TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giuđa và Trách Nhiệm

Thứ sáu - 07/05/2021 19:02 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1049
judas iscariot1[1]
judas iscariot1[1]

Giuđa và Trách Nhiệm

Anh Giuđa bán Chúa, có nhiều vấn đề tìm hiểu về anh dưới nhiều góc cạnh của cuộc sống. Vấn đề của ngày hôm nay, trong xã hội nhiều cái xấu xảy ra, người ta đi tìm câu trả lời về các nguyên nhân; nhưng vấn đề vẫn nhức nhối nhất, ai chịu trách nhiệm? Dường như trách nhiệm vẫn là một điều bỏ ngỏ.

Cách thức tìm lợi nhuận của Giuđa.

Có lẽ ban đầu, Giuđa tìm kiếm lợi nhuận bằng cách bán Chúa, không chỉ là ba mươi đồng bạc. Giuđa muốn đi tìm một câu kết lợi ích của mình với các nhà cầm quyền.

Điều này có thể suy luận từ bốn sách Phúc Âm. Tên của anh Giuđa được nhắc tới không dưới mười lần, anh là người giữ tiền của nhóm mười hai, là người tháo vát lo công việc kinh tài cho nhóm. Anh luôn so sánh cái được và cái mất khi bỏ tiền ra (Xem Ga 12, 1- 8).

Việc bán Chúa nhằm một mục đích khác. Một mặt giống như những môn đệ khác được ngồi chỗ nhất trong vương quyền; nhưng khác một điểm, khi quản lý một nhóm nhỏ chỉ tư túi được ít so với một thủ quỹ của một vương quốc. Nếu Chúa làm vua thì khả năng kinh tài và kiếm chác của anh sẽ rất lớn. Người ta thường nói: “đa kim ngân, phá luật lệ”, kẻ nắm tiền người đó nắm quyền. Một thứ tư duy lợi ích đã thấm vào trong máu người quản lý Giuđa.

Nắm bắt thời cơ.

Bán Chúa trở thành một phương tiện thúc đẩy Chúa phải ra tay để nắm lấy chính quyền. Thời cơ anh thấy trước mắt, anh chứng kiến cảnh từng vạn người từ khắp nơi đổ về thủ đô, để tung hô đón Thầy. Họ tôn vinh Thầy là vua (Mt 24,8-10). Anh thấy Thầy mạnh tay đuổi những kẻ buôn bán khỏi đền thờ (Mt 21,12-13). Người tỏ mình là Đấng cứu dân (Mt 21,14-17).

Ráp nối giữa kẻ mua và kẻ bán như người ta hay nói trong thuật ngữ kinh tế “cung và cầu”. Một số lãnh đạo đang tìm bắt Chúa để tiêu diệt, một kẻ đang tìm cớ để Chúa ra tay, tiêu diệt cường quyền nắm lấy ngôi vua. Gặp gỡ chớp nhoáng và thỏa thuận hợp đồng. Kẻ chỉ điểm bằng nụ hôn và kẻ bắt giết làm thành kịch bản hoàn hảo. Như bản hợp đồng có lợi hai bên: “Cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không ai còn nhớ đến tên tuổi nó nữa.” (Gr 11, 19 - 20)

Đổ bể.

Cứ tưởng mọi người sẽ không biết việc câu kết để tìm lợi ích riêng tư. Chúa đã cảnh cáo Giuđa trong dự định âm thầm của mình (Lc 22, 22). Nhóm tông đồ tìm xem là ai và ai cũng hỏi lại, có phải mình chăng? Ngay cả Giuđa cũng hỏi để mọi người không nhận ra âm mưu của mình, nhưng Chúa cũng nói ngay về Giuđa giữa cộng đoàn môn đệ: “chính anh nói đó” (Mt 26, 25). Chúa Giêsu xác định về Giuđa, kẻ sẽ nộp Thầy, các môn đệ khác lúc này cũng chưa hiểu chuyện nộp con người là chuyện gì? Trong cuộc đời cũng thế đấy, lẫn lộn thật giả, kẻ câu kết lợi ích cá nhân với tập thể, không biết đâu mà lần. Len lỏi giữa tập thể và cá nhân không minh bạch, chẳng thể kiểm soát được những kẻ cơ hội kiếm chác. Lợi dụng tập thể nhóm để len lỏi tội ác cũng dễ bề che giấu. Chuyện đổ bể của Giuđa, bởi Chúa đã biết nhưng vẫn còn cách che giấu. Anh đã tránh đi cuộc họp mặt ngay lúc ấy, để mọi người không để ý và tra hỏi nội dung bán nộp ấy là gì? Cách đó cũng giống như một người không thể trả lời câu chuyện đã đổ bể với các nhà báo đang phỏng vấn, bỏ cuộc họp ra ngoài.

Trách nhiệm.

Cuối cùng, vấn đề trách nhiệm cũng là vấn đề không thể né tránh. Chúa Giêsu bị bắt, Người không phản kháng như dự liệu của Giuđa. Giống như người bán đứng những cây còn xanh tưởng rằng, ai cũng nghĩ cây xanh kia đã mục rỗng cần thay thế. Không như dự định, câu chuyện đi theo hướng khác. Mọi người biết và lên tiếng, anh Giuđa nhận ra sai lầm của mình và cần tìm ai để đổ trách nhiệm. Là Philatô, người có quyền còn có “miệng nhà quan có gang có thép” đổ tội cho người khác, chứ Giuđa một mình anh đi với nhóm đặc quyền đặc lợi, họ chỉ biết quyền lợi thôi chứ còn lương tâm của anh, mặc anh.

Anh Giuđa còn lương tâm nhận ra tội lỗi của mình, còn biết xấu hổ với việc mình làm, trốn tránh với mọi người vì mặc cảm tội lỗi. Anh cũng còn liêm sỉ không đứng chung vào hàng ngũ những người đặc quyền, đặc lợi, để la to lên án người vô tội trở thành kẻ có tội, chết thay cho họ. Kẻ la to bao giờ cũng chiến thắng hơn với những người thật thà thường hay im lặng chịu đựng. Buồn quá!

Tiếc cho anh Giuđa, vì mặc cảm tội lỗi quá lớn, anh không còn nhìn thấy ánh mắt nhân từ của Chúa, anh cứ theo cách thế trốn chạy của mình là tự tử. Có cách đối diện với sự thật là nhận trách nhiệm về mình, tự thú những sai lầm với các bạn trong nhóm, hòa cùng với những người đã sai lỗi, không phải để bao che lẫn nhau mà cùng nhau nhận trách nhiệm với công chúng. Cần thiết thì đền bù và rút lui nhường chỗ cho người khác tài giỏi hơn. Cũng giống các môn đệ khác rút lui về nhà, trở lại vườn rau, nghề biển, thấy không còn xứng đáng là môn đệ của Chúa nữa. Nếu Chúa còn tín nhiệm gọi về để làm việc tiếp thì lại ra công cố gắng: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32).

Người được tín nhiệm không phải là người không bao giờ mắc lỗi, không phải là những người hoàn toàn trong sạch, cũng chẳng phải là những người hoàn toàn không có những lợi ích cá nhân. Người được tín nhiệm là người luôn nhận ra trách nhiệm của mình, nỗ lực để hoàn thiện cá nhân và tập thể lãnh đạo của mình. Thiết tha với sứ vụ cho mọi người, vì mọi người. Như Phêrô khi đã trở lại với sứ vụ Tông Đồ trưởng đã thưa: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa” để thi hành việc Chúa trao là “chăm sóc đoàn chiên của Thấy” (Xem Ga 21, 17).

Xin Chúa ban cho chúng con những người lãnh đạo biết nhận trách nhiệm của mình, sẵn sàng sửa sai để hoàn thiện và nhiệt thành phụng sự đồng bào trong công bình và bác ái.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây