tất cả và đón nhận tất cả, đó là cách nói của Ấn Giáo diễn tả từ Atman trở về hòa quyện cùng Brahman, tiểu hồn hòa vào Đại hồn. Đại hồn người Ấn gọi không danh, không tánh, không ngôi vị, bao trùm khắp vạn vật, là tất cả và trong tất cả. Vạn vật, cái bao trùm kia, cái là tất cả kia, có một chủ thể là một ngôi vị vĩnh hằng, đó là Thiên Chúa. Sự khát khao tìm kiếm của con người trong kinh Upanishads đạt đến độ rất cao. Khi Tagore gọi tôn giáo của con người, ở đó đã minh định con người là hữu thể tôn giáo, chúng ta có thể nhận ra giữa các dấu chỉ ấy một điều cơ bản,  Thánh Phao lô đã thuyết trình tại Athene: “Đứng giữa Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, ông Phao-lô nói: "Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: "Kính thần vô danh". Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị. "Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự. Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người”[4].

Con người giữa những khắc khoải kiếm tìm linh thiêng bao trùm vạn vật, cần nhận ra sự khác biệt giữa thụ tạo và Đấng Sáng Tạo: Trong thụ tạo có dấu ấn của Đấng Sáng Tạo, và Đấng Sáng Tạo là chủ thể của tòan bộ công trình sáng tạo. Như vậy, nhìn xuyên suốt qua những gì con người có thể nghiệm thấy và theo nguyên tắc: “Luận cứ đồng quy và có sức thuyết phục” giúp con người nhận biết chắc có Thiên Chúa. Về những người tìm kiếm chân lý qua con đường tự nhiên, Thánh Phaolô khẳng định: “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người [5].                                                                                                  
Chúng ta nhận ra được Thiên Chúa nếu biết khiêm nhường đón nhận mặc khải của Thiên Chúa. Do đó, Giáo Lý Công Giáo dạy rằng: “Với tâm hồn cởi mở đón nhận sự thật và vẻ đẹp, với lương tri, tự do và tiếng nói của lương tâm, với khát vọng vươn tới vô tận và hạnh phúc, con người tự hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Qua những đặc tính trên, con người nhận ra những dấu chỉ cho thấy mình có linh hồn. “vì mầm sống vĩnh cửu mà con người mang nơi mình, không thể giản lược chỉ duy vào vật chất, nên linh hồn con người chỉ có thể xuất phát từ Thiên Chúa”[6]

Vẻ đẹp của thiên nhiên, mà ở đó Tagore có khi gọi là em trong vai nàng thiếu nữ, có khi là giọt sương mai, có khi là trái đất…Những tên gọi kỳ diệu của thiên nhiên ấy, người Kitô hữu cũng có thể bắt gặp trong các lời tôn vinh của các thánh nhân, như Thánh Augustino trong “TựThuât”. Đoạn này được trích dẫn từ Sách Giáo Lý Công Giáo toàn cầu:

“Hãy hỏi vẻ đẹp của trái đất, biển khơi, khí trời căng nở và lan tỏa, của thiên nhiên và bầu trời…hãy hỏi tất cả những thực tại ấy. Tất cả sẽ trả lời bạn: Hãy xem đó chúng tôi thực là đẹp. vẻ đẹp của chúng là lời tuyên xưng. Ai đã làm ra những cảnh đẹp kì vĩ ấy, nếu không phải là Đấng Tòan Mỹ không hề đổi thay”[7]
 
 L.m Giuse Hoàng Kim Toan


 
 
 
[2] Thực nghiệm tâm linh, sadhana, R.Tagore, trang 25, bản dịch Như Hạnh, Kinh Thi xuất bản, 1973.
[3] Thực nghiệm tâm linh, sadhana, R.Tagore, trang 24, bản dịch Như Hạnh, Kinh Thi xuất bản, 1973.
[4] Cv 17, 22 -28
[5] Rm 1, 19 - 22
[6] Gltc, 33.
[7] GLTC 32

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây