Chiêm tinh, đạo sỹ
Câu chuyện ba nhà chiêm tinh hay đạo sỹ, gợi lên một hình tượng của những con người thời nay đi tìm kiếm sự khôn ngoan của trần thế và của Thiên Chúa.
Ngành chiêm tinh học đã có từ lâu đời, từ thời nền văn hóa Maya, Hindu, Trung Hoa. Khoa học chiêm tinh cho biết những phán đoán về tương lai, những sự kiện sẽ diễn ra theo sự xuất hiện chòm sao, có liên quan đến vận mệnh thế giới và cá nhân. Dương lịch đặt tên cho các chòm sao mỗi tháng trong năm là cung hoàng đạo, Âm lịch gọi là 12 con giáp.
Có hai ý nghĩa về các nhà chiêm tinh: Ngoài những nhà chiêm tinh nghiên cứu cẩn thận, có những nhà chiêm tinh hành nghề phù thủy. Họ nhờ quyền thần nào đó quyến rũ, mê hoặc người khác bằng ma thuật. Tại đảo Kipro, Thánh Phaolô, đã được quan tổng trấn mời Barnaba và Phaolô đến, nhưng tay đạo sỹ giả kia: “Người (đạo sỹ giả) phù thủy ấy, tên Hy-lạp là Êlyma, chống lại hai ông và tìm cách ngăn cản tổng trấn tin Chúa. Bấy giờ ông Saolô, cũng gọi là Phaolô, được đầy Thánh Thần, nhìn thẳng vào người phù thuỷ, và nói: "Hỡi kẻ đầy mọi thứ mưu mô và mọi trò xảo trá, hỡi con cái ma quỷ và kẻ thù của tất cả những gì là công chính, ngươi không bỏ thói bẻ cong những đường lối ngay thẳng của Chúa sao? “ (TDCV 13, 6 -12). Đạo sỹ giả thời nào cũng có, luôn ngăn cản và xúi giục người khác bỏ Chúa, không tin vào Chúa.
Ba nhà đạo sỹ nhờ ngôi sao lạ mọc ở Phương Đông, lên đường theo ánh sao đi tìm gặp Chúa mới sinh. Họ là những người sở hữu tri thức và hiểu biết về tôn giáo. Theo Đức Thánh Cha Benedicto XVI: “Chúng ta có thể đưa ra nhiều khía cạnh khác nhau, chứng tỏ ngôi sao lạ thường này mang một thông điệp của niềm hy vọng. Nhưng những ai có khả năng lên đường tìm kiếm là những người có ưu tư nội tâm, những con người của niềm hy vọng, tìm kiếm ngôi sao đích thực của ơn cứu độ. Những con người được Matthew đề cập không chỉ là những nhà thiên văn. Họ là những người khôn ngoan đại diện cho tất cả những ai đi vào trong sâu thẳm tâm hồn, vượt qua chính mình, mang chiều kích tôn giáo nội tại. Họ là những tâm hồn tìm kiếm chân lý, tìm kiếm Thiên Chúa chân thật và cũng là những triết gia theo nghĩa nguyên thủy của hạn từ này.” (Thời thơ ấu của Đức Giêsu Nazareth, Benedicto XVI, Chuyển ngữ F.x Phạm Đình Phước SDB).
Khoa học chân chính là một khoa học tìm gặp được Thiên Chúa. Nhờ hiểu biết thiên nhiên người ta có thể gặp Đấng tạo dựng nên muôn loài, muôn vật. Khác với những nhà tôn giáo khác là tôn thờ thần mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao…Hoặc với những người vô thần, chẳng tin có Đấng quyền năng nào, chỉ do ngẫu nhiên hình thành mọi sự.
Về ngôi sao chỉ đường đã mất hút khi họ đến Giêrusalem. Ngôi sao chỉ đường vừa là ngôi sao trên bầu trời, vừa là Lời Chúa trong Kinh Thánh như các kinh sư lấy Lời Chúa ra chỉ dẫn cho các nhà đạo sỹ: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta" (Mt 2, 6 – Mk 5, 1). Cuối cùng ngôi sao chính là hài nhi mới sinh là Chúa Giêsu trong máng cỏ.
Lễ vật dâng Chúa là lòng tin, cậy, mến, tượng trưng vàng, mộc dược, nhũ hương. Đó là kết quả của cuộc tìm gặp Chúa mỗi ngày như những nhà đạo sỹ khôn ngoan, lòng đạo thấm sâu.
Xin Chúa dạy chúng con biết tìm kiếm Chúa khi chúng con học hỏi những kiến thức trong đời, vừa để sinh sống đời này vừa được sống đời sau.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan