TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Lễ Các Thánh Nam Nữ

“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về họ.” (Mt 5, 1-12a)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Măng Đen – Kon Tum

Thứ bảy - 04/05/2024 10:49 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   540
Đến Kon Tum, nhiều người cũng tìm đến ngôi Nhà Thờ Gỗ để chiêm ngưỡng thánh đường bằng gỗ “trăm năm”, đã “trơ gan cùng tuế nguyệt”,
Măng Đen – Kon Tum

Măng Đen – Kon Tum


Tháng tư trời oi bức, nhiều người tìm đến Măng Đen để hưởng bầu không khí mát mẻ như Đà Lạt.

Trong “Hành Trình Khám Phá Đại Ngàn Măng Đen Cùng Nam Dược”, chúng tôi được tham quan Hồ Đăk Ke; chiêm ngưỡng Đường Thông Măng Đen; thăm Chùa Khánh Vân, được xây dựng từ năm 2012, tại đây có người cầu duyên cho mình và cho người; thăm Quảng Trường Măng Đen, thác Pa Sỹ, Cầu Treo nơi những xe dưới 5 tấn được phép qua lại, và Nhà Rông KonK’lor; thăm Tượng Đức Mẹ Măng Đen, để tìm sự bình an tâm hồn và trong cuộc sống cùng chiêm ngưỡng công trình tôn giáo Nhà Thờ Gỗ Kon Tum hơn trăm năm tuổi.

image 50458369

Thị trấn Măng Đen nằm ở phía nam huyện Kon Plông, trên cao nguyên Măng Đen, ở độ cao khoảng 1200 mét so với mực nước biển. Thị trấn có quốc lộ 24 đi qua, nằm cách thành phố Kon Tum khoảng 50 km về phía đông bắc.

Thị trấn Măng Đen có diện tích 148,07 km², dân số năm 2018 là 6.913 người.

Do nằm ở độ cao 1200 mét so với mực nước biển, được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng nguyên sinh bao quanh, thị trấn có khí hậu miền núi ôn hòa mát dịu quanh năm. Bên cạnh thảm rừng nguyên sinh, cảnh quan thiên nhiên nơi đây còn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và nông nghiệp cây xứ lạnh, cây dược liệu do độ ẩm cao, thổ nhưỡng phù hợp, địa hình đa phần gò đồi thấp, cùng hệ thống sông, suối và nhiều hồ, thác nước. Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ 20, người Pháp đã đến Măng Đen khảo sát, đưa cây thông vào trồng với ý định xây dựng một trạm nghỉ dưỡng trên vùng đất này. Vì khí hậu và cảnh quan đặc biệt, có nhiều nét tương đồng với Đà Lạt nên nơi đây được ví như là Đà Lạt của vùng Bắc Tây Nguyên, và hiện được quy hoạch để trở thành Khu du lịch sinh thái quốc gia.

Măng Đen thuộc tỉnh Kon Tum.
Kon Tum là tỉnh nằm ở phía bắc Tây Nguyên, Việt Nam. Diện tích: 9.614 km²
Dân số: 528.043 (2018)
Dân tộc: Ba Na, Kinh, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Gia Rai.
Biệt danh: Vùng đất ngã ba Đông Dương; Vùng đất bảy hồ ba thác; Thủ phủ sâm Ngọc Linh.

Giáo phận Kon Tum

Hiện nay (năm 2014) địa giới giáo phận Kontum nằm gọn trong hai tỉnh Kontum và Gia Lai với diện tích: 25.728,70km2, thuộc vùng Bắc Tây Nguyên. Bao gồm cả Tỉnh Gia Lai và Kontum (Gia Lai: 15.536 Km2, Kontum: 9.689 Km2) Dân số 2 tỉnh: 1.775.200 người.
Gia Lai: 1.322.000 người, bao gồm 1 Thành Phố, 2 Thị xã và 14 huyện.
Kontum: 453.200 người, bao gồm 1 Thành Phố, 8 huyện.

I. Miền Truyền Giáo Kontum.

- 1848: Sau nhiều lần thất bại, năm I Tự Đức, Thầy Sáu Do theo ngả An Khê lên Tây Nguyên. Theo giúp một nhà buôn, Thầy đi tìm đường và trở về hướng dẫn các “nhà truyền giáo” lên Miền Kontum, trong khi Miền Xuôi đang bị cấm cách dữ dội. (x. Các chỉ dụ cấm đạo năm 1839, 1846, 1848, 1851, 1854, 1857,1861 và Văn Thân 1885).

- 1850 Thầy Do, Lm. Combes, Lm. Fontaine và 7 Thầy Giảng lên ngả An Sơn. Bất ngờ gặp Bok Kiơm tại Kon Phar. Tất cả “ngoài ý muốn của con người”. Sau đó Bok Kiơm và Thầy Do kết nghĩa anh em.

- 1851 Đức Cha Stêphanô Cuénot Thể phân bổ lãnh vực phụ trách mục vụ Miền Truyền Giáo Tây Nguyên: Lập 4 Trung Tâm Truyền Giáo: - TT Kon Kơxâm: Lm. Combes, Bề trên Miền, phụ trách truyền giáo bộ tộc Bahnar-Jơlơng. - TT Plei Rơhai: Lm. Dégouts và Thầy Sáu Do, đặc trách truyền giáo bộ tộc Bahnar – Rơngao. - TT Kon Trang: Lm. Dourisboure, đặc trách truyền giáo bộ tộc Xê-đăng. Và TT Plei Chư: Lm. Fontaine, đặc trách truyền giáo bộ tộc Jarai.

- 1852 01.01. Lm. Dourisboure rửa tội đầu tiên: Em bé Xê-đăng hấp hối, tại Kon Trang. Khoảng giữa năm, Thầy Do về Gò Thị chuẩn bị thụ phong Linh mục.

- 1853 Tháng 07: Lm Do về làm việc tại Trung tâm Rơhai với Lm Dégouts.
- 28.12. Ông Hmur, chủ làng Kon Kơxâm, người tín hữu Bahnar-Jơlơng đầu tiên.

- 1861 14.11. ĐC Stêphanô Cuénot Thể “chết rũ tù” tại khám Bình Định, sau 32 truyền giáo tại Việt Nam. Ngài sống và làm việc “để tín hữu vững tin và đào tạo những tông đồ truyền giáo”.

- 1862 14.01. ĐC Stêphanô Cuénot Thể bị quật mồ và thả xác trôi sông theo lệnh vua.

- 1885 Cao điểm Phong Trào Văn Thân diệt Công giáo.

- 1901 Số giáo dân Bahnar: 8.000 người.

- 1908 07.01. ĐC Grangeon Mẫn khánh thành Trường Yao Phu Cuénot.

- 1913 Xây dựng Nhà thờ gỗ Kontum.

- 1915 05.12 “Luơt De Chu Giao Phu” được giáo quyền phê chuẩn.

- 1931 Dân Plei Rơhai chuyển qua sống tại địa điểm hiện nay.

II – Giai Đoạn Phát Triển (1932 - 1960)

- 1932 Ngày 18.1 năm 1932, Giáo hoàng Piô XI quyết định thành lập Địa phận Kon Tum gồm ba tỉnh Kontum, Pleiku, Darlac và một phần lãnh thổ Attâpư thuộc Lào, phong Linh mục M. Jannin Phước làm Giám mục hiệu tòa Gadara và bổ nhiệm ngài làm Đại diện Tông tòa Địa phận Kontum.
- Dòng Giuse lên phục vụ Gp Kontum.

- 1933 23.06. Lm. Jannin Phước, Giám mục tông tòa đầu tiên của Gp Kontum. Tấn phong tại Kontum. “Sursum Corda” (Tv 25,1).

- 1935 Mở Probatorium, tiền thân CVK. - Truyền chức Lm người Việt đầu tiên tại Kontum : Cha Tađêô Gương (+ 1937)

- 1942 22.04: Đc Gioan Sion [Khâm], Gm Tông tòa thứ hai của Gp Kontum. “Dilexi Te” (Gr. 31,3)

- 1947 06.04: Lập Hội Dòng Đức Mẹ Ảnh Phép Lạ.

- 1952 ĐC Paul Seitz [Kim], Gm Tông Tòa thứ 3 của Gp Kontum. “Fac me Cruce inebriari” (Stabat Mater Dolorosa 17).

- 1955 01.08: Lm J. Dournes lập Trung tâm Truyền giáo Bon Ama Djơng, Cheo Reo.

- 1956 Dòng Lasan lên Kontum.
- Dòng thánh Phaolô thành Chartres lên Cheo Reo phục vụ người Jarai.
- Tái thiết Trường Yao Phu Cuénot.

- 1959 Lập Dòng MTG Kontum, tiền thân Dòng Nữ Vương Hòa Bình (1961).

III – Giai Đoạn Trưởng Thành (1960 - )

- 1960 Tòa Thánh thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam.
- 1961 Chuyển MTG Kontum thành Dòng Nữ Vương Hòa Bình, sau chuyển về Buôn Ma Thuột.
- 1963 MTG Gò Thị lên phục vụ tại Pleiku.
- 1967 22.06: Tòa Thánh lập Gp Ban Mê Thuột, Lm Phêrô Nguyễn Huy Mai được bổ nhiệm Giám mục.
- 1969 Dòng Chúa Cứu Thế lên truyền giáo vùng Jarai. - Lập Trung tâm Truyền giáo Pleikly, Pleiku.
- 1970 Dòng Chúa Quan Phòng lên Kontum phục vụ.
- 1972 Lập Trung tâm Truyền giáo Pleichuet, Pleiku.
- 1973 Dòng Tiểu Đệ lên Cheo Reo, Phú Bổn.
- 1975 27.03: Lm Alexis Phạm Văn Lộc được tấn phong Giám mục phó Gp Kontum. “Omnium Servum” (1Cr 9,19).
- 12.08: ĐC Paul Seitz-Kim (+24.2.1984) và các vị thừa sai ngoại quốc “được lệnh” rời Việt Nam. Gp Kontum: 78.242 Tín hữu (38.178  Dân tộc); 96 Lm (1 Dân tộc, 68 Kinh, 27 MEP); 43 Địa sở và 214 giáo họ.
- 1981 22.11: Lm Phêrô Trần Thanh Chung được tấn phong Giám mục phó Gp Kontum. “Dilexit Me” (Gl 2,20).
- 1992 18.01 – 14.11: Năm Thánh Giáo Phận Kontum Mừng Kỷ Niệm 60 Năm Thành Lập Giáo Phận Kontum.
- 1998 [ 01.01 ] 1999: Năm Thánh Giáo Phận Kontum Mừng 150 Năm Truyền Giáo Tây Nguyên.
- 2000 Đại Năm Thánh
- 2003 28.08: Lễ Tấn Phong ĐC Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Chính Tòa Gp Kontum “Pater Noster” (Mt 6,9).
- 2007 14.11: Khai mạc Năm Thánh Yao Phu Mừng 100 Năm Thành Lập Trường Yao-Phu Kuênot. (1)

Tính đến cuối năm 2023, Giáo phận Kontum hiện nay, gồm 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai:
- Diện tích: 25.187 km2. Dân số: 2.170.900 người.
- Tổng số giáo dân (2023): 396.040 (Người Kinh: 108.834; Người Thượng: 287.206)
- Giáo hạt 11 (Miền Kontum 4 giáo hạt, Miền Pleiku 7 giáo hạt)
- Dòng tu 41, Tu Hội (28 Dòng Nữ, 12 Dòng Nam)
- Số nam nữ tu sĩ: 739 (685 nữ tu, 54 nam tu sĩ). (2)

Đức Mẹ Măng Đen

Trong “Hành Trình Khám Phá Đại Ngàn Măang Đen” đoàn du lịch đã đến kính viếng tượng “Đức Mẹ Măng Đen”.

image 50441217


Theo tư liệu của Tòa Giám Mục, một tượng đài thô sơ, vững chắc, không mái che, đã được xây dựng trên một triền núi tại Măng Đen vào mùa Vọng năm 1971. Đứng trên tượng đài là một pho tượng Đức Mẹ Fatima có tràng hạt giăng trên hai bàn tay. Vào dịp lễ Thánh Gia Thất năm 1974, Đức Cha Phaolô Seitz Kim, Giám Mục Kontum, đã tới cử hành thánh lễ tại đây. Năm 1974 chiến sự đã biến vùng đồi núi này thành chốn hoang tàn, rất ít thấy bóng người lai vãng. Pho tượng vẫn đứng cô đơn trên tượng đài giữa cánh rừng hoang vắng. Điều đáng nói là pho tượng, vẫn nguyên vẹn, đã được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1983 bởi một đôi vợ chồng bên lương, đầu và tay không còn. Vợ chồng lương dân này có lẽ vẫn chăm sóc và trùng tu đầu bức tượng cho tới ngày có người công giáo được biết.

Năm 2006, một xe ủi đường theo mốc phóng mở đường vòng đai thị trấn Kon Plông, khi đến gần tượng đài (cách trung tâm thị trấn khoảng 1 km) thì bị tắt máy hoặc máy vẫn nổ mà không tiến được. Kêu thợ đến sửa thì thợ bảo máy vẫn tốt. Sau đó người ta mới nhận ra có bức tượng ở phía trước mặt, anh tài xế lại rồ máy và ủi tránh sang một bên – nên con đường giờ đây hơi cong so với dự tính ban đầu của nhà quy hoạch – và xe đã chạy ngon lành. 

Người công giáo đầu tiên được thấy pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay vào ngày 9-12-2006. Chính ông đã trình báo ngay cho Tòa Giám Mục Kontum.

Ngày 28-12-2006, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, cùng một số linh mục, tu sĩ đến kính viếng Đức Mẹ Măng Đen lần đầu tiên. Và ngày 09-12-2007, lần đầu tiên Đức Giám Mục Giáo Phận cùng các linh mục, tu sĩ, và hơn 2.000 thường dân (cả giáo lẫn lương, cả Kinh lẫn Thuợng) đã dâng thánh lễ long trọng kính Đức Mẹ tại đây.

Sau một thời gian dài xây dựng, ngày 28.10.2022, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị đã chủ sự Thánh Lễ tạ ơn và làm phép Đền Thánh Đức Mẹ Sầu Bi Măng Đen.

Pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay gửi đi một sứ điệp thống thiết mời gọi mọi khách hành hương hãy cùng với Đức Maria quan tâm tới con người, nhất là người nghèo khó, đau khổ,… cầu nguyện cho họ và dấn thân làm một cái gì đó cho họ như một sự hiệp thông và chia sẻ tình người và tình Chúa. (3)

Nhà Thờ Gỗ Kon Tum

Nhà Thờ Gỗ Kon Tum là Nhà Thờ Chánh Tòa của giáo phận Kon Tum với tước hiệu Đức Mẹ vô Nhiễm Nguyên Tội, tọa lạc tại 13 đường Nguyễn Huệ, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

mang den1

Theo tư liệu lịch sử, vào những năm giữa thế kỉ 19, có một con đường dài 120 km tên gọi là con đường “Muối, gốm sứ và cồng chiêng” từ Quảng Ngãi lên Kon Tum. Con đường này hẻo lánh, hoang vu, gập ghềnh từ ngã ba Thạch Trụ, Quảng Ngãi qua Ba Tơ, đèo Violắc là con đường buôn muối, gốm sứ và cồng chiêng hoặc các vật dụng giao thương giữa người Kinh và người dân tộc trong khu vực. Khi đó những nhà truyền giáo người Pháp cũng đã theo con đường này để bắt đầu công cuộc truyền giáo và có ý định xây dựng các nhà thờ nhỏ bằng gỗ, tre để truyền đạo. Nhà thờ đầu tiên như vậy được xây dựng vào năm 1870. Cho đến khi số lượng giáo dân đông dần, linh mục Giuse Decrouille được giao cai quản xứ đạo Kon Tum. Vào năm 1913, ông quyết định xây dựng ngôi nhà thờ lớn với vật liệu chủ yếu là gỗ cà chít. Công việc xây dựng nhà thờ gỗ Kon Tum bắt đầu từ năm 1913 và kéo dài đến năm 1918 mới hoàn tất.

Nhà thờ gỗ Kon Tum được làm bằng gỗ cà chít (sến đỏ) (trần và tường được xây bằng đất trộn rơm) thiết kế theo kiến trúc Roman, phối hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na từ những đường nét họa tiết đến những điểm nhấn trên chất liệu nên đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng của người Tây Nguyên. Trên tường là những bức tranh kính màu rực rỡ về Chúa, Đức Mẹ.

Dù đã trải qua bao biến thiên lịch sử, cho đến nay Nhà thờ vẫn không hề bị hư hỏng mà vẫn vững chắc. (4)

Yao Phu

Nhắc đến Kon Tum, chúng ta còn biết đến hai nét đặc sắc khác đó là Trường Yao Phu và Hội Dòng Ảnh Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ.

Yao Phu, Là Ai?

13 Trường Yao Phu

Ý tưởng đào tạo các Yao Phu cho cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên đã được manh nha từ lâu trước. Nhưng phải đợi tới năm 1908, công trình này mới được thừa nhận công khai và chúc phúc qua việc Đức Cha D. Grangeon lên làm phép khánh thành Trường Cuénot cùng bổ nhiệm Cha Martial Jannin làm vị Giám Đốc tiên khởi. Đây được coi như là ngày sinh nhật của Hội Yao Phu.

Vậy Yao Phu là ai?  Sách Luật Yao Phu, xuất bản năm 1915, viết  rõ: “Chúng tôi lập Trường Cuénot, mục đích là muốn đào tạo các trẻ nhỏ người dân tộc Jơrai, Bahnar, Xơdang, muốn họ biết Chúa hơn mọi người khác, để sau khi ra trường, chúng tôi trông cậy vào họ sẽ giúp linh mục chúng tôi, mà đi giảng đạo cho các dân Jơrai, Bahnar, Xơdang” (Luật Hội Các Chú Yao Phu, Kontum 1915, Phần I, I). (5)

Cho đến năm 2006, giáo phận Kon Tum có 244.432 tín hữu, trong đó có 169.580 là dân tộc; 65 linh mục; 352 tu sĩ; 1.210 Yao phu; 48 địa sở, 81 nhà thờ và 276 nhà nguyện.

Do số tín hữu ngày càng đông, nên một vấn đề quan trọng là đào tạo Yao Phu để đáp ứng nhu cầu truyền giáo. Tính đến thời điểm này số Yao Phu xuất thân từ Trường Cuénot còn lại rất ít. Hầu hết các Yao Phu xuất thân từ làng.

Năm 2008, giáo phận Kon Tum mừng Năm Thánh – Kỷ Niệm 100 Năm Thành Lập Trường Đào Tạo Yao Phu Cuénot. Nguyện xin Thiên Chúa đổ đầy Thần Khí của Ngài xuống trên giáo phận Kon Tum, cách riêng cho Hội Yao Phu để giáo phận có thể đón nhận một mùa xuân mới, một sức sống mới từ Năm Thánh Yao Phu này. (6)

Hội Dòng Ảnh Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ

Dòng “Ảnh phép lạ” bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa đối với người dân tộc tại giáo phận Kon tum. Hội dòng được chuẩn bị từ lâu, được Tòa Thánh chuẩn nhận ngày 03.02.1947 và được Đức giám mục Jean Liévin Sion Khâm công bố thành lập vào ngày 03.04.1947. Danh xưng của dòng là “Filles de la Médaille Mira Culese – Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội” hay được gọi là “Ảnh Phép Lạ” được mừng kính 27/11.

ảnh 01


Dòng “Ảnh Phép Lạ” là danh xưng của Hội Dòng Nữ Tu người dân tộc phục vụ cho anh chị em dân tộc Tây Nguyên, còn là lời khẩn cầu của các vị chủ chăn giáo phận. Xin Mẹ Maria biến đổi những người cư dân còn mê tín dị đoan, lạc hậu này được sống văn minh tiến bộ và thành con của Chúa, biết yêu thương phục vụ lẫn nhau.

Mục đích của Hội Dòng “Ảnh Phép Lạ” là tạo điều kiện cho các thiếu nữ công giáo người dân tộc đạt đến một đời sống tu sĩ chân thật trong khung cảnh thích hợp với tâm tính của họ.

Linh đạo của hội dòng là “Truyền Giáo Trong Đức Ái”.

Các chị em Ảnh Phép Lạ đặc biệt nhấn mạnh đến giáo dục giới trẻ và hiền mẫu. Đối với phong tục tập quán của người dân tộc, vai trò của người đàn bà rất quan trọng (tập tục theo mẫu hệ) họ chính là trụ cột trong gia đình. Bởi vậy, người mẹ có trách nhiệm dạy dỗ con cái nên người. Vì “hạt giống tốt sẽ có những hoa trái tốt”.

Sức năng động và sự sống còn của Hội Dòng là Truyền Giáo. Việc truyền giáo là mục đích thứ hai của Hội Dòng. Trong bản báo cáo của Hội Dòng trình cho Toà Thánh tại Việt Nam ngày 10 tháng 6 năm 1971 cũng nhấn mạnh điểm truyền giáo như mục đích chuyên biệt của Hội Dòng: “Các công tác bác ái và nói cách khái quát, việc phụ giúp các công việc truyền giáo là mục đích chuyên biệt của Hội Dòng” (số 18). (7)

Tính đến năm 2018, Hội Dòng có 174 tu sĩ.

Chuyến “Hành Trình Khám Phá Đại Ngàn Măng Đen Cùng Nam Dược”, đoàn chúng tôi có khoảng 60 người. Có lẽ tôi là người duy nhất có đạo. Nhưng một khi lên Kon Tum nhiều người đến kính viếng Đức Mẹ Măng Đen, như tìm về với cội nguồn bình an, với người Mẹ hiền của mình để tìm sự che chở và an ủi trên con đường lữ thứ. Đến Kon Tum, nhiều người cũng tìm đến ngôi Nhà Thờ Gỗ để chiêm ngưỡng thánh đường bằng gỗ “trăm năm”, đã “trơ gan cùng tuế nguyệt”, cùng chiêm ngưỡng hoa văn tôn giáo đã mang đến cho con người bản địa sự văn minh, phục vụ và yêu thương của người con Chúa.

Không chỉ khi đến Kon Tum chúng ta mới đến với Đức Mẹ Sầu Bi Măng Đen hay đến với thánh đường Nhà Thờ Gỗ, mà ngay tại mỗi giáo xứ, họ đạo của chúng ta cũng có tượng đài Đức Mẹ Maria và Thánh Đường thân yêu của mình.

Tôi có đến với Mẹ Maria không? Tôi đến với Mẹ Maria với những tâm tình nào?

Tôi đến với Chúa Giêsu trong thánh lễ với tâm tình nào? Tôi đến với Chúa Giêsu Thánh Thể với lòng mến yêu thế nào?

Một ngày, Thiên Chúa ban cho chúng ta 24 giờ, hay 1440 phút, hay 86.400 giây. Tôi đã dành cho Chúa được bao nhiêu giây trong một ngày? Đó chính là thước đo lòng yêu mến của ta với Chúa!

Nguyễn Thái Hùng
4.2024

 

+++++++
1. https://gpkontum.wordpress.com/wp-content/uploads/2014/11/nien-giam-2014-gp-kontum-2015-goi.pdf
2. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/gp-kontum-31463
3. https://giaophankontum.com/gioi-thieu-ve-duc-me-mang-den
4. https://vi.wikipedia.org/ Nhà_thờ_chính_tòa_Kon_Tum
5. https://gpkontum.wordpress.com/ 2011/02/20/kỷ-yếu-nam-thanh-yao-phu/
6. https://giaophankontum.com/muc-vu/van-hoa-lich-su/luoc-su-truong-yao-phu-cuenot-va-hoi-yao-phu-giao-phan-kon-tum
7. https://gpkontum.wordpress.com/2011/06/18/3041/

 Tags: Kon Tum, Măng Đen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây